Trang viết đầu tay
Cô bé câm lặng
09:48 | 19/10/2018

LTS: Lê Thị Minh Nghĩa, một nữ sinh mực tím của ph biển Quy Nhơn. Em đã thầm lặng bền bỉ thử bút trên mươi lăm truyện ngắn, với ước mộng tốt nghiệp Phổ thông Trung học, sẽ đầu đơn thi vào Trường Đại học Viết văn Nguyễn Du. SH nồng nhiệt và cảm động giới thiệu "cô bé câm lặng" niềm ước mộng tương lai mà nữ sinh mực tím đang mong muốn thể hiện, nắm bắt...

Cô bé câm lặng

LÊ THỊ MINH NGHĨA

Cô bé câm lặng

Buổi chiều nào cũng vậy, khi nắng đã tắt dần, chúng tôi ôm banh trở về nhà thì cô bé đã đứng bên cửa sổ ở lầu hai nhìn chúng tôi tủm tỉm cười. Sự việc ấy diễn ra đều đặn, và chúng tôi cũng thành một thói quen, cứ ôm banh về là nhìn bên khung cửa sổ ấy, cái cửa sổ có cô bé xinh xắn đang nở nụ cười duyên dáng đón chúng tôi. Cô bé ấy là Mộng Huyền. Cô bé bị câm từ thuở lên ba sau một cơn ốm nặng. Mộng Huyền năm nay mười tuổi. Cô không được đến trường như mọi đứa trẻ khác. Gia đình Huyền có mười chị em. Huyền là con thứ sáu. Mặc dù gia đình đầy đủ nhưng Huyền không tìm thấy một không khí vui vẻ hạnh phúc. Mấy chị của Huyền đều bỏ học, chuyên chạy mánh buôn bán phe phẩy ở chợ trời. Mấy anh cũng lao vào kiếm tiền và ăn chơi, mỗi người một cách làm sao cho đẫy túi, mạnh ai nấy giữ. Cả em Huyền nữa chẳng ai lo cho chúng ăn học. Tối nào cũng vậy, cả nhà ngồi nói toàn chuyện chợ búa, buôn bán la hét ầm ĩ, mạnh ai nấy nói, chỉ có Huyền nín lặng với nỗi buồn chán vô hạn. Huyền thích yêu thương chiều chuộng, được cắp sách tới trường vui đùa với bạn bè, nhưng làm sao có được những điều ít ỏi, bình thường ấy của một đứa trẻ. Cả nhà chẳng ai quan tâm đến Huyền. Ba má Huyền cũng coi Huyền như là của nợ. Chưa một lần Huyền được nhận cái nhìn đằm thắm yêu thương. Cả đứa em út nữa, hình như nó cảm thấy có quyền ăn hiếp, đánh mắng chị. Huyền đau khổ mà không ai trong gia đình biết, Huyền muốn khóc, muốn gào thật to cho đỡ tủi thân tủi phận, nhưng chắc rồi chẳng ai biết đến, kể cả ông chú, Huyền thấy xa lạ như thế nào ấy. Miệng ông lúc nào cũng những điều nhân nghĩa. Tháng tháng, chú đến nhà Huyền vài lần. Vừa đặt người xuống là ông đã thao thao như cái máy, không cần biết gia đình Huyền đã sống ra sao, ông cũng chẳng thèm ngó ngàng đến con bé Huyền tội nghiệp nấp sau cách cửa chờ đón một ánh mắt yêu thương. Hôm nay cũng vậy, ông lại say sưa bất tuyệt. Nào là: Gia đình là một tế bào của xã hội, gia đình tốt, xã hội tốt. Hay: Trẻ em là tương lai xã hội, phải yêu đất nước, yêu đồng bào... Huyền rất buồn và thấy lạ là hình như chú quên mất những điều giảng giải ấy chú đã nói bao nhiêu lần, đến nỗi Huyền đã thuộc từ lâu. Sao ông ấy vẫn hùng hồn say sưa đến thế. Điều mà Huyền mong muốn là bé Huyền đây cháu sống ra sao? cháu muốn nói với chú điều gì... thì không bao giờ có. Có lần, gia đình Huyền mua bán thua lỗ, mọi người mắng nhiếc nhau ầm ĩ dù chú đang có mặt ở đấy. Huyền tưởng chú ra tay hòa giải, phê phán, nhưng không - chú chỉ nói bâng quơ vài câu vô nghĩa rồi bỏ đi. Ra thế đó, chú sinh ra để nói. Huyền chán, chán tất cả. Niềm vui nho nhỏ là những buổi chiều được nhìn các bạn trai đá bóng và những trò đùa nghịch của đám trẻ trong xóm. Bọn chúng tôi mến cô bé ấy lắm. Nhiều lúc chúng tôi rủ cô bé cùng đùa vui, nhưng cô chỉ lắc đầu và cười. Biết Huyền thích học mà không được đến trường, một hôm tôi hỏi:

- Huyền có thích học không?

- Có.

Huyền nói rất nhỏ, tôi ngơ ngác: thì ra Huyền vẫn nói được. Lạ quá tôi hỏi tiếp:

- Thế Huyền đi học ba má Huyền có la không?

- Không.

Chúng tôi ngẩn người vì hàng xóm ai cũng tưởng Huyền bị câm, câm từ lâu rồi.

- Huyền vẫn nói được à?

- Vâng!

Tiếng nói Huyền nhỏ và yếu lắm nhưng nó trong vắt và dễ thương lạ kỳ. Chúng tôi sung sướng đến ngây người. Chúng tôi là người đầu tiên phát hiện ra điều bí ẩn này. Căn bệnh mấy năm về trước chỉ làm Huyền nói nhỏ hơn, nhưng cả nhà không ai biết đến. Huyền vẫn tập nói đều đều trong niềm cô quạnh âm thầm. Đối với Huyền, chẳng ai đáng nói cả vì có ai quan tâm đến Huyền đâu. Dẫu Huyền có nói, cũng chẳng ai nghe. Và, bây giờ Huyền dành tiếng nói trong trẻo ấy cho bọn trẻ chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu ôm sách vở qua nhà Huyền học, Huyền vui lắm, Huyền học rất nhanh và nhớ rất lâu. Chỉ một tháng rưỡi Huyền đã biết ghép vần và làm bốn phép tính đơn giản. Mỗi lần thấy Huyền học được, chúng tôi lại chạy mua cho Huyền món quả nho nhỏ, khi thì một vài viên kẹo, khi một vài trái ô mai. Những lúc ấy mắt Huyền sáng lên, miệng cười trông rất dễ thương. Một hôm Huyền sang nhà tôi chơi, Huyền chợt nói:

- Em rất thích không khí gia đình anh.

Tôi lặng người cảm động. Chúng tôi càng thương yêu Mộng Huyền. Riêng tôi có một tình cảm khác thường hơn các bạn, tôi cưng chiều hơn, mong Huyền bao giờ cũng vui, không bao giờ có giòng nước mắt vương trên đôi má trắng hồng của Huyền. Chúng tôi coi Mộng Huyền là em út, ngược lại Mộng Huyền coi chúng tôi như ruột thịt, không dấu diếm một điều nhỏ. Về nhà, Huyền vẫn nín lặng, xa lánh mọi người, Huyền thui thủi một mình.

Một hôm ba Huyền đánh bạc thua. Ông cạy tủ của má Huyền. Tối, má Huyền về kêu khóc, đay nghiến chồng. Bà còn định đưa tay tát vào mặt ông. Anh chị thấy vậy, quay mặt, miệng bàn chuyện làm ăn khôn dại. Huyền nhìn thấy cảnh đó, điên lên, mặt tối xanh, chân tay run rẩy, mắt nhắm lại nước mắt trào ra. Em nghiến răng chạy lên gác xép vật mình xuống giường không còn thiết sống nữa. Trong đầu em cái chết đã bắt đầu lởn vởn. Chúng tôi đến nhà Huyền, thấy Huyền buồn, chúng tôi xịu cả mặt xuống. Sợ như mọi lần, Huyền tha thẩn không thiết ăn uống, tôi an ủi Huyền, tìm cách rủ Huyền đi xem phim hoặc cùng tham gia một số trò vui của các bạn. Một bữa Huyền ngây thơ nói:

- Em yêu tất cả các anh. - Rồi Huyền hôn chúng tôi tới tấp. Chúng tôi sững người vì quá sung sướng trước tình cảm chân thành, yêu thương của Huyền. Một lúc sau Huyền chợt hiểu câu nói của mình, Huyền ôm mặt cười nắc nẻ. Cho đến một hôm gia đình lại to tiếng với nhau, ba Huyền không biết uống rượu ở đâu mà say mềm, có lẽ ông buồn vì việc buôn bán bị thua lỗ. Cả nhà quay lại xâu xé nhau, con hỗn với mẹ, vợ xỉ vả chồng, rồi "mày", "tao" lộn xộn, bát đĩa đổ vỡ, người nào cũng xắn tay chực đánh nhau... Những giọt nước mắt cuối cùng lại vương lên má, Huyền thốt lên:

- Mẹ ơi, con không thể...

Tiếng nói như xé lòng, nhưng nhỏ quá, yếu ớt quá lẫn vào tiếng la ầm ĩ. Huyền chạy bỏ lên gác, mở toang cửa sổ.

Bọn chúng tôi đang đá bóng, bất chợt nhìn lên, Mộng Huyền đứng đấy, đưa bàn tay trắng muốt xinh xinh vẫy vẫy chúng tôi. Đôi mắt Huyền lại ứa ra hai dòng nước mắt. Tôi hoảng hốt nhìn lên, Huyền lại khóc. Bỗng Huyền đóng cửa sổ. Chờ hồi lâu không thấy Huyền mở cửa... Linh tính báo chuyện không lành đã xảy ra, tôi mặc áo chạy vào nhà Huyền và lên gác. Mở cửa phòng Huyền, mắt tôi hoa lên, không tin ở mình nữa. Mộng Huyền nằm co quắp trên giường không động đậy. Đôi mắt Huyền mở to như uất ức, như cầu cứu. Tôi không tin là Huyền đã chết, cho đến bây giờ tôi vẫn không tin. Tôi ôm Mộng Huyền trong tay gào lên:

- Mộng Huyền! Em... ơi! - Vừa lay gọi, tôi vừa ôm tấm thân bé nhỏ vừa nức nở. Một lúc sau, bạn bè tôi kéo ùa cả lên. Ai cũng bàng hoàng kêu khóc thảm thiết. Một thằng bạn tôi mò đến chỗ uống nước của Mộng Huyền, thấy một gói thuốc sâu to nhưng còn lại rất ít, bên cạnh là một tờ giấy nhỏ. Thằng bạn tôi kêu lên:

- Huyền uống thuốc sâu tự vẫn!

Mấy đứa tôi xô cả lại, nhìn chằm chằm vào mảnh giấy "Em có lỗi với các anh. Các anh hãy tha thứ cho em. Tại sao khi ra đời em không được quyền chọn một gia đình!" Chúng tôi lại chạy đến bên Mộng Huyền kêu gào, uất ức. Rồi đến lúc cả gia đình Huyền biết tin, tiếng la hét chửi bới im hẳn nhường lại tiếng chân người chạy lên cầu thang và tiếng khóc thương rầu rĩ. Phẫn nộ, tôi thét lên với mẹ Huyền: - Bà im đi, bà không được khóc.

Bà ta quắc mắt:

- Mày đừng có hỗn. Bà mẹ nào mất con mà không khóc.

Tôi vẫn căm tức:

- Chính các người đã giết chết bé Huyền của tôi. Người đáng khóc là chúng tôi chứ không phải các người, các người độc ác lắm... - Tôi nghẹn lời, nước mắt ứa đầy mi.

Rồi kể từ đó buổi chiều nào chúng tôi cũng thất thểu ôm banh về nhà, mặt cúi gằm buồn bã. Đôi lúc tôi ngẩng nhìn lên khung cửa sổ ấy. Cửa đóng chặt, vĩnh viễn không bao giờ tôi được nhìn thấy một nụ cười chờ đón và bàn tay xin xắn vẫy chúng tôi.

L.T.M.N
(TCSH45/03-1991)




 

 

Các bài mới
Củi (01/06/2022)
Các bài đã đăng
Tĩnh vật (16/03/2016)