LGT: Trong số các tên tuổi văn học đang được phục hồi triệt để ở Liên Xô, Mikhail Bulgakov (1891 - 1940) là một trong những nhà văn đang được quần chúng bạn đọc ái mộ nhất, có thể nói một tác giả "siêu thời thượng". Có người gọi Bulgakov là một "Gogol thế kỷ XX".
Đề cao như thế có thể hơi quá đáng nhưng đấy quả là một tài năng rất lớn và đa dạng: một nhà văn làm báo bậc thầy, một tiểu thuyết gia một nhà soạn kịch lỗi lạc. Ngòi bút Bulgakov kết hợp kỳ lạ chất châm biếm chua cay với chất trữ tình nồng thắm nghệ thuật tả chân hiện thực chính xác đến từng chi tiết nhỏ nhất với năng lực hư cấu hoang tưởng siêu việt, con mắt quan sát sự đời tinh tường không bỏ sót một chuyện "vặt vãnh" nào với bộ óc triết lý luôn luôn dày vò với những vấn đề vĩnh cửu của thế giới. Bước vào làng văn sau cách mạng, Bulgakov là một trong những người có ý thức bơi "ngược dòng": trong các sáng tác của mình, ông tập trung phản ánh những khía cạnh bi kịch của cách mạng và nội chiến, nói lên tất cả sự khó khăn phức tạp trường cửu của sự nghiệp xây dựng con người mới, đạo đức xã hội mới. Một lập trường sáng tác như thế trong bối cảnh những năm 1920 - 1930 tất nhiên không thể không bị hiểu lầm, dị nghị. Đến năm 1930, tất cả các tác phẩm của Bulgakov đều bị cấm, không một nhà hát nào dám dựng kịch, không một tạp chí nào dám in truyện của ông. Trong hoàn cành ấy, ông buộc phải viết một lá thư gửi Chính phủ Liên Xô. Bức thư này gần đây lần đầu tiên được tạp chí văn học Liên Xô "Thế giới mới" (N2-8-1987) công bố toàn văn. Nó cho ta thấy rõ hơn nhân cách, bản lĩnh cao cường của nhà văn lớn Bulgakov, ý thức trách nhiệm của ông với tài năng mình và với dân tộc mình.
Đương thời, bức thư của Bulgakov có một hậu quả không ngờ. Bản thân Xtalin đã gọi điện cho Bulgakov hỏi ông muốn ra nước ngoài hay ở lại trong nước, Bulgakov trả lời: "Thời gian gần đây, tôi suy nghĩ rất nhiều; một nhà văn Nga có thể sống ngoài Tổ quốc hay không. Và tôi thiết tưởng, không thể sống được". Xtalin đã đồng ý cho Bulgakov được vào làm trợ lý đạo diễn ở nhà hát nghệ thuật Mátxcơva, từ ngày đó đến chết, Bulgakov vẫn không được in dòng văn nào. dựng một vở kịch nào trên sân khấu. Mặc dù bị ngược đãi như vậy Bulgakov vẫn kiên trì sáng tác. Tác phẩm chính của đời ông, tiểu thuyết "Thợ cả và Margarita" được viết trong vòng 12 năm và sau khi Bulgakov mất phải chờ thêm 26 năm nữa mới được in, để rồi nhanh chóng được dư luận toàn thế giới công nhận là một tuyệt tác của văn học thế kỷ XX.
Dưới đây chúng tôi dịch đăng gần như toàn văn bức thư của Bulgakov gửi chính phủ Liên Xô, chỉ lược bỏ đi vài đoạn ngắn đề cập tới một vài nhân vật, sự kiện ở ta không ai biết đến.
KÍNH GỬI CHÍNH PHỦ LIÊN BANG CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA XÔ VIẾT
Tôi là Mikhail Aphanaxievich Bulgakov (hiện sống ở Moskva, phố Pirôgôvxkaia, nhà 35a, ph.6) xin gửi tới Chính phủ LBCHXHCNXV một bức thư như sau:
1
Sau khi tất cả các tác phẩm của tôi đã bị cấm nhiều người công dân quen biết tôi như một nhà văn có tên tuổi đều nhất trí lên tiếng khuyến dụ tôi:
Hãy viết một "vở kịch cộng sản chủ nghĩa" (tôi đóng ngoặc kép những từ trích dẫn) và ngoài ra, gửi tới Chính phủ LBCHXHCNXV một bức thư ăn năn hối lỗi, từ bỏ những quan điểm cũ của tôi đã được thổ lộ trong các tác phẩm văn học và hứa hẹn rằng từ nay trở đi tôi sẽ làm việc như một nhà văn đồng hành trung thành với tư tưởng cộng sản chủ nghĩa.
Mục đích: cứu thoát mình khỏi sự vùi dập, đói khổ cùng cực và rốt cuộc là cái chết không thể tránh khỏi.
Tôi đã không nghe lời khuyến dụ đó. Chắc gì tôi có thể hiện ra trước mắt Chính phủ LBCHXHCNXV dưới ánh sáng có lợi cho mình nếu viết một bức thư dối trá thể hiện ên một sự luồn cúi chính trị dơ dáy. Còn sáng tác một vở kịch "cộng sản chủ nghĩa" thì thậm chí tôi chẳng đặt bút viết, bởi vì biết trước một vở kịch như thế ở tôi dứt khoát sẽ không thành.
Nguyện vọng đã chín muồi từ lâu trong tôi muốn chấm dứt những nỗi khổ đau của người cầm bút buộc tôi phải viết gửi Chính phủ LBCHXHCNXV một bức thư trung thực.
2
Phân Ioại những bài báo được cắt dán vào anbom của tôi, tôi phát hiện trên báo chí Liên Xô trong vòng mười năm tôi làm nghề viết văn 301 nhận xét về tôi. Trong đó có 3 nhận xét khen, 298 - thù địch thóa mạ.
298 nhận xét ấy là tấm gương phản ánh cuộc đời viết văn của tôi.
Alêcxêi Turbin, nhân vật vở kịch "Những ngày của gia đình Turbin", bị người ta gọi trong một bài thơ đả kích là "đồ chó đẻ" còn tác giả vở kịch thì bị coi là "con chó già bệnh hoạn".
Người ta viết: "Bulgakov trước sau vẫn là một quái thai tư sản mới, phun nhổ nước bọt đầy chất độc nhưng vô tác dụng vào giai cấp công nhân và những lý tưởng cộng sản chủ nghĩa của nó" (Báo "Sự thật đoàn thanh niên..." 14-10-1926).
Xin vội báo trước rằng tôi trích dẫn hoàn toàn không phải để kêu ca các nhà phê bình hay để bằng cách nào đó tranh luận với họ. Mục tiêu của tôi nghiêm túc hơn nhiều.
Tôi chứng minh với tư liệu trong tay rằng toàn bộ báo chí Liên Xô, và cùng với báo chí, tất cả các cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm soát các tiết mục biểu diễn sân khấu trong suốt những năm tôi làm văn đồng thanh nhất trí và với một sự phẫn nộ phi thường khẳng định rằng các tác phẩm của Mikhail Bulgakov không thể tồn tại được ở Liên Xô.
3
Xuất phát điểm của bức thư này là tác phẩm công kích (pamflet) của tôi - "Hòn đảo đỏ rực".
Toàn thể giới phê bình ở Liên Xô, không trừ một ai, tiếp đón vở kịch ấy bằng một lời tuyên bố rằng nó "bất tài, bất lực, nghèo nàn thảm hại" và đó là một tác phẩm "nhục mạ cách mạng".
Sự nhất trí ấy là hoàn toàn, nhưng nó bị phá vỡ một cách bất ngờ và rất kỳ lạ.
Trong số 22 "Nội san tiết mục diễn" (1923) xuất hiện bài giới thiệu của P. Nôvitxki viết rằng ("Hòn đảo đỏ rực" là một tác phẩm nhạc thú vị và sắc sảo), ở đấy "hiện lên chiếc bóng hung dữ của một viên đại pháp quan bóp nghẹt sáng tạo nghệ thuật, cổ vũ những khuôn mẫu kịch bản xu nịnh đến lố bịch, đến mức nô lệ, tẩy xóa cá tính của diễn viên và nhà văn", rằng "Hòn đảo đỏ rực" viết về "một thế lực hung bạo, đen tối, đang nhào nặn nên những kẻ nô bộc, luồn lụy và tâng bốc". Bài báo nói rằng "nếu thế lực đen tối ấy tồn tại thực thì sự phẫn uất và châm biếm ác khẩu của nhà viết kịch được giới tư sản ca ngợi là có lý".
Cho phép được hỏi: vậy chân lý ở đâu?.
"Thế thì "Hòn đảo đỏ rực" là cái gì - "một vở kịch nghèo nàn thảm hại, bất tài" hay là "tác phẩm công kích sắc sảo"?
Chân lý ở bài viết của Nôvitxki. Tôi không dám đánh giá vở kịch tôi sắc sảo tới mức độ nào, nhưng trong vở kịch quả xuất hiện một cái bóng hung ác và đó là cái bóng của Ủy ban kiểm duyệt tiết mục biểu diễn. Chính ủy ban ấy đào tạo nên những tên nô bộc, những kẻ tâng bốc và những tên thừa hành nơm nớp sợ cấp trên. Chính nó giết chết mọi tư tưởng sáng tạo. Nó đang giết và sẽ giết chết nền kịch nói Xô Viết.
Tôi không nói xì xào trong xó nhà những ý nghĩ ấy. Tôi đã lồng chúng vào một vở kịch công kích và đã dựng vở kịch ấy trên sân khấu. Báo chí Xô Viết bênh vực cho ủy ban kiểm duyệt tiết mục biểu diễn viết rằng "Hòn đảo đỏ rực" là một vở kịch nhục mạ cách mạng. Đó là tiếng nói trẻ con không nghiêm túc. Trong vở kịch không có sự nhục mạ cách mạng vì nhiều lẽ, do thiếu chỗ, tôi chỉ nêu lên một lẽ thôi: không thể viết một áng văn nhục mạ cách mạng được vì cách mạng quá vĩ đại. Một tác phẩm công kích không phải là tác phẩm nhục mạ, và ủy ban xét duyệt tiết mục biểu diễn không phải là cách mạng.
Nhưng khi báo chí Đức viết rằng "Hòn đảo đỏ rực" là "Iời kêu gọi tự do báo chí đầu tiên ở Liên Xô" thì họ viết sự thật. Tôi thú nhận điều đó. Đấu tranh với kiểm duyệt, dù nó là thế nào và tồn tại dưới chính thể nào - đó là nghĩa vụ nhà văn của tôi cũng như những sự kêu gọi tự do ngôn luận và tôi thiết tưởng nếu có ai trong giới nhà văn định chứng minh rằng anh ta không cần cái tự do ấy thì anh ta sẽ giống như một con cá, quả quyết tuyên bố trước công chúng rằng nó không cần đến nước.
4
Đây là một trong những đặc điểm sáng tạo của tôi và chỉ cần một mình nó cũng đủ để các trước tác của tôi không tồn tại được ở Liên Xô. Nhưng đặc điểm thứ nhất này gắn bó với những đặc điểm khác được thể hiện rõ nét trong các sáng tác châm biếm của tôi, cái màu đen huyền bí (tôi là nhà văn huyền bí) dùng để mô tả vô vàn những điều xấu xa trong đời sống của chúng ta, cái vị cay độc thấm sâu vào ngôn ngữ tôi, thái độ hoài nghi sâu sắc đối với tiến trình cách mạng đang diễn ra trên đất nước lạc hậu của tôi và của lòng ái mộ ngược lại đối với sự Tiệm Tiến Vĩ Đại, và chủ yếu nhất là sự phanh phui những nét đáng sợ của dân tộc tôi - những nét từ lâu trước cách mạng đã gây những đau khổ vô cùng sâu sắc cho người thầy của tôi là M.E. Xaltưcôv - Sêđrin.
Chẳng cần nói làm gì rằng báo chí Liên Xô không hề ghi nhận nghiêm chỉnh những điều nói trên mà chỉ bận tâm đưa những tin rất ít sức thuyết phục rằng văn chương trào phúng của M.Bulgakov là "sự vu khống".
Chỉ có một lần, khi tôi bắt đầu nổi danh, người ta có nhận định với một ý ngạc nhiên đầy ngạo mạn:
"M. Bulgakov đang muốn trở thành một nhà trào phúng của thời đại chúng ta" ("Người đưa sách", No6- 1925).
Than ôi, động từ "muốn" được dùng ở thời hiện tại ở đây một cách phí uổng. Phải chuyển nó về thời quá khứ hoàn thành bởi vì M.Bulgakov đã trở thành nhà trào phúng đúng vào lúc mà không một thứ văn chương trào phúng thực thụ nào (dám xâm nhập vào những địa hạt cấm) lại có thể tồn tại được ở Liên Xô.
Không phải tôi có vinh dự nói lên ý nghĩ tội phạm ấy trên báo chí. Nó đã được thể hiện hoàn toàn rõ ràng trong bài viết của V.Blum (Báo "Văn học" N°6), và nội dung bài báo ấy được thu gọn một cách sáng ngời và chuẩn xác trong một công thức:
Bất cứ một kẻ trào phúng nào ở Liên Xô đều mưu hại chế độ Xô Viết.
Vậy tôi có thể tồn tại ở LBCHXHCNXV hay không?
5
Và cuối cùng, đặc điểm sau chót của tôi trong các vở kịch đã bị kết án tử hình- "Những ngày của gia đình Turbin", "Chạy trốn" và trong tiểu thuyết "Đội cận vệ trắng" là sự ngoan cố miêu tả trí thức Nga như một tầng lớp ưu tú nhất ở đất nước chúng ta. Cụ thể, miêu tả một gia đình trí thức quý tộc bị số phận nghiệt ngã đẩy sang phe bạch vệ trong những năm nội chiến, theo truyền thống "chiến tranh và hòa bình". Sự miêu tả như thế rất tự nhiên đối với một nhà văn gắn bó máu thịt với giới trí thức như tôi.
Nhưng những sự phản ánh như thế tất yếu dẫn đến tình trạng là tác giả của chúng ở LBCHXHCNXV cũng như các nhân vật - bất chấp những cố gắng rất lớn của tôi không thiên vị đứng lên trên cả phe "hồng" lẫn phe "bạch" - được cấp một chứng chỉ "kẻ thù bạch vệ", và với một chứng chỉ như thế, ai cũng hiểu cũng phải coi mình là con người bé đi ở Liên Xô.
6
Chân dung văn học của tôi đã hoàn tất và đó cũng là bức chân dung chính trị. Tôi không thể biết có thể tìm thấy ở nó một tội ác sâu sắc tới mức độ nào nhưng chỉ đề nghị một điều: đừng tìm cái gì ngoài cái chân dung đó. Nó được khắc họa hoàn toàn chân thực.
7
Hiện giờ tôi đã bị triệt hạ.
Sự triệt hạ ấy được dư luận xã hội Xô Viết hoan nghênh rất đỗi vui mừng và được coi là "một thành tích".
... Không những các tác phẩm cũ của tôi, mà cả những sáng tác hiện nay và mai sau cũng bị giết chết. Và bản thân tôi bằng chính bàn tay mình đã vứt vào bếp lửa bản nháp cuối tiểu thuyết về quỷ thần, bản nháp một hài kịch và phần mở đầu của cuốn tiểu thuyết thứ hai về giới sân khấu.
Tất cả sáng tác của tôi đều vô vọng.
8
Tôi đề nghị Chính phủ Liên Xô lưu tâm rằng tôi không phải là nhà hoạt động chính trị mà là người viết văn và tất cả sản phẩm của tôi, tôi đều dành cho sân khấu Xô Viết.
Tôi đề nghị lưu ý tới hai ý kiến về tôi trên báo chí Liên Xô.
Cả hai ý kiến đều của những đối thủ không khoan nhượng với tôi và do đó rất có giá trị.
Năm 1925 người ta viết:
"Đã xuất hiện một nhà văn thậm chí không thèm khoác áo kẻ đồng hành" (L.Averbech, "Tin tức", 20-9-1925)
Và năm 1929:
"Tài năng của hắn cũng hiển nhiên như tính phản động xã hội của sáng tác hắn" (R. Pikel, "Tin tức",15-9-1929).
Tôi xin lưu ý rằng sự không được viết đối với tôi chẳng khác gì bị chôn sống.
11
…
Nếu cả những gì tôi vừa viết không có sức thuyết phục và người ta kết án tôi suối đời phải im hơi lặng tiếng ở Liên Xô thì tôi đề nghị Chính phủ Xô Viết tìm cho tôi công ăn việc làm theo chuyên môn và phái cử tôi về một nhà hát làm việc với tư cách một đạo diễn trong biên chế.
Tôi cố tình nhấn mạnh lời thỉnh cầu được ra lệnh phái cử bởi vì mọi cố gắng của tôi tìm việc làm trong cái lĩnh vực duy nhất mà tôi có thể mang lại ích lợi cho Liên Xô như một chuyên gia cực kỳ lành nghề đều bị thất bại hoàn toàn. Tên tuổi tôi bị dị nghị đến mức mọi đề nghị hợp tác từ phía tôi đều làm cho người ta hoảng sợ mặc dù ở Mátxcơva rất nhiều diễn viên và đạo diễn, và cùng với họ, cả những vị giám đốc nhà hát, biết rất rõ sự am hiểu sân khấu tinh vi của tôi.
Tôi đề nghị LBCHXHCNXV tiếp nhận ở tôi một chuyên gia, một tác giả và đạo diễn hoàn toàn chính trực, không hề có âm mưu phá hoại nào; người ấy cam đoan dựng một cách tử tế bất cứ một vở kịch nào từ kịch Sêcxpia tới những vở kịch ngày hôm nay.
Tôi đề nghị được bổ nhiệm làm đạo diễn thực tập ở Nhà hát nghệ thuật số 1 - một trường học ưu tú nhất do các bậc thầy K.X. Xtanixlevxki và V.I. Nêmêrôvich - Đantrêncô đứng đầu.
Nếu người ta không cho tôi làm đạo diễn, tôi xin được làm diễn viên phụ trong biên thế. Nếu làm diễn viên phụ cũng không được tôi xin nhận phận sự một lao công trên sân khấu.
Nếu cả cái đó cũng không thể được, tôi đề nghị Chính phủ Liên Xô hãy xử trí tôi như Chính phủ thấy cần thiết, nhưng phải xử trí bằng cách nào đó bởi vì trong giờ phút này, tôi - một nhà soạn kịch đã viết được 5 vở kịch, có tên tuổi ở Liên Xô và nước ngoài đang ở trong cảnh đói khổ cùng cực và sẽ phải đi nơi đầu đường xó chợ ăn xin và chết.
Moskva, 28 tháng 3 năm 1930
PHẠM VĨNH CƯ dịch và giới thiệu
(SH29/02-88)