Tôi nhớ, thời còn đi học, thầy giáo Nguyễn Văn Khoả, một trong những chuyên gia đầu ngành về văn học cổ đại Hy Lạp, người thầy đáng kính của nhiều thế hệ sinh viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, có dạy rằng, đi du lịch đến bất kỳ một vùng đất nào, đều có ba nhu cầu cần phải biết: cảnh vật, con người, ăn uống. Chưa biết một trong ba yếu tố, chưa thể nói là biết về nơi ấy, cho dù anh có thể đến nhiều lần, ở lại nhiều ngày. Ở Bắc Kinh có cả ba vẻ đẹp của cả cảnh và người, cả của ngon vật lạ, xứng đáng là một trong những trung tâm văn hoá có khả năng làm khuất phục sự chiêm ngưỡng của con người, bởi lẽ nó đứng ở một tầm cao buộc ta phải ngước nhìn.
Ở những thành phố văn hoá con người in bóng mình qua những di tích. Ở Bắc Kinh, những nơi cần đến nằm liên hoàn với nhau như Quảng trường Thiên An Môn, Tượng đài các anh hùng liệt sĩ, Lăng Chủ tịch Mao Trạch Đông, Tử Cấm Thành, Cố Cung; hoặc thăm Thập tam lăng, mà chủ yếu là Định lăng, nơi an nghỉ của Minh Thành Tông, một trong những vị vua có công với đất nước Trung Hoa. Nhìn bên ngoài, những nơi này có dáng dấp như là bản sao, là sự phóng to các di tích của triều Nguyễn ở nước ta; cũng có trình tự đi từ Ngọ môn đến điện Thái hoà, điện Trung hoà, điện Bảo hoà; vào Cố Cung có điện Càn Thanh, điện Giao Thái, đến lãnh cung, rồi đến nơi ở của tam cung, lục viện... Khi đến thăm Di Hoà Viên, cung điện mùa hè của Từ Hy Thái Hậu, tôi chợt nghĩ rằng, ngay cả về trình độ ăn chơi, vua chúa Trung Hoa cũng vượt xa vua chúa Việt Nam. Cũng tên gọi ấy, cũng dáng dấp ấy, nhưng nguy nga tráng lệ không thể sánh bằng. Bên trong còn lắm điều hay, còn bao điều khác biệt cần phải minh định, những điều chỉ dành riêng cho các nhà chuyên môn, những người du khảo lịch sử.
Trong mắt tôi, khi đứng trước Quảng trường Thiên An Môn rộng 42 ha đó, tôi hình dung ra cuộc tàn sát đẫm máu mấy mươi năm trước mà rùng mình, kinh hoàng trước sự hoành tráng của văn hoá Trung Hoa; trong đó có cả sự bạo liệt đầy bi tráng của từng thời đại lịch sử. Khi chiêm ngưỡng sự đồ sộ, nguy nga của Cố Cung, Tử Cấm Thành rộng 72 ha, tôi không giấu được chút tự hào khi nghe cô Hoàng Dư (Huang Du), hướng dẫn viên du lịch Bắc Kinh xác định rằng, công trình được xây dựng từ 1402 đến 1420 tốn hàng triệu công, trong đó có đóng góp của kiến trúc sư người Việt tên là Nguyễn An. Nghe nói, ông là người có sáng kiến lát đá chín tầng ngang dọc trong nền, sân và hành lang, để đề phòng việc đào hầm ngầm xuyên tường thành ám sát vua, một biện pháp “chống khủng bố” thời ấy. Minh Thành Tổ là Chu Đệ, em ruột Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, người đã giết con trai Chu Nguyên Chương, tức là cháu gọi mình bằng chú ruột để cướp ngôi vua, nên không thể không đề phòng...
Ngước nhìn Vạn Lý Trường Thành mới thấy hết ý chí và sức mạnh của người Trung Hoa. Thực ra, nguyên trước đó là tường thành của nhiều nước, dựng nên để chống lại sự xâm lược của các dân tộc Nội Mông. Tần Thuỷ Hoàng là người có công huy động hàng triệu triệu nhân lực và xương máu để nối liền những tường thành đó lại với nhau. Cùng đoàn với tôi, có nhà nghiên cứu lịch sử thế giới Hà Văn Thịnh, anh cho rằng việc làm của Tần Thuỷ Hoàng làm thay đổi diện mạo bản đồ thế giới, làm cho các dân tộc Nội Mông tràn về hướng Tây, tạo tiền đề cho sự ra đời hàng loạt các quốc gia như Anh, Pháp, Ý, Đức... Năm 2003, khi Trung Quốc phóng tàu Thần Châu lên vũ trụ, khi trở về phi hành gia Dương Lợi Chiêu đã chứng minh lời đồn đại lâu nay là có thật, rằng ở mặt trăng bằng mắt thường có thể thấy được duy nhất một vật, đó là Vạn Lý Trường Thành! Dưới cái nắng tháng Năm rực lửa, tôi cũng cố cùng với hàng ngàn người ( không, phải nói là hàng vạn người mới đúng!), leo lên tận đỉnh Bát Đạt Lĩnh. Chỉ hơn hai cây số đường bậc thang thôi, mà sao xa đến ngao ngán. Quả thật, đã nhiều lần tôi định bỏ cuộc quay lui, nhưng vì câu nói và chính bút tích của Mao Trạch Đông ghi ”Bất đáo trường thành phi hảo hán” như nhắc nhở, động viên khuyến khích tôi, hơn nữa, lại nghĩ về thời gian, tuổi tác, cuộc đời...
Bi kịch của cuộc đời con người dường như lúc nào cũng có sẵn, cũng đeo theo bên mình. Cứ nghĩ, ở tuổi này mà không vượt nổi, thì lần sau nếu có đến được chắc cũng đứng ở dưới để... ngước nhìn! Người xưa vận chuyển vật liệu đất đá để xây dựng trường thành bằng sức người, người nay cố vượt cho... bằng người xưa! Có một chi tiết ít người để ý là ở đoạn đầu dốc, hai bên tường thành có treo hai sợi xích, trên đó móc hàng triệu triệu những ổ khoá, đủ các loại, các cỡ,trên mỗi ổ khoá đều có móc một cái nơ đỏ. Ai móc và móc để làm gì? Đó là việc làm có ý thức truyền thống, trở thành phong tục văn hoá của thanh niên Bắc Kinh, trong ngày cưới, họ đưa nhau lên đây khoá nhau lại, thề sống với nhau trọn đời, còn chìa khoá thì ném xuống vực sâu. Đó là những con người không chỉ biết có đời sống vật chất hiện tại, có nhu cầu đói ăn khát uống như động vật, mà luôn ý thức được rằng, bao giờ cũng có sự đồng hành với quá khứ mới có thể đi đến một tương lai chung thuỷ nghĩa tình.
Từ sau thời mở cửa, đời sống kinh tế ở Bắc Kinh phát triển cao,người dân ở đây sắm ô tô riêng rất nhiều. Lượng ô tô sản xuất ở Bắc Kinh mỗi tháng 10.000 chiếc, nhưng muốn mua phải đăng ký trước cả năm trời. Gần đây, ô tô sản xuất ở đây tràn sang thị trường châu Âu, làm cho nhiều hãng xe ở các nước này lo ngại, bởi mẫu mã đẹp mà giá lại rẻ. Do vậy, tuy là nơi có nhiều cầu vượt (một trong bốn cái nhiều) nhưng Bắc Kinh thường xảy ra nạn tắc đường, có khi dài đến hàng mấy trăm xe. Theo công bố của Tân Hoa Xã (17.5.2004) về kết quả điều tra xã hội học của hãng Nielsen cho thấy, so với tỷ lệ dân số, trên thế giới hiện nay số người nghe đài phát thanh của Trung Quốc chỉ xếp sau người Mỹ, trong đó ở Bắc Kinh chiếm 50%, bởi lẽ họ tiếp nhận thông tin chủ yếu ở trong xe ô tô. Nhịp sống hiện đại như vậy, nhưng người Bắc Kinh luôn tin vào tâm linh, thích bói toán, lễ chùa cầu Phật. Họ kiêng kỵ con số 4 nhưng lại thích con số 8 và số 6, bởi vì phát âm của những số này gần trùng âm với âm của những từ hên, xui trong đời sống. 4 phát âm là xử gần trùng với tử, 8 là bát gần trùng với phát, 6 là lục gần trùng với lộc. Mua số xe, số điện thoại di động nếu chỉ toàn là 6 và 8 hiện nay giá rất cao.
Cụ thể nhất khách sạn Song Lu Holiday mà chúng tôi đã ở tại Bắc Kinh, chỉ có 8 tầng nhưng vào thang máy ghi đến tầng thứ 9, không có tầng 4. Chúng tôi ở tầng 4 (giá rẻ nhất) nhưng số phòng tôi ở ghi là 530. Chính vì vậy mà Trung Quốc cố giành cho được quyền đăng cai tổ chức Olympic kỳ đến tại Bắc Kinh và sẽ khai mạc vào ngày 8.8.2008! Điều cần lưu ý là người Trung Quốc chỉ dùng một thứ tiếng, đó là tiếng Trung, ngay cả những nhân viên khách sạn 5 sao ở Bắc Kinh cũng vậy. Cô Hoàng Dư giải thích với chúng tôi một cách tự hào rằng: “Người Trung Quốc yêu tiếng nước mình, nên chỉ nói bằng tiếng mẹ đẻ...”. Điều này gây khó khăn nhiều cho việc giao dịch. Ra đường không tiếp xúc được, ngay cả tìm toillet công cộng cũng rất khó vì người ta không ghi hai chữ hầu như đã trở thành quốc tế hoá là WC. Tôi cùng Hà Văn Thịnh vào hiệu sách lớn nhất Bắc Kinh ở phố Vương Phủ Tĩnh, Thịnh muốn tìm sách viết bằng tiếng Anh mà không có. Tôi nhớ, Thôi Kỳ là nhà vật lý người Mỹ gốc Hoa, đạt giải thưởng Nobel năm 1998, khi lên nhận giải ai cũng phát biểu bằng tiếng Anh, chỉ có ông là nói bằng tiếng Trung. Khi ông nói xong, mọi người đề nghị ông dịch ra tiếng Anh để hiểu nội dung bài nói của ông, ông trả lời rằng: “Sỡ dĩ tôi nói bằng tiếng mẹ đẻ là vì nhờ nó mà tôi có được như ngày hôm nay. Ai muốn biết, hãy học đi sẽ biết.” Anh Hoàng Quang, cùng đoàn với tôi, chất vấn cô Dư: “Không sử dụng tiếng Anh làm sao hội nhập được thế giới? Cụ thể là Olympic 2008, Bắc Kinh đã chuẩn bị được những gì?” Cô Dư trả lời hơi ngập ngừng: “Ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất, người ta đã cho thanh niên đăng ký tham gia đội tình nguyện viên, tổ chức các đợt tập huấn, trong đó có các lớp đàm thoại tiếng Anh ngắn hạn... Ở nước chúng tôi bây giờ nhiều người đã bừng tỉnh và bắt đầu học ngoại ngữ, mà chủ yếu là tiếng Anh, nhất là ở các thành phố lớn, nơi có nhiều đối tác nước ngoài đến làm ăn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân...”
Người Hoa ở Việt
(trước đây ta quen gọi là người Việt gốc Hoa) trong bữa cơm thường ăn rất ít món, có khi mỗi bữa chỉ một món và thay món theo từng bữa. Có lẽ vì do bận rộn công việc làm ăn. Người Bắc Kinh ăn rất nhiều món, mỗi bữa từ 8 đến 10 món. Trước khi dọn cơm luôn có bình trà. So với các thành phố khác, các nhà hàng ở Bắc Kinh lịch sự, cao sang và chu đáo hơn. Tôi vẫn nhớ mãi hai bữa ăn trưa ở Bắc Kinh, một ở nhà hàng Cung Đình và một ở nhà hàng Kim Tứ Duy, cả hai đều là những nhà sang trọng và thanh lịch nhất của đất kinh kỳ. Ở nhà hàng Cung Đình, cũng các món ăn như rau xào, cải luộc, đậu rán, cá hấp, tôm kho... nhưng được chế biến một cách tinh xảo, khéo léo, hợp khẩu vị, cùng với thái độ phục vụ của nhân viên hết sức lịch sự, văn hoá. Một chi tiết đáng lưu ý là họ ăn mặc như các cung nữ thời xưa phục vụ bữa ăn cho Hoà Thân ở phủ Hoà Trung Đường, nhưng trên ngực mỗi người đều có mang huy hiệu Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Trung Quốc! Sau khi cơm nước xong, biết khách sắp leo Vạn Lý Trường Thành, các cô liền tặng cho mỗi người một chiếc quạt nhựa có in hình Quảng trường Thiên An Môn. Cũng chính chiếc quạt này hỗ trợ cho tôi rất nhiều trong cuộc leo dốc, chạy đua với thời gian, năm tháng cuộc đời.
Bữa trưa ở nhà hàng Kim Tứ Duy vào đúng ngọ ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch, chúng tôi ăn món vịt quay nổi tiếng của Bắc Kinh. Vịt rút sạch xương, để nguyên con, quay vừa chín tới nên rất ngọt thịt, xắt lát thiệt mỏng, cuốn bánh tráng mỏng, cùng với dưa, cà chua xanh và nhiều loại rau tươi. Có thể nói, đúng vào tết Đoan Ngọ, ngay trên đất nước của Khuất Nguyên, chúng tôi có bũa ăn ngon nhất kể từ khi rời nhà. Với riêng tôi, nó còn gợi nhớ món thịt luộc cuốn bánh tráng phơi sương cùng mười hai thứ rau ở Biệt phủ Thảo Nhi của Huế.
Đêm trước khi rời Bắc Kinh, chúng tôi rủ nhau dạo phố Vương Phủ Tĩnh, một trong những phố sầm uất và đẹp nhất Bắc Kinh. Từ đó bắt xe về phố Bắc Thổ Thành uống trà. Cũng như nhiều thành phố khác của Trung Quốc, đường phố Bắc Kinh sạch, không bụi, có những đường cao tốc rộng đến mười mấy làn xe. Ở Trung Quốc, mỗi thành phố hai bên đường trồng một loại cây khác nhau tạo nét đặc trưng gắn với địa danh: liễu rũ Hàng Châu, quảng ngọc lan và ngô đồng Thượng Hải, lại đến hoa hoè và cây bạch dương Bắc Kinh. Tất cả các tên đường phố đều không đặt tên người, chỉ đặt tên địa danh: Bắc Kinh, Nam Kinh, Quảng Tây, Tây Tạng, Vũ Hán, Sơn Đông... Tôi có ngườI bạn, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, vừa từ Pháp về, anh nói rằng ở Pháp cũng như ở nước ta, đều có lấy tên các danh nhân để đặt tên đường, nhưng không chỉ có tấm biển với cái tên trơ trụi mà kèm theo tên còn có ghi thời gian và lĩnh vực đóng góp của người đó. Chẳng hạn, Barbusse, 1873- 1935, nhà văn. Như vậy, nó cung cấp những thông tin cần thiết tối thiểu về một con người.
Không chỉ thế hệ trẻ, mà kể cả những người lớn, đang sống trên đường Lê Ngô Cát hoặc Trần Thúc Nhẫn, nhưng chẳng biết đó là ai. Đó là chưa kể đến trường hợp có đến hai tướng Ngô Văn Sở, người theo Tây Sơn, người theo Nguyễn Ánh, rồi hàng vạn anh hùng liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến, có biết bao trường hợp trùng tên nhau... Với cung cách giáo dục lịch sử như hiện nay, làm sao người ta có thể biết hết, nhớ hết. Chỉ mỗi việc đặt tên đường, đã có biết bao điều cần phải bàn, cần phải rút ra bài học. Trông người mà ngẫm... Qua mắt tôi, sau chuyến Bắc Kinh lần này đã để lại bao nhiêu ấn tượng xen lẫn buồn vui về những giá trị cần phải học hỏi, nhưng cũng không thiếu lòng tự hào tin tưởng ở tương lai, bởi lẽ, tuy ta chưa cao nhưng buộc người ta cũng phải ngước nhìn! P.P.P
(nguồn: TCSH số 203-204 – 01&02 - 2006)
|