Không làm được việc gì, người đàn bà ngồi bệt xuống bậu cửa, hai tay chống cằm lơ đễnh nhìn vườn cây oằn mình bởi cuộc giao hoan của trời đất. Chừng hai canh giờ, đang ngồi bất động chị bỗng giật mình, cuộc giao hoan của đất trời đã kết thúc tự lúc nào. Đất đã thỏa thuê, trời đã mãn nguyện và sự hòa quyện của đất trời chỉ còn lại một áng cầu vồng bảy sắc rực rỡ, lung linh huyền ảo. Chị thở dài, miệng lẩm bẩm: “Cũng chẳng được mấy chốc”. Chị sinh ra cầm tinh con gà. Gia đình chị nghèo, quê chị cũng nghèo. Nhưng quê chị đẹp, đẹp từ cái tên Trúc Lâm cho đến sự êm ả, yên bình bên dòng Bạch Yến. Và chị cũng đẹp, đẹp từ làn da, vóc dáng cho đến làn môi. Thời con gái chị nổi tiếng khắp làng trên xóm dưới. Nhà chị lúc nào cũng nườm nượp kẻ vào người ra. Trong vô số những chàng trai đến trồng cây si trước sân nhà chị, không hiểu có phải là sự sắp đặt của số phận hay không mà chị lại chọn anh chàng sinh viên trường Nông Lâm Súc (Trường Đại học Nông nghiệp bây giờ) vừa thấp lại vừa đen. Gái đẹp thì truân chuyên. Chị nào có ngờ đâu... Mười chín tuổi chị về làm dâu và gánh vác giang sơn nhà họ Đào. Bố chồng chị ra Bắc từ những năm năm mươi, để lại quê nhà một mẹ già, một bà cô không chồng, một người vợ trẻ và một cậu con trai (tức chồng chị). Sau giải phóng ông có về thăm quê nhưng rồi lại trở ra với vợ thứ con thêm. Giang sơn nhà chồng một tay chị vun vén. Nào ruộng lúa, ruộng khoai. Nào đàn bò, đàn lợn. Nào bà nội ốm đau, bà cô trở trời... Đảm đang, chắt chiu, tằn tiện. Gái có công chồng chẳng phụ, chồng chị đi làm có được đồng nào đều dành dụm đem về cho vợ. Rồi ba đứa con trai lần lượt ra đời. Vừa nuôi bà, nuôi mẹ, nuôi cô, nuôi con ăn học, vừa sửa sang nhà thờ, làm lại nhà ở... người chị đen quắt lại. Đứa em trai thương chị la lối: “Chị tham công tiếc việc và tiết kiệm vừa thôi kẻo chết bỏ con, bỏ nhà cửa người khác ở!”. Chị chỉ cười. Chị hạnh phúc. Chị viên mãn với những gì mình đang có, dù nhan sắc có tàn phai. Cầu vồng sau mưa có rực rỡ, lung linh huyền ảo đến mấy rồi cũng nhạt nhòa và biến mất. Hạnh phúc của chị cũng thế. Trong một lần, đất không chịu giao hoan mà trời nổi cơn thịnh nộ và đành đoạn lấy đi tất cả những gì mà chị đang có. Ba đứa con cao ráo, khỏe mạnh, đẹp trai, ngoan hiền, học giỏi của chị bỗng chốc trở thành vật tế trong cơn Đại hồng thủy. Chị không hóa điên mà hóa đá trước linh cữu của ba đứa con trai. Ai đưa nước thì chị uống, đút cơm thì chị ăn, dắt thì chị đi, kéo ghế thì chị ngồi... Còn chồng chị, trong khi đi mua quan tài cho con, đã đầu mày cuối mắt với người đàn bà có chồng cùng chung số phận với ba đứa con của chị... Chôn cất các con xong, chị tồn tại vật vờ như một bóng ma hơn là đang sống. Chồng chị là đích tôn nên thủ thỉ dỗ dành chị đẻ lần nữa. Chị bừng tỉnh. Chị như hồi sinh. Sao lại không nhỉ? Chị mới bốn mươi lăm, bản năng làm mẹ giúp chị có thêm nghị lực. Chị đồng ý để chồng đưa đi Sài Gòn tháo vòng, chữa trị và bồi bổ sức khỏe. Đất trời như thấy có lỗi với chị nên đã đền bồi cho chị xứng đáng. Sau hai tháng điều dưỡng, chị đã có thai. Chồng chị thấy chị đã ổn định, lấy cớ phải đi làm không thể nghỉ lâu thêm được, gửi chị lại cho người bà con, bay về để hú hí với người tình. Chị biết nhưng chẳng thấy buồn ghen. Mọi tâm lực chị dành hết cho mầm sống non nớt chị đang mang trong mình. Đêm ngày chị thủ thỉ với đứa con chưa rõ hình hài: “Con ơi, mẹ chưa biết con là trai hay gái, nhưng con là diễm phúc của mẹ. Mẹ mong rằng sau này lớn lên cuộc đời con không bất hạnh như mẹ”. “Con là trai hay gái mẹ cũng sẽ đặt tên con là Phúc nhé!”. Có thai đến tháng thứ năm chị đi khám, bác sĩ cho biết thai nhi là con gái và hoàn toàn khỏe mạnh. Chị yên tâm lên tàu về quê. Về đến nhà, nhìn thấy linh vị ba đứa con trai lòng chị quặn thắt. Vừa thương nhớ những đứa con đã mất, vừa lo lắng cho đứa sắp chào đời, chị rơi vào trạng thái trầm cảm. Bà cô họ bên chồng ở thành phố, phần thì thương đứa cháu dâu ngoan hiền, tần tảo ngày nào, phần thì lo lắng cho giọt máu của dòng họ Đào mà chị đang mang, bèn đưa chị về ở với mình. Có người chăm sóc, chia sẻ, động viên chị hồi tỉnh dần. Chín tháng mười ngày chị sinh con gái và đặt tên là Diễm Phúc. Có phúc lắm chị mới có nó, vì chị đặt vòng đã mười lăm năm và tuổi cũng đã lớn. Con gái là diễm phúc của chị nhưng nó không là cái cầu vồng huyền ảo kết nối vợ chồng chị... Tiếng vị thẩm phán lạnh lùng: “Bà Oanh có ý kiến gì không?” “Thưa tòa, tôi chỉ mong muốn được ly hôn chứ không có ý kiến gì nữa cả” - Chị bình thản trả lời. “Mời tất cả mọi người có mặt trong phòng xử án đứng dậy nghe tòa tuyên án - Vị thẩm phán tiếp tục. Chị đứng lên như một cái máy. “...Ông Điền là con trai trưởng do đó nhà thờ, nhà ngang và mảnh vườn có diện tích...m2 thuộc quyền sở hữu của ông Điền. Thửa ruộng ở đồng... có diện tích...m2 thuộc quyền sở hữu của bà Oanh. Bà Oanh được ở tại căn nhà do hai vợ chồng bà xây cất trên khu đất thuộc quyền sở hữu của bà Liên cho đến khi bà Liên qua đời... Ngoài ra ông Điền phải trả lại cho bà Oanh năm triệu đồng, một nửa giá trị của chiếc xe honda do hai vợ chồng mua trong thời kỳ hôn nhân... Do bà Oanh có nguyện vọng được nuôi con, nên ông Điền có trách nhiệm đóng góp chi phí nuôi con mỗi tháng ba trăm nghìn đồng cho đến khi cháu trưởng thành...”. Chồng chị bỏ mặc mẹ con chị đến sống già nhân ngãi, non vợ chồng với người đàn bà kia và họ đã có một đứa con trai. Họ mạc nhà chồng chị ngày trước yêu thương chị là thế, nhưng nay lại quay lưng lại với chị chỉ vì chị không chấp nhận cảnh chồng chung và con chị lại là con gái. Tại phiên tòa chị một mình đơn độc trong khi chú bác cô dì nhà chồng chị có đến mười người tham dự.“Người còn chẳng tiếc nữa là...!” - chị tự nhủ. Tòa tuyên như thế nào chị cũng không phản ứng. Chị chỉ thấy đau nhói trong lòng. Bao năm vợ chồng đầu gối tay ấp, nỗi đau mất con đang như xát muối trong lòng mà chồng đã phụ bạc để rồi hôm nay tan đàn sẻ nghé! Ba trăm ngàn chồng chị đóng góp để nuôi con cho đến tuổi trưởng thành ư? Rồi tiền đâu để chị nuôi nó lớn? Tiền đâu cho nó học hành trong khi chị chỉ có gánh bún bán rong mỗi ngày, còn chồng chị là công chức nhà nước? Nhà đâu để mẹ con chị ở sau khi bà Liên qua đời?... Sáng nay ra khỏi cổng tòa án chị đã gặp người đàn bà kia đang bế con đứng chờ chồng chị. À, không phải, chồng cũ của chị chứ. Chị nhìn người đàn bà kia một cách vô thức. Ồ, thằng bé kìa! Chị chăm chăm nhìn nó. Lạ chưa, Điền khao khát có đứa con trai thì nó lại chẳng giống Điền chút nào cả. Điền bỏ lơ con gái thì nó lại giống Điền như khuôn đúc. Tạo hóa thật khéo bày trò trêu ngươi! Chị cười như mếu. Cầu vồng đã biến mất. Chị đứng dậy. Trời đã chiều. Sắp đến giờ con gái tan học, chị phải đi đón nó. Rồi còn phải chuẩn bị cho gánh bún ngày mai... L.C
(nguồn: TCSH số 229 - 03 - 2008)
|