HIỆU CONSTANT
Cuộc đời và sự nghiệp
François Cheng sinh năm 1929 tại thành phố Nam Xương. Ông là nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu thư pháp, giáo sư đại học tại Pháp.
Xuất thân từ một gia đình trí thức Trung Hoa, thuở niên thiếu François Cheng theo học tại Trùng Khánh trong những năm 1937 - 1945. Sau vài lần loạn lạc do cuộc Nội chiến và chiến tranh Tàu - Nhật diễn ra tại Trung Quốc trong thời kỳ này, ông bắt đầu cuộc đời sinh viên tại Nam Kinh. Theo cha đến Pháp năm 1948, do cha của ông được bổ nhiệm đến làm việc tại UNESCO. Nhập quốc tịch Pháp năm 1971. Thấm nhuần hai nền văn hóa Đông - Tây, sau khi thành công luận án tiến sĩ, ông cho xuất bản những nghiên cứu của mình về thơ ca và nghệ thuật Trung Hoa. Cho đến tận năm 1977, phần nhiều các tác phẩm của ông vẫn viết bằng tiếng Trung và xuất bản tại Đài Loan và Hồng Kông. Cùng thời gian đó, ông dịch thơ tiếng Trung sang tiếng Pháp và ngược lại. Phải đợi đến năm 1960, ông mới thực sự có công việc ổn định ở Trung tâm nghiên cứu Ngôn ngữ Á đông tại trường Cao học Khoa học Xã hội và Văn minh phương Đông. Kể từ đó, ông theo đuổi song song sự nghiệp giáo sư đại học và văn chương. Năm 1974, ông được bổ nhiệm chức phó giáo sư tại viện Ngôn ngữ quốc gia và Văn minh Á đông. Tác phẩm tiểu thuyết đầu tay có tên Le Dit Tianyi (Chuyện của Tianyi), xuất bản năm 1998 và đã giật ngay giải Fémina - một trong những giải thưởng Văn học danh giá của Pháp. Năm 2000, ông giật giải Roger Caillois cho những tập truyện ký và tập thơ Double Chant của mình. Năm 2001, trước khi được bầu vào Viện Hàn Lâm, ông đã được Viện này trao Giải thưởng lớn của khối Pháp ngữ, dành cho toàn bộ sự nghiệp văn chương của tác giả. Tháng 6/2002 chính thức là thành viên viện Bất Tử và là chủ nhân thứ hai mươi của phô tơi số 34 tại đây. Ông là thành viên của Ủy ban thượng nghị khối Pháp ngữ. Năm 2008, ông là thành viên danh dự của Tổ chức Chirac I - một tổ chức phi chính phủ vì hòa bình trên toàn cầu. Ông cũng là thành viên danh dự của hiệp hội Quan sát Di sản Tôn giáo, một tổ chức đa tôn giáo nhằm bảo tồn và phổ biến Di sản văn hóa Pháp. Là một người khá đặc biệt, ông không thích làm việc trong sự tĩnh lặng và đơn độc. Chính vì vậy, đã có lúc người ta bắt gặp ông lấy vé tàu khứ hồi đi đâu đó rất xa, rồi quay về ngay… chỉ đơn giản vì ông thích làm việc trong trạng thái động của con tàu!
Trong bài phát biểu tại lễ tấn phong của mình vào viện bất tử, ông gợi lại cuộc hành hương của Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh trước khi nói về sự nghiệp và những đam mê của mình đối với ngôn ngữ Pháp và văn chương. Ông ví đó cũng hệt như một sự dò dẫm tìm đường của một kẻ hành hương: “…Theo cách rất khiêm tốn của mình, tôi luôn luôn tâm đắc trước ý tưởng hành hương này. Từ thuở hoa niên, khi còn ở Trung Quốc, vì đã phải lang thang rất nhiều do những cuộc tao loạn và các sự kiện đã ghi dấu trong lịch sử, thì tôi đã có thiên hướng tự thấy mình như là một kẻ hành hương, từ Đông sang Tây và cuối cùng là hành hương trên khắp thế gian”. Ông coi ngôn ngữ Pháp như là “một thứ vũ khí và tâm hồn” cho sự sáng tạo của mình. “Đó là một ngôn ngữ quá đỗi thân thương nối liền cuộc sống nội tâm cũng như đời sống nghề nghiệp của tôi. Nó như một vật biểu tượng cho vận mệnh của chính tôi. Nó đã tạo cho tôi một bước lùi cần thiết so với nền văn hóa gốc của tôi và với những kinh nghiệm sống mà tôi đã trải qua, và cuối cùng nó tạo cho tôi khả năng xem xét lại toàn bộ đại cục để chuyển đổi thành một hành động sáng suốt trong sự tái-sáng tạo…”.
Từ sự tha hương của ông, từ cuộc sống bấp bênh trong nhiều năm, từ sự kiên trì và miệt mài làm việc và nhất là tình yêu đối với ngôn ngữ… đã tạo lên một François Cheng khiêm tốn nhưng lại sở hữu một trí tuệ lớn và sự hiểu biết phi thường. Ông nói “Trên hành tinh sống động này, chỉ có nghề viết mới cho phép ta trải lòng thành với tất cả khi ta còn đang sống”. Pha trộn giữa đạo Lão và thuyết Platon, qua cách tự học hỏi của mình, ông đã liên kết truyền thống của hai nền văn hóa, dữ dội và đầy đam mê.
Là một nhà thơ viết tiểu thuyết, nên lời văn của ông khi đọc, chúng vang lên tựa những câu thơ và đậm đặc hình ảnh. Bởi theo ông “ngoài những con chữ thì còn có âm thanh và giai điệu của những vần thơ”.
Các tác phẩm
Ngoài các tác phẩm dịch, tác phẩm thơ, ký…, tác phẩm Chuyện của Tianyi (Le dit Tianyi) đoạt giải Fémina 1998. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông. Chuyện của Tianyi viết về một tình bạn đậm màu bi thương nhưng vô cùng keo sơn giữa Tianyi và Haolang xảy ra trong thế kỷ XX. Tianyi, là bạn từ thuở niên thiếu của Haolang, đó là một người hâm mộ Gide, một nhà thơ và nhất là rất tin tưởng vào cuộc cách mạng của chủ nghĩa Cộng sản. Đây là một cặp bạn mà tính cách rất khác nhau, nhưng họ lại bổ trợ cho nhau. Tianyi sinh năm 1925 bên bờ sông Dương Tử (Yangtzé), dưới chân dãy Lu có đỉnh núi luôn chìm trong mây mù: “Mây và sương mù của đỉnh Lu, rất nổi tiếng đến nỗi mà chúng đã đi vào câu ngạn ngữ để chỉ một sự huyền bí mà ta không sao nắm bắt nổi, một vẻ đẹp tiềm ẩn nhưng lại khiến con người ta mê mẩn. Bằng những động tác đỏng đảnh, bất ngờ khó đoán trước, bằng màu sắc bất định, hồng hoặc tía, xanh ngọc hoặc xám bạc, chúng biến đổi cả một vùng đồi núi tựa như một thứ ảo thuật…”.
Cậu thiếu niên Tianyi ngày xưa đã yêu say đắm thiếu nữ Yumei đến nỗi mà cậu họa ra bức tượng chân dung bán thân của nàng: “Trong một niềm cảm xúc phấn khích, tôi bộc lộ từng nét từng nét điều tôi nhìn thấy trong nội tâm mình. Khuôn mặt trái xoan đậm vẻ tinh khiết của ngọc, khuôn miệng đầy đặn và nhạy cảm phảng phất sự quyến rũ nhục dục được kìm nén, cặp mắt sâu thẳm tỏa ra sự ngỡ ngàng thơ ngây khiến cho sự huyền bí nơi nàng càng tăng thêm… Tôi càng họa rõ hình ảnh nàng bao nhiêu thì tôi lại càng trút được gánh nặng đang dần bóp nghẹt tôi bấy nhiêu…”. Rồi Haolang đã tháp tùng Tianyi đi khắp một phần lớn lãnh thổ bao la của Trung Hoa lục địa thời tao loạn để đến gặp Yumei, mà lúc này cô đã trở thành một diễn viên trong một đoàn kịch… Tianyi, Haolang, Yumei, ba con người, ba số phận, ba câu chuyện được pha trộn một cách tài tình. Bi kịch của tình yêu, tình bạn được xây trên nền bi kịch của lịch sử: bi kịch của dân tộc trung Hoa trong thời kỳ chiến tranh Nhật - Tàu, cuộc đại cách mạng và cuộc cách mạng văn hóa.
Một cuốn tiểu thuyết được viết hệt như một bản trường ca, một bức tranh sống động, đậm nét thơ và chấm phá của họa. François Cheng khi viết tác phẩm này đã có cái nhìn của một danh họa, một triết gia theo đạo Lão và Đường Đi. Một đường đi mà ta chỉ có thể nắm bắt được qua thiên nhiên.
Bất Tử (L’éternité n’est pas de trop) (Nxb. Albin Michel, 2002) một câu chuyện diễn ra vào thế kỷ XVII, cuối thời nhà Minh ở Trung Quốc, một giai đoạn lịch sử đầy tao loạn và chuyển đổi. Thời kỳ mà chính Tây phương cũng hiện diện tại Trung Hoa lục địa thông qua việc phái các thầy dòng đi truyền đạo. Bất Tử kể về câu chuyện tình của Dao Sheng, một người đã phải trải qua nhiều đoạn đời khác nhau. Còn nhỏ đã bị bán cho một gánh hát rong để chơi đàn vỹ cầm, rồi bị tống giam do đã dám cười với thiếu nữ Lang-Ying, vốn đã được hứa gả bán cho lãnh chúa Zhao. Qua bao khổ ải, cuối cùng Dao Sheng đã tìm được nơi ẩn dật trong một tu viện đạo Lão. Tại đây, anh học được nghề thuốc đông y và nghề thầy bói. Đến lúc phải tuyên thệ nhập đạo thì anh quyết định ra đi tìm lại người phụ nữ mà anh chưa bao giờ thôi thương nhớ kể từ ba mươi năm nay, kể từ lần gặp mặt đầu tiên. Cuộc hội ngộ đã diễn ra, niềm đam mê được chia sẻ, dẫu rằng những trở ngại và thử thách còn đang chờ đợi đôi tình nhân ở phía trước. Phu nhân Ying, bị ông chồng tàn ác và đồi trụy bỏ rơi, đang chết dần vì sầu muộn. Trong khuôn mặt đã được hóa trang kỹ lưỡng, trà trộn trong đám ăn mày rách rưới đứng trước cổng phủ chờ phu nhân Ying ra phát cháo từ thiện, Dao Sheng bị rúng động trước cảnh tàn tạ của người tình. Kể từ đó ông ra sức chữa trị, đưa bà trở về với cuộc sống. Ông rốt cuộc cũng bị bà nhận ra. Bà đã không sao quên được chàng nghệ sĩ vỹ cầm đã gặp mặt mấy chục năm về trước. Làn gió tình yêu bắt đầu thổi đến bao bọc họ. Từ đây, tác phẩm bắt đầu một sự ham muốn bất tận. Niềm hạnh phúc hòa mình trong ham muốn. Một nụ cười, chỉ cần một nụ cười của nhau cũng khiến họ được thỏa mãn.
Một câu chuyện được giới bình luận văn chương Pháp ví như “Tristan và Iseutl” theo phiên bản Trung Hoa. Nhưng trên thực tế, Bất Tử còn đi xa hơn thế. Mối tình bị cấm đoán giữa Dao Sheng và Ying phu nhân còn vượt qua cả tình yêu thể xác và chỉ rõ sức mạnh vô biên của tinh thần mà đạo Lão gọi là “Hơi thở”, còn Thiên chúa giáo thì gọi là “Tâm hồn”. Thành công của tác phẩm chính là sự tài tình trong lối viết về sự chờ đợi, lúc khắc khoải đớn đau, lúc dữ dội mãnh liệt. Từ sự rùng mình đến cái mơn chớn, sự gợi tình tăng dần khi xuất hiện sự khước từ. Niềm say đắm được diễn đạt hết sức tinh tế, tình yêu “còn mạnh hơn cả Trời và Đất” bởi “Sen mọc trong ao nhưng chẳng có vết bùn nào có thể làm vấy bẩn những cánh hoa tinh khiết như ngọc của nó”… Tình yêu là thứ có thể khiến ta vượt lên chính mình. Nó dẫn ta đến sự hiểu biết và khéo léo.
Một câu chuyện tình vượt thời gian và tuyệt vời, đầy chiêm nghiệm, khiết tịnh và cùng lúc rất mãnh liệt, thoát khỏi sự màu mè sáo rỗng. Ta có thể đọc Bất Tử như là đọc về một mối quan hệ tình yêu hoàn toàn thuần khiết và thanh tao, nhưng cũng có thể đọc nó như là một mối quan hệ thân xác điên khùng gàn dở. Lại càng dữ dội hơn khi mối tình đó được nuôi dưỡng bằng một ngọn lửa ham muốn mà chưa bao giờ được thực hiện.
Tác phẩm Năm điều chiêm nghiệm về vẻ đẹp (Cinq méditations sur la beauté), (Nxb. Albin Michel, 2006), được viết sau những bài giảng, tranh luận trước các hội nghị văn chương. Với ông, vẻ đẹp là trạng thái của lòng nhân ái, sự bao dung và độ lượng, và ta chỉ có thể nhận ra nó qua con người. Để nói về vẻ đẹp, thì điều cần thiết là phải trực tiếp gặp gỡ. Theo ông: “Điều chắc chắn để nhận ra vẻ đẹp thì trước tiên phải xem lại chính mình. Vẻ đẹp không tự nó đến như một món nợ phải trả, mà ta nên tùy theo tâm trạng của mình mà cảm nhận nó”. Do vậy để cảm nhận được “hơi thở” của bên ngoài thì trước tiên ta cần trút bỏ những nỗi niềm trong mình để “…không nghĩ gì hết, không gà gật, mà tiếp nhận mọi sự đúng hệt như chúng xảy đến vậy. Vẻ đẹp thực sự thì hình như không vụ lợi và thường là cho không, và hơn thế nữa, nó được xây trên lòng nhân ái. Một cử chỉ tao nhã là một hồng ân, là một món quà của bản lai sống dành cho con người. Vẻ đẹp xuất hiện ở khắp nơi, ngay cả trong những khu ổ chuột, tại đó, vẻ đẹp không phải là một sự sang trọng, nhưng đó là điều cần thiết cho mỗi người, bao gồm cả những kẻ tay trắng. Vẻ đẹp tồn tại trong nụ cười của một đứa trẻ, hay trong ánh mắt của một bà mẹ. Vẻ đẹp là niềm mong muốn ao ước hướng về người khác”. Một vẻ đẹp mà không được xây trên tấm lòng nhân ái thì liệu nó có tồn tại được mãi không? Theo ông thì không, đó thậm chí còn rất xấu. Vẻ đẹp mà được sử dụng phục vụ cho chết chóc thì luôn bị cái xấu xa của tâm hồn khích lệ. Ngược lại, bất kỳ khuôn mặt nào, bằng lòng nhân ái của mình, thì đều đẹp. “Hãy thử xem, thậm chí lúc đi tàu điện ngầm, khi quan sát những khuôn mặt: nếu bạn lặng ngắm một khuôn mặt khiêm nhường thì bạn sẽ thấy là nó rất đẹp đấy”. Ông trích dẫn câu nói của Henri Bergon: “Cấp bậc tối thượng của vẻ đẹp là sự đài các, và trong chính từ “đài các” này mà ta nghe được âm thanh của lòng nhân ái, bởi nhân ái là sự hào phóng của một bản lai sống mà tự nó hiến dâng vô thời hạn. Vậy, qua từ “đài các” thì vẻ đẹp và lòng nhân ái đã hòa làm một”. Và theo ông: “Thật là kỳ diệu, từ “đài các” trong tiếng Pháp cùng lúc đều nói về vẻ đẹp và lòng nhân ái, từ này đến từ latin: bellus và bonus, và “đài các” cũng đến từ một từ duy nhất trong tiếng Ấn - Âu dewnos. Trong tiếng Trung có từ “Hảo” (theo ký hiệu ghi ý), được viết bằng hai yêu tố: người phụ nữ và đứa trẻ, khi được ghép cùng với nhau, từ này cũng có chung ý nghĩa: vẻ đẹp và lòng nhân ái. Để kết luận, tôi nói rằng lòng nhân ái là vật đảm bảo cho phẩm chất của vẻ đẹp. Và rằng lòng nhân ái tỏa ra vẻ đẹp và khiến cho vẻ đẹp đó được người ta ham muốn. Phụ nữ đã nhầm khi nghĩ rằng vẻ đẹp của họ là một thứ tài sản cần phải trau truốt vun trồng hệt như một tấm mề đay mà họ sẽ là chủ sở hữu. Hơn nữa, mỗi cá nhân con người là duy nhất, mỗi vẻ đẹp đều có tính đặc biệt riêng của nó, và không hề tồn tại một “quả bom” sắc đẹp nào hết…”.
Điều làm lên vẻ đẹp của con người, theo ông, thuộc về công việc của tâm tưởng. Tâm tưởng khích lệ cuộc sống nội tâm của mỗi con người. Còn đường nét ngoại hình, ít nhiều dễ coi, ít nhiều xinh đẹp hay rắn rỏi thì cũng chỉ là điều thêm thắt đi kèm mà thôi.
Khi các linh hồn lang thang trở về (Quand reviennent les âmes errantes) (Albin Michel, 2012) được viết về một mối tình thật đẹp. Tác giả lấy bối cảnh lịch sử của thế kỷ III (TCN). Đây là một tác phẩm chiêm nghiệm về tình yêu gồm ba nhân vật chính Chun-Niang, Jung Ko và Gao Jian-li. Bị cha mẹ bán cho một cặp vợ chồng chủ quán từ khi còn rất nhỏ. Chun Niang-li là một thiếu nữ với vẻ đẹp thuần khiết quý phái, tâm hồn nàng, tựa như một ánh lửa nến mà không có bão giông nào có thể dập tắt, đã thu hút những kẻ anh hùng hào kiệt lang thang. Nàng than thở “Tôi ngỡ đã bị Trời cao bỏ rơi khi hai người đàn ông đó xuất hiện trong đời tôi”. Một tối, GaoJiang-li, một nhạc sĩ lang thang đẩy cánh cửa quán trọ, và sau anh vài phút là Jing Ko, một kẻ đâm thuê chém mướn, hành tẩu giang hồ, cũng bước vào. Khi nhìn thấy Chun Niang thì cả hai đều hiểu ngay rằng đời họ từ đây sẽ rẽ sang một ngả khác. Vẻ đẹp của nàng đã khiến họ mong được làm người hoàn hảo nhất. Xung quanh họ lúc này, thế giới đã đổi màu và trở nên nồng hậu biết bao. Cuộc đời mở rộng vòng tay đón chào họ. Nhưng thói đời thường diễn ra trái ngược hẳn với những gì ta mong đợi, nhất là khi ta hạnh phúc. Chun Niang được tuyển vào cung làm tỳ thiếp hoàng gia. Jing Ko được tuyển mộ làm cận vệ cho hoàng tử, và được người này đề nghị hy sinh mình cứu Chúa khi phái anh đi giết vua Zhen, một kẻ bạo chúa khát máu. Nhưng kể từ khi gặp Chun Niang, người hùng chiến binh này đã mất nhuệ khí chém giết, và đã trở thành một con người biết yêu quý cuộc sống của người khác. Đây là một tác phẩm trữ tình đầy bi kịch. Ba nhân vật chính đến với nhau bằng tình yêu và tình bạn này phải đối đầu với bạo lực của lịch sử. Tác phẩm gồm những trang độc thoại, mỗi nhân vật lần lượt thổ lộ những tâm tư nỗi niềm của mình. Tác phẩm khiến ta suy nghĩ về đam mê của loài người. Đam mê tình bạn, tình yêu, nhưng cũng còn có đam mê quyền lực, tiền tài danh vọng, quyền ngự trị và sở hữu. “Một tình bạn hay thậm chí một tình yêu, thì đó cũng chính là do tâm hồn nuôi dưỡng và tỏa sáng chúng” hoặc “Sự vắng bóng càng dài và khắc khoải bao nhiêu thì mong muốn chờ đợi càng dữ dội bấy nhiêu, và chỉ cần có sự hội ngộ thì những con tim say đắm sẽ lại hòa nhịp cùng nhau mà không gì có thể cưỡng nổi. Tâm hồn là gì ư? Thì chính vì nó mà vẻ đẹp thực sự của một cơ thể được tỏa sáng, cũng chính vì nó mà trên thực tế, những cơ thể say đắm nhau mong muốn được chia sẻ cùng nhau…”.
Một số tác phẩm tiêu biểu khác của ông:
Phân tích hình thức của tác phẩm thi ca của một tác giả Tang Zhang (Analyse formelle de l’œuvre poétique d’un auteur des Tang Zhang) (Tiếng Trung, Nxb. Ruoxu, 1970).
Chiếc xe kéo (Le Pousse-pousse), của Lão Tử (dịch) 1973.
Phương thức viết thơ Trung Hoa (L’Écriture poétique chinoise), (Nxb. Seuil, 1977).
Đầy và Vơi: Ngôn ngữ hội họa Trung Hoa (Vide et plein: le langage pictural chinois), (Nxb. Seuil, 1979).
Bảy nhà thơ lớn của Pháp (Sept poètes français), 1993.
Henri Michaux, cuộc đời và sự nghiệp (Henri Michaux, sa vie, son œuvre), 1984.
Zhu Da, thần đồng về khắc họa đường nét (Chu Ta le génie du trait), Nxb. Phébus, 1986.
Some Reflections on Chinese Poetic Language and its Relation to Chinese Cosmology dans The Vitality of the Lyric Voice, 1986.
The Reciprocity of Subject and Object in Chinese Poetic Language dans Poetics East and West, 1988.
Hơi thở - Tâm Tưởng (Souffle-Esprit), Nxb. Seuil, 1989.
Ba mươi sáu bài thơ tình (Trente-six poèmes d’amour, poèmes), Nxb. Unes, 1997.
Hội thoại, một đam mê dành cho ngôn ngữ Pháp (Le Dialogue, Une passion pour la langue française), 2002.
À l’orient de tout, poèmes, (Nxb. Gallimard, 2005).
Hướng về người khác (L’Un vers l’autre), (Nxb. Albin Michel, 2008).
Để kết thúc bài viết xin trích đăng lá thư của cựu Tổng thống Pháp, Jacques Chirac, khi ấy còn đương nhiệm gửi tới Viện Bất Tử vào ngày François Cheng được tấn phong: “Khi bầu François Cheng, viện Hàn Lâm Pháp đã lựa chọn đón nhận một nhà văn vỹ đại, một nhân vật hiếm có, “một con người không thành kiến và không hề đeo trên mình bất kỳ vỏ bọc nào”, hệt như ông đã tự đánh giá mình như thế. Tôi đặc biệt cảm thấy vui sướng trước sự lựa chọn này, bởi điều đó đem lại sự vẻ vang cho viện Hàn Lâm và sự vẻ vang cho nước Pháp. Từ sự tha hương của mình, từ sự khai thác tận cùng các hướng đi để dẫn đến tình yêu đích thực, từ chặng đường từ Đông sang Tây của mình, François Cheng đã xây dựng một sự nghiệp văn chương dồi dào phong phú đa dạng, sâu sắc và nhạy cảm. Một sự nghiệp văn chương mang tính toàn cầu. Là một triết gia, thi sĩ, dịch giả của những nhà thơ nổi tiếng nhất mọi thời đại của Pháp, nhà nghiên cứu và thực hành thư pháp tên tuổi, François Cheng là một nhà hiền triết của thời đại chúng ta. Việc ông được bầu vào viện Hàn Lâm là bằng chứng minh họa hoàn hảo nhất cuộc tranh đấu vì sự đa dạng và hội thoại giữa các nền văn hóa, mà đó chính là cuộc tranh đấu của nước Pháp”.
Paris 25/01/2013
H.C
(SH289/03-13)
>>"Dàn đồng ca" - Trích từ tác phẩm Khi những linh hồn lang thang trở về - Hiệu Constant chuyển ngữ