Nhìn ra thế giới
Alain Vũ Hoàng với chương trình "Đất nước tình mẹ" tại Paris
09:47 | 10/12/2012

HIỆU CONSTANT

Ra đời và lớn lên tại đất nước Nouvelle-Calédonie, về Việt Nam năm 1960 để sinh sống và học tập, tốt nghiệp trường Nghệ thuật Việt Bắc, khoa diễn viên, sáng tác và đạo diễn, Alain Vũ Hoàng khởi nghiệp bằng nghề đạo diễn những làn múa dân gian và hiện đại nổi tiếng của Việt Nam.

Alain Vũ Hoàng với chương trình "Đất nước tình mẹ" tại Paris
Alain Vũ Hoàng với tác giả

Sau chuyến tu nghiệp tại những học viện âm nhạc nổi tiếng ở Sydney, Paris…, và với giọng hát nữ cao trời phú, anh biểu diễn những ca khúc cổ điển của Mozart, Gluck và Saint-Saens… trong nước cũng như trên nhiều quốc gia trên toàn cầu. Ở đâu, anh cũng dành được nhiều sự ngưỡng mộ của công chúng. Nhân dịp anh đang hối hả tập luyện cho chương trình "Đất nước tình mẹ", với sự tham gia của nghệ sĩ piano Benoit Cimbes, được biểu diễn tại Paris vào ngày 1/12/2012 nhằm gây quỹ cho chương trình "Cuộc sống vẫn tươi đẹp tại Việt Nam", cộng tác viên Tạp chí Sông Hương tại Paris (CH Pháp) có dịp nghe anh luyện nhạc phối âm và trò chuyện thân mật tại căn hộ riêng ấm cúng của anh ở thành phố nhỏ Lilas, ngoại ô Paris.


- Chào anh, anh có thể giới thiệu qua chương trình biểu diễn sắp tới của anh, và vì lý do anh thực hiện chương trình này?

Lý do ư? Dự án thực hiện chương trình tôi đã có từ lâu. Số là sau những lần về thăm quê tại Việt Nam, và những buổi xem đài truyền hình VTV4, tôi đã được chứng kiến rất nhiều cảnh đáng thương của các trẻ em tàn tật và cơ nhỡ, và tôi luôn tâm niệm nếu làm được gì đó để giúp đỡ các em, thì tôi sẽ thành tâm thiện nguyện. Nhân dịp năm hết tết đến, tôi muốn thực hiện chương trình này để cùng lúc vừa gây quỹ thực hiện tâm nguyện của mình, vừa là để gửi gắm chút tình cảm quyến luyến của người con xa xứ về cội nguồn.

Buổi biểu diễn sẽ có hai phần. Phần I gồm những bài hát nổi tiếng quen thuộc của Việt Nam mà tôi đã chuyển thể theo chất giọng nữ cao của mình. Các tác phẩm của Đỗ Nhuận, Nhật Lai, Văn Thương, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Tuyết Mai… Và Phần II sẽ là các tác phẩm cổ điển của Mozart, Gluck và Saint-Saens…

- Chủ đề buổi biểu diễn của anh là "Đất nước tình mẹ", chủ đề này vốn được nhiều tác giả Việt quan tâm, sao anh lại chọn những ca khúc mang âm hưởng dân ca truyền thống để thể hiện theo phong cách thính phòng?

Vâng, chị hỏi cũng có lý. Nếu để ý kỹ, các bài hát tôi chọn, mỗi bài đều nói về một miền đất Việt yêu dấu. Tôi muốn giới thiệu, hát tất cả những gì về quê hương mình. Bài Mẹ yêu con chẳng hạn, một ca khúc rất sâu lặng. Dù ta ở phương trời nào đi nữa thì khi nghe bài hát này, trong ta đều trào dâng một niềm xúc động mãnh liệt. Tình mẹ bao la vô bờ bến, quê hương máu thịt luôn chảy trong tim ta.

­- Còn "Một thoáng Tây hồ" của nhạc sỹ Phó Đức Phương?

Sống nhiều năm ở nước ngoài, tôi đã từng biết nhiều thế hệ trẻ Việt tại nước ngoài chỉ hiểu Việt Nam qua những hình ảnh, qua những phóng sự trên màn hình… Thế nên mặc dù ca khúc này đã được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hát rất thành công như Thanh Lam, Vân Khánh… Nhưng tôi muốn dùng những kỹ thuật riêng đã được học tại nước ngoài và chất giọng đặc biệt của mình để chuyển tải lời nhắn nhủ của quê hương qua những câu ca. Chúng vừa rất huyền bí, vừa rất cổ điển, lại có vẻ như mới mẻ. Những câu hát khi cất lên ta hình dung sự trùng trùng điệp điệp của quê hương mình, khiến cho bài hát vang lên vừa rất cổ xưa đầy lưu luyến bâng khuâng, lại mang yếu tố mới, hiện đại…

- Tôi cũng thấy anh hát rất say ca khúc "Huế, tình yêu của tôi"?

Đây là bài hát tôi yêu thích, nhưng cũng có liên quan đến những kỷ niệm rất riêng của tôi qua những lần tôi ghé Huế nhân dịp các Festival. Tôi say sưa trước vẻ đẹp thâm trầm cổ kính của cố đô, tôi mê ly nhìn những con thuyền rồng trôi nhẹ nhàng giữa mênh mông mây nước trên dòng sông Hương… Những hình ảnh tôi vốn chỉ nhìn thấy trên phim ảnh, giờ đây được tận mắt ngắm nhìn, chị hình dung chứ… Và lần đầu tiên khi nghe Vân Khánh hát bài này, tôi đã rất xúc động. Tôi cũng đã được ông Nguyễn Cao Thắng, khi đó là Hiệu trưởng Nhạc viện Huế mời về tham gia phụ trách một lớp Mastor về Thanh nhạc. Nhân dịp này, tôi đã phát hiện ra hai tài năng là Bạch Trà và Nguyễn Minh Nghĩa. Đây là hai học trò mà tôi thấy họ có đầy đủ khả năng cũng như tố chất để trở thành những nghệ sĩ lớn. Tôi còn có một kỷ niệm khác rất riêng. Đó là trong một lần đi dạo trên những con hẻm nhỏ, tôi bỗng nghe vẳng tới những câu ca Huế rất xúc động, khiến tôi đổi hướng và cứ lần theo tiếng hát để đi tới. Tôi đến trước một ngôi nhà không lớn những rất sang. Sau khi hỏi thăm thì tôi được biết đó chính là buổi các cao nhân Huế đang truyền dạy Ca Huế cho các bạn trẻ. Tôi tự giới thiệu mình là Việt kiều Pháp, thì có một bác trai ngay lập tức nói với tôi bằng tiếng Pháp. Buổi gặp gỡ hôm đó đã để lại trong tôi ấn tượng rất sâu đậm. Tôi yêu cố đô với những phong cảnh thơ mộng trữ tình, còn con người thì nồng hậu, hiếu khách và hiếu học. Tôi rất mong Huế giữ mãi được những phẩm chất này.

- Tại Paris, khi được nghe bài về núi rừng Tây nguyên: Chim Pong Kole của Nhật Lai và Chiếc Khăn tiêu, Bài ca trên núi… tôi thấy hơi là lạ…

Vâng, bài hát về núi rừng Tây Nguyên đối với tôi cũng có nhiều kỷ niệm. Khi còn trẻ, trong nước, tôi đã từng có dịp đến đó biểu diễn. Nhưng hiện giờ, tôi không muốn nói đến cảnh tiêu điều đổ nát hay chiến tranh mà chỉ muốn giới thiệu những phong cách và tình người của bà con dân tộc sống trên mảnh đất này. Những ca khúc hừng hực khí thế nhưng cũng rất lãng mạn của tình yêu đôi lứa, chúng tựa như những bình mật ong ngọt ngào đem đến niềm tin yêu cho cuộc sống… Còn "Bài ca trên núi", đó là một bài hát trong bộ phim Vợ chồng A phủ, tôi cũng rất thích ca khúc này.

- Thế còn bài Rặng trâm bầu…?

Đó là bài hát về miền Nam ruột thịt. Trong đó hàm chứa tất cả mọi cung bậc tình cảm sâu lặng đối với tổ quốc mình.

- Trong Phần II của chương trình, bài "Xa Khơi", tôi thấy rất ấn tượng…

Vâng, đây là một ca khúc mà tôi muốn qua đó gửi gắm tình cảm và sự kính phục của mình đến các chiến sĩ hải đảo và bà con ngày đêm bám biển nơi đây. Giữ đất của Tổ quốc vốn là bổn phận và trách nhiệm của mỗi người con của dân tộc, nhưng trong những điều kiện khó khăn và thiếu thốn đủ thứ thì không phải ai cũng làm được. Những con người này thật đúng nghĩa là những Anh Hùng. Phần II cũng là phần tôi muốn gửi gắm đến khán giả, nhất là các bạn Pháp những ca khúc cổ điển của Mozart, Gluck, Saint-Seans… Trong phần này, tôi cũng hát tác phẩm Opéra của Đỗ Nhuận: Aria Cô Sao… và tác phẩm "Tình ca" của Hoàng Việt.

- Giọng hát Nữ cao của anh thuộc dòng hiếm, và sự luyện tập chắc cũng gặp nhiều khổ ải, vả lại hát nhạc Việt với những dấu nặng dấu hỏi… còn hát cổ điển nước ngoài thì không có các dấu này, anh có thể chia sẻ chút ít khó khăn của mình?

Trước tiên, tôi phải thú nhận là có giọng hát trời cho. Nhưng dù gì vẫn phải tập luyện, và quá trình này đôi lúc khổ ải thật. Một lần tôi tập với bà Peggy Bouveret (Giáo viên ngành Nhạc, trường Đại học Sư Phạm Paris, và Học viện Cao học âm nhạc Paris - PV), đây là một giáo sư rất khó tính. Tôi vốn hát giọng cao, nên khi xuống thấp lại khó đạt chuẩn, bà giáo buộc tôi phải nằm sấp xuống nền nhà và hét. Hét thật to sao cho bà giáo, khi ấy đứng ở cuối phòng cách chỗ tôi chừng 50 mét, nghe được. Thoạt đầu hơi bị tự ái, nhưng sau ba ngày như thế, tôi tiến bộ hẳn. Và sau này, tôi cũng trở nên "khó tính" như vậy đối với học sinh của mình. Chị biết đấy, câu "văn ôn võ luyện" thật đúng với mọi trường hợp. Nhưng trong quá trình giảng dạy, tôi cũng có sự phân biệt đối với những học sinh chuyên nghiệp và nghiệp dư.

Khi hát các bài hát cổ điển phương Tây, chị có lý… (nói rồi anh cao giọng hát luôn để chứng minh sự khác nhau rất rành rõ giữa hai câu hát - PV), ca khúc Việt thường thanh mảnh, uốn lượn, còn cổ điển phương Tây thì chắc, đậm… Để hài hòa được sự khác nhau này, tôi đã mất khá nhiều thời gian (cười).

- Vài kỷ niệm đáng nhớ trong những lần đi biểu diễn của anh?

Lần biểu diễn khiến tôi giữ được ấn tượng thì nhiều vô kể! Mỗi buổi biểu diễn đối với nghệ sĩ thì đều hồi hộp và nhớ mãi. Nhưng tôi khá ấn tượng với đợt đi trình diễn ở Maroc năm 2010, nhân dịp tôi được mời biểu diễn trong khuôn khổ ngoại giao Việt Nam - Ma Rốc. Trong mỗi lần đi diễn, tôi thường hát xen kẽ những ca khúc giữa cổ điển phương Tây và Việt. Hôm đó, tôi hát bài "Người Hà Nội", Hà Nội linh thiêng… các bạn Ma Rốc đã rất thích và vỗ tay rất hứng khởi. Sau đó, họ gặp tôi chúc mừng và nói không ngờ các nhạc sĩ Việt lại cao siêu như vậy, và Việt Nam lại có những tài năng trình bày âm nhạc cổ điển phương Tây, nhất là Mozart, đến độ tinh túy nhường ấy. Khi ấy, tôi thực sự tự hào mình là người Việt…

- Buổi nói chuyện với anh thật thú vị, chúc anh thành công hơn nữa với niềm đam mê của mình!

Sau buổi chuyện trò thân mật, anh lại hối hả cho một công việc khác. Thay đồ và đi cùng tôi ra khỏi nhà, anh lại lẩn vào giữa dòng người hối hả trên tàu điện ngầm Paris, hệt như bao khuôn mặt mà tôi nhìn thấy lúc đó. Nhưng trong tôi, hình ảnh người nghệ sĩ Alain Vũ và những câu hát Việt của anh vẫn cứ ngân vang, bay mãi trong ánh sáng dìu dịu của bầu trời Paris đang giữa Thu.

Paris, 21 tháng 11 năm 2012
H.C
(SĐB7/12-12)









 

Các bài mới
Các bài đã đăng