Nhìn ra thế giới
Đêm Los Angeles
17:43 | 26/04/2013

DƯƠNG VĂN TƯỜNG 
                     Truyện ký

Rời Vancouver, chúng tôi không dùng máy bay mà rủ nhau xuyên biên giới qua Mỹ bằng chiếc Acura. Nỗi buồn xa Canada vơi đi với người bạn đồng hành.

Đêm Los Angeles
Thành phố Los Angeles - Ảnh: internet

Phong, nhà thơ nổi tiếng ở Bắc Mỹ, nét tài hoa trong thơ anh được hâm mộ nhiều hơn nghề nghiệp bác sĩ của anh. Tôi biết trong lòng Phong giông bão đang nổi lên, vò xé cái lưới tơ tình đa đoan với người vợ trẻ, nỗi đau tình ái như một định mệnh tàn khốc giáng mãi vào cuộc đời anh như ghen ghét cái phẩm cách tài hoa... Tony Nguyên đón chúng tôi ở Seatle, một tiểu bang nổi tiếng với đại bản doanh của Boeing - hãng hàng không lừng danh thế giới. Seatle còn hãnh diện với siêu thủ Bill Gates - anh chàng siêu hạng này đã thu nhỏ cả thế giới vào cái hồ lô Microsoft, chiếc computer nhỏ bé đó sẽ còn đưa trí tuệ loài người vươn lên những đỉnh cao vô tận.

- Không ngờ, thật không ngờ được gặp bạn cũ ở nơi đây.

Đêm Downtown choáng ngợp ánh đèn, chúng tôi ngồi với nhau bên ly café bốc khói, câu chuyện hàn huyên làm chúng tôi rơi tõm vào những kỷ niệm miên man về vùng quê Gio Linh nghèo khổ. Ở đó, tuổi thơ chúng tôi in bóng trên một con đường cát trắng với những hàng phi lao xanh ngắt dẫn đến một ngôi trường, bóng dáng tôi và Nguyên co ro trong những tấm ny- lon rách nát che mưa, quần xăn, chân đất lầm lũi đến trường. Và trong vùng cát trắng bé nhỏ của huyện lỵ heo hút, cơn lốc chiến tranh đã thổi chúng tôi bay đi tan tác trên đường đời. Cuộc hội ngộ nơi đây phải chăng là một giấc mơ kỳ lạ? Nó vẫn hiển hiện đôi hàng phi lao lay động thầm thì lời ru của gió, con đường cát trắng vẫn còn những dấu chân dậy thì của đám bạn bè con trai con gái năm xưa?!

Buổi sáng thứ bảy, khi check mail, nhận được một email lạ với cái tên JunieThao@, đọc nội dung tôi quá đỗi bàng hoàng:

“Anh yêu dấu! Em là bé Thảo đây, bất ngờ trong một đám tiệc ở Florida, có một người bạn quen anh, cho em biết là anh đang có mặt ở Mỹ, bán tín bán nghi nhưng không thể nào phone cho anh được, em gửi email này cho anh và book vé ngay để bay qua Los Angeles, chắc anh cũng sẽ bay về Cali, mong được gặp anh ở phi trường Los!”

Buổi chia tay bất ngờ làm mọi người ngỡ ngàng, phút tiễn biệt ở phi trường thật bịn rịn. Nguyên đưa tôi vào phi trường, giọng Nguyên chùng xuống:

- Thế là bạn lại ra đi, chưa kịp tâm sự nhiều, ở đây bạn bè không có, người Việt sống rải rác, cũng không nhiều. Mình thì chôn chân một nơi vì công việc, bạn thế mà có dịp đi nhiều, thành thật chúc một chuyến đi hạnh phúc!

Chúng tôi bùi ngùi ôm nhau, hơi cay thoáng vương trong mắt!

*

Thế là giấc mơ gặp lại Thảo của tôi đã trở thành hiện thực. Thảo là mối tình đầu là đóa hoa bé nhỏ dịu dàng trong góc vườn riêng tư, dù chưa một lần thề hẹn, nàng đã mãi mãi là một phần tuổi trẻ của tôi, chúng tôi lớn lên trên quê hương chinh chiến, vòng tay ôm cũng chỉ là trong mơ, chỉ còn biết dõi mắt tìm nhau trên bước đường lưu lạc. Thế rồi bước phong trần nào dun rủi nàng lìa xa quê hương theo dòng người di tản. Từ đó thân phận mỗi người như đã được đóng đinh trong gió bụi lịch sử biển dâu.

Tôi bay về Los Angeles với tâm trạng bâng khuâng của lần đầu hò hẹn, quên mất khoảng cách 30 năm, quên mất mái đầu lấm tấm bạc, bên dưới ô cửa kính là một thành phố Los đẹp cực kỳ, muôn triệu ánh đèn bừng cháy. Những dòng xe cộ vô tận tạo nên khuôn mặt nước Mỹ hối hả và tốc độ. Tôi mường tượng ra Thảo giữa những chấm sáng li ti di chuyển trong thành phố ngút ngàn ánh sáng, làm sao em có thể tồn tại trong thế giới của cơn lốc, ẩn chứa những vòng xoáy vô hình của đồng tiền và bạo lực.

Không biết bằng cách nào, chúng tôi đã ôm ghì lấy nhau giữa cái ồn ào bất biến, nàng vùi đầu vào ngực tôi, những dòng nước mắt như tích tụ từ cả ký ức xa xăm, tưới lên trái tim tôi cảm xúc tình yêu cháy bỏng, tôi vùi đầu vào mái tóc nàng, môi nhấm nháp làn da trên bờ vai nhỏ bé, tận hưởng hương vị của nước mắt pha lẫn mồ hôi, chúng tôi tan loãng vào hư ảo.

Người nhân viên sân bay có màu da đen bóng, yên lặng đứng ngắm chúng tôi tự nãy giờ, anh ta tiến đến và vui vẻ xách chiếc vali giùm tôi, lịch sự chìa tay về phía bãi đậu xe. Tôi hiểu, anh ta kính trọng giây phút gặp gỡ của chúng tôi và vẫy chào bằng một nụ cười thiện cảm.

Nàng ngồi trước vô lăng, tô lại làn môi, chải lại mái tóc, định rời parking. Tôi ngăn lại:

- Khoan đã em, anh muốn ngồi lại một chút, áo anh vẫn chưa khô hết nước mắt em đây nè...

Giờ đây tôi mới có dịp ngắm nàng, trong ánh sáng mờ ảo, nàng giản dị trong chiếc quần jean và chiếc áo phin trắng mỏng, loại vải mà năm xưa nàng thường mặc. Tôi ngắm hàng đăng ten viền trên tà và cổ áo, tôi nghĩ chiếc áo như được lấy ra từ trong những kỷ vật, tôi đặt tay lên vai nàng, vuốt cánh mũi của nàng để biết rằng nàng đang hiện diện bằng xương bằng thịt.

- Chắc anh đói rồi?

- Ừ anh đói lắm.

- Em cũng vậy. Anh bay từ Seatle qua đây chừng ba tiếng, em bay từ Florida thời gian gấp đôi, mong gặp anh đến độ không ăn gì được.

- Mình sẽ đi ăn ở đâu?

- Em bay qua Los trước và đã book chỗ ở một nhà hàng Ý, ở đó còn có sẵn pist để dancing, anh còn thích nhảy không?

- Có, em thật chu đáo!

*

Nhà hàng mang tên Atonio đúng phong cách Italia, chủ nhân có bộ ria mép cắt tỉa cẩn thận, ông chủ cúi chào chúng tôi với một lời chào mà tôi không hiểu, Thảo nói:

- Ông ấy rất hân hạnh được đón khách từ xa mới đến.

- Rất cảm ơn!

Bàn ăn trải khăn trắng muốt, những ly cốc pha lê bày sẵn với những bộ dao nĩa bằng bạc, trên bàn đĩnh đạc một bình hoa được cắm thật tỉ mỉ, hai đóa hồng nhung như còn đẫm sương, với những đóa cẩm chướng khoe hết màu sắc, Tôi nói:

- Cám ơn em về những bông hoa, anh có cảm tưởng như chúng vừa được hái trong vườn nhà em.

Thảo cười:

- Vườn nhà em ở tận Florida, những nụ hoa này em mới resever, thay vì mang hoa ra phi trường đón anh thì em dành nó ở đây.

Cô hầu bàn đề nghị tôi chọn rượu và giới thiệu một loại vang Ý hảo hạng, Thảo đồng ý. Tôi gọi thêm một ly Cognac Pháp - một loại rượu mạnh để lấy lại thăng bằng cảm xúc. Cuộc đời đã tặng tôi quá nhiều trong chuyến đi này, trong thâm tâm, việc tìm gặp Thảo là một ước mơ mãnh liệt cứ cháy mãi trong tâm thức đời tôi.

Thảo đưa ly rượu lên:

- Cheerrr...! Welcome to USA!

- Welcome!!!

Tôi uống cạn ly rượu mạnh, một dòng thác cay nồng chảy qua lòng tôi nóng rát. Thảo nhìn tôi thật xa xăm, và tôi chao đảo trong vực thẳm của ánh mắt ấy.

Ánh sáng trong phòng được tắt đi, và những cây đèn nến được đốt lên, không gian lung linh mờ ảo. Tôi nhìn quanh gian phòng không rộng lắm, thực khách toàn người Âu, gồm những quý ông quý bà đứng tuổi, họ thì thầm câu chuyện khẽ khàng. Những ngọn nến sáng dần ra, hương trầm từ nến bắt đầu tỏa hương, một chút mùi của rượu, một chút hương của hoa và từ hơi thở của Thảo đẩy tôi về cõi mù mờ ký ức. Hình ảnh Thảo nhạt nhòa và Thảo hiện ra ở một góc thị trấn bé nhỏ tại quê nhà. Tôi thấy lại ngôi trường trung học Nguyễn Hoàng ngày xưa, giờ đây đã trở thành đền đài thánh tích trong tâm tưởng, cái thị trấn nhỏ bé hiền hòa suốt bao năm tháng bị chà đi xát lại bởi đạn bom, nhưng tuổi trẻ chúng tôi đã ươm mầm lên từ đó, bao ước mơ và khát vọng về tương lai đã mãi mãi ngủ yên bỗng bừng cháy lên từ bếp tro tàn lạnh ngắt. Hình ảnh tôi và Thảo ngồi thu mình trong quán vắng, tập vở vẫn ôm xiết trong tay, chúng tôi rụt rè chia cho nhau ánh mắt tình tứ tuổi học trò. Cái góc phố Quảng Trị lặng lẽ năm nào nàng hái tặng tôi những nụ hoàng lan thơm ngát, hương thơm đầu đời mà tôi dấu mãi trong suốt dặm đường chinh chiến quê hương.

Giọng Thảo thì thầm:

- Anh kể cho em nghe một chút gì về Quảng Trị về phố cũ, trường xưa.

- Phố cũ vẫn hiền hòa, trường xưa thì đạn bom đã phá tan dấu tích, con người thì cũng thay đổi rất nhiều.

Nụ cười buồn thoáng trên môi Thảo.

- Em cũng đã thay đổi rất nhiều, đời sống Mỹ không có chỗ dành cho nỗi buồn dĩ vãng, nó chảy xiết như một dòng sông hung bạo.

- Không! Em chẳng có gì thay đổi. Anh đến bên em từ nửa vòng trái đất và em hiện ra như một giấc mơ. Em có thấy một khoảng cách thời gian kinh khủng, không gian cũng quá đỗi mịt mùng, nhưng chúng ta đã hiện hữu trong một Satna siêu thực, mọi ý thức về không gian thời gian đã không còn tồn tại.

- Anh vẫn còn philo lắm lắm!

Âm nhạc nổi lên, những nhạc công mặc vest đen đang chơi bản Danube blue, dìu dặt khoan thai như một dòng sông bất tận. Tôi hỏi:

- Em nhớ nhất hình ảnh gì ở Quảng Trị.

- Dòng sông Thạch Hãn - Thảo trả lời - Em đã tắm trong dòng sông ấy từ những ngày thơ ấu, tuổi thơ em vĩnh viễn ở lại với dòng sông.

Tôi cười:

- Ồ! Thế thì nước Mỹ không hề cuốn mất những gì em mang đi từ vùng quê yêu dấu.

Tôi đứng dậy, chìa tay mời nàng:

- Em cùng anh nhảy bản valse này nhé!

Thảo trở nên nhỏ bé và run rẩy trong vòng tay, khác với những động tác dứt khoát và mạnh mẽ khi nàng lái xe trên freeway tốc độ. Nàng đang nhẹ nhàng ôm lại hình hài và những mảnh vỡ của tình yêu. Dòng danube xanh đang chảy qua ghềnh thác dập dồn, tôi quay vòng Thảo trong vũ điệu sóng sánh rượu vang của Ý, âm nhạc sang trọng của Strauss và men tình chuếnh choáng. Chúng tôi quay mãi đến khi bản valse chấm dứt với những tràng pháo tay tán thưởng.

Chúng tôi thả bộ về hotel, đêm Los Angeles trải dài trước mắt, từng cơn gió lạnh phả vào người, đi ngang qua một chiếc cầu kiến trúc hiện đại làm người ta có cảm giác như đi trên không, phía dưới không có dòng sông mà là những dòng xe vô tận.

- Anh cứ tưởng nước Mỹ đã nuốt chửng em rồi.

- Thì cả hai chúng mình cũng đang bị nuốt chửng đấy thôi.

Trong thang máy, Thảo đứng nép vào tôi, như muốn một vòng tay ôm che chở. Trên độ cao của tầng thứ ba mươi, tôi kịp nhìn toàn cảnh thành phố, một tấm thảm nhung mênh mông có đính vô số viên kim cương lấp lánh. Chúng tôi mang tấm thảm ấy vào giấc ngủ, tan loãng vào nhau giữa một giấc mơ kỳ bí. Giấc mơ ấy chính là chiều thứ tư của không gian, có tiếng Thảo thì thầm với những giọt nước mắt hạnh-phúc-mừng-tủi.

Đêm ở Los Angeles có một dòng sông xanh biếc chảy qua, chúng tôi đang bơi trong dòng sông đó, một dòng sông không có bến bờ...

D.V.T  
(SH290/04-13)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bằng chứng… (24/12/2012)