Trang viết đầu tay
Bên kia đời thường
16:02 | 24/02/2010
NGUYỄN VĂN NHÂNGã yêu Mơ từ ngày cô còn chưa biết đến chuyện yêu đương...Tình yêu có nhiều loại, nhưng chắc chắn đó không phải là tình yêu đam mê thể xác tầm thường, cũng không phải là tình yêu tâm linh cao xa. Mơ thuở ấy là một cô lái đò, một thân lau lách đìu hiu.
Bên kia đời thường
Ảnh: Internet

Tôi thương Mơ từ ngày cô lạc bước đến làng tôi, một thân bơ vơ, côi cút. Tôi xin cha mẹ tôi cho cô một chỗ để ở và một chiếc ghe nan để ngày ngày cô lái đò kiếm sống.

Hôm ấy, một chiều thứ bảy mùa xuân, như thường lệ, sau một tuần học ở trường huyện, tôi đến bến đò chờ Mơ sang đưa về thăm nhà. Nhưng chờ mãi không thấy cô, đúng ra thì có thấy, cô ở lút phía bên kia bến, cô đứng trên chiếc ghe quen thuộc thấp thấp thoáng thoáng sau bờ lau lách hoang sơ mà làm đủ thứ dáng điệu, cử chỉ nom hết sức ngộ nghĩnh, kì lạ. Trời càng lúc càng sẩm màu, một hoàng hôn màu cam tím đắm mình xuống dòng sông vắng lặng.

Sau đó, tôi mới biết, lúc ấy, Mơ làm mẫu cho một nhà nhiếp ảnh. Đúng ra, gã chẳng phải là nhà nhiếp ảnh gì cho cam, gã chỉ là một tay giang hồ lãng tử với niềm say mê chụp ảnh từ trong máu. Gã đẹp trai kinh khủng, bụi bặm kinh dị, từ người gã toát ra một nét gì ngang tàng, bất cần, bạo liệt của những tay cao bồi của màn bạc Mỹ, song thay vì tay súng, bạo lực, gã tay máy ảnh, rong ruổi khắp nơi để săn tìm cái đẹp. Mơ đẹp? Ai mà biết được. Không hiếm những con quái vật khiến loài người sững sờ chiêm ngưỡng. Gã chỉ làm những gì gã thích. Gã tự do như chim trời cá biển. Đời gã thật đáng mơ ước, đáng sống: Gã đặt niềm say mê, công việc yêu thích bên lề cuộc sống hối hả. Nhưng nếu gã chỉ dừng lại ở đó, chỉ chụp hình Mơ trên dòng sông chiều hoang vắng trong một thoáng cảm hứng nghệ sĩ trào dâng? Gã đã đi xa hơn nhiều, gã tìm cách mang cô vào thành phố, nơi gã sinh ra và lớn lên, để giúp đỡ Mơ, tạo cho cô một cuộc sống khác, một cuộc đời mới.

Nhưng liệu có một cuộc đời mới không nhỉ? Có một đồ vật mới, một tư tưởng mới, nhưng chúng đều xuất phát từ nền tảng cái cũ, từ cái được gọi là truyền thống, và nhất là không phải mọi cái mới đều tốt đẹp, hoàn hảo hơn cái cũ. Con người càng phức tạp, bí ẩn, nó là một tiểu vũ trụ đơn nhất, không lặp lại, nó là dây mơ rễ má với không biết bao nhiêu thế hệ đã tan vào cát bụi, nó còn chưa hiểu rõ chính nó, nó còn chưa biết lực lượng nào đã chi phối, sai khiến nó làm điều này mà không làm điều kia, nó là một quá trình, nó cần một quá trình để phát triển, nó có thể ngu dốt, dại khờ, nghèo khổ song tâm hồn vẫn yên ổn, bình an... Ngày đó, tôi đã cảm thấy gã làm một việc quá ư ngông cuồng, liều lĩnh. Có lẽ gã cho gã là Thượng đế chắc. Ngày đó tôi đã thấy căm ghét gã: Gã đã lấy của tôi một con đò...

Tôi nhớ đến Mơ một thời gian rồi dần quên, dần quên, cho đến một ngày quên mất cô. Mơ chỉ còn là một ký ức, một bóng hình thi thoảng trỗi dậy một cách lạ lùng trong mơ. Cho đến một ngày, khi vào thành phố lập nghiệp, tình cờ thấy cô ở trang bìa một tạp chí thời trang danh tiếng. Đúng ra, lúc đầu tôi không nhận ra Mơ, làm sao có thể hình dung, chỉ cảm thấy ngờ ngợ, có cảm giác quen quen lạ lạ với cặp mắt to, tròn tròn đen thẳm một nỗi u buồn muôn thuở, cho đến khi bất ngờ gặp lại gã. Đúng là gã nhận ra tôi, chủ động gọi tôi, bắt tay tôi, gã nói rằng, tất cả những gì liên quan đến Mơ, dính dáng đến Mơ gã đều không quên, không thể quên không làm sao quên nỗi, một trí nhớ ngu xuẩn, một trí nhớ bệnh tật, một trí nhớ không thể kiểm soát, một trí nhớ định mệnh. Gã nói rằng, gã đã tạo ra Mơ. Tôi tin điều đó, tin như tin vào một sự thật hiển nhiên nhất, nhưng nhìn ánh mắt phờ phạc, dáng điệu xơ rơ xác rác của gã, tôi cảm thấy cái sinh vật xinh đẹp, sản phẩm tuyệt hảo của gã đã ngoảnh mặt quay lưng, đã không còn là của gã, đã buông tay khỏi vị thần bảo hộ. Đáng kiếp! Nhưng sau đó, sau một chầu nhậu, mà gã nói là, để mừng ngày tái ngộ sau 10 năm đường ai nấy bước, xem như chưa ai từng có mặt trên cõi đời, tôi lại nghĩ khác, thấy rằng gã đáng thương, đáng được thông cảm, chia xẻ, đáng được giúp đỡ. Gã đang cần được giúp đỡ, gã đang đối diện với cái đói...

Gã đã không còn nhà cửa từ lâu, tất cả tài sản của gã đã biến thành những nấc thang để Mơ từng bước đi lên, bay lên, bay xa tít tầng trời. Gã đã làm tất tần tật mọi thứ để cô trở thành một người được các phương tiện truyền thông ca tụng: Một người mẫu hoàn hảo đến từng milimét, một nàng tiên cá huyền thoại của biển cả Trung bộ, một niềm tự hào ngây ngất của phái đẹp Việt trên trường quốc tế... Tôi lấy từng bức hình gã treo đầy căn phòng trọ nằm cao tít mù trong một chung cư không biết ngả xuống đường lúc nào ra xem: Đây là hình cô lái đò buồn se thắt, đây là hình một cô gái rụt rè bước vào một trung tâm thể dục thẩm mỹ, còn kia là một thiếu nữ đang mỉm cười trước ống kính... Mơ dần dần hiện ra trước mắt tôi, cô hiện ra qua một sự tổng hợp, chọn lọc, tái tạo nào đó xuất phát từ những tấm hình của một kẻ say mê chụp ảnh, say mê lưu lại, trữ lại những dấu ấn, dấu vết, bước chân của một con người với những kỷ niệm, ký ức của tôi cũng về con người đó. Nhưng Mơ tôi thấy lại không phải là một người mẫu thời trang, không phải là một con người dùng sắc đẹp để tạo địa vị, tìm kiếm vinh quang, tiền bạc, cô cũng không phải là một con người giả trá, phản bội kẻ chung tình với mình, đẩy người khác đến chỗ tuyệt vọng. Vậy cô là ai?

Mơ là một tờ giấy trắng. Gã nói. Gã có thể tạo cô thành bất kỳ ai, nhưng gã đã chọn nghề người mẫu bởi gã thích một cái đẹp có thể thấy được, sờ thấy được, một cái đẹp không cần thông qua sự tiếp xúc, tìm hiểu, một cái đẹp trực tiếp... Giờ đây, ban ngày, người ta biết đến gã như là một kẻ chán mớ đời, một đồ bỏ đi. Tình yêu có thể nâng người ta lên nhưng cũng có thể dìm người ta xuống bùn đen. Chiếc máy ảnh, người kỵ sĩ năm nào đã trở thành một ám ảnh đáng sợ, và gã cố tìm cách quên đi bằng men rượu bia. Còn ban đêm, lạ lùng thay, gã lại ngồi trước giá vẻ. Cây cọ và màu sắc đã  thay thế cái máy ảnh từ ngày Mơ rời bỏ gã. Nó giúp gã sống cầm hơi, nhưng quan trọng hơn, nó giúp gã một lí do để tồn tại, sống còn. Gã vẫn vẽ Mơ, gã vẽ cô từ những bức hình đã chụp cô. Nhưng đó không phải là sự sang lại, photo, sao y bản chính, nó không thể như thế. Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc cảm hứng, cảm xúc, đơn nhất, không lặp lại, nó có sự góp vào, thêm vào, thể hiện cảm giác, tâm trạng của người mẫu, hơn nữa, khi chụp hình Mơ, gã đi vào tương lai. Còn Mơ trong hội họa lại là một Mơ của sự xét lại, nghiệm lại, một Mơ bị dằn vặt trong những chớp sáng tối của tâm hồn, một Mơ có khuynh hướng buông thả, vật chất tầm thường, một ác quỷ trong một nhan sắc khuynh thành, một Mơ trở lùi về thời khốn khó, đơn côi.

Trong lúc đó, dưới ánh sáng mặt trời, vẫn tung tẫy một nàng Mơ hết là tình nhân của nhân vật này lại là bạn gái của VIP kia, vẫn là một Mơ của niềm mơ ước, một thần tượng của giới trẻ ở cả hai phía. Vinh quang và tiền bạc vẫn tiếp tục đổ vào cuộc đời cô.

Nhưng rồi cô sẽ đi về đâu nhỉ? Ngày mai cô sẽ ra sao? Biết bao nhiêu mỹ nhân, những người nổi tiếng đã chết, đã trải qua một tuổi xế chiều trong cô đơn và nghèo khổ. Mơ không có một cuộc đời bình thường, như ai đó nói, cô không có nguồn gốc, cội rễ, cô chỉ là một loại cành nhánh, và dù cái cành nhánh đó phát triển sum sê tươi tốt đến mấy, nó vẫn là một nhánh cành. Đó là điều khiến gã vẫn ngồi thừ ra trước giá vẻ, trong bóng tối. Gã vẫn còn yêu Mơ, vẫn còn suy nghĩ, trăn trở về cuộc đời cô. Nhưng rõ ràng tất cả những điều đó đều không giúp gì được cho gã, cũng như cho Mơ.

Cô càng nổi tiếng thì nỗi đau của gã càng tăng, sự hối tiếc, hối hận, nỗi mặc cảm vì đã tạo ra một thân phận lầm lạc, mất phương hướng càng dày vò, cắn xé gã. “ Hay là ta thử xem triển lãm những bức hình của Mơ". Một ngày tôi gợi ý với gã. Không một lời nói, lời khuyên răn nào đủ sức thuyết phục bằng hình ảnh.Lúc đầu gã phản đối, cho rằng, những gì gã làm cho Mơ, vì Mơ, và cũng là vì gã, vì tình yêu của gã với Mơ là chuyện riêng tư, là một bí mật của hai người, gã không muốn vạch áo cho người ta xem lưng, không muốn phơi ra để thiên hạ nhòm ngó, để báo chí được dịp xào nấu, và rằng, biết đâu điều đó lại làm giảm giá trị của Mơ, ảnh hưởng đến con đường công danh sự nghiệp đang rựng rỡ hào quang của cô. Thật hết biết! Nhưng rồi dần dần tôi cũng đã thuyết phục được gã... Đó là một đứa con lầm đường lạc lối bởi ánh phù du vốn vẫn khiến con người mê muội từ hàng ngàn năm nay, và cách duy nhất giúp nó tỉnh ngộ, hướng nó trở lại với những gía trị có thể giúp con người một cuộc sống bình an, nhẹ nhõm, tươi vui là hãy cho nó thấy, để nó tận mắt chứng kiến những gì là của nó, đã từng là của nó, là nơi nó đã bước chân đi, hãy để nó thấy nơi đã là cái vỏ và đồng thời là cái hạt của nó... Hãy vì Mơ một lần nữa, một lần cuối cùng đi bạn ơi!.

Phòng triển lãm của gã nằm trên một con đường đẹp bậc nhất thành phố, đó là một Gallery uy tín, nơi đã và đang được rất nhiều họa sĩ nổi tiếng chọn làm điểm trưng bày tác phẩm. Gã chỉ trưng bày hình ảnh, bởi đối tượng chính, nhân vật chính của nó là Mơ, một người không thích hội họa, không biết gì về nó, hơn nữa, hình ảnh có khả năng tác động trực tiếp, mạnh mẽ. Gần 100 bức hình được phóng to rọi lớn gắn dọc theo những vách phòng cho bất kỳ ai cũng có thể hình dung ra được một đoạn đời, khoảng đời, có thể là một cuộc đời của một con người, từ bóng dáng một cô gái lái đò đến một nàng hoa hậu, từ một làng quê hiu quạnh đến một thành phố rực rỡ đèn màu, từ một cặp mắt tản mác, u uẩn đến một đôi mắt lóng lánh niềm đam mê, từ một cuộc đời vô danh đến một cuộc sống làm nghẹt thở thiên hạ. Tất cả đều mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao, biểu lộ, thể hiện một sức sống nội tâm phong phú, một sự hướng thiện sâu sắc, độc đáo, trừ bức hình nàng hoa hậu. Tất cả đều giống Mơ, y hệt Mơ, nhưng tất cả đều không phải là Mơ. Vậy Mơ là ai?

Mơ không đến trong ngày thứ nhất. Mơ không đến trong ngày thứ hai. Ngày thứ ba, thứ tư, rồi thứ năm, thứ sáu vẫn không thấy bóng Mơ. Cuộc triển lãm sẽ mở trong bảy ngày. Nó trở thành một hiện tượng nghệ thuật, làm xôn xao, sôi động, làm nóng lên bầu không khí nghệ thuật đang lặng vắng, co lạnh của thành phố. Hàng ngàn lượt người đã đến đây, sự ồn ào, ầm ĩ trong sự thể hiện lòng thán phục, ngưỡng mộ của họ tưởng làm vỡ tung gian phòng bé nhỏ. Nhất là giới ký giả, những người chuyên viết về nghệ thuật, những vấn đề, sự cố nghệ thuật, họ săm soi, chiêm ngưỡng, sờ mó, sửng sốt, hoang mang, kính nể trước những bức hình, và đổ xuống tôi dòng thác câu hỏi về tác giả của chúng, cố sức săn tìm tung tích, lai lịch của kẻ vốn không cần người khác biết đến mình. Gã đã rời khỏi thành phố...

Mơ đến trong lúc tôi đang buồn chán, và cả bực bội, thu dọn sự thất bại của những gã mày râu ngu xuẩn. Thoạt nhìn là tôi nhận ra cô ngay, tôi khẳng định ngay. Một sự khẳng định vẫn hãy còn bí ẩn. Tôi đăm đăm nhìn Mơ... Ôi, cô gái lái đò! Phải chăng tôi đã mắc nợ em nên bao năm rồi vẫn nghe lòng nặng trĩu? Phải chăng tôi bày cái trò này ra chỉ là để vơi nhẹ nỗi ưu sầu trước khát vọng tuổi trẻ đã tuột qua kẽ tay? Phải chăng tôi đã mệt mỏi, chán chường với cái hiện tại đều đều, vạn ngày như một của đời mình?...

“ Anh là người mời tôi đến đây”. Mơ hỏi, giọng xa lạ

Tôi khẽ gật đầu.

“ Nhưng tôi xem cái gì đây?” Cô hỏi sau cái nhìn quanh, hững hờ.

“ Cô đã đến muộn”. Tôi nói.

“ Bây giờ mà muộn à?... Tôi tưởng anh vẫn chờ.

“ Tôi đã từng chờ cô sao?”

“ Anh muốn có quan hệ làm ăn gì với tôi đều phải biết chờ!”

“ Tôi không muốn có quan hệ làm ăn gì với cô cả”

“ Ồ... thế mà... thật là điên! Thốt xong, với vẻ bực bội, Mơ quay phắt đi.

“ Khoan đã! Tôi kêu to một cách bất ngờ ngay với chính mình, tiếp theo, không tự chủ được, tôi gọi lớn tên cô, rồi nói nhanh, Em về đâu vậy, Mơ?

Mơ quay lại, kinh ngạc nhìn tôi.

Đó là một thời điểm, thời khắc, là một cơ hội để tôi có thể nói với Mơ những điều cần nói, những điều mình từng ấp ủ. Thế nhưng tôi vẫn lặng im. Tôi không thể nói. Mọi lời nói đều đã vô nghĩa. Tôi buồn bã nhìn Mơ chầm chậm đi ra.

Bỗng dưng, Mơ quay vụt lại, chăm chăm nhìn tôi.. Ôi, cặp mắt cô lái đò đơn côi!...

N.V.N
(131/01-2000)



 

Các bài mới
Củi (01/06/2022)
Cô bé câm lặng (19/10/2018)
Các bài đã đăng
Chốn xưa (23/02/2010)