VIỄN PHƯƠNG
Vào ngày 06/03/1927, tại Aracataca, một thị trấn bên bờ biển Caribê, thuộc miền Bắc Colombia, Gabriel García Márquez ra đời. Và 55 năm sau đó, tên của ông được xướng lên tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển dành cho giải Nobel Văn học năm 1982.
Người ta không thể thống kê hết những lời xiển dương dành cho nhà văn vĩ đại này, nhưng có một điều ai cũng biết là sự ra đi của ông vào ngày 17 tháng 4 vừa qua không phải là sự kết thúc của một cuộc hành trình, mà chính sự dừng lại của ông đã mở những con đường mới cho văn chương nhân loại tiếp tục dò sâu vào cõi cô đơn để ngợi ca nỗi buồn.
Khó có thể tìm thấy một cuốn tiểu thuyết nào để đối sánh với Trăm năm cô đơn của Márquez cả về văn phong, bút pháp và tư tưởng. Cuốn tiểu thuyết vĩ đại này là sự xuyên thấu, đan cài một cách lịch duyệt giữa hiện thực và siêu thực, nối kết một cách tinh tế nhất huyền thoại và đời sống. Với Trăm năm cô đơn, Márquez đã chứng minh rằng khả năng nới rộng biên giới và hình tượng để mở ra một hiện thực khác trong văn chương là bất tận. Márquez được xem là một trong số những nhà văn đã khai sinh Chủ nghĩa hiện thực thần kỳ trong văn học. Với khuynh hướng sáng tạo này, Márquez đã phá bỏ được tính chất nệ thực để hướng tới các cấp độ sáng tạo thực sự về văn phong, cấu trúc, hình tượng và quan trọng hơn là cách nhìn, cách lý giải về thế giới. Người đọc bắt gặp trong Trăm năm cô đơn một thế giới chấp chới giữa hiện thực và mơ mộng, giữa tỉnh và thức, giữa u mê của vô thức và sự thông tuệ của lý tính. Tính huyền thoại huyễn ma xen lẫn với không gian sinh hoạt đời thường đã tạo ra một thế giới đầy ám ảnh, một thế giới mang tính khiêu khích trí tưởng tượng. Trong Trăm năm cô đơn, thần thoại, huyền thoại của thổ dân da đỏ đứng trước sự xâm lấn của văn minh hiện đại đã tạo ra một tình thế xung đột để từ đó Márquez diễn tả cái cảm thức cô đơn ngự trị tới bảy thế hệ của dòng họ Buendia. Và ngay chính bản thân tác phẩm này cũng đã trở thành một huyền thoại trong văn chương của nhân loại. Huyền thoại ngợi ca tình yêu, ngợi ca sự cô đơn thẳm sâu của loài người. Tình yêu ở đây là tình yêu của những kẻ dị thường, những kẻ nghịch dị, quái dị và kể cả những kẻ phi thường. “Hỡi những con bò cái hãy dạng háng ra kẻo cuộc đời ngắn ngủi lắm.” Câu nói này của Aureliano Segundo chính là sự ngợi ca triết lý tình yêu của những kẻ nghịch dị, phàm tục.
Là người luôn song hành giữa vai trò vừa là một nhà văn vừa là một nhà báo, García Márquez đã gần như cống hiến trọn cả đời mình cho nghệ thuật và cuộc sống. Nếu như trong văn học, người ta thấy ở ông một nhà văn có trí tưởng tượng phong phú, có những tư tưởng lớn lao được triển khai dưới một bút pháp vững vàng thì trong báo chí, ông là một nhà báo luôn có ý thức dấn thân. Ông từng làm cho báo Momentos cùng Plinio Apuleyo Mendoza. Ông thường viết về các chế độ chuyên chế ở Mỹ Latinh. Theo wikipedia.org thì năm 1960, ngay sau khi Cách mạng Cuba thành công, García Márquez tới quốc gia này làm phóng viên cho hãng thông tấn Pren- sa Latina và làm bạn với Fidel Castro. Năm1961, ông tới New York với tư cách phóng viên thường trú của hãng Prensa Latina của Cuba. Sau đó ông quyết định tới cư trú ở Mexico và bắt đầu với điện ảnh bằng việc viết kịch bản phim.
Bên cạnh Trăm năm cô đơn thì Tình yêu thời thổ tả cũng được xem là một trong mười cuốn sách hay nhất trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Tác phẩm được xuất bản năm 1985, tác giả viết ngay sau khi ông đoạt giải Nobel Văn học năm 1982 và được tạp chí New York Times đánh giá là một trong những thiên tình sử đẹp nhất mọi thời đại, là “tuyên ngôn cho sự bất diệt của trái tim”. “Có thể nói, Tình yêu thời thổ tả là một bản cáo trạng đanh thép đối với một xã hội hủ lậu dựa trên sự đánh giá con người không bằng phẩm giá người mà bằng số của cải anh ta có được. Nó đã bóp chết bao mối tình trong sáng và tươi đẹp. Muốn có tình yêu và hạnh phúc tình yêu, con người nhất thiết phải được giải phóng khỏi xã hội đó. Nhưng tác giả đã không dừng lại ở chỉ một thông điệp này, ông còn đi xa hơn nữa khi nói rằng: Tình yêu thời thổ tả là sự suy nghĩ về tình yêu của con người ở mọi lứa tuổi. Con người không chỉ yêu nhau khi đang độ thanh xuân, khi đang ở tuổi tráng niên mà còn yêu nhau khi đã tóc bạc răng long và chính ở tuổi này, họ yêu nhau chân thực hơn và vì thế cũng da diết hơn, si mê hơn. Với Tình yêu thời thổ tả, tình yêu đích thực là chiếc chìa khóa vàng giúp con người mở cửa tâm hồn mình, để hòa vào nhau, đến với nhau trong cuộc đấu tranh chống lại nỗi cô đơn muôn thuở” (Trích Lời giới thiệu cuốn sách của Nxb. Văn học năm 1995).
Bên cạnh đó những kiệt tác như Ngài đại tá chờ thư; Giờ xấu; Tướng quân giữa mê hồn trận; Mùa thu của ngài trưởng lão,… được xem là những tác phẩm chứng tỏ một nội lực sáng tạo mạnh mẽ, một kiến văn sâu rộng bậc nhất và những biến đổi thi pháp không ngừng của nhà văn lừng lẫy này. Đi sâu vào sự cô đơn của con người, kêu gọi lương tri thức tỉnh, dự báo cho những chướng ngại nhận thức và tiên báo về sự hủy diệt của thế giới là điều thường thấy trong văn chương của Márquez. Sự lặp lại trong cách đi sâu vào nỗi cô đơn không phải là một sự bế tắc trong sáng tác của ông mà điều đó cho thấy tầm nhìn của một nhà văn vĩ đại khi nghệ thuật của ông luôn khởi đi từ bị kịch của con người, của thân phận. Cuộc đời của Márquez hầu như được ông lột tả trong thế giới văn chương của mình. Đó là cuộc đời của một nhà văn mang nặng ưu tư, luôn mắc kẹt giữa hai mặt đối lập là huyền thoại của tiền nhân và sự lớn mạnh, xâm lấn của văn mình hiện đại, giữa cái cũ và cái mới.
Sự ra đi của nhà văn vĩ đại này là một sự tổn thất to lớn của văn chương nhân loại. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, Tổng thống Mỹ - Barack Obama cho rằng thế giới đã mất đi “một trong những nhà văn có tầm nhìn lớn nhất”. Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos viết rằng: “Một ngàn năm cô đơn và nỗi buồn trước cái chết của một người con Colombia vĩ đại nhất của mọi thời đại. Xin gửi lời chia buồn tới vợ và gia đình ông... Con người vĩ đại ấy không bao giờ chết.” Tổng thống Mexico Enrique Nieto cũng không ngần ngại khi cho rằng Márquez là “một trong những nhà văn vĩ đại nhất của thời đại chúng ta”.
Chúng ta hi vọng gì về sự lớn mạnh của văn chương hiện thực huyền ảo ở Việt Nam sau khi cây đại thụ của khuynh hướng sáng tác này rời xa thế gian? Có thể thấy rằng trong những nhà văn được trao giải Nobel Văn học của thế kỷ XX, Gabriel García Márquez là tác giả được chuyển sang Việt ngữ vào loại nhiều nhất, số lượng độc giả hâm mộ ông ở Việt Nam cũng không ít. Đó chính là một trong những yếu tố để văn học đương đại Việt Nam có thể nối dài, khai mở bút pháp và tư tưởng của văn học hiện thực huyền ảo. Tất nhiên việc nắm bắt nguyên tắc sáng tác của văn học hiện thực huyền ảo không phải là trò chơi mà bất cứ nhà văn nào cũng có thể tìm tới để thử nghiệm. Việc biến hiện thực thành hoang đường nhưng vẫn luôn gắn bó chặt chẽ với hiện thực, kết hợp những yếu tố hoang đường, huyễn ma với không gian sinh hoạt thường ngày mà không gây nên những hạt sạn trong sự cấy ghép là một trong những thách đố đối với lối viết vốn quen thuộc với sự mô phỏng của nhà văn Việt Nam.
Và tất nhiên khi ngòi bút của García Márquez dừng lại cũng là lúc chúng ta nghĩ về việc cần phải ý thức được sức mạnh thực sự của văn chương hiện thực huyền ảo để từ đó mở ra những chân trời mới. Bởi chúng ta không thiếu cô đơn, không thiếu huyền thoại và những điều nghịch dị, phi lý trong chính cuộc sống của chúng ta.
V.P
(SH303/05-14)