Nhìn ra thế giới
Trò chuyện với nhà Thiên văn học Trịnh Xuân Thuận: Ánh sáng trái tim và nhan sắc của giọt lệ trên mi người thiếu nữ
14:59 | 15/06/2012

Nhà vật lý Thiên văn là những người “đọc” ánh sáng trong vũ trụ, lặn lội trong thiên hà để tìm về quá khứ, nhìn vào hiện tại, và đoán định được tương lai của vũ trụ, trong đó có trái đất. Có một người Việt như thế, cực kỳ nổi tiếng trong giới thiên văn học thế giới tên là Trịnh Xuân Thuận.

Trò chuyện với nhà Thiên văn học Trịnh Xuân Thuận: Ánh sáng trái tim và nhan sắc của giọt lệ trên mi người thiếu nữ
Trò chuyện với Nhà vật lý Thiên văn Trịnh Xuân Thuận ở phố núi Đà Lạt, Việt Nam. Ảnh: MPK

Những công trình nghiên cứu của khoa học gia khổng lồ này thấm đẫm chất thi ca, mà hơi thở văn chương như là một đường dẫn xuyên suốt để ông chuyển tải hiểu biết khoa học. Tôi hay nói với những người bạn làm vật lý ở Đà Lạt, là ắt một ngày nào đó người ta sẽ trao giải thưởng… Văn chương cho nhà vật lý này. Rồi như có duyên trời, tôi, Nguyễn Hàng Tình, một “Nhà báo hoang vu” dưới “chợ Đời” được gặp nhà Khoa học mang trái tim thi sĩ ấy trên không gian lộng gió và ngập tràn ánh sáng của một ngày mới, nơi Véranda ở tầng cao nhất của một khách sạn nằm giữa phố núi Đà Lạt khi ông từ Mỹ - nơi ông làm khoa học - tạt qua. Ông thanh tĩnh như Thiền sư, như một đứa trẻ băng trên thời gian và ánh sáng, và tôi thì nông nổi bụi đời, hỏi…  


Nguyễn Hàng Tình (NHT): Thưa nhà Thiên văn học, chúng ta có thể nhận ra “Thiên văn học” nơi… giọt lệ trên mi của một người Thiếu nữ…?

Trịnh Xuân Thuận (TXT): Cấu tạo giọt lệ không liên quan thẳng tới ánh sáng, nhưng giọt lệ cũng là kết tinh của sự vận động từ ánh sáng - các hạt nhân trong giọt lệ, qua cơ thể sinh học, cảm xúc của con người. Một hình dung đơn giản nhất là như thấy được sự long lanh của giọt lệ cũng nhờ ánh sáng... Ánh sáng đưa những gì từ vũ trụ vào mắt ta, và… vào tim ta. Ta màu nhiệm dạt dào, hân hoan, rạo rực trước giọt lệ nơi mi mắt một cô gái nhờ ánh sáng tự nhiên trường tồn trong thiên nhiên, và… nhờ “ánh sáng” trong Trái tim ta.

NHT:Và ngay cả với Thi ca, cũng vậy?

TXT: Không có ánh sáng lấy đâu niềm cảm hứng để con người thăng hoa. Tâm trạng con người đi theo ánh sáng, sáng khác, trưa khác, chiều khác, các mùa khác... Những thi phẩm hay nhất cũng là sản phẩm của sự tương tác vạn vật mà ánh sáng là khởi nguồn sự cộng hưởng. Những bài thơ mơ tưởng biểu hiện cho sự hân hoan hoặc buồn đau kia của Beaudelaire, Rimbaud, hay tranh của Monet, Léonardo da Vinci... là những câu chuyện về thế giới tâm hồn, câu chuyện về ánh sáng, không trực tiếp thì qua những tồn tại khác của ánh sáng, nuôi dưỡng từ ánh sáng. Người họa sĩ bằng ánh sáng, vẽ cảm xúc về tâm hồn mình, và mọi thứ hữu hình xung quanh... Sáng tác một bài thơ cũng tương đương như đi tìm kiếm cái gì đó trong vũ trụ của nhà khoa học.

Ân nhân của ánh sáng

NHT:
Ông thường bảo ánh sáng là bạn tri kỷ của ông?

TXT: Từ ánh sáng tôi có thể liên lạc được với vũ trụ, có thể nhìn về quá khứ vũ trụ cách đây 5 tỉ năm từ lâu, bây giờ thì xa hơn nhiều nữa. Hàng đêm khi mọi người đi ngủ thì chúng tôi làm việc, tôi đi vào vũ trụ, lang thang trong các thiên hà, thả lòng trên các vì sao... Chính ánh sáng cho tôi thấy sự di động của các thiên hà và các sinh tố của thiên hà... Tôi luôn kiếm ra cái mới lạ trong đó.

NHT: Chính ánh sáng đã tạo ra con người chúng ta?

TXT: Không có ánh sáng thì không có sự tổng hợp vật chất, sự chuyển hóa, duy trì sự tồn tại của vật chất. Ánh sáng tạo ra sự sống. Đơn giản là không có mặt trời, không có con người trên trái đất. Ánh sáng, biểu thị qua trạng thái hạt bụi, và hạt bụi là những sinh linh, là những ngôi sao, là tổ tiên của chúng ta.

NHT: Và… cũng chính ánh sáng biến trái đất thành một ngôi làng toàn cầu?

TXT: Dĩ nhiên rồi. Ánh sáng đã làm liền trái đất, kết nối những lục địa, làm phẳng tất cả, ráp nối cả nhân loại lại. Chỉ có con người phân biệt ra những dân tộc, lãnh địa, văn hóa... chứ mọi thứ trên mặt đất đều như nhau, dưới ánh sáng của ánh sáng. Hoặc như ngày nay, các thiết bị số ra đời, đều trên các nguyên lý của ánh sáng và điện từ. Mọi thứ tồn tại trên vũ trụ này, trên mặt đất này đều nhờ ánh sáng, từ ánh sáng, hoặc dựa trên những nguyên lý của ánh sáng, từ giọt nước uống, cọng rau xanh, đến miếng thịt, cái máy nghe nhạc... Đơn giản ví dụ nhé, trên internet, người ở các vùng nông thôn xa xôi, không từng đặt chân đến, cũng biết đến được nơi chốn đó. Vào Google thấy cả thế giới...

NHT: Có phải vũ trụ là một mớ hỗn độn, thưa nhà Thiên văn?

TXT: Là một dàn hòa nhạc êm dịu hoàn hảo đúng hơn. Vũ trụ có giai điệu, giai điệu đẹp như một bản nhạc Jazz. Ngay thế giới sắc màu của nó cũng rực rỡ, lộng lẫy trong êm ái. Một cái đẹp vô tận. Mọi thứ trong vũ trụ hoạt động có quy luật, uyển chuyển trong trật tự.

NHT: Ánh sáng cũng là thế giới tâm linh. Vậy, liệu giữa Thiên văn học và Phật giáo, có mối liên quan?

TXT: Phật giáo ra đời sau, mới hơn 2.500 năm. Nhưng vũ trụ hình thành đã 14 tỉ năm. Nhưng Phật giáo ngay từ đầu con đường đã hướng đến thế giới tự nhiên, vũ trụ, vạn vật, và cả thân phận con người, tức hiểu tự nhiên bằng cảm nhận, bằng giác ngộ, qua hành trình giác ngộ. Thiên văn học, thì duy lý, dùng duy lý để khám phá, chỉ ra vận động của tự nhiên, vũ trụ, tính có quy luật của vũ trụ và mọi thứ phát sinh ra trong đó. Đạo Phật cũng chỉ sự thay đổi trong trời đất, chuyển dịch của vạn vật, và Thiên văn học cũng thấy vậy. Có sự tương đồng cho cái hướng đến. Triết lý Phật giáo là hiểu đến lẽ vô thường của vũ trụ, còn của thiên văn học là hiểu đến sự liên hệ với các ngôi sao, thiên hà. Cả hai đều là khoa học. Đạo Phật hay nhắc đến trở về cát bụi là vậy, chuẩn xác đến tuyệt vời, kỳ diệu.

Loài người đang cày xới chốn nương thân

NHT:
Bằng cái nhìn của Nhà thiên văn học, ông thấy trái đất - chốn nương thân của loài người - đang như thế nào?

TXT: Đang nguy lắm. Người ta đang cày xới trái đất. Loài người đang xới tung trái đất lên. Dọn đi những thảm thực vật - màu xanh của sự sống. Chặt hạ cây xanh khắp nơi và đào xuống để lấy mọi thứ lên đến mức gần như không còn kiểm soát được nữa, mà mất giới hạn. Các loài trên thế giới mất đi liên tục, như con tê giác một sừng vừa rồi ở Việt Nam chẳng hạn, đã biến mất là vĩnh viễn không trở lại. Lũ lụt đang nhiều hơn. Khí thải cacbon ngày một dữ dội, khủng khiếp hơn. Thời tiết đang nóng lạnh thất thường lên từng ngày vì đối xử đó. Nếu diễn tiến thế này, sẽ đến một ngày loài người cũng như vậy, như con tê giác kia. Với loài người hiện nay, rồi cái không còn trước mắt nhất là không còn chỗ sống sót. Băng tan ở hai đầu Bắc và Nam cực đang báo động, mà trái đất vốn dĩ ¾ là nước rồi. Đầu tiên là trái đất sẽ ngập chìm trong nước, và giai đoạn sau đó của nó nữa có thể là quá trình bốc hơi, và tiến tới sa mạc hoá, hoặc một biến đổi vô thường nào đó nữa. Ngay cả việc thấy khí thải ô nhiễm là tổn hại sống còn rõ ràng với trái đất chung ấy, nhưng con người vẫn cứ mặc cả nhau trong sự cứu lấy chốn nương thân. Trong khi đó, chúng tôi - các nhà Thiên văn học - đi tìm hành tinh khác với hy vọng có sự sống - thì chưa ra, mà chưa chắc còn có.

NHT: Theo ông vì sao loài người lại dám làm thế - “bán đứng” tương lai?

TXT: sự ích kỷ. Cả thế giới này lao vào cày xới trái đất. Lòng tham vô độ của từng quốc gia, chỉ nhắm vào cái lợi trước mắt. Họ so đo và tranh nhau để phát triển bằng mọi giá. Từng con người, từng nhóm người đã đẩy trái đất dần bước đến những nguy cơ hủy diệt. Tại sao loài người tham lam đến vậy, khi đục cho đến rỗng trái đất để vét cho bằng hết năng lượng hóa thạch, đất đai, cây cối? Súng đạn vẫn sản xuất, chiến tranh vẫn không ngừng ngày nào. Con người đánh nhau mãi. Tôi thấy lạ, và đau lòng, vì sao con người không cùng nhau hiểu rằng trái đất luôn là hành tinh mong manh, yếu ớt lắm. Sao các nước không sẻ chia nhau trên tinh thần hiệp thông, cùng tồn tại có trách nhiệm, cùng nâng niu trái đất, để cùng hạnh phúc sống trên hành tinh này.

NHT: Vậy Thiên văn học không phải là một... cõi huyễn hoặc, mơ hồ, và nhà Thiên văn học cũng không là những kẻ thường trực mộng du theo những tinh tú trên trời?

TXT: Làm sao mơ hồ được. Vật lý thiên văn là khoa học cho tương lai loài người, hiệu quả của nó không cầm nắm được ngay tức khắc. Tưởng nó mơ tưởng, nhưng thực ra nó rất thiết thực. Chúng tôi nhìn từ quá khứ đến tương lai để chỉ ra cho người ta những cái mà họ không thể thấy. Chúng tôi hoàn toàn có thể cảnh báo những gì nguy hiểm trong vũ trụ, hành tinh con người đang sống, và các hành tinh khác, và nhiều thiên hà khác… đang ra sao, tương tác thế nào với trái đất. Tôi đang sống và làm việc trên mặt đất này mà.

NHT: Có lúc người ta đề cập đến Ngày tận thế, và sự thật rằng, lâu nay, có một mối quan tâm như vậy trong đời sống của người bình thường dưới mặt đất này?

TXT: Chúng tôi “đọc” trong vũ trụ, và thấy chưa hề có gì làm bằng chứng từ vũ trụ để nói “tận thế”. Đó chỉ là suy diễn của những ai đó tưởng tượng ra trong trí tưởng tượng của họ. Vũ trụ vẫn cứ đang vận hành êm ả theo quy luật của nó.

Nếu có quan tâm, là cách cư xử của con người với hành tinh trái đất mình đang sống. Hành tinh trái đất sẽ khó khăn khi gồng lên vì con người đè ra vắt lấy năng lượng. Như ta biết, mọi nguồn năng lượng đều do ánh sáng tạo ra, từ mặt trời. Nếu nhu cầu về năng lượng cứ vô hạn như thế này “trái đất” nào chịu nổi. Chúng tôi tính được năng lượng trong mặt trời - mặt trời tồn tại do năng lượng chính nó, và năng lượng cho trái đất phụ thuộc vào nguồn từ mặt trời. Cụ thể, mặt trời còn “sống” được 4,5 tỉ năm nữa. Trước đó nó đã “sống” 4,5 tỉ năm. Thiên nhiên trong tay con người. Sức trái đất có hạn, so với lòng tham của con người. Con người cần phải hiểu sự “nguy hiểm” không đường lùi từ lòng tham của chính mình. Để trái đất tồn tại, hay hủy hoại nhanh hơn, có khi nội trong vài ngàn năm hoặc vài trăm năm nếu sức tàn phá trái đất tiếp tục dữ dội hơn thì mọi thứ sẽ đổi thay, kết thúc sớm hơn. Nghĩ ra thêm cách để sinh tồn, cùng tồn tại, đừng lao vào và tranh nhau đào trái đất nữa. Loài người đã đi quá sức của mình, nên đang trở về với việc tập trung hủy hoại nó.

Và nếu gìn giữ thì trái đất sẽ vững chãi, hài hòa, an lành, bền vững. Tất cả đang tùy thuộc vào loài người.

NHT: Sự thông minh, trình độ khoa học của con người ngày càng cao, sáng chế ra và sử dụng nhiều thứ vật dụng tối tân, và thường cho đó là những chỉ dấu của văn minh, khả năng hiện đại? Văn minh và hiện đại gì đến mức làm thủng nát cả hành tinh duy nhất mình có thể sinh tồn là trái đất. Ông có ủng hộ trình độ khoa học kỹ thuật đến mức siêu phàm như ngày nay, thậm chí có thể đặt ra vấn đề “đạo đức” trong chuyện hủy hoại đó?

TXT: Tôi không phản đối trình độ phát triển khoa học, chế tạo máy móc cao… Vấn đề là khả năng đó sử dụng có thông minh không, sử dụng vào việc gì; con người có kiểm soát được việc mình đang làm; trí tuệ mình đang phát huy. Ví như phát triển bao nhiêu chiếc xe hơi chạy trên phố là vừa; khai thác tài nguyên đến bao nhiêu để đảm bảo cuộc sống cho thế hệ hiện tại mà không tước mất tương lai của thế hệ sau đó… Cái gì không tạo ra được tương lai, không vì tương lai, không làm cho con người hạnh phúc bền chắc, thì làm sao là đạo đức được.

Quê hương mặt đất

NHT:
Ánh sáng là vậy. Thế còn bóng đêm, vai trò của nó, thưa nhà Thiên văn học?

TXT: Ánh sáng và bóng đêm đều phải cùng tồn tại, bổ trợ nhau, tương tác, hút nhau. Vì trái đất cũng luôn cần sự cân bằng. Bóng đêm là lúc để hoạt động tái tạo, và vũ trụ vẫn chuyển động đều qua khoảnh khắc đó, không ngơi nghỉ. Với con người, đêm là lúc để nghỉ ngơi lại sức. Và cả với tôi, đêm là lúc tôi lang thang trong ánh sáng, như có thể thấy 2.000 vì sao gần nhất hiện hữu... Không có bóng đêm, chúng tôi không thể khám phá, tìm hiểu được vũ trụ. Và ngay trong bóng đêm, nghệ thuật vẫn tiếp tục sinh thành, những bài thơ, bản nhạc vẫn ra đời...

NHT: “Quê hương”, trong một nhà Thiên văn học ra sao, thưa ông…?

TXT: Cái này trong mỗi người mỗi khác nhau - tôi không rõ ở những đồng nghiệp khác. Với tôi, cảm tưởng về quê hương là mặt đất này - mặt đất thân thương, đầy đủ buồn vui - chứ không dừng lại ở một đất nước nào, tỉnh thành nào. Cứ mỗi lần nhìn lại bức ảnh chụp được trái đất - vào năm 1969 - từ mặt trăng - là lòng tôi xúc động. Tôi nhìn, tôi sống trong thiên nhiên và vũ trụ. Tôi cảm tưởng tôi không thuộc về một nước nào cụ thể cả.

Nhưng tôi cũng là con người. Tôi có gia đình nhỏ, yêu quý vợ mình, người thân mình, bè bạn, và tôi yêu quý những cái giản dị nhất này. Tôi nhớ và yêu mọi nơi trên mặt đất tôi đi qua. Và làm sao tôi quên được cảm xúc man mác trong lòng về tuổi thơ - giai đoạn quan trọng trong một kiếp người - của tôi ở Đà Lạt, Sài Gòn... Ý nghĩ đầu tiên của tôi về vũ trụ là tại xứ Đà Lạt nhỏ xinh này. Hành trình kiếp người của tôi làm sao không mang theo các nơi như Việt Nam, Pháp, Mỹ...

NHT: Trịnh Xuân Thuận là con người của thế giới, danh tiếng toàn cầu. Nếu ai đó chợt nhắc ông rằng nên thường khuyên dặn người khác về cái “đạo” của người làm khoa học chân chính và làm Con người chân chính, nhà Thiên văn học Trịnh Xuân Thuận sẽ dễ dàng mở lòng…

TXT: Tôi không phải dạng người muốn đứng trên mọi người để bảo ban. Bảo ban làm con người phân biệt, mà cái đó không có trong quan niệm sống của tôi. Những lúc đi dạy học, tôi san sẻ tri thức với học trò, tương tác với họ. Nếu ai buộc tôi phải khuyên răn thì chúng tôi chỉ tâm sự với nhau, chân thành như: là người, nên lao vào lĩnh vực nào đó mà mình thật sự yêu thích; chân chính đến với nó bằng sự trong sáng; làm hết mình và cũng đừng toan tính hay mưu cầu quá nhiều thứ trên cuộc đời này. Ở đó, luôn phải nghĩ đến cái tinh thần mặc khải cao cả của Phật giáo, cái đức độ với tha nhân, đồng loại và các loài khác nữa trong công việc của mình. Mình hạnh phúc thì cũng để cho người khác hạnh phúc; yêu hạnh phúc của mình thì cũng tôn trọng hạnh phúc của người, để người ta cùng được hạnh phúc như mình…

NHT: Giờ đây, ông nghĩ ông đã có thành tựu trong đời?

TXT: Tôi được đi tới cùng sở thích, tình yêu của mình về khám phá vũ trụ, cho mục tiêu khám phá vũ trụ. Tôi không từng phải để ý đến việc thành danh hay lưu danh. Người ta biết đến tôi có lẽ do sự chân thành của tôi với ánh sáng, vũ trụ - nên nếu có thì chỉ là nó hình thành tự nhiên theo dòng chảy đam mê kia của tôi, do mọi người gọi tên.

NHT: Với Thiên văn học, ông chủ động đến với nó, căn duyên, hay là bị... “đưa đẩy”?

TXT: Ngay từ nhỏ, tôi đã luôn tự vấn những câu hỏi về thế giới xung quanh, về thiên nhiên, bầu trời. Tôi yêu vật lý từ nhỏ, nhưng tôi thấy mình hợp với thiên văn, trong cảm xúc bản thân là luôn muốn hỏi về trời đất, tìm ra quy luật của thiên nhiên, chứ không muốn là những người thực hành. Khi sang Mỹ học đại học năm 18 tuổi, thấy chiếc kính thiên văn dõi lên bầu trời, và được nhìn vũ trụ từ chiếc kính thiên văn khổng lồ nhất thế giới này, càng làm bùng lên trong tôi niềm đam mê khám phá thiên văn. Tôi muốn làm người khám phá, làm vật lý khám phá, thay vì thực hành (như công việc của một kỹ sư). Dù trước đó, tôi muốn sang học khoa học ở nước Pháp kia, nhưng do bấy giờ ở thời điểm lịch sử Pháp - Mỹ trong câu chuyện về Việt Nam có trắc trở nên Mỹ là nơi tôi phải đến thay vì Pháp. Thêm nữa, lúc tôi sang Mỹ, đó là giai đoạn vàng của vật lý thiên văn với hàng loạt khám phá, công bố về vũ trụ...

NHT: Tôi tìm thấy thơ và văn chương trong những công trình khoa học về thiên văn của ông. Nhưng thưa ông, sao ông chỉ dùng tiếng Pháp làm “công cụ” ngôn ngữ để chuyển tải những kết quả đó, dù ông nói được nhiều thứ tiếng, thậm chí giảng dạy bao năm nay ở Mỹ (nơi nói tiếng Anh), và tiếng Việt là tiếng Mẹ đẻ của ông?

TXT: Tôi nhận thấy sự lung linh của tiếng Pháp, nó khoa học, chặt chẽ, chuẩn mực, vừa đủ lung linh để chở thông tin, nó hợp với tư duy và tâm hồn tôi - cuộc đời tôi gắn bó với ngôn ngữ này nhiều hơn. Tiếng Việt thì tôi không đủ, chỉ đủ giao tiếp, vì tôi rời xa môi trường ngôn ngữ tiếng Việt lâu rồi.

NHT: Ta thử chơi trò chơi quay ngược lịch sử nhé: Giả sử ngày ấy buộc ông đi làm nghiên cứu về Sinh học, chẳng hạn, thì…?

TXT: Với óc ưa khám phá, tôi nghĩ mình vẫn là “người đi khám phá”, khi ở lãnh địa khoa học khác. Mọi khoa học đều có thế giới bí ẩn của nó, hấp lực để dẫn dụ con người bước vào, đào sâu, thả hồn... Nhưng để tôi làm thiên văn tôi sẽ hoan hỉ hơn, được toại nguyện ước, cảm xúc được niềm ước mơ cái thế giới mà tôi luôn nghĩ tới.

Thật may mắn là tôi được Trời Phật cho tôi làm cái mình thật thích.

Thật sự là hàng ngày cứ nghĩ về thiên văn, sống cùng thiên văn, trôi đi cùng ánh sáng, là tôi vui rồi.

NHT:Mong sao đời ông ngút vào thẳm sâu của ánh sáng, làm kẻ lữ hành lang thang thật lâu theo các vì sao trong bầu trời kia, trong cõi không giới hạn đó. Rồi thi thoảng một “Thi phẩm khoa học” từ tâm hồn Trịnh Xuân Thuận lại rơi xuống mặt đất, mà không có thì cứ “hư vô”, cũng chả sao, vì tình yêu của ông với vũ trụ đã như thơ rồi.
 

Giáo sư - Tiến sĩ Trịnh Xuân Thuận năm nay 64 tuổi. Ông sinh ra ở Hà Nội, sau đó sống thời thơ ấu ở Đà Lạt, 1954-1960, học trường Lycée Yersin Đà Lạt. Vào những năm đầu thập niên 1960, ông học Trung học ở Sài Gòn tại trường Jean Jacques Rousseau - nay là THPT Lê Quý Đôn (Tp.HCM), rồi đi du học Thụy Sĩ, ngay đó nhận được một học bổng sang Mỹ học đại học và lao vào khoa học Thiên văn. Ông bảo vệ luận án Tiến sĩ tại đại học lừng danh Princeton, và giảng dạy ở nhiều trường Đại học danh tiếng như Đại học Paris VII (Pháp), đại học Virginia (Mỹ) - hiện ông vẫn nghiên cứu và giảng dạy chủ yếu tại trường này... Ông là tác giả của một loạt các sách nói về vũ trụ được viết bằng tiếng Pháp mang hơi thở văn chương, như “Nguồn gốc - Nỗi hoài niệm về những thuở ban đầu”, “Lượng tử và hoa sen”, “Giai điệu bí ẩn. Và con người đã tạo ra vũ trụ”, “Cái vô hạn trong lòng bàn tay”, “Những con đường của ánh sáng”, “Hỗn độn và hài hòa”…

Theo thông cáo báo chí của Quỹ Simone và Cino del Duca thuộc Viện Pháp Quốc tháng 5-2012, giải thưởng quốc tế Cino del Duca năm 2012 đã được trao cho GS-TS Trịnh Xuân Thuận, nhà văn và nhà vật lý thiên văn, hiện đang giảng dạy tại Đại học Virginia, Mỹ.

Giải thưởng quốc tế Cino del Duca nhằm tôn vinh một tác giả Pháp hoặc nước ngoài có tác phẩm, dù thuộc lĩnh vực văn học hay khoa học, mang đậm tính nhân văn hiện đại. Sau khi trao giải cho các tác giả văn học nổi tiếng như: Mario Vargas Llosa, Milan Kundera, hay Patrick Modiano..., năm 2012 ban giám khảo đã quyết định trao giải thưởng này cho GS-TS Trịnh Xuân Thuận - một người Mỹ gốc Việt, nhà vật lý thiên văn và là nhà văn, bởi sự nghiệp phổ biến khoa học của ông bằng tiếng Pháp.

GS-TS Trịnh Xuân Thuận nói: “Giải thưởng này là một sự khích lệ để tôi tiếp tục công việc của mình về phổ biến khoa học. Trong một thế giới ngày càng phụ thuộc vào khoa học và công nghệ, việc mọi người có một hiểu biết cơ bản để tất cả chúng ta có thể cùng suy ngẫm về tương lai của hành tinh là một điều cực kỳ quan trọng”.


NGUYỄN HÀNG TÌNH thực hiện   
(SH280/6-12)








 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cõi người ta (22/12/2011)