Nhìn ra thế giới
Đêm nhạc MOONDRUNK - SAY TRĂNG - MONDESTRUNKEN
10:29 | 05/01/2013

Thơ Hàn Mạc Tử (1912-1940)
Nhạc Walther Giger & Camille Huyền

Tiếng hát Camille Huyền
Ghi ta Walther Giger

Đêm nhạc MOONDRUNK - SAY TRĂNG - MONDESTRUNKEN
Thánh đường Vitznau bên hồ Luzern một chiều thu - Ảnh: Trương Đình Ngộ

TRƯƠNG ĐÌNH NGỘ


Thánh đường Vitznau (xây dựng 1839 - 1943) với tháp chuông màu lục trên nền trắng toát bên hồ Luzern Thụy Sĩ cách xa quê hương Quảng Bình - Quy Nhơn của nhà thơ Việt Nam Hàn Mạc Tử (1912-1940) đến hàng vạn dặm. Thế mà chiều 04/11 vừa qua hơn một trăm dân làng Vitznau(1) đã cùng với Đại Sứ Quán Việt Nam, quan khách ngoại giao và hơn một chục kiều bào Việt Nam đã đến dự buổi nhạc thơ Moondrunk - Say Trăng - Mondestrunken do nghệ sĩ Camille Huyền và nhạc sĩ Walther Giger biểu diễn nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử.

Cả ngày hôm qua Ủy Ban Nhân Dân Vitznau, đi đầu là Ủy viên Văn hóa Ursula Fritschi, cùng với các chuyên viên đã dàn dựng hệ thống âm thanh, điều chỉnh pano chiếu phụ đề thơ Hàn Mạc Tử dịch ra tiếng Anh, tiếng Đức để dân làng cũng như quan khách ngoại giao có thể cảm thụ hồn thơ Hàn Mạc Tử.

Đêm diễn do Ủy viên Văn hóa Ursula Fritschi long trọng khai mạc nói trong tiếng Đức và tiếng Anh về nhà thơ Công giáo Hàn Mạc Tử, nói về ước mơ nhân bản: Dẫu đau thương bất hạnh, hồn thơ Hàn Mạc Tử là nơi gặp gỡ với thế hệ thanh niên, với tình yêu của những người điên, những người mất trí, với Thiên Nhiên, và với Thiên Chúa. Hồn thơ Hàn Mạc Tử là một hồn thơ nhân bản. Kết thúc bài nói, bà Ursula Fritschi kêu gọi: Kính thưa Quý vị quan khách, đêm nay tại Vitznau này, chúng tôi muốn chia sẻ cùng Quý vị tất cả những xúc cảm đã một lần dâng tràn ở nơi kia trên quê hương nhà thơ, trong tác phẩm Say Trăng, thơ Hàn Mc Tử (1912 - 1940), nhạc Walther Giger & Camille Huyền, tiếng hát Camille Huyền, tiếng đàn ghi ta Walther Giger.
 

Thơ Điên, tiếng Việt, hát giọng Huế, phụ đề tiếng Đức, tiếng Anh, người Thụy Sĩ thưởng thức... - Ảnh: Trương Đình Ngộ


Đáp từ, sau khi nói về quá trình phát triển quan hệ ngoại giao giữa Thụy Sĩ và Việt Nam, Đại Sứ Nguyễn Thế Phiệt nhắc đến bác sĩ người Thụy Sĩ nổi tiếng thế giới và rất gắn bó với đất nước Việt Nam: Alexandre Émile Jean Yersin (sinh 1863 tại Aubonne, Thụy Sĩ, mất 1943 tại Nha Trang, Việt Nam); người đã đóng góp lớn cho việc tìm ra trực khuẩn dịch hạch, bệnh lao, thành lập Đại Học Y Hà Nội, thành lập viện Pasteur Việt Nam và đề nghị xây dựng một thành phố Tây Nguyên nay là Đà Lạt. Vì thế buổi biểu diễn thơ nhạc Hàn Mạc Tử đêm nay với bài thơ Đà Lạt Trăng Mờ trên quê hương Thụy Sĩ của bác sĩ Yersin, người đã suốt đời tận tụy với Việt Nam và đã để lại nhiều ký ức sâu đậm trong dân tộc Việt Nam, sẽ tô thêm một điểm son cho tình cảm giữa hai đất nước. Cả hội trường lặng im, cảm động, ít ai nhớ được những chi tiết gắn bó đặc biệt này giữa Thụy Sĩ và Việt Nam. Kết thúc bài phát biểu bằng tiếng Anh, Đại Sứ nói: Là một người Việt Nam chúng tôi vô cùng tự hào hôm nay sẽ được cùng với quý vị xem chị Camille Huyền và Nhạc Sĩ Walther Giger trình bày phổ nhạc của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Thi sĩ Hàn Mạc Tử mặc dù có một cuộc sống ngắn ngủi 28 tuổi (1912 - 1940), nhưng ông đã để lại cho nhân dân Việt Nam những vần thơ yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên bất hủ, có sức sống loan tỏa xuyên cả thời gian lẫn không gian, làm cho con người yêu cuộc sống hơn, yêu nhau hơn, yêu thiên nhiên hơn, gắn bó hơn giữa con người với thiên nhiên, và càng quý trọng tình đồng loại, tình cảm hàng xóm, láng giềng, bạn bè và xa hơn nữa là nền hòa bình của một đất nước và của thế giới này.

Bắt đầu buổi diễn, tiếng hò mái nhì giọng Huế

À ơi...
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông

Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non!


đã đem những ưu tư về đất nước của một Hàn Mạc Tử năm mới mười chín tuổi trong Đêm không ngủ:

Non sông bốn mặt ngủ mơ màng

Thức chỉ mình ta dạ chẳng an

làm chạnh lòng người xa xứ, âu lo nhìn về đất nước thân yêu.
 

Bến Xuân dưới chân chùa Thiên Mụ, thôn An Bình - Huế - Ảnh: Trương Đình Ngộ


Đêm nay, nhìn Camille và Walther đang nhập hồn vào Hàn Mạc Tử trong không gian Gothique của thánh đường với bài thơ Ở đây thôn Vĩ Dạ bỗng dưng nhớ về một Bến Xuân của thôn An Bình (Hương Trà) ở Huế cũng xấp xỉ một ngàn dân nằm bên bờ sông Hương thơ mộng, trong tôi miên man câu hỏi của người đi xa với những lưu luyến ngàn năm: Ai biết tình ai có đậm đà.
 

Với mục đích hướng đến là quyên góp cho Quỹ Tình Sông Hương, đêm diễn đã nhận được hơn 1200 USD Thụy Sĩ từ các tấm lòng hảo tâm của dân làng Vitznau và các nơi khác. Số tiền này sắp đến sẽ đượcTạp chí Sông Hương dành xây một sân chơi cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa A Lưới bị nhiễm chất độc da cam.


T.Đ.N.
(Vitznau - Huế, November 2012)
(SĐB 7/12-12)


-------------
(1) Làng Vitznau có dân số 1295 người, nằm trên cao độ 441m với núi Rigi được mệnh danh là Nữ Hoàng của núi non Thụy Sĩ cao 1685m, là nơi nghỉ mát nổi tiếng Âu Châu. Đêm Hàn Mạc Tử tại Vitznau có hơn trăm dân làng, nghĩa là hơn 10 phần trăm dân số, đến dự. Cả tuần sau chào nhau trên đường ai cũng nói về Rượt Trăng; và trong quán rượu, ai cũng Uống TrăngSay Trăng
Vitznau sẽ đêm mười lăm bài thơ Hàn Mạc Tử (đã dịch ra tiếng Đức) được biểu diễn đêm 04/11/2012 lên mạng của làng và vùng du lịch Luzern.








 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bằng chứng… (24/12/2012)