Nhìn ra thế giới
Khi nghệ sĩ làm khoa học
14:56 | 11/09/2014

Nghệ sĩ piano chuyên nghiệp tài năng Igor Lovchinsky, người hiện đang theo học Tiến sĩ chuyên ngành vật lý học tại Đại học Harvard, trò chuyện với mục Sự nghiệp trên tạp chí Science, cho biết anh đã “bị” nghiện khoa học như thế nào và những trải nghiệm âm nhạc giúp ích gì cho anh khi làm khoa học.

Khi nghệ sĩ làm khoa học
Igor Lovchinsky
Cái gì đến với anh trước, piano hay môn vật lý?

Xuất phát điểm của tôi là một nghệ sĩ piano; thực ra, phải đến khi hơn 20 tuổi tôi mới bắt đầu thích vật lý kia! Tôi lớn lên vào giai đoạn bùng nổ âm nhạc, ra ngõ là gặp nhạc sĩ, nên ngày đó thậm chí tôi còn chưa từng nghĩ đến chuyện mình sẽ làm việc gì khác cả. Tôi dành cả ngày để tập luyện cho các buổi biểu diễn, rồi các cuộc thi,… Nhưng cách đây mấy năm, tôi lại quan tâm tới khoa học nên tự mua sách về đọc. Thế rồi tôi đâm nghiện cái sở thích này lúc nào không hay. Cứ chuyện này dẫn đến chuyện kia, và giờ thì tôi đang là sinh viên ở Harvard, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Mikhail Lukin.

Hiện anh đang nghiên cứu gì?

Tôi nghiên cứu cách ứng dụng các nguyên tắc của vật lý lượng tử để giải quyết các vấn đề trong sinh học. Cụ thể hơn thì tôi đang tìm cách sử dụng độ hụt cấu trúc trong kim cương (vốn hoạt động rất giống nguyên tử nhân tạo) làm cảm biến từ, sau đó dùng chúng làm các máy chụp hình ảnh bằng cộng hưởng từ để nghiên cứu cấu trúc và hoạt động của các phân tử sinh học như protein chẳng hạn.

Trường nghệ thuật Juilliard là một trường thuộc hàng top – điều đó thì không ai chối cãi được – nhưng họ lại không nổi danh về môn vật lý học. Làm thế nào mà một học viên tốt nghiệp trường Juilliard lại vào được Khoa Vật lý của trường Harvard vậy?

Đúng là Juilliard không nổi tiếng về khoa học; thực ra môn học gần với vật lý nhất mà tôi từng theo học ở đó là môn lịch sử nghệ thuật! Về môn vật lý, tôi kết hợp vừa tự học vừa tham gia các khóa học trong chương trình Sinh viên Đặc biệt của trường Harvard. Đây là chương trình cho phép sinh viên theo học mà không lấy bằng. Tôi cũng từng làm việc trong một nhóm nghiên cứu về vật lý học thiên thể và đã tham gia tất cả các buổi kiểm tra theo yêu cầu.

Anh có nghĩ rằng việc chuyển hướng vào ngành vật lý học là một bước ngoặt trong sự nghiệp của mình không?

Đó không hẳn là một sự thay đổi nghề nghiệp, bởi vật lý học chỉ là sự nghiệp thứ hai của tôi mà thôi. Tôi chưa từng có ý định từ bỏ cây đàn piano và tôi hy vọng mình sẽ được chơi mãi (cho đến khi không còn người muốn nghe nữa thì thôi!). Để có một sự nghiệp âm nhạc thành công, ta phải cống hiến trọn vẹn thời gian, công sức của mình cho nó, mà với tôi thì điều đó hiện nay là không thể vì tôi dành phần lớn thời gian ở phòng thí nghiệm. Nhưng tôi đã rèn cho mình cách tập luyện hiệu quả hơn, tôi cũng bắt đầu có cách tiếp cận giải quyết vấn đề từ góc độ khoa học khi ở trong phòng tập. Chẳng hạn, tôi luôn ghi âm buổi tập của mình. Có sự khác biệt rất lớn giữa khi nghe thụ động trong lúc chơi nhạc với khi chủ động nghe qua băng ghi âm. Việc tự ghi âm giúp tôi có cách đánh giá khách quan và khắt khe hơn, đồng thời giúp tôi chú ý được tới những chi tiết mà có thể tôi đã bỏ qua trong lúc tập.

Nhiều độc giả của mục Sự nghiệp trên tạp chí Science cũng đang xoay sở để chuyển hướng sự nghiệp từ nghiên cứu sang các lĩnh vực khác. Anh có kinh nghiệm gì để chia sẻ với họ không?

Quá trình chuyển đổi chắc chắn không hề dễ dàng. Hiển nhiên chúng ta sẽ gặp khó khăn vì chúng ta bắt tay vào học hỏi ở một lĩnh vực mới mà lại phải tìm cách đuổi kịp những người đã theo sự nghiệp này cả đời rồi. Song áp lực xã hội mới là thách thức lớn nhất. Mọi người nghĩ ý tưởng của tôi là dở hơi, rằng họa là tôi bị điên mới bỏ một sự nghiệp âm nhạc đầy hứa hẹn để bắt đầu với hai bàn tay trắng trong lĩnh vực khoa học. Nhưng tôi bỏ ngoài tai hết, tôi đã quyết tâm làm dù ai nói gì đi chăng nữa. Tôi biết có rất nhiều người từng chuyển đổi nghề nghiệp vì nhiều nguyên do khác nhau – vì áp lực tài chính, áp lực từ gia đình,… - và tôi nghĩ rằng những trường hợp đó còn khó khăn hơn trường hợp của tôi rất nhiều. Có một kinh nghiệm tôi thấy hữu ích là bạn hãy đặt ra những kỳ vọng thực tế, đồng thời hãy đinh ninh rằng mọi chuyện sẽ không dễ dàng, và rằng bạn sẽ thất bại vô số lần trên quãng đường đó. Một điều quan trọng nữa là hãy tìm kiếm những người bạn trong lĩnh vực mới – hãy chọn những người tích cực ủng hộ bạn và không ngại chia sẻ thẳng thắn mọi chuyện với bạn.

Anh vừa nói rằng “cách tiếp cận khoa học” đã giúp anh tập nhạc hiệu quả hơn. Vậy ở góc độ ngược lại, trải nghiệm âm nhạc có giúp ích gì cho anh khi làm khoa học không?

Quá trình đào tạo nghiêm túc trong âm nhạc đã dạy tôi những kỹ năng mà có lẽ tôi sẽ không học được ở đâu khác. Chẳng hạn, các nhạc sĩ chuyên nghiệp đều thường xuyên phải tập những bản nhạc mới, hay đột xuất bị yêu cầu chuẩn bị biểu diễn, hay phải tập luyện tới hơn 10 tiếng mỗi ngày. Không phải bất kỳ ai cũng tự nhiên có được khả năng tập trung trong một khoảng thời gian dài như thế, bởi thi thoảng họ còn phải vào cập nhật Facebook hay YouTube. Nhưng tôi đã quen làm điều đó trong nhiều năm, và nó giúp tôi loại bỏ những yếu tố phân tâm để tập trung cho công việc. Ngoài đạo đức nghề nghiệp, việc học cách chơi nghiêm túc một nhạc cụ cũng giúp củng cố trí nhớ, sự phối hợp giữa các bộ phận trên cơ thể, và luyện tư duy trừu tượng – đây đều là những kỹ năng hữu dụng cho bạn ở bất kỳ tình huống nào.

Vậy còn các bài kiểm tra, bài thuyết trình thì sao?

Thuyết trình trước đông người cũng là một dạng biểu diễn đấy chứ, và cách thuyết trình cũng quan trọng không kém gì nội dung thuyết trình cả. Việc tham gia biểu diễn trên sân khấu là một phương pháp tuyệt vời để rèn luyện cho tôi cách làm việc dưới áp lực. Nhưng bên cạnh đó cũng có những khác biệt. Chẳng hạn, nếu trong khi đang biểu diễn trên sân khấu mà bạn quên mất một đoạn nhạc, bạn hoàn toàn có thể nhìn vào bản nhạc rồi tha hồ ứng tấu nhịp nhàng cho qua đoạn đó trong khi hầu hết các thính giả không hay biết gì. Nhưng điều đó lại không áp dụng được khi bạn phải thuyết trình về đề tài vật lý.

Anh còn gì muốn chia sẻ với độc giả nữa không?

Tham gia vào hai nghề nghiệp khác nhau đều đem lại những trải nghiệm hết sức thú vị. Mọi người thường hỏi tôi về mối liên hệ giữa khoa học và nghệ thuật, họ cũng nói rằng nghệ thuật có tính khoa học và khoa học có tính nghệ thuật. Nhưng thực ra, sở dĩ tôi thích làm cả hai công việc này là vì chúng quá khác nhau. Tôi cũng không dám cam đoan rằng giữa chúng có mối liên hệ gốc rễ nào cả, ngoại trừ những mối tương đồng mà tôi vừa nói. Có lẽ mối liên hệ duy nhất ở đây là khoa học và nghệ thuật đều đòi hỏi đồng thời cả sự sáng tạo và tư duy logic – tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi thì tư duy logic là thứ hiếm gặp hơn cả. Rất nhiều người có năng khiếu sáng tạo nhưng không phải ai sinh ra cũng sẵn có tư duy logic trong đầu.

Nguồn: Bùi Thu Trang (dịch theo Science
) - Tia Sáng
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng