Biêlôruxia - Nước cộng hòa Xô-viết phía Tây với dân số 10 triệu người. Đất nước của hàng trăm nghìn con sông, hồ lớn nhỏ, nông sâu. NHÊ MAN là một trong những dòng sông lớn nhất của nước Cộng hòa Biêlôruxia. Con sông đã có bao nhiêu huyền thoại và nhiều bài hát về nó. Xuất phát từ Biêlôruxia "NHÊ MAN" trải dài theo lãnh thổ của nước cộng hòa rồi chảy ra biển Ban Tích.
Cũng trên dòng sông hiền hòa và thơ mộng ấy đã sinh ra và lớn lên nhà thơ thiên tài của dân tộc Biêlôruxia Iakuba - Kôlaxa - Người đã sáng lập và đặt nền móng cho nền văn học nghệ thuật của Biêlôruxia (Bạch Nga).
"NHÊ MAN" - Dòng sông xanh chảy dài và ôm ấp lấy mảnh đất quê hương xuyên qua những đồng cỏ bát ngát và những cánh rừng bạch dương ngút ngàn.
"NHÊ MAN" - Dòng sông sâu thẳm chứa đựng bao nhiêu điều huyền bí, NHÊ MAN vẫn là bài ca muôn thuở và là niềm tự hào bất tận của mỗi người dân Biêlôruxia. Con sông đó đã làm nên vẻ đẹp duyên dáng, dịu hiền cho mỗi người dân Bạch Nga. Và chính những người yêu quê, mến quê đã sinh ra và lớn lên bên dòng sông ấy cũng đều tự hào về nó và ai cũng muốn làm đẹp để tô điểm thêm cho con sông quê hương của mình. Và ngày nay cùng với sự tiến bộ của xã hội, NHÊ MAN đã thay đổi nhiều theo đúng nghĩa của nó. Chính vì thế năm 1952 khi đưa ra vấn đề đặt tên gọi cho tạp chí văn học nghệ thuật thì tất cả mọi người đều nhất trí tán thành và đặt tên cho nó với tên gọi hết sức trìu mến NHÊ MAN.
Ý định thành lập tạp chí rất đơn giản: Để truyền bá những tác phẩm văn học, nghệ thuật, thơ ca của các nhà văn, nhà thơ Biêlôruxia và đồng thời những tác phẩm nổi tiếng của các nhà văn, nhà thơ Xô-viết đã và đang sống, làm việc trên đất Biêlôruxia. Tư tưởng chủ đạo đó đã quán xuyến trong suốt cả quá trình tồn tại của tạp chí.
Thử làm quen với một vài con số: Từ số đầu tiên của tạp chí ra đời - Tất cả có 3 nghìn bản, đến nay tạp chí đã có 115 - 120 nghìn bản. Số lượng xuất bản hơn 100 nghìn đã mang tính chất cố định trong gần suốt hai thập kỷ nay.
Do những thay đổi về công tác xuất bản, giá thành rẻ hơn nên khối lượng in của tạp chí đã nâng lên đến 160 nghìn bản. Hiện nay có hơn 80 nghìn người trong nước và nước ngoài đặt mua tạp chí.
NHÊ MAN - Tạp chí văn học nghệ thuật - Chính trị xã hội, cơ quan của hội nhà văn Biêlôruxia, xuất bản ở thành phố Minxcơ, thủ đô của Nước cộng hòa Xô-viết Biêlôruxia. Ngoài những tác phẩm chuyên về văn xuôi, truyện ngắn, thơ và thi ca, tạp chí còn in nhiều bài đề cập tới vấn đề về kinh tế của thành phố, nông trang, nông trường, về khoa học kỹ thuật, văn hóa và cả về lịch sử của Biêlôruxia.
Tạp chí NHÊ MAN xuất bản bằng tiếng Nga nên bạn đọc trong và ngoài nước có thể làm quen được với những nhà văn, nhà thơ cổ điển của dân tộc như Ia Kupala, Ia Kôlắk, N.Bôkđanôvích, M.Gôrexki, N.Melez, với những lớp đàn anh gồm những nhà văn, nhà thơ hiện đại nổi tiếng như: Vaxin Bưkốp, Ia Brưn, N.aniukin, Kkrapiva, M.Tank, N.Panchencô và cả những người thuộc thế hệ nhà văn, nhà thơ trẻ và vừa như: M. Xireuxốp, B. Kôdrô, B. Karamadốp, A. Zík, B, Gigevích, A. Riazanốp, B. Nhekliaép...
Khi nói về tình hữu nghị giữa các dân tộc, của văn hóa, khoa học, văn học nghệ thuật hoặc nói riêng về những con người lỗi lạc nào đó, trước hết chúng ta hãy nghĩ về những biểu hiện cụ thể bằng những việc làm cụ thể. Các hình thức biểu hiện ấy trong quan hệ rất đa dạng và phong phú theo tôi nghĩ cái chính vẫn là nội dung vì nó bao gồm tất cả những lợi ích cơ bản và thiết thực về đời sống của nhân dân về truyền thống và lịch sử của nó.
Và cuối cùng, chính sự trao đổi lẫn nhau để in những tác phẩm về văn học, nghệ thuật, thi ca hoặc có thể tài khác trên các trang sách của Tạp chí xuất bản thường kỳ sẽ giúp cho chúng ta hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau hơn. Và đó cũng là một trong những hình thức lâu đời nhất, hay nhất và có hiệu quả nhất để giúp cho chúng ta tồn tại và hiểu biết quí mến nhau hơn.
NHÊ MAN - Tạp chí của các nhà văn Biêlôruxia hoàn toàn sẵn sàng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với Tạp chí Sông Hương.
TP.Min-xcơ ngày 6-1-1988
Thay mặt Ban biên tập tạp chí NHÊ MAN
Tổng biên tập ANATÔLI KUĐRAVEC
(Người dịch: Dương Xuân Sơn)
(SH30/04-88)
-----------------------
(*) Bài viết cho tạp chí Sông Hương