HIỆU CONSTANT
(SHO) Nói đến Nhà thờ Đức bà thì hầu như ai cũng đã từng nghe. Qua tác phẩm bất hủ của Victor Hugo, nhưng nơi đây cũng là địa điểm yêu thích mà bất kỳ khách tham quan nào ghé Paris cũng cố gắng dừng chân!
Thời gian trôi, Nhà thờ hình như không già đi theo năm tháng, vẫn hùng dũng và oai phong, bề thế nghiêm trang đứng soi mình bên dòng sông Seine. Năm nay Chính phủ Pháp và Tòa thị chính Paris tổ chức mừng sinh nhật Nhà thờ… 850 tuổi. Nhân dịp này Đức Bà đã nhận được món quà hai triệu Euro do các con chiên đồng tâm dâng tặng. Khoản tiền ấy cho phép Nhà thờ thuê đúc lại toàn bộ giàn chuông giống hệt như chúng vốn thế từ thế kỷ XVIII. Bởi theo như các cha xứ, bốn trong giàn chuông đã bị hủy hoại vào cuối thế kỷ 18 và đã được thay thế vào năm 1856 nhưng những chuông này kém phần vang. Bốn chiếc chuông đó đã được gửi đến thành phố Villedieu (một nơi nổi tiếng nhất nước Pháp về nghệ thuật đúc chuông đồng), chờ đợi Nhà nước Pháp có quyết định cuối cùng về số phận của chúng. Chúng sẽ không được nung chảy lẫn tái sử dụng.
Ngày 31 tháng giêng năm 2013, những chuông mới tinh khổng lồ đã được chuyển về Paris dưới sự chào mừng vang dội của dân chúng thành Paris và khách du lịch, trong khi đó thì giàn chuông cũ trong Nhà thờ Đức bà Paris vang lên dồn dập đón tiếp...
Chín chiếc chuông, trong đó cái lớn nhất có đường kính hai mét. Mỗi chiếc chuông mang một tên thánh và phát ra một nốt nhạc. Marie (nặng 6 tấn đồng và thiếc) nốt Sol. Gabriel (4,1 tấn) nốt La. Anne-Genevière (3,4 tấn) nốt Si. Denis (2,5 tấn) nốt Đô, Marcel (1,9 tấn) nốt Rê. Etienne (1,5 tấn) nốt Fa. Benoit-Joseph (1,3 tấn) nốt Fa. Maurice (1 tấn) nốt Sol và Jean-Marie (782 kg) nốt La.
Giàn chuông được chở trên những chiếc xe khổng lồ, có hai dàn cảnh sát đi mở đường và hộ tống, cảnh còn ấn tượng hơn cả đoàn xe đưa rước Tổng thống. Giàn chuông được đích thân Đức ông Patrick Jacquin, trưởng giáo phận Notre Dame de Paris tháp tùng trên một chuyến xe buýt hai tầng.
Tám trong số những chuông này được sản xuất tại xưởng đúc Cornille Havard, trong lò luyện đồng truyền thống tồn tại từ thế kỷ 19 ở Normandie. Chúng sẽ được đặt trên các tháp phía bắc của Nhà thờ. Chuông thứ chín, to nhất, Marie đã được đổ khuôn bởi xưởng đúc Hoàng gia Eijbouts ở Asen, Hà Lan, trước khi được gửi đến lò luyện Normandie, nơi tập chung những đơn đặt hàng của Nhà thờ. Marie sẽ được đặt tại tháp phía Nam, bên cạnh chuông đại Emmanuel (330 tuổi, nặng 13,2 tấn và dành cho nốt Fa, đây là chuông duy nhất không được thay trong dịp này.
Toàn bộ giàn chuông được nhóm thợ bậc thầy làm việc miệt mài trong hơn một năm và dự định chúng sẽ có độ tuổi từ 200 đến 300 năm. Trong suốt tháng hai 2013, khách tham quan và con chiên đã được mãn nhãn, bởi chúng được trưng bày ngay trong gian chính Nhà thờ, sau khi đã được chính Đức Hồng y Giáo chủ André Vingt-Trois ban phép.
Lễ ban phép diễn ra vô cùng ấn tượng! Vào đúng 11h15 thứ bảy ngày mùng 2 tháng hai, những tiếng chuông đầu tiên vang lên trong sự yên lặng... đầy tính tôn giáo. Hồng y giáo chủ làm lễ. Trước một khối cử tọa, gồm toàn các cháu nhỏ thuộc khối cấp I của xứ đạo, đồng loạt ngồi bệt xuống đất, phía sau chúng là các con chiên (người lớn) và khách du lịch đứng xem, Đức ông từ cửa chính tiến vào, bắt đầu ban phép từ chuông bé nhất đến chuông to nhất. Ai nấy đều hết sức chăm chú, hình như họ nín thở. Đức Hồng y dừng lại trước mỗi chiếc chuông cùng hai đứa trẻ và một người lớn, “những cha mẹ đỡ đầu” của chiếc chuông đó, hai đứa trẻ sẽ hô to tên chuông trước khi gõ vào đó ba tiếng. “Jean-Marie”, Yann-Marie và Jean, hô to trước cái chuông đầu tiên, nhỏ nhất. Sau đó kiến trúc sư Jean-Marie (cha đỡ đầu người lớn) của chuông giải thích cụ thể rằng chuông được đặt tên này là để tưởng nhớ đức Hồng y Giáo chủ Jean-Marie Lustiger, tổng giám mục xứ đạo Paris trong những năm 1981 – 2005. Sau buổi ban phép thánh và đặt tên chuông là một buỗi lễ trang trọng. Riêng chiếc to nhất, Marie, sẽ được ban phép vào một buổi lễ khác, cùng chiều hôm ấy.
Trong số những “cha mẹ đỡ đầu người lớn” này, chúng ta sẽ nhận ra một số khuôn mặt rất nổi tiếng. Như Đại Công tước phu nhân của Luxembourg (Son Altesse Royale la Grande-Duchesse de Luxembourg) là « mẹ đỡ đầu » của Marie. Ngài Trưởng ấn Gabriel de Broglie (Chancelier Gabriel de Broglie) cho Gabriel. Đích thân cựu Giáo Hoàng Benoit XVI, được đại diện của Ngài tới dự là đức ông Luigi Ventura, cho chuông Benoît-Joseph...
Sau đó còn phải đưa những chiếc chuông đó lên tháp! Thật là một công việc nặng nhọc nhưng hết sức tế nhị, bởi Notre Dame de Paris khi xây dựng đã không tính đến chuyện này! Thế nên ban lãnh đạo phải cầu viện đến một đơn vị cẩu trục nổi tiếng nhất nước Pháp với những dụng cụ tối tân nhất, khoang lưới cáp giỏ tốt nhất... cần cẩu nhạy nhất với thợ lái chuẩn nhất...
Theo lời giám đốc lò luyện chuông thì dù cho ở thời đại nào, hiện đại như thế kỷ 21 hiện nay hay ở chục thế kỷ về trước, thì những thao tác nâng chuông lên tháp cao vẫn “gần giống hệt như nhau”. Bởi không hề có bất kỳ hệ thống điện nào. Cũng không hề có hệ thống điện nào để rung chuông... Vậy nên chỉ nhờ vào sức mình mà các thợ đúc chuông đẩy chuông lên Chuông được gắn chặt vào những sợi cáp. Dẫu sao cũng có một chút so sánh nho nhỏ: nếu như cách đây hơn ba trăm năm, đám thợ phải mất hơn một phần ba tháng (hơn 10 ngày) để định vị được chuông lớn Emmanuel (nặng 13 tấn), thì đám thợ ngày nay chỉ mất chừng hơn một phần tư giờ để đưa Marie (nặng 6 tấn) lên tháp của mình...
Việc đưa chuông lên tháp chỉ được làm vào buổi đêm, sau khi Nhà thờ đóng cửa, “để tránh ảnh hưởng tới những khách tham quan trong ngày”, Paul Bergamo, giám đốc lò luyện đồng Cornille Havard phân trần.
Làm thế nào để nâng chín chiếc chuông, mỗi chiếc nặng đến nhiều tấn, lên độ cao 54 mét? Để thực hiện thao tác cực kỳ tế nhị này, có hai ê kíp với những nhiệm vụ rất cụ thể: Ê kíp đầu tiên, gồm những thợ đúc chuông ở Cornille Havard, dịch chuyển chín chiếc chuông từ gian chính vào phần sâu trong cùng Nhà thờ, bên dưới hàng cửa sổ mắt bò của dãy tháp bắc và nam. Những ô cửa này rất nhỏ, được đóng bằng các cánh cửa sập, cho phép đưa chuông qua và lên tận tháp. Đến đó thì sẽ là nhiệm vụ của các thợ chuông đồng hồ Bodet.
Thật là một thứ công việc vừa nặng nhọc vừa đòi hỏi sự khéo léo tinh tế. “Mỗi tầng cửa sổ có một người thợ đứng đón, để theo dõi sự chuyển động”. Mọi thao tác đều cần sự nhẹ nhàng và tỉ mỉ, bởi vì “trung bình chỉ có một xăng ti mét khoảng cách từ chuông đến thành ô cửa sổ trên vòm nhà mà thôi”. Đôi lúc cần phải có một người thợ đứng vắt vẻo trên tháp để điều chỉnh đường đi của chuông, chỉ cần lệch vài milimet là hỏng việc.
Cả giàn chuông sẽ đồng loạt réo vang lần đầu tiên trên độ cao tháp chuông của chúng vào ngày 23 tháng ba năm 2013.
Vậy là giàn chuông mới đã vang lên trên các đinth tháp Nhà thờ Đức bà Paris lần đầu tiên vào ngay 23 tháng ba năm 2013, đêm trước của ngày lễ Tỉa Cành. Khách viếng thăm, sau ba tuần mãn nhãn với giàn chuông khổng lồ, giờ chúng đã lấy lại tính cách và dáng vẻ huyền bí trong lãnh địa của chúng. “Việc người ta không bao giờ nhìn thấy chúng đã gợi lên sự huyền bí của những chiếc chuông”, Paul Bergamo, giám đốc lò luyện đồng Cornille Havard tiết lộ với đầy vẻ đam mê. Rồi cuối cùng, ông vừa cười vừa nói: “Giờ thì công chúng sẽ chẳng còn may mắn được chiêm ngưỡng chúng nữa rồi, nếu có thì cũng phải đợi không dưới ba hoặc bốn trăm năm nữa.”
Vậy là từ bây giờ, khách sành tiếng chuông sẽ không còn phải phàn nàn nữa. Tiếng chuông Nhà thờ Đức bà Paris đều đặn ngân lên đón chào khách hành hương đến từ khắp nơi trên quả địa cầu.
Và theo như nhiều kiến trúc sư và những Người của Nhà thờ, thì Nhà thờ Đức bà Paris, hàng năm đón nhiều triệu khách du lịch viếng thăm, thì cũng đến lúc “trẻ hóa” một chút cho bà cụ 850 tuổi này. Ngoài những kỷ vật mà nhà thờ lưu giữ còn “có những vật có giá trị lịch sử lớn, ví như những đồ vật trong lễ đăng quang của Napoléon, những báu vật của Công giáo, trong đó có những thánh tích quý giá của Nỗi khổ hình của chúa Jésus, đặc biệt là vòng hoa gai trong sự kiện đóng đinh chúa Jésus vào chữ thập...”, Laurent Prade, người quản lý của Nhà thờ nói. “Ý thức được tầm quan trọng của di sản này là hết sức cần thiết và cần đem lại cho chúng một cái nhìn mới nhờ các ô kính mới và một lớp đèn chiếu sáng phù hợp hơn.”
Vậy là Nhà thờ được trang bị thêm một giàn đèn hiện đại, cả trong lẫn ngoài, để nâng cao giá trị những thành phần kiến trúc, nhưng được thao tác một cách hết sức kín đáo và tế nhị với nền công nghệ hiện đại. Giàn đèn chiếu sáng dưới hình thái tiến hóa, tức là chúng có thể được thay đổi tùy theo thời khắc trong ngày, cho những buổi lễ hay những buổi hòa nhạc. Mặc dù được cho là dự án quá nhiều tham vọng, nhưng hoàn toàn hợp lý và có thể thực hiện được. Nhà thờ Đức bà Paris thuộc di sản quốc gia, và “cha đỡ đầu” của chốn thâm nghiêm này là đích thân tổng thống Pháp. “Sáu triệu năm trăm ngàn Euro so với mười bốn triệu lượt khách thăm hàng năm, con số này không phải là quá đắt đỏ”, nhà quản lí Laurent Prade nói thêm.
Những con số khổng lồ đưa ra để “trẻ hóa” Nhà thờ thì ít người biết đến. Chỉ biết rằng trong suốt năm 2013, dân thành Paris và khách tham quan sẽ liên tục được mục sở thị những lễ hội và những buổi hòa nhạc diễn ra ngay tại đây và dù ngày nắng hay mưa, hè hay đông, khách lại nghe thấy tiếng chuông lanh lảnh vang xa phát ra từ Nhà thờ Đức bà Paris.
Paris 26 tháng chín 2013
H.C