Vào đầu những năm 1920, Niels Bohr còn đang đánh vật với việc mường tượng cấu trúc của vật chất. Các thế hệ nhà vật lý trước đó đã nghĩ rằng không gian bên trong một nguyên tử trông giống như hệ mặt trời thu nhỏ, với hạt nhân nguyên tử là mặt trời và các electron vo vo xung quanh là các hành tinh trong quỹ đạo. Đó là một mô hình kinh điển.
Nhưng Bohr đã dành nhiều thời gian phân tích bức xạ phát ra từ các electron, và ông nhận thấy rằng khoa học cần một hình ảnh ẩn dụ mới. Hành vi của các electron dường như không tuân theo bất cứ giải thích thông thường nào. Bohr đã nói rằng nếu dùng từ ngữ để giải thích thì sẽ không thể nắm bắt được những dữ liệu về nguyên tử.
Bohr từ lâu đã bị cuốn hút bởi các bức họa theo trường phái lập thể. Ông bày rất nhiều tranh tĩnh vật trừu tượng trong phòng làm việc của mình và luôn thích thú diễn giải cho khách đến thăm cách nhìn của mình về những tác phẩm nghệ thuật đó. Đối với Bohr, sự quyến rũ của trường phái lập thể là ở chỗ nó làm tiêu tan sự chắc chắn của một vật thể. Nghệ thuật này phơi bày những rạn nứt trên tất cả mọi thứ, biến trạng thái bền chắc của vật chất thành một trạng thái mập mờ kỳ dị.
Niềm tin được Bohr nhận thức rõ là: thế giới không thể nhìn thấy được của các hạt electron về bản chất là một thế giới lập thể. Đến năm 1923, de Broglie đã xác định được rằng các electron có thể tồn tại hoặc ở dạng phân tử hoặc ở dạng sóng. Điều mà Bohr xác nhận thêm là, việc các electron tồn tại ở dạng nào phụ thuộc vào cách chúng ta nhìn chúng. Trạng thái tự nhiên của chúng là một hệ quả từ quan sát của chúng ta. Điều này có nghĩa là các hạt electron không hề giống như các hành tinh. Chúng giống như những cây đàn guitar đã được giải cấu trúc (deconstructed) của Picasso, những nét cọ lờ mờ chỉ hiện rõ và có thể hiểu được khi ta chăm chú ngắm nhìn. Những bức họa trông lạ lùng đó thật ra lại phản ánh sự thật.
Thật khó có thể tin rằng một tác phẩm nghệ thuật trừu tượng lại có thể tác động đến lịch sử khoa học. Trường phái lập thể dường như không có một điểm chung nào với vật lý hiện đại. Khi ta nghĩ về các quá trình khoa học, một số từ ngữ nhất định luôn hiện ra mồn một: tính khách quan, thí nghiệm, sự thực v.v. Với ngôn ngữ khách quan của các nghiên cứu khoa học, ta tưởng tượng ra một sự phản ánh hoàn hảo thế giới thực. Còn các bức họa dù có sâu sắc và uyên thâm đến đâu thì cũng chỉ là vẽ vời nên mà thôi.
Quan niệm khoa học là công cụ duy nhất có thể giải thích mọi vấn đề dựa trên một giả định ngầm rằng, trong khi nghệ thuật phát triển quay vòng dựa theo các xu hướng chủ quan, thì kiến thức khoa học phát triển theo một đường thẳng đi lên. Lịch sử khoa học được coi như tuân thủ một phương trình đơn giản: thời gian + dữ liệu = sự hiểu biết. Chúng ta tin rằng một ngày, khoa học sẽ có thể giải quyết được mọi thứ.
Nhưng kết quả của khoa học hiện đại là, chúng ta càng biết nhiều về thực tế - chẳng hạn như về cơ học lượng tử hay nguồn gốc thần kinh - thì càng nhận ra mình chưa hiểu quá nhiều điều. Lần đầu tiên, các nhà khoa học đang công khai nghi ngại rằng con người sẽ chẳng bao giờ lý giải được vũ trụ. Liệu một trong các lý do có phải là vì các nhà khoa học ngày nay không còn nói đến những bắc cầu giữa các nguyên lý nghệ thuật và khoa học nữa? Ta không thấy ở đâu mà nghệ thuật lại được tham khảo một cách nghiêm túc, chứ chưa nói đến được khuyến khích sử dụng, trong một tiến trình nghiên cứu khoa học.
Ví dụ trên về Bohr đã cho thấy: khoa học cần nghệ thuật. Ta cần tìm chỗ cho người nghệ sỹ trong quá trình thử nghiệm của khoa học, cần khám phá lại những gì Bohr đã quan sát được khi ông ngắm nhìn những bức họa lập thể. Các nhà vật lý, nhà khoa học thần kinh v.v. đều có thể mở những cánh cửa ngăn cách mình với thế giới bên kia của âm nhạc, hội họa, thơ văn v.v. để được tiếp những ánh sáng mới, những góc nhìn mới về thế giới thực đa chiều, nhiều tầng lớp này.
Những rào cản trong khoa học hiện nay cho thấy rõ rằng sự tuyệt giao giữa khoa học và nghệ thuật không chỉ là một vấn đề mang tính học thuật mà là một vấn đề thực tế, kìm hãm sự phát triển của các lý thuyết khoa học. Chúng ta cần phải kết nối lại hai nền văn hóa này. Bằng cách lắng nghe sự thông thái của nghệ thuật, khoa học có thể thu được những hiểu biết và góc nhìn mới - những hạt giống của tiến bộ khoa học.
Nguồn: Khánh Minh - Tia Sáng
(trích dịch từ bài viết của Jonah Lehrer; http://seedmagazine.com/content/article/the_future_of_science_is_art/)