Nhìn ra thế giới
Đến cố đô Krakow dự đại hội dịch giả văn học Ba Lan toàn thế giới
10:31 | 24/03/2009
LÊ BÁ THỰ           Bút kýNhận lời mời của Bộ Văn hoá và Viện sách Ba Lan, tôi đi dự Đại hội Dịch giả Văn học Ba Lan toàn thế giới lần thứ nhất. Sau khi đến Vacsava,  sáng 11 tháng 5 tôi đáp xe lửa xuống Krakow , thành phố cách thủ đô Vacsava trên 300 cây số. Ngồi bên cửa sổ con tàu, tôi ngắm cảnh mùa xuân hai bên đường: những rừng thông tươi tốt, những cánh đồng lúa mì xanh xanh trải dài tít tận chân trời.
Đến cố đô Krakow dự đại hội dịch giả văn học Ba Lan toàn thế giới

Diện tích của Ba Lan gần giống như diện tích nước ta, chỉ khác là đến 90% đồng bằng,  có một ít núi đồi nhưng ở  phía nam. Chữ Ba Lan - Polska vốn từ chữ cánh đồng (pole) mà ra. Ngắm cảnh hai bên đường, tôi chợt nhớ tới cố nhạc sĩ Trần Hoàn. Một ngày tháng mười năm 1996 tôi đi cùng ông, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Văn hoá và Thông tin, xuống thăm cố đô Krakow. Cũng trên chuyến tàu đầy xúc cảm như thế này ông đã hưng phấn sáng tác ca khúc “Ba Lan mùa thu” mà nay tôi vẫn còn giữ bản thảo.  Bài ca có đoạn: “Anh đến Ba Lan vào mùa thu. Nắng sớm chưa xua nổi mây mù, lá vàng rừng vắng, nai chẳng có, mà vọng trong anh lời “Tiếng thu”. Văng vẳng bên tai nhạc trắng đêm, dạ khúc của Chopin. Đường về Krakow, dòng Wisla tưởng dòng Hương...”.

Tôi đến Krakow sau hơn ba giờ tàu chạy. Từ nhà ga về khách sạn tôi đi qua những đường phố rợp bóng cây, lá xanh mơn mởn, màu xanh đặc trưng của tháng năm ở Ba Lan và châu Âu. Khác với thủ đô Vacsava náo nhiệt, Krakow thanh bình với những  phố cổ, những lâu đài cổ và những ngôi nhà cổ, mang dấu ấn cố đô. Bởi cách đây trên 400 năm Krakow là thủ đô của Vương quốc Ba Lan suốt 750 năm. Cung vua sừng sững trên đồi Wawel là biểu tượng của vương quyền và nền văn hiến Ba Lan trong nhiều thế kỉ. Nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Anh đã đến quê em Krakow / Như quê anh lộng lẫy những cung đền/Hồng quân cứu Wawel xinh đẹp/Như Thạch Sanh đánh ó cứu nàng tiên”. Ngồi trên xe, ngắm cảnh phố phường, tôi càng thêm mến mộ thành phố này, thành phố mà mỗi lần đến thăm đều khiến tôi liên tưởng tới cố đô Huế ở quê nhà.

Sáng ngày 12 tháng 5 năm 2005, Đại hội Dịch giả văn học Ba Lan toàn thế giới lần thứ I chính thức khai mạc tại Hội trường lớn Trường Đại học tổng hợp Jagielonski, đúng vào hôm kỷ niệm lần thứ 641 Ngày thành lập trường đại học vào loại lâu đời bậc nhất châu Âu này. 174 dịch giả đến từ 50 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt , tham dự đại hội. Trong diễn văn khai mạc tiến sĩ Andrzej Nowakowski, Giám đốc Viện sách Ba Lan nhấn mạnh: “Theo quan niệm của chúng tôi, dịch giả là một trong những đại sứ quan trọng nhất của văn hoá dân tộc ở nước ngoài. Vai trò của họ lắm khi vượt xa công việc dịch thuật. Chính họ là những người đã thuyết phục các nhà xuất bản nước ngoài in sách Ba Lan, đưa các tác giả Ba Lan đến thị trường các nước, phổ biến văn học Ba Lan trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là một sự đóng góp không thể đánh giá hết được”.

Sau lời phát biểu chào mừng của ngài Waldemar Dabrowski, Bộ trưởng Văn hoá Ba Lan, nhà văn R. Kapuscinki đã đọc tham luận về công việc và vai trò của dịch giả. Ông nói: “Với nghĩa rộng hơn, theo Karlowicz - “dịch” là “giải thích”, là “giảng giải”, thậm chí là “làm cho hiểu vấn đề”. Và đó chính là vai trò đầy trách nhiệm của dịch giả trong thế giới mới đa văn hoá của chúng ta. Chuyển ngữ  văn bản là chúng ta tạo ra cho Người khác một thế giới mới, chúng ta giải thích thế giới này... Như vậy nhờ công sức của dịch giả, chân trời tư duy của chúng ta đang rộng mở, sự hiểu biết và tri thức của chúng ta ngày càng sâu hơn, sự nhạy bén của chúng ta ngày càng tốt hơn. Giờ đây, trong thế kỷ XXI, điều đó lại càng quan trọng, bởi lẽ hành tinh của chúng ta đang không ngừng phát triển mạnh mẽ, đang có sự khác biệt và đổi thay, cần không ngừng giải thích và giảng giải, việc dịch văn học - tức công việc của các bạn hiện diện ở đây, đang góp phần thực hiện điều này. Đó là tầm cao hơn và ý nghĩa mới của lao động của dịch giả hiện đại. Nhờ có công sức của họ mà các tác giả có thể tiếp cận khắp mọi nơi, còn các độc giả trở thành các nhà khám phá các dân tộc, các vùng đất mà ngày hôm qua họ còn chưa biết đến...”


(Nhà hát Slowacki)

Tối ngày 13 tháng 5 tại nhà hát Slowacki cổ kính và lộng lẫy (xây dựng từ năm 1893), với sự hiện diện của Chủ tịch Thượng viện, Bộ trưởng Văn hoá Ba Lan và nữ nhà thơ W. Szymborska và nhiều quan khách đã diễn ra Lễ trao giải thưởng Transatlantyk (Con tàu vượt Đại Tây Dương) cho dịch giả văn học Ba Lan xuất sắc nhất với số tiền 10 ngàn euro và hình tượng con tàu vượt Đại Tây Dương. Trong lời phát biểu của mình, ông A. Nowakowski, Giám đốc Viện sách Ba Lan nói rõ mục đích và  ý nghĩa của việc lập giải thưởng này. Đây là giải thưởng hàng năm dành cho công dân nước ngoài có đóng góp xuất sắc nhất trong việc giới thiệu văn học Ba Lan trên thế giới. Transatlantyk tượng trưng cho tự do, không biên giới, đạp bằng mọi trở ngại và các dịch giả văn học là những hành khách đi trên con tàu này. Dịch giả người Đức, ông Henryk Bereska, người đã dịch trên 80 đầu sách văn học Ba Lan bước lên sân khấu nhận giải thưởng trong tiếng vỗ tay như sấm nổ của trên ngàn khách dự lễ. Sau lễ trao giải thưởng là cuộc chiêu đãi trọng thể, tổ chức ngay tại đại sảnh của nhà hát. Cũng trong buổi lễ nói trên tôi đã có dịp trò chuyện với nữ nhà thơ được giải Nobel văn chương năm 1996, bà W. Szymborska. Tôi tặng bà số báo Văn nghệ, số phụ san Thơ và số tạp chí Sông Hương có đăng những bài thơ của bà do tôi dịch. Bà xúc động cảm ơn và chụp ảnh kỉ niệm với tôi. Cũng xin nói thêm, một nhà thơ khác của Ba Lan được giải Nobel năm 1980, nhà thơ Czeslaw Milosz,  vừa mới qua đời cách đây không lâu, cũng là công dân của thành phố  Krakow cổ kính này. Chưa hết, nhà văn, kịch tác gia đa tài, cây bút truyện ngắn và cực ngắn siêu việt, tác giả quen biết với bạn đọc Sông Hương nói riêng và bạn đọc Việt Nam nói chung, ông  Slawomir Mrozek, hiện đang sinh sống tại nơi đây.

Trong thời gian Đại hội tôi có dịp tiếp xúc và trao đổi với nhiều dịch giả các nước. Tôi gặp các bạn văn Trung Quốc, có tới bốn người, trong đó có một cặp vợ chồng. Họ đều là giáo sư làm việc tại Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc. Anh Zhang Zhenhai khoe với tôi, anh đã dịch Quo vadis, Hiệp sĩ thập tự của H. Sienkiewicz và thơ W. Szymborska. Tôi nói với anh, tôi đã dịch Pharaon của B. Prus, truyện ngắn của H. Sienkiewicz và S. Mrozek, thơ Tadeusz Rozewicz, Czeslaw Milosz vv... Các bạn Trung Quốc kể về tình hình dịch thuật ở nước mình, trung bình mỗi cuốn sách dịch in khoảng năm ngàn bản, thơ thì ít hơn và cũng khó bán hơn. Tiến sĩ, dịch giả Petre Nakovski, cựu đại sứ Macedonia ở Ba Lan, người đã dịch trên ba mươi đầu sách văn học Ba Lan, hỏi tôi: Anh có biết ông đại sứ Việt Nam biết tiếng Ba Lan, tôi quen ông ấy hồi tôi công tác ở Ba Lan. Tôi đoán, chắc là ông ấy muốn hỏi về cựu đại sứ, nhà văn Tạ Minh Châu. Tôi đáp: Chẳng những tôi biết mà còn rất thân quen ông ấy. Ông nhờ tôi chuyển lời hỏi thăm tới anh Châu. Anh Lennart Ilke, người Thụỵ Điển, lúc ngồi trên xe ô tô mách cho tôi mấy cuốn tiểu thuyết anh đã dịch, được bạn đọc Thụy Điển mến mộ. Chị Katarina Biedrzycka, một dịch giả Ba Lan nói với tôi: Chị đã đến Thái Lan, còn Việt Nam thì hai vợ chồng chị đã đặt chỗ, mua vé, tháng mười một này sẽ đến tham quan, thăm Hà Nội, vịnh Hạ Long và Huế. Tôi đưa danh thiếp của tôi cho chị và hẹn khi nào tới Hà Nội nhớ gọi điện cho tôi.


(Một góc Trung tâm Thương mại ASG)

Sau khi tham dự Đại hội dịch giả văn học Ba Lan, tôi nán lại Vacsava  hai tuần. Cuộc sống của bà con người Việt ở đây  có nhiều cái mới so với cách đây bốn năm. Trung tâm thương mại Việt Nam ASG do ts. Trịnh Xuân Hải làm Chủ tịch và Tổng giám đốc ra đời, hàng loạt bà con ta có nơi bán hàng mới, văn minh và tiện nghi. Hỏi một số bạn bè, tôi được biết, phải đến 70% bà con trước đây buôn bán ngoài chợ trời ở Sân vận nay đã chuyển vào làm ăn ở các trung tâm thương mại Tàu, Thổ và Việt. Đã qua rồi cái thời họ phải đứng suốt ngày ngoài trời băng giá, lạnh tới âm 20 hoặc 25 độ, đi giầy lông, xỏ mấy đôi tất liền, áo ấm dày cộm mà vẫn tê buốt tới tận tim gan. Tất nhiên việc làm ăn buôn bán của họ vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà yếu tố may rủi là vô cùng quan trọng. Hè nào trời nóng thì năm đó được mùa buôn bán, còn hè nào trời lạnh, mưa nhiều, hàng ứ đọng, không bán được thì lỗ vốn là cái chắc, có khi sập tiệm. Có nhiều người làm ăn khấm khá, nhưng cũng có ối người long đong, vất vả. Cuộc sống tinh thần của bà con được cải thiện rõ rệt. Bây giờ bà con có thể xem tivi Việt 24/24 giờ. Đến nhà nào tôi cũng thấy bà con xem chương trình Việt . Nhà văn hoá Thăng Long là một địa điểm sinh hoạt văn hoá của người Việt với hội trường khoảng ba trăm chỗ ngồi, có nơi chơi bóng bàn, bi-a, trên ba mươi máy vi tính thường xuyên hoạt động, thư viện, phòng kiểm toán vv... Anh Bùi Anh Thái, giám đốc Nhà văn hoá Thăng Long hướng dẫn tôi đi thăm các khu vực. Tôi ngạc nhiên khi thấy ngôi Chùa Một Cột gần bằng kích thước thật toạ lạc trong khuôn viên nhà văn hoá. Tôi bước vào Chùa thắp nén nhang cúng Phật. Có thể nói, lần đầu tiên ở nước ngoài có một ngôi Chùa Một Cột mang sắc thái văn hoá Việt . Theo anh Thái, đây chính là Ngôi nhà đại đoàn kết dân tộc. Đến đây bà con có điều kiện làm các việc hướng thiện, hướng đức và hướng về cội nguồn. Anh Thái còn giới thiệu với tôi những kế hoạch đầy tham vọng, như xây dựng nhà hát múa rối nước, phòng khám và chữa bệnh, trung tâm phục hồi chức năng, các lớp dạy tiếng Việt cho con em người Việt, khu vực bán các món ăn Việt Nam truyền thống, môi giới tìm mồ mả...

Thật là may mắn cho tôi khi Hội chợ sách lần thứ 50, Hội chợ sách hàng năm lớn nhất Ba Lan được tổ chức đúng vào dịp tôi đang có mặt tại Vacsava, tại Cung Văn hoá và Khoa học ở trung tâm thủ đô với sự tham gia của hàng trăm nhà xuất bản trong và ngoài nước. Đúng là ngày hội lớn của bạn đọc, của các nhà xuất bản và tác giả. Gian trưng bày nào cũng đông khách, hầu như ai cũng cố tìm mua cho mình những cuốn sách ưng ý nhất. Khách xếp hàng xin chữ ký của
tác giả dài dằng dặc, nhìn mà thấy thèm cho các nhà văn nước mình. Tôi cũng xếp hàng xin chữ kí của nữ nhà văn Katarzyna Grochola, một trong những nhà văn rất ăn khách hiện nay ở Ba Lan. Nữ nhà văn xinh đẹp có cái đầu bù xù kiểu nghệ sĩ này vui vẻ viết vào trang đầu cuốn tiểu thuyết “Nhân cách thiêu thân” vừa xuất bản năm 2005 của mình dòng chữ: “Tặng bạn Thự vô cùng yêu quý” và ký tên ở dưới. Khi biết tôi là người Việt chị nói: “Bố tôi đã từng ở Việt ”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Thế à, bố chị ở hồi nào?” Chị đáp: “Cách đây mấy chục năm rồi, hồi đó bố tôi làm việc trong Uỷ ban Quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến”. Tôi nói: “Có dịp mời chị sang thăm Việt , nơi bố chị đã từng làm việc”. Chị cười vui vẻ và cám ơn.

Loáng một cái đã gần hết một tháng, còn rất nhiều bạn bè muốn mời đến chơi, đi pic-nic, nhưng thời gian không còn, nên đành chịu. Một số bạn  khuyên tôi nên ở lại chơi, nghỉ ngơi một thời gian nữa, bồi bổ sức khoẻ, mấy khi mới có dịp sang đây, khí trời mát mẻ, ở nhà đang hạn nặng, về nhà, bị cắt điện, nóng chết. Tôi bảo: Dẫu thị thực bạn cấp 15 tháng bẩy mới hết hạn, nhưng mình phải về theo kế hoạch, ở nhà còn nhiều việc phải làm, cám ơn thịnh tình của các bạn, hẹn lần sau. 

Sáng ngày 2 tháng 6 tôi về đến Hà Nội.
Đúng lúc trời đang mưa. Máy bay hạ cánh an toàn. Đài truyền hình đưa tin: có mưa trên diện rộng ở lưu vực sông Đà. Hồ Hoà Bình đang thoát hạn. Tôi mừng.

L.B.T
(198/08-05)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ấn tượng Seoul (11/03/2009)
Trà Trung Hoa (18/02/2009)