Trang viết đầu tay
Xa lắm miền Tây
10:34 | 16/10/2008
PHAN ĐÌNH ĐẢMTruyện ngắn


Hoài Thu dẫn Ngọc Trang vô làm. Khuôn mặt Trang non tơ như em bé, Minh cười cười:
- Giỡn gì em! Nó còn ở tuổi vị thành niên, ai đăng ký cho được.
Thu van nài:
- Không sao mà, anh cho nó làm ngoài luồng nghe! Xíu anh nói bà chủ giùm một tiếng là được mờ. Yên tâm đi, em gái em dễ tính lắm hà.
Minh lưỡng lự song thấy con bé hiền hiền, bỏ thì thương vương thì tội nên đành ậm ờ:
- Nhưng anh không dám chắc đâu nha. Tùy ý bà thôi.
- Dạ, nhờ anh giúp Trang nhé! - Cô bé mở lời.
Minh thấy ánh mắt Trang lồ lộ trông ngây thơ quá,thật là uổng phí một đời. Giá như... Nhưng Minh không dám nghĩ gì hơn. Mình cũng làm công như người ta...

Nằm cách Thốt Nốt mấy mươi cây số, vùng đất này khi thì bạc thếch lúc lại đục ngầu phèn ơi là phèn. Người lớn chưa già đã rụng hết răng, lớp trẻ mười tám đôi mươi  phải trồng răng giả.
Dân quê như ông Tư Canh từ cha sanh mẹ đẻ tới nay mới có hai lần được lên huyện. Đó là khi đất nước thống nhất và lần ông Tư dẫn vợ đi sắm sửa để sinh con. Vậy chớ còn hơn lão Bảy Thọt. Trò chuyện mà cái chân lão run rẩy, miệng thì nhô cao.
- Tui từ khi lọt lòng đến giờ có ra khỏi làng đâu, anh Tư ha. Chắc là đợi tới xuống lỗ thôi.
Ông Tư nhấp ly rượu đưa một cái “ọt”:
- Yên tâm đi. Có ngày tui khá, tui sẽ dẫn ông lên đó mà coi xinê cho biết với người ta.
- Dạ, anh Tư giờ thì sướng rồi. - Bảy Thọt móm mép cười lộ nguyên cả hàm trơ toàn nướu - Có con lên Sài Gòn làm ha. Sau này anh sẽ sung sướng, giàu có nhất làng cho coi.
- Thôi ông Bảy đừng mừng vội. Thiệt cho con đi tui đứt ruột, đứt gan. Được cái là mình có ép uổng chi đâu. Nó nằng nặc xin theo người ta đó.
- Dạ, anh Tư nói chí phải. Thôi tui về nghe anh Tư.
Ông Tư Canh đỡ Bảy Thọt lên rồi còn căn dặn:
- Cẩn thận nhe anh Bảy. Dạo này mưa hoài đường trơn lắm!
Đúng là trời đổ nước mắt thật. Tư Canh quấn vội mảnh khăn vào đầu rồi hớt hải quơ đống áo quần bèo nhèo mang vào nhà. Gió thổi bạt cánh cửa rung bần bật, ông cố lượm mấy cục gạch chèn vô mà nó vẫn cứ như muốn bay tung, ông đành chịu để vậy cho nước thấm vào nhà, dù sao vẫn còn yên được mấy cái cột, cho qua mùa nước lũ.

Mới mấy tuần song mùi men đã làm da thịt Ngọc Trang hồng hào hơn. Hoài Thu bĩu môi: “Mày dạo này bảnh ha. Khách yêu cầu hoài”. Trang lấm lét: “Các chị thương mà nhường cho, chớ em nào dám qua mặt ai”. Thu gườm gườm: “Ừ mày sống sao đừng để ăn miểng là được rồi”.
Làm tiếp viên nhà hàng máy lạnh là điều Trang không muốn nhưng đành chịu. Dì Ba dẫn cô bé từ quê lên ban đầu phụ bà nhồi bột, gói bánh. Mệt nhọc đủ bề nhưng cô ráng làm vì trót lỡ lên đất Sài Gòn ai đời nửa chừng lại về, xóm giềng người ta cười cho. Vào những hôm mơ trời, dượng Ba chở Trang đi bỏ bánh đường xa. Trời se lạnh với những câu chuyện êm tai thấm vào cô lúc nào không hay. “Dượng Ba thiệt là tình cảm?”. Chưa có gì quá đáng nhưng một hôm dì Ba thấy hai người to nhỏ ở mé hiên, thế là bà nổi cơn tam bành đuổi Trang ra khỏi nhà. Về quê không đang, thêm làm khổ cha, hơn nữa Trang đã lỡ mượn tiền dì rồi. “Dì yên tâm đi, tui sẽ làm trả cho dì. Dì đừng báo chi về cha tui hết”. Bà Ba xỉa xói: “Ừ tao chờ coi, con đĩ hà bá, tiền tao có lời đó nghe mày”.

Người khách đảo mấy vòng trước đường rồi mới vào quán. Bảo vệ hỏi quản lý: “Coi có khả nghi gì không chú Minh”. Minh cười: “Không sao. Anh cứ nhận đi. Có động bà đã báo”.
Dẫn ông ta lên lầu, chưa kịp chào bia người này đã sành điệu rút tờ giấy năm chục ngàn nhét vô túi Minh mà rằng:
- Cho gặp cô Ngọc Trang nghe đại ca!
Minh rối rít:
- Dạ có ngay. Anh uống Thai-gơ luôn ha!
Rồi hắn quay ra bảo tụi bồi: “Lên kêu Trang thay đồ lẹ đi. Có khách yêu cầu đó”.
Ngọc Trang hớn hở bước xuống, vừa nhún nhảy vừa huýt sáo. Cửa phòng mở toang, người cô như muốn khựng lại. Giọng cô lí nhí:
- Dượng... dượng Ba. Dượng vô ủng hộ con hả dượng!
Đèn mờ dìu dịu, nhạc vàng du dương. Tiếng dượng Ba khề khà:
- Nghe Trang làm đây dượng buồn hết sức. Sao Trang không nói, dượng đi thuê nhà riêng cho Trang liền hà. Thiệt dượng thương Trang lắm!
Ngọc Trang ngồi im, nàng nốc cạn ly bia, phừng nét mặt.
- Dượng à! Con sợ dì rầy rà, con khổ lắm!
- Có đâu. Có đâu. Dượng Ba giữ kín mà. Hề hề.
Dàn âm thanh ru điệp khúc bịt bùng. Giọng Ngọc Trang yếu ớt:
- Dạ đừng làm quá mà dượng. Trang sợ lắm. Trang chỉ tiếp có giới hạn thôi.
- Ừ, ừ. Em dễ thương quá. Món nợ của bả anh sẽ trả dần cho...

Quê Minh vốn ở Vĩnh Long, sầu riêng, nhãn nhiều vô kể. Cha Minh bảo: “Hay là con thi vô sư phạm về làm thầy giáo ở huyện!” Minh không ưng. Lên Sài Gòn thi thố, ba năm ròng vẫn không đậu, chả lẽ ăn bám cha mẹ hoài sao? Minh xin vào phụ bán cà phê. Một thời Minh thấy yêu đời lắm. Ở đó Minh gặp một cô gái cũng còn non tơ. Hai người mướn nhà chung sống như vợ chồng. Sáng sáng đèo nhau đi làm. Cái sĩ diện Minh lớn lắm. Một lần vợ xích mích với ông chủ, Minh cho nàng nghỉ ngay. “Kệ, anh sẽ gắng cày lo cho em”. Đi làm về, lần nào Minh cũng mua cho vợ khi thì cái bánh bao, lúc kí trái cây... Tình yêu sao mà dễ thương đến vậy.
Độ được vài tháng, trên đường Minh đạp xe về nhà, lọc cà lọc cạch mồ hôi vã ra nhưng với gói xôi nóng có đùi gà nướng giòn thơm trên tay, nghĩ đến nụ cười hiền dịu của vợ, Minh thấy đoạn đường như ngắn lại. Bước vào, cửa chốt khóa đồng lạnh ngắt. Bà chủ nhà nói:
- Cổ đi với ông chạy chiếc Đờrim cao từ sáng tới giờ. Tiền nhà tháng nay cổ trả rồi đó. Còn dặn cậu thích thì cứ chờ, bằng không đồ đạc có gì cậu cứ dọn đi.
Minh đừ người ra, tiu nghỉu không nói nên lời, lẳng lặng dắt xe đi luôn. Bà chủ la ơi ới:
- Ơ cậu không vào nhà à. Lại đi đâu vào lúc khuya khoắt này!
Minh rơm rớm:
- Dạ thôi, con cám ơn bà. Bà nhắn giùm cô ấy, con để lại mọi thứ cho cô đó.
Cũng không dễ gì được làm má mì ở nhà hàng Ý Lan này. Bà chủ vốn có tiếng là khó tính và keo kiệt. Nguyên bà Lan làm cà phê đèn mờ, dính tùm lum chuyện, rùm beng nhất là một lần đánh nhau giữa khách với bồi. Quán bị đóng cửa. Con chốt Minh đi tù đỡ đạn cho chồng bà Lan. Đương nhiên khi bà chủ chuyển qua làm nhà hàng máy lạnh, Minh được ra trại thì bà Lan cho Minh làm quản lý. Đôi khi đụng chuyện Minh cũng rợn tóc gáy muốn nghỉ cho rồi nhưng lợn cợn trong Minh những đồng tiền và thực tế kiếm việc khác khó khăn hơn nên đành buông xuôi: “Ăn xổi ở thì mà, tới đâu hay tới đó!”


Người đàn bà mặt xám ngoét cùng hai tay thanh niên bặm trợn lấp ló trước nhà. Một lát họ đến xì xào với ông bảo vệ. Minh liền ngoắt lại; ông già bảo:
- Dạ mấy người nầy đòi gặp cô Trang, tui không cho.
Minh nhìn thẳng vào người đàn bà:
- Chị gặp Trang có chuyện gì không?
- Cái cô Ngọc Trang đó khôn hồn thì trả nợ rồi buông chồng tôi ra.
- Tôi không biết chị có khúc mắc gì với Trang. Nhưng chỗ chúng tôi kinh doanh nhân viên không được tiếp khách riêng trong giờ làm việc. Chị cần gì thì để hết giờ làm đi.
- Anh nói với cô Trang, tôi không để yên đâu.
Bà ta hất hàm với hai tên đàn em “- Dọt. Me đầu ngã tư nghe tụi bây!”
Minh đỏ mặt, vào nhà lôi Trang xuống căn dặn:
- Vợ ông Ba kiếm em đó. Ồn ào bà chủ biết bà cho em nghỉ liền.
- Dạ, có gì anh nói giùm em nghe. Em hứa với dì tháng sau em trả tiền hết cho bà mà, hay là...
- Thôi, chuyện của em anh không biết. Ngày khác đến nhà em lựa lời mà nói với người ta.
- Dạ, dạ. Nếu sau này có ai muốn gặp em anh dặn mấy ảnh ở ngoài nói không có em đi làm nha anh. Anh lấy tên khác cho em nghe!

Ngọc Trang buồn xo khuất dạng, Minh như lây cả nỗi lòng. Làm cái nghề này khó yên được nửa giờ. Lúc nào cũng canh cánh sợ hãi.
 Khí hè oi bức, chiều vàng đến muộn. Người đàn ông gầy gò quấn khăn rằn chăm chăm nhìn vô nhà hàng nhưng không thấy lại gần. Cách làn xe xa mờ, bụi bay mù mịt, ông vẫn cứ dõi mắt trông qua.
- Bác tìm Ngọc Trang à?
- Dạ, dạ. Cho tui hỏi, phải Trang người Hậu Giang làm ở đây không chú.
- Dạ, nhưng bác là...
- Tui là tía của sắp nhỏ. Chú làm ơn cho tui gặp con tui nghe chú.
- Bác thông cảm, đang giờ làm, quy định của nhà hàng không cho gặp được bác à.
- Dạ tui hiểu. Khổ quá, sợ tối trời không đón xe về kịp chú à. Trên này dì Ba nó giận. Tui chẳng còn chỗ nào qua đêm.
Đang nằm thu lu một góc bị quản lý gọi, Trang hốt hoảng:
- Dạ ai vậy. Nói em không có ở đây đi anh.
- Anh biết nhưng ông già tội nghiệp lắm. Như là ở quê lên, ôm ốm quấn khăn đó em.
- Trời ơi! Đúng là tía em rồi. Hu, hu anh cho em ra ngoài gặp tía em nghe.
... Nhìn hai cha con rấm rứt với nhau, mí mắt Minh cay xè:
- Thôi, em dẫn ba tới quán nước ngồi đi. Khi nào cần anh gọi.
Chừng tan ly cà phê đá, Ngọc Trang trở vô, dáng điệu nàng thiểu não, thất thần. Minh vội hỏi:
- Sao vậy em! Ba về chưa?
Nàng trả lời, nước mắt đổ dài:
- Dạ rồi. Hu hu. Bả điện về báo với tía em...
- Thôi, ráng làm trả nợ đi rồi dứt khoát cho xong.
Gió lặng được vài ngày. Một buổi sáng có người đến báo với Minh: “Nhắn cô Ngọc Trang lên công an phường gấp”.
Chừng giờ sau thấy Trang chạy về khóc òa ở trên lầu, định phóng xuống tự tử. Cả bọn dáo dác níu lại trong khi lão Ba chở vợ rà ngang, mụ vợ ôm eo ếch chồng, khuôn mặt hênh hếch. Nhiều người xúm lại can:
- Đừng dại Trang ơi!
Trang vẫn nằng nặc, khóc: ...Mấy chị để yên cho em chết đi, cho vừa lòng dượng... khốn nạn quá, hu hu...”
Rồi nàng vùng vẫy đập đầu vô tường. Minh ngăn lại:
- Bậy nào. Sao em ngu vậy.
- Hu... Anh nghĩ coi. Dì dượng tố cáo em lừa đảo gạt tiền ông bả... Có dượng đó mà dượng nói em mượn tiền dượng không trả. Nói em dụ chồng bả...
- Sao không trả phứt cho rồi.
- Thì em hứa đến tháng mà. Tiền học nghề, đồng phục em mới đóng xong... Họ báo công an bắt em.
- Có đâu. Người ta thưa thì công an mời em lên giải quyết thôi.
- Em biết mà. Họ lo trước hết rồi. Giờ em sao chống được. Anh buông ra để cho em chết đi.
- Đừng điên? - Minh tát mạnh vào má Trang: “Chết thì được gì!”
Minh xuống nhà, bà chủ đã đến từ lâu. Mặt bà nhợt nhạt:

- Làm gì ở trển ầm ĩ vậy Minh? Có người báo tiệm mình làm bậy ở trong nhà đó. Mày liệu coi ngó không thì tao cho nghỉ việc, đừng trách tao à nghen! Con Trang sao rồi?
- Dạ, đang ở phòng đào ạ.
- Lát mày kêu nó dọn đồ đi. Tối tao trả hồ sơ cho nó.
- Dạ... Tội nó mà cô.
- Mày im đi. Để nó trong nhà tai họa ập đến lúc nào không hay. Hình sự họ báo rồi đó.
- Dạ có phải nó sai đâu.
- Đừng ý kiến ý cò gì nữa. Nếu không mày xách gói theo nó đi.
Minh lặng thinh vào trong. Bà chủ rồ xe phóng nhanh ra đường. Cả đám nhân viên nhà hàng xép ve, chẳng có ai hé răng nửa lời.

Những ngày cuối năm tôi theo xe về Cái Mơn gom cây cảnh lên Sài Gòn bán Tết. Đợt hút hàng bà chủ điện bảo tài xế chở lên một mình còn tôi ở lại thu thêm cho kịp sáng mai, xe quay lại chở chuyến nữa. Người miền Tây uống rượu như nước lã, tửu lượng họ mạnh kinh hồn, tôi cố dè chừng mà vẫn sương sương... Người chủ vườn chưa già nhưng bonsai, chậu kiểng của ông có tiếng là chăm bón cẩn thận, không phun hóa chất nhiều thành ra tuổi thọ cây sống dai, khách hàng ưng ý lắm!
Chuyện của ông buồn buồn tôi nghe mà cứ bứt rứt trong lòng. Hồi lâu, tôi mới hỏi:
- Vậy Trang sau này ra sao hả anh?
Ông không vội trả lời mà nốc cạn ly rượu đầy. Giọng ông nghẹn ngào:
- Lúc đó tôi có giúp gì cho Trang đâu bởi tôi không tin ai. Tin gì cái ngữ gái bia ôm đó. Trang khóc sướt mướt ra đi. Bận bịu quá tôi cũng quên luôn. Bẵng đi mấy năm sau, đang ngồi lai rai ở bờ kênh Nhiêu Lộc, tôi thấy một người điên không mảnh vải che thân đi qua. Nhiều người chỉ trỏ, cô ta cứ rú lên cười. Mắt tôi cứ ngờ ngợ, bùn đất bẩn dính đầy thân hình cô ấy, tôi nao lòng và sửng sốt nhận ra cô gái đó là Trang. Trời ơi! Sao lại ra nông nỗi này. Ghê gớm thay cho một cô gái tuổi chưa tròn đôi mươi. Rồi tôi liên hệ được bệnh viện, người ta nói bệnh nhân này không có người thân săn sóc, mới trốn ra ngoài mấy ngày. Tắm gội sạch cho Trang hóa ra người nàng đã lở loét khắp, căn bệnh không có người chăm, thuốc thang hạn hẹp, phát tán nhanh đến kinh khủng. Vài tháng sau thì cô ấy mất...

Người đàn ông bê nguyên chai rượu tu ừng ực như trả lời ánh mắt ngờ nghệch của tôi.
- Khi tôi mang hũ tro về quê Trang thì tía nàng như chết lịm, ngất đi, tỉnh lại nhiều lần. Tôi chỉ biết ngậm ngùi giã biệt ông. Trước đó còn chút đỉnh tiền tôi sửa lại cho ông mái nhà. Tôi nói tiền Trang gởi về cho tía, tôi chưa mang kịp. Ai ngờ...
Người chủ vườn lảo đảo đứng lên lấy can rượu rót vào chai, tôi vội ngăn:
- Thôi bi nhiêu cũng đủ rồi. Em không còn sức đâu mà anh cũng nên nghỉ ngơi đi. Sáng còn kiểm bông cho tụi em chở.
Ông Minh lừ đừ, đôi mắt trắng bệch:
- Thì tôi uống một mình... Đối với tôi giờ không rượu thì tôi sống với ai...
Và ông bưng nguyên can rượu đổ òng ọc vào mồm. Hơi men cũng đã thấm vào tận gan ruột tôi. Gắng gượng mãi, mắt tôi vẫn cứ cụp xuống. Lòng tôi cứ day dứt... “Mẹ tôi cũng là người miền Tây!”.
                                Huế 2006
                                    P.Đ.Đ

(nguồn: TCSH số 221 - 07 - 2007)

 

Các bài mới
Củi (01/06/2022)
Cô bé câm lặng (19/10/2018)
Các bài đã đăng
Đi dọc phố (02/10/2008)
Khúc nghiệt ngã (02/10/2008)
Thăm chồng (09/09/2008)