Nhìn ra thế giới
Kinh nghiệm viết sự thật
10:34 | 07/11/2012

HOÀNG NGỌC HIẾN
(Đọc "Thám tử đau buồn" của Viktor Axtaphiev)

Tiểu thuyết Thám tử đau buồn ở trong số những tác phẩm ưu tú của văn học Liên Xô viết trước Đại hội lần thứ XXVII Đ.C.S.L.X và chứa đựng dự cảm những tư tưởng và tinh thần của Đại hội.

Kinh nghiệm viết sự thật
G.S Hoàng Ngọc Hiến năm 2003 - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Trước hết đó là tinh thần tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, được nêu lên nhiều lần trong Báo cáo chính trị trình bày ở Đại hội: "...Chúng ta phải rút ra những bài học nghiêm túc nhất.

Bài học thứ nhất có thể gọi là bài học sự thật. Một sự phân tích quá khứ với tinh thần trách nhiệm sẽ dẫn đường đi đến tương lai, còn sự thật một nửa thẹn thò lẩn tránh những góc cạnh sắc nhọn sẽ cản trở cho sự xác lập đường lối chính sách thực tại, sẽ gây trở ngại cho sự vận động tiến lên của chúng ta. "Sức mạnh của chúng ta, - V.I. Lênin đã từng nói - là ở sự tuyên bố sự thật" (1).

"Chúng ta sẽ không nhích lên được một bước nào... nếu như chúng ta mất sự dũng cảm đánh giá tình hình một cách tỉnh táo, nhìn thấy tình hình như nó tồn tại. Để cho sự vô trách nhiệm đi hẳn vào quá khứ, cần nêu lên thành nguyên tắc việc gọi sự vật bằng tên của nó và xét đoán mọi sự việc cứ nói thẳng toạc ra. Đã đến lúc chấm dứt cái trò uốn éo ra điều tế nhị không phải lối, uốn éo ở những chỗ cần phải bộc lộ sự trung thực, tinh thần đòi hỏi gắt gao, lương tâm tính Đảng. Không một ai có quyền quên lời răn bảo nghiêm khắc của Lênin "Câu nói dối trá, sự huênh hoang khoác lác là sự tiêu ma về đạo đức chắc chắn sẽ dẫn đến sự tiêu ma về chính trị" (2).

"... Cả Đảng và nhân dân đều không cần đến sự miêu tả dài dòng mang tính chất phô trương và sự bới móc vụn vặt trong sinh hoạt, không cần đến thứ văn chương tùy thời và sự viết lách để kiếm chác, xã hội chờ đợi ở nhà văn những phát hiện nghệ thuật, sự thật của đời sống, nó bao giờ cũng là bản chất của nghệ thuật chân chính" (3)

Để hiểu đúng "bài học sự thật" và "cảm hứng sự thật" nói trên đây, cũng cần thấy rằng từ tiếng Nga "pravđa" vẫn được dịch là "sự thật" chứa đựng một nội hàm sâu rộng hơn. Trong tiếng Việt, "sự thật" là chân lý. Từ tiếng Nga "pravđa", vừa có nghĩa là chân lý, vừa có nghĩa là công lý tức là lẽ công bằng. Cho nên khẳng định sự thật đời sống đồng thời là khẳng định lẽ công bằng. Trong văn học Nga cổ điển cũng như trong văn học Xô-viết hiện đại, sự thật có khi được hiểu như là "lẽ công bằng cao nhất" như là mục đích cao nhất của cuộc sống làm người". Sau đây là một đoạn văn chính luận về sự thật của Vickor Axtaphiev, một tác giả lớn của văn xuôi Xô viết đương đại, ông tiếp tục sự suy nghĩ của một nhà thơ cổ điển: "... Và khi nhà thơ vĩ đại đương rên rĩ bỗng thốt lên: không có sự thật trên trái đất, mà cũng chẳng có sự thật ở trên cao! - nhà thơ không bịa đâu, nhà thơ nói đến lẽ công bằng cao nhất, đến cái sự thật mà con người cố tìm hiểu trong sự quằn quại, trong nỗ lực để đạt tới đỉnh cao, họ rơi tuột, lao tới chỗ chết, họ phá tan số phận riêng của họ và số phận của cả một dân tộc, nhưng như là những người leo núi, họ vẫn trèo, họ leo, họ trèo những mỏm đá dốc chết người, hiểu thấu sự thật là mục đích cao nhất của cuộc sống làm người..." (4) Cũng phải quan niệm như vậy về sự thật thì mới hiểu được câu nói nổi tiếng của Đôxtôievki: "... sự thật cao hơn Puskin, cao hơn nhân dân và cao hơn cả nước Nga nữa".

Cảm hứng sự thật, tinh thần tôn trọng sự thật bộc lộ khá rõ trong tác phẩm Đám cháy (1985) của Valentin Raxputin và tác phẩm Thám tử đau buồn (1986) của Vicktor Axtaphiev là hai cuốn tiểu thuyết được nhắc đến nhiều hơn cả trong các bản tham luận ở Đại hội lần thứ VIII các nhà văn Liên Xô. Và hiện nay đương được công luận đặc biệt chú ý. Đặc biệt qua hai tác phẩm này có thể rút ra những bài học về việc viết "sự thật".

Đọc Thám tử đau buồn (1986) của Viktor Axtaphiev không khỏi kinh hoàng về những sự thật đau buồn trong xã hội Xô viết được phơi bày trong cuốn tiểu thuyết. Có những vùng nông thôn tiêu điều, xơ xác. Thanh niên bỏ đồng ruộng ra thành phố. Xóm làng hoang vắng đến mức giá như có người nào đó hiện ra trên đường làng thì người ta thấy "những bộ mặt bà lão dán vào ô cửa kính giống như những tấm lá úa héo: ai đi đấy? có khi du hành vũ trụ ở trên trời rơi xuống?". Bọn lưu manh hoành hành. Một tên côn đồ chưa đầy ba mươi cưỡng hiếp một bà già ngoài năm mươi phải ăn nằm với nó. Thành phố Vêixk, địa điểm trung tâm trong tác phẩm thì đầy rẫy tội ác. Những vụ hành hung, càn quấy, tàn bạo. Phụ nữ bị xúc phạm, bị làm nhục trước mắt mọi người. Những vụ giết người vô nguyên cớ. Điều đáng sợ là bọn sát nhân phần lớn còn rất trẻ không hề ăn năn về tội ác của mình. Đặc biệt giới trí thức được giới thiệu quá ư thảm hại. Chỉ có Xôsnin - nhân vật trung tâm của tác phẩm - thực sự là trí thức. Phần còn lại - những giảng viên đại học, những biên tập viên... những kẻ vẫn tự xưng là trí thức, là "ưu tú của xã hội" - tác giả phơi bày tính chất trí thức dở dang và sự thấp hèn về văn hóa đạo đức của họ. Một cặp vợ chồng trí thức bỏ trốn đến thư viện đọc sách, cố tình bỏ chết đói ở nhà đứa con sơ sinh mà họ lỡ đẻ ra nhưng không muốn nuôi. Một cặp vợ chồng khác lục đục với nhau, vợ bỏ nhà, chồng buồn đi lang thang, bỏ quên một đứa con ba tuổi trong nhà kho, một tuần sau trở về, đứa trẻ nhờ bắt gián ăn nên vẫn sống, nhưng bị loạn dinh dưỡng, bị còi, suốt đời tàn phế. Tất cả đều ngụy tạo một lối sống có vẻ trí thức nhưng thực sự không có đời sống tinh thần và đạo đức của người trí thức. Mấy người con làm đám chôn cất cha. Họ là những kẻ hốt ra tiền. "Phú quý sinh lễ nghĩa". Họ ném xuống huyệt những tập giấy bạc thật (để người quá cố sang thế giới bên kia có tiền tiêu). Nhưng đến lúc lấp huyệt, thế nào lại quên đưa quan tài xuống huyệt. Tất cả đều vội vã ra về, hóng bữa tiệc rượu cầu hồn đương chờ ở nhà. Mấy ngày sau quạ kéo đến rỉa tử thi thì mới biết. Những sự thật thực là khủng khiếp! Một độc giả Liên Xô đọc xong cuốn Thám tử đau buồn viết thư phàn nàn "... không một đài nào của địch tìm kiếm trong báo chí của ta cứ cho là suốt một năm lại có thể câu được nhiều thông tin, tiêu cực như là đọc cuốn tiểu thuyết của V.Axtaphiev! Có nên tạo điều kiện cho kẻ thù của chúng ta vỗ tay thích thú không?" (5) Độc giả này chỉ thấy ở tác phẩm văn học một nguồn thông tin (và một nguồn thông tin cho địch). Nhưng Thám tử đau buồn trước hết là một nỗi đau, là tiếng kêu của một nỗi đau. Tác giả như muốn trần tình với quốc dân: trên đất nước đương có những sự thật đau buồn như vậy, khủng khiếp đến như vậy.  Với nỗi đau của mình, tác giả muốn đồng bào của mình không có một ai không biết đến những sự thật này, hoặc biết mà làm ngơ, mà dửng dưng. Những sự thật như vậy văn học trước đây không phải không nói đến nhưng được nêu lên như là "ngoại lệ" như là "sự việc cá biệt" mà như vậy thì cả tác giả lẫn độc giả vẫn có thể sống bình yên vô sự. Đến lúc phải giáp mặt với sự thật phủ phàng của đời sống loại tác giả và độc giả này hoặc sẽ lui trốn trong ý thức của chính mình - bằng một thứ phản xạ do văn chương xa đời sống tạo ra - hoặc sẽ ngã ngửa và cảm thấy như lạc vào một cõi đời khác. Cách hiểu biết nửa vời, chàng màng sự thật đời sống hoàn toàn đã bị vượt qua trong Thám tử đau buồn. Đọc cuốn tiểu thuyết này, độc giả như bị bủa vây bởi những sự thật của đời sống, có lủi đằng trời cũng không thoát khỏi sự thật. Có thể nói đến một sự "tập trung đậm đặc" sự thật, một cấp độ mới phản ảnh sự thật trong tác phẩm của Axtaphiev. Những nghị quyết của Đại hội lần thứ XXVII ĐCS.L.X là biểu hiện tập trung của ý chí toàn dân Liên Xô quyết tâm cải tổ toàn bộ đời sống xã hội Xô-viết. Phải biết sự thật, biết toàn bộ sự thật thì mới quyết tâm cải tổ. Ngày nay, tiếng nói của văn học phải đi thẳng vào những vấn đề nhức nhối nhất của thời đại, phải thức tỉnh lương tâm con người, xốc dậy tinh thần đạo đức của con người, truyền cho nó niềm tin và hy vọng... Để làm được những nhiệm vụ này, không gì mạnh mẽ và hiệu quả bằng tiếng nói của sự thật. Mục đích nói sự thật bao giờ cũng quan trọng hơn bản thân việc nói sự thật. Tìm tòi sự thật do thóc mách, nói sự thật để châm chọc thì cũng nhảm nhí như là vẽ vời những điều không thật đèm đẹp rẻ tiền. Đối với Raxputin và Axtaphiev cũng như đối với Aitmatôv, Bônđarev Bưkôv, Đumbađdê, Đalưghin, Baklanôv và những nhà văn ưu tú khác của văn học Xô viết việc nói sự thật bao giờ cũng gắn liền với những mục tiêu cao cả: hoàn thiện chế độ xã hội và bảo vệ lý tưởng, vì sự sống còn của đất nước và dân tộc, vì sự tồn vong của nhân loại và hành tinh. Mục đích nói sự thật trong thời đại ngày nay đã được nhà văn Alex Adamôvitch khẳng định như sau:

"Nếu như ngày hôm qua có thể sống… mà không cần nói rõ sự thật về những điều cốt yếu nhất cũng như về những điều khác còn lại thì ngày hôm nay bản thân tình thế trên hành tinh, bản năng tự vệ, muốn sống của nhân loại đương làm bật rõ sự thật. Uy tín của chúng ta trên thế giới phụ thuộc vào việc trên đất nước ta sự tình đương như thế nào và sẽ ra sao. Vị trí của chúng ta trong cuộc đấu tranh chống lại sự điên cuồng chạy đua vũ trang phụ thuộc vào việc những nhiệm vụ xã hội và những nhiệm vụ khác đã chín muồi của chúng ta được giải quyết như thế nào" (6)

Tại sao lại Thám tử đau buồn? "Thám tử" - vì Xôsnin, nhân vật chính trong truyện là một cảnh sát tác chiến ban điều tra hình sự. "Đau buồn" - là vì, do nghề nghiệp, biết quá nhiều sự thật đau buồn, những mặt trái của xã hội và những cảnh đời đen tối, thường xuyên chứng kiến tội ác và tiếp xúc với phạm nhân, những con người hư hỏng, Xôsnin cũng có những khuyết điểm thường tình: có ích kỷ, có những lúc mệt mỏi, cáu kỉnh, tàn nhẫn. Nhưng đấy là một con người có tấm lòng nhân hậu, có lòng tin ở con người, thương cảm những con người khốn khổ, ngay đối với phạm nhân, kiên quyết ngăn chặn tội ác của họ, trước sau anh vẫn nhận thấy không thể nào vứt bỏ họ đi được, không thể một lúc nóng mặt là nghĩ đến việc thanh toán họ, khai trừ họ ra khỏi cộng đồng của ta. Mà ta thì cũng chẳng hơn họ nhiều lắm đâu, hiện nay tai họa của cuộc sống chính là đám cán bộ ba hoa, vô tích sự mà tiêu biểu là nhân vật Eoxtôlia Xerghêevna được tác giả phác họa tiểu sử như sau:

"... Căn cứ vào những bức ảnh, những mẫu chuyện vào những mẫu cắt trên báo thì bà đã từng sống một tuổi trẻ sôi nổi, bà đã từng đi trên đoàn tàu cổ động nông thôn, đầu bịt khăn đỏ, khuấy động và kích động nông dân không chỉ bằng lời nói, do "tả" khuynh bà bị vứt về nhà máy dệt "lanh" ở Kharlôvxcơ làm công đoàn, rồi lại được điều về làng phụ trách phòng đọc, làm câu lạc bộ, có thời được ném về nông trường làm chủ tịch... Nhưng lúc này bà đã hoàn toàn mất khả năng làm việc, mà cũng chẳng muốn làm, bà luôn luôn được đề bạt, công tác ở những chỗ cần và có thể nói nhiều, dạy dỗ, khuyên bảo thiên hạ đấu tranh nhưng không làm gì cả" (7)

Tuy làm công tác cảnh sát dã chiến Xôsnin thực sự là một trí thức không phải chỉ vì anh ham đọc sách mà trước hết là một người có tư tưởng và lý tưởng. Xôsnin luôn luôn trăn trở, suy ngẫm về bản thân mình, về thế thái nhân tình. Ngoài bốn mươi tuổi, anh xin nghỉ hưu về chuyên tâm viết văn. Đây cũng là một dịp để anh tổng kết những chặng đường đời trước đây, xem lại toàn bộ cách nghĩ, cách nhìn của mình. "Anh hiểu rằng cách nào đó phải đem cuộc đời của mình bày ra để xem xét, tìm hiểu và trước khi ngồi hẳn vào bàn viết có khi phải xem lại với một cách nhìn thâm trầm và khoáng đạt hơn tất cả những gì đã và đương xảy ra với mình và xung quanh mình, phải học nhìn và hiểu người đời không phải bằng con mắt trước đây của một "cảnh sát tác chiến" thường xuyên cảnh giác và nhẫn tâm mà bằng con mắt của một con người có thiên chức khác"(8). Nhân vật Xôsnin truyền cảm hứng lạc quan cho tác phẩm. Sáng tạo được một Xôsnin làm nhân vật trung tâm, một con người có cách nhìn tích cực và xây dựng có lương tâm và tinh thần trách nhiệm xã hội thì trong tác phẩm có thể nêu mọi sự thật đau buồn, kể cả những điều khủng khiếp... Phải chăng từ đây có thể rút ra một nguyên tắc tư tưởng - nghệ thuật cho văn học "chống tiêu cực"?

Nếu như có thể nói đến một xu hướng "chống tiêu cực" trong văn học Xô viết hiện đại thì Thám tử đau buồn là một bước ngoặt trong sự thể hiện tư tưởng nghệ thuật xu hướng này. Trong văn học Xô viết trước đây, cảm hứng "chống tiêu cực" một mặt nêu lên những thiệt thòi, những nỗi bất công mà nhân dân chịu đựng, giống như một sự lên tiếng bảo vệ nhân dân, trong việc lý giải sự phát sinh "tiêu cực" thường quy trách nhiệm và lên án một nhân vật cán bộ lãnh đạo quan liêu, hách dịch, bất tài hoặc bộ máy quản lý tồi tệ, bất lực và cứ theo cách lý giải này thì chỉ cần thay cán bộ lãnh đạo hoặc củng cố bộ máy quản lý thì tình hình sẽ được cải thiện. Trong Thám tử đau buồn, tác giả không có ý định phán xét những cán bộ hoặc cơ quan lãnh đạo, tác giả đặt vấn đề chính ngay bản thân nhân dân, chỉ ra những sự bê tha, nhếch nhác ở ngay trong các tầng lớp của nhân dân. Trong sự lý giải tìm nguyên nhân, tác giả có xu hướng triết luận, suy ngẫm về các thiết chế của xã hội, về những vấn đề cốt yếu của triết học nhân sinh. Tiêu biểu là đoạn tác giả nghị luận về ảnh hưởng tai hại của "văn hóa đại chúng", làm xói mòn nhân tính, băng hoại đạo đức, hàng ngày hàng giờ qua màn ảnh truyền hình hoặc băng cátxet tác động đến hàng triệu người bằng những tiết tấu điên rồ, nhâng nháo, hung hãn cuối cùng chỉ còn lại những xung lực bản năng, dứt bỏ mọi liên hệ lễ nghĩa trên đời. Hoặc là đoạn tác giả khẳng định vai trò của gia đình đối với sự tồn vong của xã hội bằng những tư tưởng hết sức nghiêm chỉnh: những liên hệ tinh thần sơ đẳng ở con người bắt đầu từ trong gia đình... mọi liên hệ nhân sinh bắt đầu từ đây... các triều đại, xã hội, đế chế đều biến thành tro bụi khi gia đình bắt đầu suy sụp...

Viktor Axtaphiev viết Thám tử đau buồn không phải với tư cách một nhà văn đứng về phía nhân dân phê phán "lãnh đạo". Tác giả đặt ra cho mình một nhiệm vụ lớn hơn: suy ngẫm về toàn bộ "trạng thái nhân thế" của xã hội, của thời đại trong đó mọi người đều có trách nhiệm, cả anh và tôi, cả tác giả nữa, lãnh đạo có trách nhiệm rất lớn và không lý gì nhân dân lại không có phần trách nhiệm của mình. Tầm tư tưởng của tác giả lớn hơn, vượt ra ngoài xu hướng "chống tiêu cực". Đánh giá lập trường tư tưởng của tác giả Thám tử đau buồn nhà phê bình J.Dôlôtxki nhận định:

"... Tinh thần thẳng tay gắt gao của tác phẩm này - và ý nghĩa bước ngoặt của nó đối với thời điểm hiện nay - là ở chỗ nó được mở ra giáp mặt với nhân dân. Nếu như trước đây văn học bênh vực nhân dân thì hiện nay vấn đề về bản thân nhân dân được đặt ra. Phêdor Abramôv đã đặt ra vấn đề này. Mới đây thôi V.Raxputin đem vấn đề đặt ra trong Đám cháy, Viktor Axtaphiev cũng đặt ra vấn đề này.

Ông đã làm công việc này một cách gay gắt, dữ đội. Còn ai làm được dữ dội bằng ông. Như chúng ta thấy đấy, ông chấp nhận xung đột với độc giả, và ông sẵn sàng chấp nhận tất cả, miễn sao đừng có dụ dỗ nhân dân bằng những truyện cổ tích ngọt ngào. Thời của những truyện cổ tích đã kết thúc rồi - đó là điều Axtaphiev muốn nhấn với mọi người" (9).

"Mọi chuyện sẽ qua đi, còn lại là sự thật" - qua bao sự từng trải, nhà thơ lớn Tvardovxki nghiệm ra được chân lý này. Văn học không chỉ là sự thật, văn học còn là lý tưởng. Nhưng ngay sự thực hiện những khát vọng lý tưởng cuối cùng phải tính đến điểm xuất phát là sự thật - "Nghĩa vụ thứ nhất - Lênin nhấn mạnh, - của những kẻ muốn tìm "đường đi đến hạnh phúc của nhân loại" - là đừng có tự lừa dối mình, là có đủ dũng cảm để nhìn nhận công khai hiện tình của sự vật" (10). Không thể chỉ bằng lời nói mà phải hành động thì mới cải tổ, đổi mới được xã hội. Muốn hành động kiên quyết và sáng suốt phải biết sự thật, biết toàn bộ sự thật. Sự thật một nửa sẽ dẫn đến những giải pháp nửa vời và những sự thỏa hiệp. Mặt khác không thể chỉ giới hạn khái niệm sự thật trong văn học ở cảm hứng tố cáo những khuyết điểm, phơi bầy những hiện tượng tiêu cực. Làm như vậy sẽ tạo ra những bức tranh phiến diện, méo mó về đời sống. Trong bản báo cáo chính của nhà văn G.Markôv đọc ở Đại hội lần thứ VIII các nhà văn Liên Xô có nói đến những nhà văn "chỉ nhìn nhận sự thật với một sự lệch lạch nào đó, chỉ nhìn nhận những tác phẩm tố cáo ê hề khuyết điểm và họ sẽ khước từ không công nhận là sự thật nếu như trong tác phẩm nói đến những thành tựu và thắng lợi của chúng ta. Đó là điều đáng suy nghĩ. Thực ra, không có sự tái tạo đầy đủ sự thật thì không tạo ra được hình ảnh đích thực người cùng thời đại với chúng ta" (11). Trong Báo cáo chính trị đã dẫn có đoạn viết: "Nhưng sự thật không phải là một khái niệm trừu tượng, nó có tính cụ thể. Sự thật ở trong những thành tựu mà nhân dân đạt được và những mâu thuẫn của sự phát triển xã hội, trong chủ nghĩa anh hùng và cái hàng ngày của những ngày làm lụng, trong những thắng lợi và những thất bại, tức là ở trong bản thân đời sống với toàn bộ sự đa dạng, tính kịch và sự lớn lao của nó".

H.N.H.
(SH24/4-87)



-------------------
(1) Báo Văn học (Liên Xô, số ra ngày 26-2-1986, tr.3.
(2) Báo Văn học (Liên Xô), số ra ngày 26-2-1986, tr.8.
(3) Báo Văn học (Liên Xô), số 9, ra ngày 26 tháng 2 năm 1986, tr.9.
(4) V.Axtaphiev. Thám tử đau buồn Tạp chí Tháng Mười (tiếng Nga) số 1- 1986, tr. 54.
(5) Xem Nước Nga văn học (tiếng Nga) số ra ngày 24-10-86 tr.10.
(6) Alx Atanovitch, Bài học sự thật, báo Nước Nga văn học số ra ngày 19-3-1986, tr.5.
(7) Thám tử đau buồn đăng trong tạp chí tháng Mười số 1, 1986, tr 39.
(8) Số tạp chí đã dẫn, tr. 72.
(9) Xem bài tường thuật cuộc thảo luận về Thám tử đau buồn nước Nga văn học, số ra ngày 27-8-1986, tr.2.
(10) Chuyên dẫn từ bài nói chuyện của đồng chí Gorbatchov M.E. ở Hội nghị toàn liên bang các chủ nhiệm bộ môn khoa học xã hội. Báo Văn học, số ra ngày 8-10-1986. tr.1.
(11) Xem Báo cáo của G.Makrôv, Báo Văn học (tiếng Nga) số ra ngày 25-6-1986, tr.3.







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cõi người ta (22/12/2011)