Nhìn ra thế giới
“Tuyệt đối hiện đại!”
09:06 | 26/11/2013

ĐOÀN CẦM THI
      (Đọc “Yersin: dịch hạch & thổ tả” của Patrick Deville)

Patrick Deville sinh năm 1957, tác giả của mười tiểu thuyết, giải thưởng Femina năm 2012, được coi là một trong các nhà văn Pháp hàng đầu hiện nay. Theo giới phê bình nghiên cứu, tác phẩm của Patrick Deville đã góp phần cách tân tiểu thuyết Pháp đương đại. Tiểu thuyết “Yersin: dịch hạch & thổ tả” của Patrick Deville vừa ra mắt độc giả Việt Nam.

“Tuyệt đối hiện đại!”
Ảnh: internet

Nhiều cuộc đời trong một cuộc đời

Alexandre Yersin (1863-1943), người Pháp gốc Thụy Sĩ, là một nhà khoa học lỗi lạc, đam mê và giản dị. Ông là người đầu tiên xác định được dịch hạch là do trực khuẩn ở chuột gây ra - tại Hồng Kông, 1894. Cũng chính ông sau đó sẽ phát minh ra vắcxin chống lại căn bệnh kinh hoàng đã từng tàn sát nhân loại này: tên ông đã được dùng để chỉ trực khuẩn dịch hạch, Yersinia Pestis. Riêng với Việt Nam, ông chính là người thành lập ra chi nhánh viện Pasteur Nha Trang, khai sinh trường Đại học Y Hà Nội, khám phá ra Đà Lạt khi nó chỉ là một cao nguyên hoang sơ, vạch ra con đường bộ đi từ Trung Kỳ sang Campuchia[1]. Ông từng đưa vào Việt Nam nhiều loại cây quý như cao su, canhkina. Ông nghiên cứu vi khuẩn học, thủy văn khí tượng, dân tộc học, nhiếp ảnh, thực vật học, dựng chuồng trại nuôi bò, cừu, gà,… trong một đồn điền rộng 20.000 hec-ta tại Nha Trang. Điều đặc biệt, mỗi khi quan tâm đến một ngành khoa học nào, Yersin bao giờ cũng nghiên cứu hết mình và luôn đạt đến mức cao nhất, ví dụ khi quay sang quan sát thiên văn, bài của ông đã được đăng tải trong Tập san thiên văn học của nhà toán học lừng lẫy Henri Poincaré, người “báo trước” thuyết tương đối.

Tuy được chính quyền thuộc địa nâng niu, ông gắn bó với thiên nhiên và sống hơn 50 năm cuối đời tại Nha Trang, nơi những người dân gọi ông là "ông Năm" hay "bác sĩ Năm". Yersin chạy chốn vinh quang nhưng không bao giờ chạy chốn thời đại của mình. Những năm bình minh của thế kỷ 20, ông là người lái những chiếc ô tô đầu tiên trên đường phố Hà Nội : hai chiếc Serpollet, chiếc đầu 5 mã lực do ông chuyển từ Nha Trang ra, sẽ nhanh chóng được thay thế bằng một chiếc 6 mã lực, đời mới, có thể chạy 100 cây số giờ, do ông đặt mua tại Paris. Suốt 5 thập kỷ sống tại Việt Nam, ông không ngừng nhập về đây những máy móc tân tiến nhất của châu Âu. Ở tuổi bảy mươi, ông dùng thủy phi cơ để di chuyển giữa Paris và Sài Gòn, và có ý định xây một sân bay ở Nha Trang. "Cả đời mình, Yersin sẽ chọn những gì mới mẻ và tuyệt đối hiện đại"[2], Patrick Deville viết.

Lựa chọn của Alexandre Yersin, vì vậy, thể hiện thái độ của người trí thức trước lịch sử. Qua tài năng và nhân cách của ông, Patrick Deville mô tả một thế hệ nhân sĩ Pháp trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, từ những năm 1860 – được coi là hoàng kim của đế chế Pháp – đến Thế chiến thứ hai – khi đế chế đó bắt đầu lụn bại. Một thế hệ, trước công cuộc đồng hóa và thuộc địa hóa của nhà cầm quyền, lại nuôi dưỡng những khát vọng khoa học và nghệ thuật, với hoài bão thay đổi thế giới bằng trái tim và trí tuệ.

Nếu quả đúng là chỉ trong cuộc đời mình Alexandre Yersin đã thực hiện được một khối lượng không gian và công trình khổng lồ, ngang với nhiều cuộc đời cộng lại, thì Patrick Deville cũng cho ông song hành với những cuộc đời khác để làm nổi bật một thế hệ, rộng hơn nữa, một thời đại.

Nhà văn Patrick Deville - tác giả cuốn Dịch hạch và thổ tả - Ảnh: internet


"Tiểu thuyết chính là hình thức!"[3]

Tác phẩm của Patrick Deville đã phác họa một Alexandre Yersin như thế. Tuy nhiên, phải nói ngay rằng đây không phải là cuốn sách đầu tiên về nhà khoa học thiên tài ẩn dật. Nhưng chỉ lần này, với Patrick Deville, chân dung của ông mới được độc giả và giới phê bình Pháp đón nhận thật sự nồng nhiệt[4]. Điều gì đã làm nên thành công này ?

Nếu giống như các tác giả trước đó, Patrick Deville xây dựng tác phẩm dựa trên các sự kiện và tư liệu hoàn toàn có thật, đặc biệt qua thư từ trao đổi giữa Yersin với mẹ, chị gái và đồng nghiệp, thì ông có lẽ là nhà văn duy nhất đã lần theo chân nhân vật của mình gần như trên khắp thế giới. Chính những chuyến thực địa này tạo ra chất tươi mới cho tác phẩm của Patrick Deville. Nếu chưa đặt chân tới Hà Nội, tác giả hẳn khó có được những cảm xúc rất riêng về "thành phố xanh um và mờ sương" này : "Một thành phố như Proust tả, cùng nỗi nhớ nhung Cabourg và Deauville vẫn hiện diện đâu đây".

Nhưng có lẽ tính độc đáo nằm trong chính hình thức của nó. Nói rộng ra, là kết cấu, nhịp điệu, văn phong, cách kể chuyện, mà tác giả đã đem lại cho câu chuyện về cuộc đời Yersin.

Đảo lộn trật tự thời gian và không gian chính là nét nổi bật đầu tiên trong phong cách Patrick Deville.

Trong suốt tác phẩm, người đọc liên tục bất ngờ trước cách xử lý thời gian và không gian tuyệt đối tự do của tác giả. Hai sự kiện khác nhau như việc Yersin thử nghiệm trồng cây canhkina ở Hòn Bà và Cách mạng tháng Mười bùng nổ ở Nga được Patrick Deville xếp liền nhau, không một lời giải thích. Ngòi bút của ông linh hoạt, phóng túng, và độc giả dễ dàng lạc lối trong tiểu thuyết.  

Để kể về cuộc đời khổ hạnh của Yersin, Patrick Deville đã chọn một bút pháp chính xác, lịch lãm, nhưng đậm đặc chất thơ. Tác giả có thể viết về một chủ đề khô như ngói với những hình ảnh ngộ nghĩnh, những so sánh bất ngờ.

Tình yêu, chủ đề thường được độc giả ngóng chờ nhiều nhất và vì vậy được khai thác mùi mẫn nhất trong văn chương, được viết như thế này: "Yersin đã dành vô khối thời gian ở phòng thí nghiệm để ghép đôi những con đực lên cơn động dục và những con cái hứng tình, gí mũi chuột đực vào âm hộ chuột cái để đẩy nhanh tốc độ cuộc thí nghiệm, và chưa bao giờ ông nhìn ra được ở trong đống vi khuẩn của mình một vi khuẩn tình yêu nào".

Có thể nói, với Patrick Deville, lời thách đố nằm ngay từ cái tựa buồn như chấu cắn mà ông cố tình chọn cho tác phẩm của mình. Đương nhiên, nó gợi đến hai nhan đề nổi tiếng của văn học thế giới: "Dịch hạch" và "Tình yêu thời thổ tả". Nếu Camus được nói đến trực tiếp trong tác phẩm, thì Patrick Deville quả quyết : chính Yersin đã khám phá ra chuột là nguyên nhân của dịch hạch, và Camus phải nợ ông điều đó khi viết cuốn tiểu thuyết của mình. Còn Marquez, tuy không nhắc đến, nhưng tên sách của Patrick Deville giống như một nháy mắt : không tình yêu, thời thổ tả vẫn còn hấp dẫn !

Biến câu chuyện về cuộc đời nghiêm nghị, đôi phần khắc kỷ, của Yersin thành một trong những tác phẩm hay nhất của văn học Pháp những năm gần đây, Patrick Deville đã chứng tỏ bản lĩnh của một nhà văn lớn.

3. Bóng ma của tương lai 

Xuyên qua suốt tác phẩm, một nhân vật tồn tại dưới cái tên: « bóng ma của tương lai ». Một cái tên hiếu kỳ, vì « bóng ma » thường gắn với dĩ vãng. Nếu tất cả – từ nhân vật, ngày tháng, sự kiện – đều có thật trong cuốn tiểu thuyết này, thì « bóng ma của tương lai » hẳn là sự hư cấu duy nhất. Nhân vật này được kể ở ngôi thứ ba - « hắn ». Anh ta có nghề nghiệp cụ thể : « Một điều tra viên, chuyên nghề viết lách, cầm cuốn sổ tay bìa bọc da chuột chũi », đặc biệt anh ta có khả năng « đi xuyên qua tường, xuyên qua thời gian », thường « đọc trộm qua vai Yersin » để chép lại cho chúng ta những trang viết của ông, hay kể cho chúng ta những cảm xúc của ông.

Lần đầu tiên, khi anh ta xuất hiện, là ở Berlin: "một bóng ma của tương lai trên đường dò lại dấu vết Yersin" tại nhà trọ nơi chàng sinh viên "mặc sức buồn chán". Anh ta sẽ đi theo Yersin như hình với bóng tới Sài Gòn, Đà Lạt, Hà Nội,… Ở Paris, anh ta chép vào quyển sổ của mình mấy câu của nhà thơ Robert Desnos "rồi cho Yersin xem". Anh ta có mặt ở Nha Trang trong những ngày cuối cùng của Yersin, khẳng định ông đang hưởng niềm "hạnh phúc cổ xưa của tháng ngày".

Không nghi ngờ gì nữa, "bóng ma của tương lai" chính là "bản sao" của tác giả. Một lần nữa Patrick Deville bất ngờ với chúng ta, vì ông đã hóa thân trong tác phẩm, nhưng lại ở ngôi thứ ba, để tạo khoảng cách không những với nhân vật mà chính với bản thân mình. "Bóng ma của tương lai" vì vậy có thể lâm vào những hoàn cảnh khá hài hước : đóng vai một nhà báo theo chân Yersin đến khách sạn Lang Bian Palace ở Đà Lạt những năm 1930 nhưng anh ta lại quên tắt điện thoại di động với một lý do rất dớ dẩn là "vì quá tự tin hay vì uống quá chén" !

Nhưng điều bất ngờ nhất là Patrick Deville đã cho chương 42 mang tên "Bóng ma của tương lai" với một nội dung đặc biệt : nước Việt Nam năm 2012. Ở đây, đột ngột rời quá khứ, tác giả phác thảo một Việt Nam qua vị trí mới trên bản đồ chính trị thế giới : "Vào thời của Yersin, Nha Trang thật xa xôi. Bởi nó xa châu Âu. Ngày nay nó đã trở thành trung tâm thế giới. Ven bờ Thái Bình Dương, nơi đã kế tục Đại Tây Dương, Đại Tây Dương thì từng kế tục Địa Trung Hải". Một Việt Nam hừng hực sức sống: "Ở góc phố Yersin giao với phố Pasteur, vào tháng Hai năm 2012 này, công nhân đang làm việc ngày đêm ở công trường xây dựng Nha Trang Palace…".

Chính sự lựa chọn này làm nên một phần thành công của tác phẩm. Viết về một nhân vật của quá khứ, nó không nhuốm màu hoài cổ. Hướng về tương lai, Patrick Deville lại một lần nữa khẳng định tinh thần Yersin, một tinh thần hiện đại, tuyệt đối hiện đại.

Đ.C.T

 



[1] Trước đó, sông Mê-Kông là con đường duy nhất để đi từ biển Đông sang Phnôm Pênh.

[2] Cụm từ này - “Il faut être absolument moderne”, có nghĩa là “Phải tuyệt đối hiện đại”-, xuất phát từ Rimbaud, được Patrick Deville dùng như sợi chỉ đỏ xuyên qua suốt tác phẩm.

[3] Xem Alain Nicolas, "Patrick Deville: "Ce qui fait le roman, c’est la forme"”, L’Humanité, 27/10/2011.

[4] Tác phẩm đã lọt vào chung khảo giải Goncourt và nhận giải Femina năm 2012, hai giải thưởng văn học danh giá nhất của Pháp. Ngoài ra nó còn nhận “Giải của Các giải văn học” (Le Prix des Prix littéraires) và “Giải tiểu thuyết” của tập đoàn Fnac (Prix du roman Fnac).

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Kỷ niệm Nga (12/09/2013)