PANKAJ MISHRA - BENJAMIN MOSER
Ở chuyên mục Bookends hằng tuần, sẽ có hai nhà văn đứng ra giải đáp các vấn đề đặt ra với thế giới sách. Xưa, Ezra Pound từng khích lệ đồng nghiệp: “hãy làm mới”. Tuần này, Pankaj Mishra và Benjamin Moser tranh luận xem ngày nay liệu có bất kỳ sự mới lạ thật sự nào còn lại cho các nhà văn khám phá.
1.
Pankaj Mishra
Văn học hiện đại đã đạt đến đỉnh cao ở đó một số tuyệt tác đã trở thành điển phạm; dẫu sao những cuốn tiểu thuyết mang tính khai phá được phân tích nhiều hơn là được đọc.
Ezra Pound rất thèm khát dự phần vào thời hiện đại, thời đại được ông xem là sự kết tinh của kỷ nguyên trước. Do đó dễ thấy rằng ông đã sa đà vào sự tôn sùng thái quá cái mới lạ, là điều rất phổ biến trong giới đồng nghiệp ông. Một số nhà văn hiện đại đã mắc phải thói quen trí tuệ quá khích vô lý từ thế kỷ 19 khi giải thích sự phát triển của thời gian như một quá trình liên tục, không thể đảo ngược, và chỉ bị gián đoạn do những sự đột phá mang tính cách mạng. Những nhà tiên phong thuộc trường Dada chẳng hạn, hy vọng bắt đầu lại từ con số không. Còn Malevich thì đầu tư vào tương lai với khối điều viễn vông.
Thế nhưng Pound, hệt Henry James trước đó, là người Mỹ tỵ nạn châu Âu - hay theo cách mô tả cay độc của Bernard Berenson, chỉ là “một tên Mẽo Âu hóa cực đoan từ Idaho”. Bị lùa từ xã hội ngày càng thương mại hóa và phản tri thức của mình, thực sự ông không tìm kiếm được gì nhiều cho một tương lai cách mạng như một truyền thống khả dụng.
Di sản Thanh giáo của dân di cư Mỹ không đủ với ông, rốt cùng Pound cũng tìm thấy các nguyên liệu để tạo ra Idaho cho riêng mình, mà đa phần trong đó có mặt ở vài vùng đất xa lạ, chẳng hạn như Trung Quốc, cách Mỹ và châu Âu rất xa. Pound lục lọi trong kho tàng văn hóa thế giới, mà các sử gia và nhà ngữ văn mãi sau mới đầu tư vào. Ông [và đồng sự T.S. Eliot cũng là dân tỵ nạn] đã sắp xếp cách để dung hòa văn học và ngôn ngữ cổ điển từ quá khứ với các kỹ thuật viết hiện đại. Tác phẩm “Cantos” vừa thô kệch vừa hào nhoáng của Pound cùng lúc gợi nhớ Khổng Tử lẫn Sophocles.
Pound đã Âu hóa đủ để nhận ra rằng cái mới chỉ có thể bắt nguồn từ truyền thống, và các hình thức thuần túy được nhiều nhà hiện đại đề xuất là thứ cầu kì lâm vào ngõ cụt. Dĩ nhiên, mối đe dọa từ văn hóa đại chúng cần phải bị chặn đứng; một số ý niệm nhất định của chủ nghĩa hiện thực phát triển vào thế kỷ 19 cần được thay đổi, thậm chí phải bị lật đổ ở thế kỷ 20. Nhưng các thí nghiệm triệt để nhằm tìm kiếm những đột phá mang tính cách mạng trong văn học lại đã phản bội một đức tin thâm căn cố đế từ thế kỷ 19 trong thời đại của thế giới phẳng.
Nghệ thuật phát triển chủ yếu dựa trên sự mô phỏng, bắt chước; những cái hoàn toàn mới, như họa phẩm First Abstract Watercolor (Màu nước trừu tượng đầu tiên) của Kandinsky là thứ hiếm, và không phải lúc nào chúng cũng đặt ra một quy tắc mới. Không ngạc nhiên, khi văn học hiện đại đã đạt đến đỉnh cao với điển phạm từ một số ít tuyệt tác không thể bắt chước. Một cuốn tiểu thuyết mang tính thử nghiệm sẽ bị đem ra mổ xẻ phân tích nhiều hơn là được đọc. Bức họa tiền phong, ban đầu là một phương thức nổi loạn, hiện đã chuyển hóa và hòa mình vào dòng chảy tư bản chủ nghĩa của công nghiệp sản xuất và tiêu dùng.
Các ý niệm mạnh mẽ một thời của cách mạng, tiến bộ và tương lai vốn là cảm hứng cho rất nhiều sáng tạo nghệ thuật đã mất đi sự lôi cuốn giàu trí tưởng tượng của nó. Lối cảm nhận về thời gian, cũng đã bị thay đổi. Sự ngạo mạn của Pound cho rằng kỷ nguyên của riêng mình là ga cuối của đoàn tàu, nay đã được thừa nhận rộng rãi trong các xã hội đã cắt đứt mối liên kết của họ với quá khứ nông nghiệp tiền hiện đại.
Như Octavio Paz đã chỉ ra, “sự tiếp nối thời gian không còn thống ngự trí tưởng tượng của chúng ta - vốn đã thoái lui từ tương lai ngược trở lại hiện tại. Thay vào đó chúng ta đang sống trong sự kết hợp của thời gian và không gian, của sự đồng bộ và hợp lưu, tất cả hội tụ trong ‘thời gian thuần khiết’ của khoảnh khắc hiện tiền”.
Sự đổi mới hiện nay nổi lên từ sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin nhiều hơn là từ các thử nghiệm trong văn học nghệ thuật, và nó đã là điều thường tình. Không có gì dễ dự đoán hơn chuyện cứ mỗi mùa thu Apple làm mới bằng những mẫu mã Iphone và Ipad mới nhất.
Tuy nhiên, dường như Pound sẵn sàng cho hậu hiện đại trong nỗ lực kết hợp không gian và thời gian của ông và trình bày những giai đoạn và tác phẩm mang tính tiêu biểu trong điều kiện hiện đại. Thủ pháp đồng hiện và sự đồng bộ có vẻ là bản tuyên ngôn không lời trong tác phẩm viễn tưởng của David Mitchell, dù với hiện tại hay một quá khứ đã xa. “Mad Men”, “Downton Abbey” và “The Hour” chứng thực cho một mô hình phổ biến của việc chuyến hóa quá khứ vào trong lịch sử có thể tiêu hủy; một thập kỷ cụ thể cách điệu bằng chất giọng chuẩn, bộ vest thời thượng, mẫu mã xe hơi và kiểu tóc. Pound, chuyển ngữ thơ Trung Quốc sang tiếng Anh, như đã dự đoán sự đổi mới trong cái vô tận không thể tránh khỏi của hôm nay sẽ ngày càng đồng nghĩa với sự trở về với cái cũ.
Pankaj Mishra là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó “The Romantics: A Novel” đoạt được giải thưởng Nghệ thuật Seidenbaum của tờ Thời báo Los Angeles cho tác phẩm First Fiction, và “Từ Tro tàn của Đế chế,” lọt vào chung kết giải thưởng Orwell và Lionel Gelber vào năm 2013. Ông là thành viên của Hội văn học Hoàng gia và đóng góp các bài tiểu luận về chính trị và văn học cho mục phê bình sách của tạp chí The New York, The New Yorker, The Guardian của London và tạp chí phê bình sách The London.
2.
Benjamin Moser năm 2009 ở Texas - Ảnh: wiki |
Benjamin Moser
Như một khẩu hiệu của Pound gợi ý: Khi mọi thứ sụp đổ, chúng ta thấy mình cần cái cũ nhiều hơn cái mới.
Prins Hendriklaan ở Utrecht là một đường phố yên bình trong lòng đất nước Hà Lan mà Baudelaire mơ tìm thấy lối thoát cho khủng hoảng - “Với báu vật trang bị từ quá khứ,/ Bởi hàng thế kỷ đánh bóng” - và đi nước kiệu, qua những kênh đào dưới bóng cây rợp mát, cho đến khi đột ngột kết thúc bằng một tòa nhà trần trụi và xương xẩu hệt một họa phẩm của Mondrian.
Mặc dù chỉ trẻ hơn một vài thập niên so với những gã hàng xóm thuộc tầng lớp trung lưu nghiêm nghị của nó, Ngôi nhà Rietveld Schroder vẫn trông giống như một con tàu vũ trụ đâm vào vùng ngoại ô nghèo nàn vậy. Nó tương phản với môi trường xung quanh đến mức ngay cả khách bộ hành bàng quang nhất cũng nhận thấy điều đó hẳn đã xảy ra giữa đầu và cuối con đường.
Đã có một điều gì đó diễn ra.
Các ngôi nhà khác được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, trên đường phố như thế này, chỉ là nơi các chàng trai sẽ được sinh ra, những người sẽ chết chìm trong bùn lầy của Ypres hoặc bị moi nội tạng tại chiến trường Verdun [trong thế chiến thứ 1]. Các căn nhà mặt tiền mang vẻ êm đềm ẩn giấu một sự tàn bạo khủng khiếp như thế, khi ngoảnh lại, cái mã tiện nghi của nó chẳng khác gì sự phỉ báng. Tất cả mọi thứ thuộc về thế giới ấy phải được tự tái tạo lại, ngay cả những chiếc ghế sô-pha bừa bãi đồ đạc; kiến trúc sư Gerrit Rietveld loại bỏ ngay cả những màu thứ cấp.
Trước sự trỗi dậy của thảm họa ở thế kỉ 20, nghệ thuật phản ứng với khủng hoảng đúng với cái cách của nó vốn luôn luôn làm. Trong các tòa nhà của Rietveld, cú pháp của Gertrude Stein hay quan điểm của Picasso, các mối quan hệ cơ bản nhất - giữa bức tường và sàn nhà, giữa danh từ và động từ, đối tượng và không gian - đã không đạt được sự kỳ vọng. Dù Adorno thừa nhận có thể thơ ca vẫn tồn tại sau Auschwitz, nhưng thi phẩm nào lờ đi vụ thảm sát này thì coi như tự ký bản xác nhận mình đơn thuần là kẻ đóng vai phụ.
Như vậy, “Làm mới” đã trở thành sự thúc đẩy tiềm ẩn trong rất nhiều sự tự đổi mới của kẻ ủng hộ cái mới. Rủi thay, những năm hậu-Auschwitz lại trùng hợp với sự bùng phát hậu-chiến của sự lỗi thời đã được lên kế hoạch từ trước. Mỗi năm cần một chiếc xe mới, và mỗi mùa là một tủ quần áo mới. Câu hỏi của sự tự đổi mới trong nghệ thuật dễ bị gộp vào vấn đề cái mới của kiểu tóc, qua đó di sản khốc liệt của chủ nghĩa hiện đại, vốn là cú sốc đối với cái mới, lại được nhìn nhận như thứ dành riêng cho mênh mông chuyển đổi phù hợp với thị trường.
Trong nghệ thuật thị giác, một trong những hậu quả của sự nhầm lẫn này là lối đầu tư phòng hộ đầy thô lậu cho các biến tướng của tác phẩm Jeff Koons. Văn học ít nhạy cảm với tiền bạc, và thử nghiệm cái mới lạ như thể một động lực thuần túy thì không thể chung sống với trò bỉ lậu kia. (Hãy nhớ lại trào lưu Tiểu thuyết mới). Một khi hoàn cảnh lịch sử đã thay đổi, thì mục đích xưa cũ của văn học đòi hỏi phải nói lên được điều gì đó về cuộc sống con người như là chức năng của nó, sẽ bị loại bỏ. Ở mọi thời đại, nghệ thuật là một thử nghiệm cho mỗi nghệ sĩ, giống như, trong mọi thời đại, cuộc sống là thách thức cho mỗi con người.
Viết, giống như cuộc sống, có thể khiến một người phải điên dại. Các trang sách lịch sử văn học nhuộm không ít máu của nhà văn, những người đã hành hạ trí não mình đến cùng cực. Họ được ngâm cùng các loại đồ uống chứa đầy hứa hẹn mang tính an ủi tạm thời - hoặc là bị vứt vào hư vô, khi họ tuyệt vọng và bỏ cuộc. Làm ra cái mới từ hư vô quả là điều khó tột cùng, nhưng nhà văn nào tìm cách đi tắt đón đầu đều kết thúc như một kẻ ăn cắp hay sao chép. Thử nghiệm đau đớn là không thể tránh.
Lịch sử sự tự đổi mới áp đặt sự phản ánh và phóng đại các cuộc đấu tranh mang tính cá nhân. Sự tự đổi mới này thì không thể ép buộc. Nếu thời gian dẫn đến sự thay đổi cơ thể là bất khả kháng thì đối với nghệ thuật cũng vậy, và - vì tất cả chúng ta bị mắc kẹt trong thời gian và lịch sử - sự đổi mới là không tránh khỏi. Đẩy nhanh những thay đổi này cần có mánh lới quảng cáo để mang đến cho văn học một cách tiếp cận tốt nhất vốn dành riêng cho thiết bị điện tử tiêu dùng.
Rốt cuộc, những thảm họa văn minh tạo ra căn nhà Rietveld Schroder không thể được khắc phục bằng cách thay đổi nội thất bất tiện của nó. Khi mọi thứ sụp đổ, chúng ta thường thấy mình cần cái cũ hơn cái mới, như khẩu hiệu của Ezra Pound ám chỉ. Viết vào thế kỷ 20, một khi “Làm mới” gây được tiếng vang cho anh ta, nó cũng tạo cộng hưởng cho nguồn cơn của Pound: một vị hoàng đế Trung Quốc đã có một phiên bản của sách ông ghi trên chậu rửa của mình, 38 thế kỷ trước.
Làm cho điều gì đó từ cũ thành mới - là điều mỗi nghệ sĩ đích thực luôn có.
Trà Kha dịch
Nguồn: The New York Times, 30/12/2014
(SDB16/03-15)
.....................................
Benjamin Moser, tác giả cuốn “Tại sao thế giới này: Tiểu sử của Clarice Lispector,” từng lọt vào chung khảo giải thưởng National Book Critics, và là tổng biên tập của các bản dịch mới của Clarice Lispector tại New Directions. Một cựu chủ bút chuyên mục Sách mới của tạp chí Harper, ông đang viết cuốn tiểu sử được ủy quyền của Susan Sontag. Hiện ông sống ở Hà Lan.