Nhìn ra thế giới
Hai mặt LHP Cannes
08:48 | 16/06/2015

Mặc dù năm nay khép lại với kết quả gây đầy tranh cãi, LHP Cannes vẫn là nơi đáng mơ ước cho mọi nhà làm phim trẻ, mong tìm được bệ phóng tốt cho giấc mơ điện ảnh của mình.

Hai mặt LHP Cannes

Người Pháp đã khai sinh ra nghệ thuật thứ bảy, và không ngạc nhiên khi họ sở hữu một trong những liên hoan phim danh tiếng nhất thế giới - LHP Cannes, nơi xuất hiện những minh tinh màn bạc cùng những đạo diễn gạo cội đến từ những trung tâm quyền lực nhất thế giới, và cũng là nơi sẵn sàng tiếp nhận những nền điện ảnh khiêm tốn, những nhà làm phim ít tên tuổi đang mong muốn tìm kiếm cơ hội. Ở Cannes, nghệ thuật không bị đóng khung và giới hạn. Chỉ cần bạn có tài năng, và thể hiện được tài năng đó, bạn sẽ được đón nhận với sự nồng nhiệt nhất. LHP Cannes là vậy, vừa trưởng giả như giới quý tộc Pháp, lại vừa bình dân như khẩu hiệu “Bình đẳng, tự do, bác ái” thể hiện trên quốc kì nước này.

Bệ phóng ước mơ

LHP Cannes lần thứ 68 diễn ra từ ngày 13 đến 24/5 vừa qua cũng không đi ra khỏi tiêu chí đó. Sự đặc sắc của nó được thể hiện ngay ở việc lựa chọn Hội đồng giám khảo. Một đạo diễn 26 tuổi đã được mời vào Hội đồng giám khảo xét duyệt Giải thưởng Cành Cọ Vàng cao quý. Điều đó thể hiện rằng, Cannes chưa bao giờ bị già nua như độ tuổi của nó. Cannes tôn trọng mọi nhân tố tài năng của điện ảnh và chẳng ai có thể nghi ngờ tài năng của chàng trai trẻ Xavier Dolan, khi anh đã có đến bốn phim trong tổng số năm phim từng được LHP Cannes tôn vinh.

Chính sự đa dạng của Hội đồng giám khảo tùy theo từng năm mà LHP Cannes luôn để lại dấu ấn đặc biệt, vừa tạo nên những tranh luận bất tận của giới phê bình, vừa là nơi đáng mơ ước cho mọi nhà làm phim trẻ, mong tìm được bệ phóng tốt cho giấc mơ điện ảnh của mình.

Năm nay, giới phê bình đã hết sức kinh ngạc khi tác phẩm Dheepan của đạo diễn người Pháp Jacques Audiard được trao giải Cành Cọ Vàng.

Nhiều người cho rằng, giải thưởng này chỉ nhằm vinh danh vị đạo diễn đã từng có những tác phẩm vô cùng đặc sắc như A Prophet hay Rust and Bone, họ không đánh giá cao Dheepan so với những bộ phim cùng tranh giải khác như Carol của đạo diễn Todd Haynes, hay The Assassin của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền. Chẳng thế mà trên trang web metacritic nơi thống kê đánh giá về phim của các nhà phê bình, Dheepan chỉ nhận được điểm78/100 so với 98/100 điểm của Carol, hay 85/100 của The Asasssin. Nhưng nếu để ý đến lời phát biểu của Chủ tịch Hội đồng giám khảo - “đây là hội đồng nghệ sĩ, không phải hội đồng phê bình” -  ta hoàn toàn hiểu vì sao Dheepan lại được lựa chọn.

Châu Âu chưa bao giờ ở trong tình trạng căng thẳng về dân nhập cư như thời điểm hiện tại, đặc biệt sau vụ những thành phần Hồi giáo cực đoan tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi đầu năm. Dheepan đã xuất hiện như một sự xoa dịu và biện minh cho những thân phận nhập cư khổ sở, đang phải đấu tranh từng ngày với cuộc sống hòng có thể làm lại cuộc đời ở xứ sở mới, và thoát được cuộc sống đầy bế tắc ở quê nhà, mà ở đây là Sri Lanka. Một thông điệp rất rõ ràng, mạnh mẽ và hợp thời điểm. Cho thấy giá trị vị nhân sinh của điện ảnh, Dheepan vừa là một tác phẩm nghệ thuật vị nghệ thuật, vừa đưa ra được thông điệp sắc sảo về một vấn đề đang thực sự gây khó dễ cho châu Âu.

Năm nay, ba đạo diễn đương đại hàng đầu của châu Á có tác phẩm lọt vào vòng xét duyệt trao giải: The Assassin của đạo diễn Đài Loan Hầu Hiếu Hiền, Mountains May Depart của đạo diễn Trung Quốc Giả Chương Kha, và Our Little Sister của đạo diễn Nhật Bản Hirokazu Koreeda. Cuối cùng, Hầu Hiếu Hiền của The Assassin được trao giải đạo diễn xuất sắc nhất. Mặc dù không giành được những giải thưởng lớn như Cành Cọ Vàng hay Grand Prix, The Assassin đã đánh dấu sự trở lại rất ấn tượng của bậc thầy về sử dụng hình ảnh người Đài Loan. Ông đã mang đến một bộ phim mới cho một đề tài cũ về võ thuật và văn hóa phương Đông với cách nhìn mang đậm phong cách riêng và hoàn toàn tinh khiết như tờ The Hollywood Reporter bình luận.

Phù phiếm và hời hợt

Là một liên hoan phim, Cannes không dừng lại ở việc chọn ra tác phẩm xuất sắc nhất, nó còn là nơi để mọi tác phẩm điện ảnh thuộc mọi đề tài tự quảng bá mình mà không có bất kì giới hạn nào. Chẳng thế mà năm nào cũng vậy, những bộ phim về tính dục luôn luôn được chào đón, và được nhắc đến nhiều nhất. Love của đạo diễn Gaspar Noé là một điển hình của mùa liên hoan 2015. Gaspar Noé mang đến LHP Cannes một tác phẩm khiêu dâm được gắn mác nghệ thuật. Vị đạo diễn người Argentina không xa lạ với LHP Cannes, khi luôn là một tác giả tiên phong cho những bộ phim sử dụng tính dục như yếu tố chủ đạo để gây sốc.

Trong một lần phỏng vấn, đạo diễn gạo cội người Pháp Jean-Luc Godard đã nói rằng: “Hình ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh và đứa con trên lưng lừa không gây ra chiến tranh; chính sự diễn giải bằng lời của nó mới là thứ dẫn đến chiến tranh, khiến cho những chiến binh của Luther phá nát các tác phẩm của Raphael.”  Điều đó có nghĩa là, một tác phẩm điện ảnh, dù ở đề tài nào, sự cấm kị lớn đến đâu, nhưng khi nó được diễn giải hợp lý thì công chúng vẫn hoàn toàn bị thuyết phục. Nhưng có vẻ, ở Cannes, người ta cứ mặc sức sử dụng những chất liệu cấm kị một cách dễ dãi, thiếu sáng tạo, chỉ để tạo ra những tác phẩm gây sốc nhưng hời hợt và kém chất lượng nghệ thuật. Love là một minh chứng cho điều đó. Vô hình trung, LHP Cannes phần nào, ở khía cạnh phù phiếm, cổ xúy một thứ điện ảnh hời hợt và rẻ tiền.

Như vậy, nhìn tổng quan LHP Cannes 2015, chúng ta vẫn thấy được tầm quan trọng của nó trong hoạt động của giới làm phim, cũng như thấy được ở đó những điều hấp dẫn mà người hâm mộ điện ảnh cần đến - sự phá cách, luôn luôn làm mới mình, tôn vinh những giá trị điện ảnh đích thực, cổ suý tinh thần sáng tạo đối với mọi nền điện ảnh lớn nhỏ trên thế giới. Nhưng đồng thời, nó vẫn phô bày sự phù phiếm và sự “kiêu ngạo” vì danh tiếng của mình.

Nguồn: Nguyễn Thế Tuấn - Tia Sáng

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng