WILLIAM GRIMES
Một ngôn ngữ khác” - tác phẩm mới của Francesca Marciano, kể về một thiếu nữ Ý tên Emma si tình tiếng Anh. Sự cuốn hút của thứ tiếng ấy đến từ người bản địa là một cậu bé Anh Quốc hấp dẫn tại khu nghỉ mát ở bãi biển Hy Lạp mà Emma đang sống cùng gia đình. Thế nhưng thật khó tách bạch sự ràng buộc với ham muốn. Phải chăng cậu chính là chiếc vé mở lối cho chị đến với tiếng Anh, hay ngược lại?
Emma lén lút theo dõi đám người Anh Quốc nhỏ bé ấy, dỏng tai nghe ngóng. Chị chăm chú lắng nghe những đĩa nhạc của Joni Mitchell. Chẳng bao lâu, tình yêu ngôn ngữ của chị được đền đáp trọn vẹn: Chị thấy mình có thể nói và hiểu được tiếng Anh. Bị dịch chuyển, chị bước vào một cuộc sống khác.
“Chị không biết mình đã chối bỏ những gì”, người kể chuyện trong tác phẩm của Marciano nhận xét, “nhưng một ngôn ngữ khác chính là chiếc thuyền mà chị dùng để trốn chạy.”
Thời gian gần đây, chiếc thuyền ngôn ngữ đó đã cưu mang rất nhiều nhà văn. Hầu hết họ sáng tác bằng tiếng Anh, bên cạnh có vài người khác sử dụng tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản hoặc thậm chí Hà Lan, làm giàu và mở rộng thêm nền văn học của nền văn hóa mà họ đang cư trú. Một số đã bỏ lại ngôn ngữ mẹ đẻ của mình sau khi chạy trốn do tình trạng bất ổn chính trị. Những người khác đã dịch chuyển và hòa nhập vào các nền văn hóa mới với tinh thần phiêu lưu, được khuyến khích bởi các phong trào tự do và lý tưởng trong một phần tư thế kỷ đã qua. Isabelle de Courtivron viết trong “Sống trong Dịch thuật: Nhà văn Song ngữ cùng Cá tính và Sáng tạo”: Một cộng đồng văn chương mới đã được hình thành và thúc đẩy, bằng sự “nhập cư, công nghệ, chủ nghĩa hậu thực dân và toàn cầu hóa”, các thế lực hùng mạnh đã “xóa bỏ ranh giới và đẩy mạnh chuyển động đa văn hóa”.
Yiyun Li, tác giả cuốn tiểu thuyết tiếng Anh thứ ba: “Ấm áp hơn Sự cô độc” được nhà xuất bản Random House cho ra mắt vào tháng Hai. Ellen Litman, một người di cư từ Nga có cuốn tiểu thuyết: “Mannequin Girl”, in vào tháng Ba, cho biết: “Tôi không chắc tôi gọi bản thân mình là gì. Đến nay tôi đã sống ở Mỹ nhiều hơn ở Nga, và càng ở đây lâu hơn, tôi càng cách xa hơn với ý niệm về mẫu quốc.”
Marciano, lớn lên ở Rome, đã học tiếng Anh như nhân vật nữ chính của mình là Emma. Hồi còn là thanh niên, chị sống ở New York, và 10 năm lưu trú ở Kenya, chị đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình, “Những quy luật của Hoang dã” bằng tiếng Anh sau một khởi đầu thất bại với tiếng Ý. Hiện tại, tuy sống ở Rome, nhưng tiếng Anh đã trở thành vỏ bọc thứ hai của chị.
“Bạn khám phá không chỉ ngôn từ, mà còn có phát hiện mới về chính mình khi bạn học một ngôn ngữ” - Marciano nói. “Vì tình yêu với tiếng Anh mà hôm nay tôi đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Tôi không thể quay đầu trở lại. Tôi đã bị mắc kẹt”.
Hai làn sóng di cư từ Nga, đợt đầu tiên là cuối những năm 1970, đợt thứ hai sau khi Liên Xô sụp đổ, đã mang lại một vụ mùa bội thu tác phẩm của các nhà văn người Nga viết tiếng Anh. Một số người, như Gary Shteyngart, và Boris Fishman, với tác phẩm đầu tay “Một cuộc đời thay thế” được Harper xuất bản vào tháng Sáu, đã đến Hoa Kỳ khi còn nhỏ và học tiếng Anh theo cách mưa dầm thấm lâu. Những người khác, như Litman, Lara Vapnyar, Kseniya Melnik, Olga Grushin và Anya Ulinich, rời Liên Xô ở tuổi thiếu niên hoặc đầu tuổi 20, đủ trễ để phải học ngôn ngữ mới với ý thức nỗ lực cao.
Còn nhà văn Bosnia Aleksandar Hemon được coi là một phù thủy đầy phong cách, được coi là nhận ảnh hưởng nhiều từ Nabokov. Karen Rya, chủ nhiệm khoa của Trường Cao đẳng Nghệ thuật và Khoa học tại Đại học Stetson ở Florida, người đã có nhiều bài viết về văn chương lưu vong Nga cho biết: “Tất cả bọn họ đều viết rất thạo, nhưng ý thức về ngôn ngữ của họ là khác nhau. Ở họ tồn tại sự nhạy cảm của vui đùa và sáng tạo, điều đó tồn tại ở hầu hết các nhà văn xuyên quốc gia”.
Nhà văn Bosnia Aleksandar Hemon, bị mắc kẹt ở Chicago khi chiến tranh nhấn chìm thành phố quê hương Sarajevo của ông, đã tiếp cận với tiếng Anh ở tuổi 27. Vào thời điểm đó, ông kể trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi đã nói chuyện như một du khách bập bẹ”. Hôm nay, ông Hemon, tác giả của “Câu hỏi của Bruno” và “Dự án Lazarus” được coi là một phù thủy đầy phong cách ảnh hưởng bởi Nabokov, tự sáng tạo ra tiếng Anh cho chính mình qua các câu văn như “đám mây và chấm mây” với hậu tố -ette mô tả phiên bản nhỏ hơn của tiền tố, hoặc triển khai tính từ đầy kinh ngạc.
Trong Thế vận hội đa ngữ, Trung Quốc cũng đã ra sân với tư thế là một đội rất mạnh. Ha Jin, người di cư từ Trung Quốc sau sự cố Thiên An Môn vào năm 1989, đã giành giải thưởng sách quốc gia 10 năm sau đó với tác phẩm “Chờ đợi”, cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình bằng tiếng Anh. Xiaolu Guo, người chuyển đến London vào năm 2002, sử dụng chính chất liệu xoay sở trong việc học tiếng Anh của mình làm tư liệu cho cuốn “Một từ điển Trung - Anh súc tích cho những người đang yêu”, cuốn sách được nêu trong danh sách đề cử rút gọn cho giải thưởng Orange năm 2007.
Có lẽ nổi tiếng nhất đối với người Mỹ là Yiyun Li, người có cuốn tiểu thuyết thứ ba bằng tiếng Anh tựa đề “Tốt hơn cả Cô đơn” được Random House cho ra mắt vào tháng Hai. Li đã đến Hoa Kỳ với vốn tiếng Anh ít ỏi để nghiên cứu Miễn dịch học tại Đại học Iowa. “Có người nói với tôi” thành phố Iowa rất đặc biệt, nơi đấy tất cả mọi người đều đang viết một cuốn tiểu thuyết” chị nói. “Tôi quyết định, O.K., tôi sẽ cố gắng”.
Nadeem Aslam, tác giả của “Khu vườn của Người đàn ông mù lòa”, ghi danh vào một lớp học luyện viết công cộng, sau đó giành được học bổng cho chương trình tốt nghiệp khoa viết của trường Đại học chị theo học. The Paris Review đã chấp nhận truyện ngắn đầu tiên của chị. Ngay sau đó, tờ The New Yorker chịu in tác phẩm thứ hai, rồi Random House cũng ký kết hợp đồng cho hai cuốn sách với chị.
Như nhiều đồng nghiệp sáng tác song ngữ giống mình, Li nêu ưu điểm của việc sáng tác bằng tiếng nước ngoài, rằng: “Nếu bạn là một người bản xứ, mọi thứ như được lập trình sẵn”, chị nói - “Đối với tôi, mỗi khi tôi nói hay viết một cái gì đó, tôi phải quay trở lại và hỏi, “Đây có phải là những gì tôi muốn nói không?”
Một số nhà văn song ngữ cảm thấy mình được giải phóng khỏi ngôn ngữ mẹ đẻ. “Tôi nghĩ mặc dù tôi có ít công cụ hơn khi sử dụng tiếng Ý để viết, nhưng giọng văn của tôi là tự do hơn”, Marciano nói.
Suy nghĩ ấy được cũng được Nancy Huston chia sẻ. Nhà văn này là người Canada định cư lâu dài tại Paris vào đầu những năm 1970 và sáng tác bằng tiếng Pháp. “Tôi nhớ cảm giác phấn khích khi viết lách đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều”, chị nói trong một cuộc phỏng vấn. “Tôi không có những kỷ niệm, những ước mơ và tất cả đống hành lý phải mang theo.” Sau khi cho ra mắt vài tác phẩm đầu tay vào giữa thập niên 80, Huston kết duyên lại với tiếng Anh và đã xuất bản song ngữ từ những năm 1990.
Với Nadeem Aslam - tác giả của “Khu vườn của Người đàn ông mù lòa”, người vật lộn với tiếng Anh khi gia đình ông di cư sang Anh từ Pakistan vì lý do chính trị lúc còn là một thiếu niên, thứ ngôn ngữ mới được thu nhận của ông được xem là một lời chúc phúc lẫn lộn. “Tiếng Anh đối với tôi là một thứ ngôn ngữ của hận thù” - ông nói, “nhưng đồng thời lại là một thứ ngôn ngữ của tình yêu”.
Sức mạnh to lớn của tiếng Anh, được bảo đảm bởi tiềm lực kinh tế lớn mạnh của Mỹ và ảnh hưởng còn lại của Đế chế Anh trước đây, làm cho nó trở thành ngôn ngữ văn chương mặc định. Nhưng không phải mọi dòng sông đều chảy một hướng. Ngoại lệ là rất nhiều. Andrei Makine, một người Nga đến tị nạn chính trị tại Pháp vào năm 1987, đã làm kinh ngạc người Pháp với tác phẩm “Le Testament Français” giành giải Goncourt Prix và hai giải thưởng văn học khác trong năm 1995. Yoko Tawada, một di dân người Nhật sống ở Berlin và viết bằng tiếng Đức, cũng đạt được sự thành công tương tự cho những tác phẩm kỳ lạ, mang màu sắc mơ mộng kiểu như tác phẩm “Nơi châu Âu khởi nguồn”.
“Tất cả sự thú vị của văn chương được sinh ra trong thời điểm khi mà bạn băn khoăn liệu mình có đang gắn bó với một nền văn hóa hay không”, chị nói với tờ The Herald Tawada, Glasgow vào năm 2008 - “Vì vậy, tôi không nghĩ rằng tôi là một ngoại lệ: tôi chỉ đang ở trong một hoàn cảnh đặc biệt, một hoàn cảnh rất văn chương, và nên thơ nữa.”
Trà Kha dịch
(Nguồn: The NewYork Times, 25/4/2014)
(SDB13/06-14)