Auguste Rodin, nhà điêu khắc vĩ đại đã tạc nên “Người suy tưởng” và “Nụ hôn”, từng yêu say đắm rồi rũ bỏ người học trò và cũng là nàng thơ quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông, Camille Claudel.
Mối tình cháy bỏng của hai vĩ nhân Pháp để lại cho nhân loại nhiều kiệt tác điêu khắc này được tái hiện trong cuốn sách tiểu sử Camille và Paul – Niềm đam mê mang tên Claudel, vừa ra mắt bản dịch tiếng Việt. Mối tình kinh điển cũng là nguồn cảm hứng cho điện ảnh.
“Camille Claudel thuộc về Rodin giống như Berthe Morisot thuộc về Manet” – nhà văn Pháp Octave Mirbeau từng nói. Mối tình giữa danh họa Edouard Manet (đã có vợ) và nàng thơ kiêm họa sĩ Berthe Morisot rất nổi tiếng, khi cô đã lấy em trai ông để cả hai được ở gần nhau. Vậy còn chuyện giữa Camille và Rodin?
Họ yêu nhau say đắm. Một mối duyên tình trời sinh được niềm đam mê điêu khắc dẫn lối, bắt đầu từ năm 1884. Camille là học trò của Rodin, một học trò cực kỳ tài năng, kém ông 24 tuổi và nhiều tầng danh tiếng. Nhưng cô tìm thấy ở Rodin “một người vừa là cha, vừa là bạn, vừa là người tình, và tồi tệ hơn cả, cũng là một người anh trai – có thể là loạn luân”. Còn Rodin đã giúp Camille phát hiện ra “một nghệ nhân, một người đàn bà” trong con người mình.
Nhưng giữa hai con người đắm chìm trong tình yêu đó là một cuộc ganh đua thực sự về thẩm mỹ điêu khắc và nghệ thuật yêu đương. Họ là đôi tình nhân “không được luật pháp công nhận, nhà thờ lại càng không”, và “bị dư luận tư sản lên án”, vì Camille là tình nhân. Khi họ đến với nhau, Rodin đã có con, sống với một người đàn bà khác suốt 20 năm, con ông gần bằng tuổi Camille.
Đó là một tình yêu làm nên những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại. Sự say đắm này được Rodin bất tử hóa trong những bức tượng “Camille tóc ngắn”, “Gương mặt của Camille Claudel”, “Camille đội mũ”, kể cả “Rạng đông” hay “Thần Apollon” cũng mang gương mặt của Camille…
Hình hài đẹp đẽ, bí hiểm và khó tiếp cận của người tình trẻ được nhà điêu khắc lưu giữ mãi mãi trên những phiến đá. Thậm chí, sau này, người ta còn cho rằng trong bức tượng nam giới “Người suy tưởng” nổi tiếng của Rodin phảng phất bóng dáng người đàn bà bí ẩn này.
Nhưng Rodin là một người đàn ông “yêu tất cả phụ nữ bằng một tình yêu cháy bỏng, nhưng hay thay đổi, một kẻ chuyên đi quyến rũ”. Với Camille, ông đã làm một việc kỳ lạ: viết cam kết “độc chiếm và chung thủy” vào ngày 12/10/1886.
Nhưng đó là lời hứa hão. Camille không bao giờ là vợ Rodin. Có tình yêu của ông nhưng không bao giờ thực sự có ông, cô rời khỏi cuộc đời ông. Sau năm 1895, cô cắt đứt mọi liên lạc với Rodin. Nỗi đau quá lớn này đã được nữ nghệ sĩ tài năng dồn vào các tác phẩm điêu khắc, trong đó gây sửng sốt nhất là bức tượng “Người đàn bà cầu xin”, tạc một phụ nữ khỏa thân tuyệt vọng vươn cánh tay cầu xin tình yêu.
Bức tượng sau này được người em trai của Camille ca ngợi là “thể hiện tài năng, tâm hồn, lý trí và cả cái tên của chị tôi”. Các tác phẩm của Camille thực sự xuất chúng nhưng tài năng của cô không được công nhận xứng đáng vì đứng cạnh “tượng đài” quá lớn là Rodin, thậm chí cô còn bị nghi ngờ mạo danh tác giả những bức tượng do Rodin tạc.
Không phải Camille không được tán dương và thừa nhận, nhưng “thành công ấy còn lâu mới tương xứng với thiên tài của cô”.
Vì yêu Rodin, Camille dần tách rời khỏi người em trai thân thiết, khiến người em căm thù và nguyền rủa cả hai, luôn cho đó là hành động phản bội của chị. Nhưng chính người em trai là người hiểu rõ mối tình này nhất.
|
Nguồn: Kỳ Thư - TP