Sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho những khu di tích văn hóa ở Iraq và Syria.
Địa điểm bị san bằng mới nhất chính là lăng mộ của Jonah, người được cả Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo tôn kính gọi là nhà tiên tri. Đền thờ Nabi Younes (Younes là tên gọi tiên tri Jonah của người Hồi giáo), nơi đặt lăng mộ cũng bị phá hủy trong vụ nổ khiến các tín đồ trên thế giới căm phẫn.
Nhà tiên tri và con cá voi
Sách về Jonah đã kể lại sứ mệnh truyền giáo đầy sóng gió của nhà tiên tri, khi Chúa trời yêu cầu ông đến Nineveh để truyền đạo. Tuy nhiên, Jonah giong thuyền theo hướng khác và gặp bão, cuối cùng bị cá voi nuốt vào bụng. Ông ở trong bụng cá vài ngày trước khi thoát khỏi và đến Nineveh như đã định. Đền thờ Younes được cho là nơi chôn cất nhà tiên tri nổi tiếng, mặc dù cho đến nay các học giả về Kinh thánh vẫn tiếp tục tranh luận liệu ngôi mộ ở Mosul có thực sự thuộc về nhà tiên tri này hay không. Theo truyền thống của người Do Thái, ông đã trở lại quê nhà Gath-Hepher sau khi hoàn thành sứ mệnh tại Nineveh. Và thậm chí có một số học giả hiện đại còn cho rằng câu chuyện về Jonah chỉ là truyền thuyết chứ không phải là câu chuyện có thực được lịch sử ghi nhận. Dù vậy, câu chuyện về Jonah luôn được đề cập trong đạo Thiên Chúa và có dấu ấn đặc biệt trong lòng tín đồ, theo bài viết của hai học giả Joel S.Baden thuộc Trường Thần học Yale (Mỹ) và Candida Moss thuộc Đại học Notre Dame (Mỹ) trên CNN. “Trong Kinh thánh, câu chuyện về Jonah là một phần quan trọng. Hành động chui vào bụng cá voi và sau đó hoàn thành vẻ vang sứ mệnh tại Nineveh được xem là sự ám chỉ đến cái chết và sự hồi sinh của Chúa Jesus”, theo các học giả.
Đền thờ được xây trên nền di tích cổ từ thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên và đã được phục hồi trong thập niên 1990 dưới thời nhà lãnh đạo Saddam Hussein. Trước khi được cải tạo thành đền thờ, nó là một tu viện trong nhiều thế kỷ. Theo AP dẫn lời Tổng giám mục Emil Nona của Giáo hội Công giáo Chaldea tại Mosul, Nabi Younes là đền thờ nổi tiếng nhất của thành phố, thu hút người hành hương từ khắp nơi trên thế giới. “Bọn chúng đã biến ngôi đền thành cát bụi, cùng với những ngôi mộ và đền thờ khác”, theo trang The Huffington Post dẫn lời một nha sĩ ở Mosul là ông Omar Ibrahim. “Tuy nhiên, nơi của nhà tiên tri Younes không giống như những chỗ khác. Đó là biểu tượng của Mosul. Chúng tôi khóc cùng với máu lệ”, ông Ibrahim thổ lộ.
Tàn phá hàng loạt
Lực lượng Hồi giáo cực đoan thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo, tiền thân là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) đã kiểm soát Mosul từ ngày 10.6. Đến ngày 10.7, trang Iraqi News dẫn lời quan chức địa phương là Zuhair al-Chalabi cho hay đã nắm được chứng cứ cho thấy các tay súng ISIL đã đào mộ phần của nhà tiên tri. Và đến ngày 24.7, phe nổi dậy đặt chất nổ xung quanh đền thờ và đánh sập nó trong tích tắc, đồng thời ghi hình lại toàn bộ quá trình đánh sập và đưa lên mạng.
|
Nhà nước Hồi giáo và các tổ chức theo đuổi tư tưởng Sunni cực đoan đều cho rằng sự tôn sùng mộ phần hoặc đền thờ là hành động báng bổ. Nhiều người còn lên án sự tồn tại của bất kỳ nhà tiên tri nào ngoài Mohammad. Tổ chức đang kiểm soát một phần Iraq và Syria đã công bố sắc lệnh phá hủy các ngôi mộ và đền thờ. Tính đến nay, chỉ tính riêng tại Mosul, họ đã đánh sập ít nhất 20 đền thờ cũng như những nơi thờ phượng của người Hồi giáo Shiite. Trong số những địa điểm tôn giáo bị tàn phá tại Mosul vào tuần trước có cả đền thờ của nhà tiên tri Seth (người Hồi giáo gọi là Sheeth), nhà tiên tri Georges (Jerjis) từ thế kỷ thứ 14 và đền thờ Mashad Yahya Abul Kassem. Cùng với sự lớn mạnh của Nhà nước Hồi giáo, các di tích tôn giáo và văn hóa tại Iraq lẫn Syria đối mặt với nguy cơ biến mất hoàn toàn sau bao thế kỷ tồn tại.
Di tích văn hóa và xung đột Hành động phá hoại các di tích tôn giáo nhân danh một tôn giáo khác trong thế kỷ 21 khởi đầu bằng vụ Taliban ở Afghanistan đã phá hủy tượng Phật cao nhất thế giới tại Bamiyan, với chiều cao 53 m vào năm 2001. Vào năm 2010, những kẻ cực đoan đã đánh bom di tích Hazrat Data Ganj Bakhsh từ thế kỷ 11 tại Lahore, Pakistan. Đến tháng 3.2012, theo sau sự sụp đổ của chính quyền Muammar Gaddafi, các tay súng đã ủi sập hàng loạt ngôi mộ tại đền thờ Abdel Salam al-Asmar từ thế kỷ 15 tại thành phố Zlitan. Đến tháng 8, đền thờ lịch sử Shaab tại trung tâm thủ đô Tripoli bị phá hủy giữa ban ngày. Những di tích văn hóa tại Tunisia, Mali, Ai Cập cũng không thoát khỏi số phận bị hủy diệt khi xung đột nổ ra, theo The Washington Post. H.G |
Nguồn: Thụy Miên - TNO