Trang viết đầu tay
Chuyện kể sau mười năm
16:18 | 04/03/2015

LÊ HÙNG VỌNG

Đến lúc cô tình nhân thứ tư chia tay anh chàng kỹ sư Tân không một lời từ giã thì tiếng tăm của anh ta trong giới chị em ở đây đã nổi như cồn.

Chuyện kể sau mười năm
Minh họa: Nguyễn Tuấn

Ở cái thị xã cao nguyên bé nhỏ với vài ba trăm nóc nhà vừa tư gia vừa cơ quan Nhà nước nầy hầu như ai cũng biết mặt nhau. Thế cho nên ngoại trừ những chuyện "đại sự" của các ông lớn hàng huyện hàng tỉnh, đẹp và không đẹp, cần phải bí mật để "bảo vệ nội bộ", còn ra chẳng ai giấu giếm ai được việc gì. Chỉ cần dăm phút sáng sớm ghé quán cà phê bà Tư Béo, người ta đủ rõ hết mọi chuyện trên đời. Chính ở nơi đó cách đây vài hôm khách hàng đã râm ran thú vị với câu chuyện về anh Hai Hòa nhân viên công ty vật tư huyện. Nghe nói là để giải quyết một công việc riêng tư gì đó có liên hệ đến một người thứ ba là vợ của anh ta, Hai Hòa đã rủ rê vị thủ trưởng của mình vào quán. Sau dăm lần cụng ly trăm phần trăm, anh Hai Hòa nầy đã xuống tay bóp "dế" vị thủ trưởng của mình đến độ ngất xỉu ngay tại hiện trường quán nhậu.

Thế giới của chị em thì ít ồn ào hơn, nhưng không kém phần âm ỉ, bởi công việc của họ phần lớn đòi hỏi sự quen tay, còn mồm thì để rảnh không? Tai hại chết người cho anh hoàng kỹ sư Tân đẹp trai là ở chỗ đó, bởi vì ở một nơi được miêu tả như trên, "dang dở" vài lần coi đã không được con mắt. Chưa hề thấy ai như anh ta, mới ba năm đã "tổng kết" được sáu mối tình... Nếu lấy cái khoảng thời gian ba năm, tức là tính từ thời điểm anh ta được cử làm tổ trưởng tổ điều tra rừng cho đến lúc bấy giờ, chia đều cho sáu cô, không kể các khoảng giữa khi cô nầy ra đi và cô kia điền vào chỗ trống, bình quân mỗi cô đã đi lại với anh ta chưa tới nửa năm... Dĩ nhiên tức là mức độ yêu đương của mỗi cô đối với anh ta cũng khác nhau. Chịu đựng kém cỏi nhất là cô tình nhân nặng gần sáu chục ký bán cửa hàng công nghệ phẩm, trên dưới một trăm ngày đêm. Trường kỳ nhất phải kể đến cô dược sĩ cao cấp ở cửa hàng dược, một năm ba tháng rưỡi. Ngoài ra, cô sau nầy còn quan niệm ái tình theo kiểu lãng mạn, yêu là "cho" hết, nên sau khi "cắt" quan hệ với chàng kỹ sư, cô đã gửi luôn cái hộ khẩu thường trú lại cho xứ sở đất đỏ ấy, bỏ về thành phố Hồ Chí Minh.

Sau đó đến lượt chị em phản công... Chị em đã không chịu bó tay ngồi nhìn anh chàng Tân ấy tác oai tác quái. Một chiến dịch bán công khai đã được hầu hết chị em tham gia, bằng cách mỗi người góp một... cái miệng, nhằm triệt hạ gã đàn ông đốn mạt. Thế là đúng một tuần lễ sau khi cô dược sĩ cao cấp ra đi, ở tại thị xã ấy, cô A đã rỉ tai cô B, cô B nói nhỏ với cô C... đến cô Z thì chung quanh anh chàng kỹ sư ấy đã có những giai thoại hẳn hòi. Rằng trong ba năm vừa qua, để phục vụ cho sự nghiệp ái tình, anh chàng Tân đã sử dụng hai chục ram giấy pơluya đủ màu xanh đỏ tím vàng, một trăm linh ba cây bút bi, và một số (chưa xác minh được là bao nhiêu) tờ giấy than để sản xuất hàng loạt những bức thư tình trong đó dùng các đại từ "em" hoặc "cô" hoặc "người đẹp" thay vì những danh từ riêng Kim, Mai, Lan, Huệ... Ngoài ra còn một nguồn tin không chính xác mà mỗi khi phổ biến chị em phải lập nghiêm, pha chút e lệ, che miệng mà nói nhỏ vào tai nhau, rằng "sáu cô" ấy "chạy làng" là phải thôi... Và mấy cô cùng đỏ mặt lên, đấm vào lưng nhau mà cười khúc khích...

Sơ kết đợt một cuộc công kích của chị em, kỹ sư Tân đã được tặng một số danh hiệu từ "Họ Sở", "Dân thợ Mõ" đến "Mặt Mo"... Với một loạt thành tích và danh hiệu như vậy, bạn bè anh ta đã có lúc đùa bỡn rằng, nếu anh ta không khôn hồn xin thuyên chuyển đến một lâm trường xa xôi nào khác, e khó mà giải quyết được tình trạng độc thân.

Cũng may là ở tại lâm trường anh ta đang công tác, cũng có một vài thành phần "cấp tiến", có quan niệm luyến ái cởi mở hơn, chặc lưỡi mà phán "cũng bình thường!". Cũng có người còn có cảm tình, tìm lời biện bạch cho cái sự suy đồi đạo đức của anh ta. Nhưng suy ra thì cái sự cảm tình đối với anh của một thiểu số ấy cũng dễ hiểu. Ngoài khuyết điểm về vấn đề trai gái, họ thấy rằng tính tình anh ta cũng hiền. Cái hiền thứ nhất thể hiện trong những lần chia chác các thứ như phụ tùng xe đạp, thực phẩm viện trợ, cũi bắp, bìa cành ngọn vân vân. Người ta hay "quên" phần của anh, và anh không hề cáu vì chuyện ấy. Cái hiền thứ hai là ở chỗ đối với anh em trong cơ quan anh thường xử sự theo kiểu "sướng chi chìu nấy", có nghĩa rằng nếu một ông trưởng ông phó gì đó bình sinh vẫn có tinh thần mánh - mung - chôm - chĩa, đến hôm sơ kết, tổng kết bỗng trở thành khiêm tốn, tự nhận rằng mình chỉ đủ tiêu chuẩn đạt "chiến sĩ thi đua", thì anh chàng Tân ấy cũng chỉ tủm tỉm cười, (tủm tỉm thôi chứ không phải cười xòa ra một cái như kiểu thằng Bờm được xôi) rồi đưa tay biểu quyết cho đương sự đạt được hạnh phúc.

Nhưng còn về phía tập thể lại khác. Nếu có người thương anh mười phần đi nữa, người ta cũng chỉ để trong bụng. Nguyên tắc phải đặt lên hàng đầu. Phải nêu cao tinh thần "làm chủ tập thể"... ấy vậy cho nên mặc dầu là kỹ sư giỏi - có người còn cho rằng "ở tại cái sở lâm nghiệp này "đếch" có thằng nào chuyên môn vững vàng như nó" - rốt cục anh cũng chẳng đạt được một danh hiệu nào ráo trọi. Thành tích về chuyện "trai gái" - trong biên bản xét thi đua ghi "quan hệ nam nữ" - nó hại anh. Hai năm liền bị gạt khỏi "chiến sĩ thi đua", và vào năm cao điểm ái tình của chàng người ta đã cắt luôn "lao động tiên tiến".

Thế mà anh ta vẫn cứ tỉnh bơ như khùng. Giữa những điều ong tiếng ve kia anh ta vẫn cứ đi về, ăn ngủ, người lại có khuynh hướng ngày càng béo tốt phương phi. Buổi chiều rỗi rảnh anh ta còn dám mang cái mặt cơng - cơng - như kẻ - tiểu - nhơn - lúc - đắc - chí ấy mà đi chơi phố. Thật đúng là một con người dũng cảm! Chàng ta la cà chỗ mấy hiệu sách, đọc "cọp" hết cuốn nầy đến cuốn khác mặc cho cái sự lườm nguýt dài thườn thượt của mấy cô mậu dịch viên.

Có điều đặc biệt nữa là anh ta quá yêu nghề, yêu rừng. Anh ta lầm lũi đi rừng hết đợt này đến đợt khác, mỗi đợt đi kéo dài cả chục ngày, nửa tháng, về nghỉ vài hôm anh ta vẽ viết nhằng nhịt gì đó, đem nộp, rồi lại đi...

Ở trong rừng miết thành quen, cơ thể anh ta đã trở thành dị ứng với những phòng họp đầy khí cacbônic. Thế là anh ta sinh bệnh, một chứng bệnh kỳ lạ, hễ vào buổi họp là anh ta buồn ngủ. Căn bệnh lạ lùng ấy ban đầu làm một số người ngạc nhiên, bực mình, sau thành quen. Cứ sau khi một bộ mặt nào đó sắm vẻ trịnh trọng giới thiệu thành phần tham dự và phần tuyên bố lý do buổi họp còn chưa xong, đã thấy anh ta ngồi kê một chân lên ghế phía trước, hai tay vòng trên đầu gối, đầu ngoẻo sang một bên trên vòng tay ấy: ngủ. Có khi cảm thấy trong người khỏe khoắn, anh ta còn cao hứng: ngáy. Việc ấy thường xảy ra trong các buổi họp kéo dài và căng thẳng như xét nâng lương, phê bình đảng viên.

Rồi một hôm trong giấc ngủ lạ lùng ấy đã xảy ra sự cố. Căn bệnh buồn ngủ đã lây lan ra những người chung quanh. Đó là vào thời kỳ cao điểm khi các thành viên dự họp nhận ra rằng cái giá trị kèm theo của tờ giấy khen không bằng một phần tư miếng lạp xưởng. Ông thư ký công đoàn ngồi bên cạnh anh ta trong buổi giao ban hôm ấy cũng ở trong tình trạng nửa thức nửa ngủ. Nhưng nhờ có sẵn trong người một tinh thần công chức di truyền từ thời ông cụ nội, nên anh thư ký công đoàn đã cố ngậm miệng trợn mắt, chận đứng một cái ngáp không đúng nơi đúng lúc, dễ làm ảnh hưởng đến con đường hoạn lộ của mình... Nhưng ít ra cũng phải vung chân một cái cho nó dãn gân cốt. Và thế là chân giày xăng đan của anh ta thúc vào mắt cá chân của anh chàng Tân ngủ gật. Anh chàng này giật bắn người lên, rung cả ghế. Thế là tất cả thành viên trong buổi họp, kể cả ban giám đốc bộ tứ ăn chia, các trưởng phó phòng đều nhất loạt quay về phía chiếc ghế vừa rung lên một tiếng kỳ lạ ấy. Vốn giỏi đối phó viên thư ký công đoàn đã tìm được cách gỡ bí. Anh ta nhanh nhẩu:

- Dậy đi đồng chí tổ trưởng.

Kỹ sư Tân ngẩng đầu dậy, mặt ngái ngủ, nheo mắt nhìn viên thư ký công đoàn.

- Để làm gì?

- Để... cưới vợ!

- Ra chừng bực dọc vì bị quấy rầy kỹ sư Tân vặn lại:

- Cưới vợ để làm con mẹ gì?

- Để... làm "chuyện ấy" - Viên chức Công Đoàn cười ý nhị.

Kỹ sư Tân càng cáu:

- Nếu không cưới vợ, vẫn làm được "chuyện ấy" thì sao?

Thế là kỹ sư Tân đã vô tình mắc bẫy, thư ký công đoàn chồm lên:

- Thì đấy, cả huyện cả tỉnh người ta đang lên án anh đấy. Lâm trường cũng đang mang tai chịu tiếng vì anh đấy: quan hệ lung tung.

Như bị đụng chạm vào vết thương sâu kín, kỹ sư Tân xô ghế đứng dậy. Trưởng phòng kế hoạch kéo lại nhưng anh ta vẫn chỉ vào mặt viên chức công đoàn:

- Anh là con bò, không hiểu con mẹ gì cả... Tôi nói cho anh biết, lỗi ấy đâu phải tại tôi (anh ta cười khẩy, chỉ ngón tay vào mặt mình). Lỗi là do cái mặt đẹp trai của tôi đây.... là do cái thằng ngụy hồi đó nó bắn dở ẹt, chớ nó mà nhích nòng súng lên chút nữa, cho tôi một cái sẹo vô mặt, là coi như "êm" rồi... Tôi mà tóm được cái thằng ngụy ấy à nhé - giọng anh ta đanh hẳn lại - tôi "thịt" nó ngay, thịt ngay chớ không có khoan hồng, cải tạo theo cái kiểu hữu khuynh của các anh.

Viên chức công đoàn vừa sợ cái dáng hùng hổ của anh ta, vừa đuối lý, ngồi im...

***

Đến tháng thứ năm kể từ khi cô dược sĩ cao cấp giã từ không hề tuyên bố lý do, sau khi bị một loạt những trận cuồng phong công kích, bêu xấu... kỹ sư Tân vẫn chưa được buông tha. Dư luận vẫn truy đuổi anh, kiên trì và ác nghiệt như một con mẹ phù thủy không có khái niệm về tinh thần thượng võ. Rồi một hôm trong lúc anh chàng kỹ sư ấy còn ở rừng sâu, người ta đã dán vào cánh cửa phòng đóng im ỉm của anh một tờ "bố cáo" lớn bằng nửa tờ báo hàng ngày. Tờ bố cáo viết chữ to như quả nắm đấm, phía trên có vẽ bốn bàn chân xếp thành hàng ngang, hai chân phía ngoài chĩa lên trời, hai chân ở giữa chống xuống đất, phía dưới có nội dung như sau:

BỐ CÁO TÌM NGƯỜI YÊU

Kỹ sư lâm nghiệp tuổi độ 35. Sở thích: mỳ ốp la, cà phê sữa buổi sáng; phở tái buổi chiều. Mong đặt quan hệ với chị em ở mọi lứa tuổi. Nếu hợp có thể tiến tới luôn. Ưu tiên dành cho chị em trong các ngành lưu thông phân phối. Xin liên hệ ở đây.

Ký tên: Mặt Mo


"Bố cáo tìm người yêu" tức là "bố cáo về 4 bàn chân" ấy xuất hiện đúng một tuần trước khi ông giám đốc tình cờ trông thấy. Trước hết là ông thưởng thức tranh, vâng, ông ngắm bức tranh "4 bàn chân". Không hiểu con mẹ gì cả. Kế đó ông mới đọc bố cáo, đọc không cần mang gương. Sau đó ông nhíu mày, suy nghĩ, và ông chợt nhớ ra rằng anh chàng thương binh loại 2 này đã ngủ rất ngoan vào cái hôm ông tiến hành "phê và tự phê" ban giám đốc trước toàn thể cán bộ công nhân viên lâm trường theo chỉ thị số hai trăm linh bảy. Thế là ông phán ngay tức thì, "đây là một âm mưu hạ uy tín cán bộ". Ông ghé ngang phòng tổ chức: "Điện ngay cho công an, một âm mưu của địch nhằm phá hoại sản xuất". Ông phụ trách tổ chức bèn khẳng định: "của thằng địch!..." rồi chạy tìm ông Đoàn thanh niên. "Cánh tay và đội hậu bị" của... ông giám đốc cũng được huy động vào việc truy tìm thủ phạm, nếu không phải chịu hoàn toàn trách nhiệm... Chẳng bao lâu sau đó "bọn xấu" đã đưa tin này ra quán bà Tư Béo. Thiên hạ bàn tán dữ...

Rất dại dột cho anh chàng Tân là lại trở về lâm trường ngay mấy hôm sau. Lần này anh ta trở về như một hiệp sĩ chiến bại, bị lột hết áo mão gươm đao. Trông anh ta xuội xị, như con gà mắc toi ủ rủ. Mụ phù thủy không có khái niệm về tinh thần thượng võ với đồng minh là hàng triệu triệu con ký sinh trùng mang bệnh đã hiệp đồng nhằm triệt hạ anh ta... Kỹ sư Tân nằm dán vào chiếc chiếu, hốc hác, tàn tạ. Một ngày ba bốn cơn nóng lạnh làm cho anh ta nóng hâm hấp rồi lại run bần bật. Trong căn phòng bé như cái hộp diêm, anh ta nằm lăn qua trở về như một con giun bị xéo... Ông giám đốc đến thăm đầu tiên cùng với hai lọ thuốc bổ và một chục trứng gà. Đoàn Thanh niên, người đã không tìm ra tác giả của "bố cáo về 4 bàn chân" đành phải tóm lấy hộp sữa "Ông thọ" cùng với nải chuối, đến tạ tội. Chỉ có cô cấp dưỡng chưa chồng đều đặn đến thăm anh ta mỗi ngày hai bận cùng với tô cháo gạo còn sừng sực. Cô ta đặt tô cháo đánh "cạch" xuống bàn rồi ù chạy như bị ma đuổi. Chị em thích chí cười ầm lên, bấm béo nhau, đùa bỡn: "Đáng đời thằng cha lừa lọc, cho biết thế nào là lễ độ".

Giữa lúc tiếng đùa bỡn của chị em vang lên theo từng trận cười không dứt, và anh ta đang khát nước, lăn qua trở về như một con giun bị xéo, thì một kẻ nào đó đặt vào tay anh ly nước đá lạnh toát. Tất nhiên là anh ta quay về phía ấy, vồ lấy cái ly nước chanh muối và uống ừng ực. Rồi anh ta mở mắt ra, đúng hơn là giương cặp mắt lờ đờ ra, cố nhận dạng cái con người đã mang cho anh cái chất nước tuyệt vời kia. Anh ta nhấp nháy đôi mắt vì ngạc nhiên, rồi giương to hơn nữa.

- Cô đấy à?

- Vâng, tôi đây, "đồng hương" của anh đây.

Cô gái nhìn anh. Trong ánh mắt của cô, anh ta đọc thấy có tia nhìn của các cô mậu dịch viên quày sách, thêm cả sự nghi hoặc và cả ánh mắt thương hại miễn cưỡng. Đó là sự đánh giá của anh về cái nhìn cô bạn gái; nghe đâu cùng quê với anh, hiện đang dạy học ở ngôi trường cấp 3 gần đó. Cô giáo nghe học trò báo tin "đồng hương" bị ốm, sang thăm. Nhưng anh ta đã đọc thấy cái nhìn đầu tiên thiếu thân thiện, và anh muốn kết thúc cuộc viếng thăm đó:

- Cám ơn cô đã sang thăm!

Anh ta nói và quay người vào vách. Cô giáo nhìn anh ái ngại. Hình như cô chưa muốn một sự kết thúc sớm như thế. Và cô gợi chuyện.

- Ở xứ này anh thật là người nổi đình đám!

Giọng nói của cô đã dịu dàng hơn, đồng thời bàn tay của cô đã đặt trên vầng trán dâm dấp mồ hôi của anh... Người đàn ông đã nằm ngửa, duỗi tay, mắt nhắm lại từ lúc nào. Sau đó một lát anh ta bắt đầu run. Cả người anh, và cả chiếc giường nhỏ cũng run lên bần bật. Cô giáo Hiền bỗng nhìn sững vào khuôn mặt hốc hác với đôi mắt nhắm nghiền của gã. Ở đó, hai giọt nước mắt vừa ứa ra. Cô giật mình rút tay lại và tự hỏi "gã khóc à? Tại sao một thằng chưa to con, "trời đánh không chết" như thế lại khóc được nhỉ?" Rồi trong sâu xa của tâm hồn cô một điều gì như thể sự động lòng làm cô xao xuyến...

Ba hôm sau gã hết bệnh. Đúng hơn là những ly nước chanh muối và những tô mỳ ăn liền dập trứng gà do cô giáo sửa soạn đã giúp gã chóng bình phục. Nhưng hình như gã chưa muốn lành bệnh, gã muốn kéo dài tình trạng ấy. Đến ngày thứ tư, khi cô giáo đặt bàn tay cô lên trán gã, gã đã giữ lấy tay cô và hỏi cô với một giọng xúc động khác thường:

- "Đồng hương " có nghĩa là hôm nào cũng sang cả chứ?

Cô giáo ngạc nhiên và bối rối... Nhưng cô đã không thể rút bàn tay ra được. Rồi không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, cô lại bặm môi mà quả quyết:

- Tất nhiên. Cái đó thì đã tất nhiên.

***

Và cũng tất nhiên sau đó họ yêu nhau, hoặc ít ra là cái số nhân loại ít ỏi ở cái thị xã đất đỏ cảm thấy như thế. Bởi lẽ không có gì cắt nghĩa được cho cái hiện tượng một cô giáo vừa hết hạn tập sự, xuất hiện đều đặn mỗi ngày từ mười sáu giờ đến tối mịt tại phòng riêng của một người đàn ông chưa vợ và sung sức. Có người đã nhẩm tính và kết luận rằng hiện tượng ấy đã trở thành quy luật trong suốt 3 năm qua, ấy chính là khoảng thời gian kể từ khi cô giáo trẻ đặt bàn tay mình lên vầng trán dâm dấp mồ hôi của gã đàn ông, cho đến chiều nay, khi cô giáo đương hăm hở bước đi, chợt dừng lại trên đồi... Trong thế kỷ hai mươi này người ta chỉ cần một phần ba khoảng thời gian trên là đủ cho hai người yêu nhau ngồi với nhau không còn chuyện nói, và cũng chỉ ngần ấy thời gian là vừa đủ để những kẻ không yêu - nhưng lại bị cái tờ giấy đăng ký kết hôn cột chặt lại với nhau - trở thành bực bội, đến nỗi phải to tiếng, dẫn đến thượng cẳng chân hạ cẳng tay rồi lôi nhau ra tòa... Thế mà buổi chiều nay lại là lần đầu tiên trong ba năm sống cho cuộc đời tình ái, cô đã chùn chân ngay giữa đỉnh đồi khi cô chợt thấy sự sai lầm của mình. Điều sai lầm ấy, vừa mới nảy sinh trong đầu, đã đeo riết lấy cô. Nó khiến cô vừa tủi thân vừa xấu hổ. Không, không! Cô có tính toán gì đâu. Tự cô hiểu tận đáy lòng mình rằng cô không phải là kẻ đem tình yêu ra mà cân - đo - đong - đếm... Cho nên, chưa bao giờ cô thấy được trong chuyện tình yêu giữa cô với gã đàn ông hà tiện với cô từng lời nói ấy, có kẻ hơn thua. Cô chỉ biết một điều rất rõ rằng cô yêu gã, yêu gã lắm.

Nhưng đến giây phút này thì cô đã nhận ra sự sai lầm của mình sau khi đã suy nghĩ suốt hai mươi tiếng đồng hồ, kể từ chiều hôm qua, khi gã đàn ông ấy ôm cô, và hôn... thì có phải nhiều nhặn gì cho cam, cô nhớ rõ ràng, cho đến lúc mười tám giờ chiều hôm qua, thì gã đàn ông chỉ mới hôn cô đúng ba lần và mỗi lần hôn kéo dài không quá hai phút. "Đồ bủn xỉn!", cô lầu bầu rủa gã, tức là cô đang rủa cái người đàn ông đã trả giá cho mối tình ba năm nồng nàn và lặng lẽ của cô bằng ba cái hôn kéo dài tổng cộng không đầy sáu phút... Sự uất ức làm hai giọt nước mắt cô ứa ra.

Rồi cô quay sang tự rủa mình dại dột, rồi cô rủa cái sự dại dột của "sáu cô" trước đây đã từng đến với gã đàn ông ấy, rồi cô rủa cả sự dại dột thường tình của nữ giới, và rủa luôn cả...

Sau khi ngồi lại trên đồi, bứt trụi đám cỏ chung quanh mình, cô lại bắt đầu thấy nhớ cái không khí êm đềm trong gian phòng bé như cái hộp diêm ấy. Giờ nầy có lẽ gã đang ngồi ở bàn, chờ đợi bước chân của cô. Dẫu thế nào đi nữa... Cô thấy nhớ gã. Và cuối cùng thì chỉ còn đọng lại cái cảm giác của cái hôn thứ ba mà gã đàn ông đã để lại nơi cô vào chiều hôm qua. Cô cảm thấy như quanh mình cô còn y cái hơi ấm của cơ thể đàn ông và hơi men nồng nàn từ miệng người tình... Rồi cô thắc thỏm tiếc nuối, phải chi gã đừng gỡ tay cô ra sau hai phút ngắn ngủi ấy. Phải chi trong những giây phút ấy gã đừng có lặp đi lặp lại với cô cái câu ngu xuẩn, "Hiền à! cuộc sống của tôi không thể nào mang lại hạnh phúc cho em, quên nhau đi..." Giá mà lúc ấy gã tiếp tục để cho cô sống trong tình trạng huyền ảo không trọng lực, và thổi vào tai cô những lời êm ái, như thế có phải hợp lý hơn không. Cô sẽ sẵn sàng theo gã, theo gã đến tận cùng trời cuối đất... Với suy nghĩ đó, cô gái suýt khóc một mình. Trời ơi! sao anh ta lại không chịu hiểu rằng năm nay cô đã hai mươi tám tuổi, và rằng cô mới yêu lần đầu. Sao gã lại vô tình trước những lời hối thúc của trái tim cô, có phải gã đần độn gì mà không hiểu được lời cô giục giã, "em đã được nâng lên mức lương ba trăm mười, mà như thế cũng đã là chậm một năm rồi đấy".

Suy nghĩ mãi rồi cô cũng phải đứng dậy, xách cà mèn thức ăn đi về phía dãy nhà tập thể lâm trường. Nhưng cô nhất quyết không sang chỗ gã đàn ông ấy. Cô đi thẳng tới một gian nhà tập thể nữ, ở đó cô có một người bạn vui tính được bạn bè đặt cho cái tên là Bao giờ - cũng - cười, và cô bạn tự sửa lại là Ban - ngày - bao - giờ - cũng - cười. Thấy cô giáo đến, cô bạn đã la lên:

- Ê! hôm nay sao đi lộn nhà vậy cô giáo?

Cô giáo Hiền không trả lời ngay mà dí cái cà mèn vào sát mũi cô ta:

- Hôm nay mình đãi cậu.

- Thôi mày... à! Nhưng hôm nay tao xứng đáng được ăn cái món mỳ ăn liền đập hột gà tẩm bổ của mày. Tao báo cho mày một cái tin sốt dẻo - cô gái làm ra vẻ quan trọng, vừa hí hửng, ghé miệng sát tai cô giáo - Thằng cha kỹ sư của mày sắp sửa "đứng vào hàng ngũ…"

- A! A!... Cô giáo chỉ kêu lên được như thế rồi khựng lại, giống như trạng thái ú ớ của một người mê sảng... Một phút sau khi đã định thần trở lại, cô mới ngồi phịch xuống giường. "Sao, mày không vui à?" cô bạn Ban - ngày - bao - giờ - cũng - cười ngạc nhiên hỏi, cô ta hoàn toàn không hiểu sao cô giáo Hiền lại thẩn thờ trước một cái tin như thế.

Thì chính cô giáo cũng đâu có ngờ sự tình nó xoay chuyển ra thế. Một năm rưỡi sau khi cô đặt bàn tay lên cái trán dâm dấp mồ hôi của con bệnh ấy, cô đã tự hào vì việc làm của cô đã thay đổi tâm tính gã. Cô đã sung sướng khi có người cho rằng chính cô đã "cải tạo" được con người ấy, đã làm cho anh ta được "phục hồi nhân phẩm"... Ấy là vì ban thi đua đã không còn có thể viện lý do "quan hệ nam nữ" để cắt danh hiệu thi đua của anh ta được nữa. Anh ta đã giành được "chiến sĩ thi đua", lại còn được đề nghị vào "đội ngũ kế cận" và được tặng cho vào khoảng một trăm cái tên "đao to búa lớn" khác nữa.

Nhưng đến bây giờ thì cô thấy mọi sự hỏng bét. Anh ta đã mụ người đi, đã mê mẫn vì những điều ấy mất rồi.

"Công em đắp nấm trồng chanh...".

cô lại nghĩ đến ba năm cô chăm chút... Không, chính cô, đúng là chính cô cũng đã góp phần tạo nên cái bệnh thích quyền lực nơi con người ấy. Và gã thì đã mê muội nên gần hai năm nay không thèm ngó ngàng gì đến mảnh đất người ta chia cho gã để dựng nhà riêng bên mé sườn đồi.

Phải nói cho gã biết! cô đột nhiên nghĩ ra điều ấy, và cô vụt đứng dậy dưới con mắt của cô bạn Ban - ngày - bao - giờ - cũng - cười đang nhìn cô như nhìn một hiện tượng lạ lùng của thời kỳ quá độ... Cô đi như chạy sang phía gian nhà quen thuộc. Trời đã tối sẩm, mọi nhà đã lên đèn. Gian nhà bé như hộp diêm ấy cũng đã sáng đèn. Gã đàn ông của cô ngồi trên giường ngó mông ra cửa sổ. Sự uất ức làm cho cô ùa vào phòng như một cơn gió:

- Anh là một con lợn!

Gã đàn ông nhìn cô từ đầu đến chân. Có lẽ gã đang ngạc nhiên trước cung cách của người phụ nữ mà gã ngỡ là đã quen thuộc. Một phút sau gã mới thoáng hiểu phần nào, và gã từ tốn đáp:

- Tôi sẽ yêu cô... như một con lợn!

Cô gái gào lên bằng một giọng cố kìm hãm:

- Anh là một con lợn tham lam, một tên cơ hội bẩn thỉu, anh đã phung phí tình yêu của tôi vào những tham vọng của riêng anh... - Cô gái dường như đã hết hơi, giọng đuối dần - Tại sao anh không thấy rằng năm nay tôi đã hai mươi tám và anh cũng đã xấp xỉ bốn mươi...?"

Tất cả ức chế của một tình yêu bị dồn nén đã được cô gái tuôn ra hết. Sau đó cô trở thành eo sèo như một chiếc lốp xe đã xì hết hơi, bẹp dí. Cô không nói thêm gì được nữa, ngồi yên như chính cô là kẻ phạm tội. Người đàn ông bỗng thở dài sau một cái cười khó hiểu và ngoảnh mặt nhìn ra bầu trời bắt đầu lấp lánh sao. Rồi gã nói với cô gái bằng một giọng rất trầm:

- Thế rồi sao? Cô còn dự định yêu tôi nữa không?

Chỉ với một câu nói dịu dàng ấy, gã đàn ông đã biến con người cứng cỏi trước đó mấy phút thành một cô gái hoàn toàn mềm yếu... cô nhào vào người gã, dựa vào vai gã mà thổn thức:

- Có! có! khốn nạn là tôi vẫn cứ yêu anh. Tôi yêu anh hơn tất cả mọi thứ trên đời này - giọng cô trở thành quả quyết - và tôi sẽ theo anh, tôi nhất định theo anh, cho dầu anh có đi tới cái xó xĩnh nào trên trái đất. Tôi nhất quyết không để mất anh...

Người đàn ông vẫn ngồi im sững như pho tượng, mắt nhìn vào khoảng không, gã tiếp tục nói với cô gái với cái giọng trầm lúc nãy:

- Vậy thì nghe tôi nói đây này - Gã vừa nói vừa uể oải đứng dậy tiến về phía cô gái. Đặt một bàn tay nặng trĩu trên vai cô, gã đột ngột thổi tắt ngọn đèn. Căn phòng chìm trong bóng tối... Bản năng của một người phụ nữ đang yêu kéo cô gái về phía người đàn ông. Cô tựa hẳn cả người vào khuôn ngực rộng của gã và nghe tim mình đập rộn ràng. Nhưng gã đàn ông vẫn hoàn toàn tỉnh táo, giọng gã trầm trầm kể chuyện, như thổi vào tai cô, "em biết không, lần ấy tôi bị thương khá nặng". Giọng cô gái bây giờ nhỏ nhẹ - vừa như trêu chọc, vừa như reo, "thương binh loại hai, biết rồi, cứ dọa họ mãi..." Cô ngồi ép vào người gã và thích thú nghe như uống từng lời, từng câu nói mà đã ba năm nay cô cảm thấy quá hiếm hoi nơi người đàn ông này, "thằng ngụy ấy bắn hiểm thiệt. Hai vết thương..." Bỗng dưng cô thấy bàn tay cô, dưới bàn tay gã, đang tiếp xúc với một phần cơ thể của người đàn ông. Cô run lên bần bật... Nhưng bàn tay cô lúc ấy như một hoạt động vô thức, nó ngoan ngoãn đi theo bàn tay của người đàn ông, theo một quán tính huyền bí. Rồi từ đầu những ngón tay ấy, cô nhận được một tín hiệu lạ, một cái gì trơn nhẵn, nhô lên giữa làn da bụng mềm mại. "Đấy! đấy! hai vết thương, em thấy chưa? Chính nó đấy! Tôi đã bị giải phẫu - và bây giờ...". Giọng anh ta trầm hẳn xuống, "không còn..." cô gái vẫn còn ở trong trạng thái mơ màng, khi gã đàn ông buông một câu cuối cùng khốc liệt, "không thể làm được cái việc... sinh con đẻ cái, em hiểu chưa???" Cùng với câu nói ấy, người đàn ông buông bàn tay bỗng dưng lạnh toát của cô. Gã đẩy người cô dịch ra, và đứng lên...

Gã đàn ông bật diêm châm đèn và bước ra khỏi phòng, đứng dựa cột trước hàng hiên. Cô gái giờ đã hiểu ra, ngồi lặng yên với mái tóc rối tung trên bờ vai và đôi mắt im sững hoang dại... cho đến khi người đàn ông cất giọng hát buồn buồn và bước vào bóng đêm thì cô chợt tỉnh với nỗi bất hạnh vô cùng. Gục đầu vào hai bàn tay giá lạnh của chính mình, cô gái òa lên khóc...

27.7.88
L.H.V
(SH34/12-88)







 

Các bài mới
Củi (01/06/2022)
Cô bé câm lặng (19/10/2018)
Các bài đã đăng
Hối (08/10/2012)
Miền mơ tưởng (04/10/2012)