Nhìn ra thế giới
Họa sĩ Bửu Chỉ ở Paris
14:53 | 10/11/2015

Ngày 1-11-1988, họa sĩ Bửu Chỉ đến Paris. Ngày 30-4-1989, họa sĩ trở về nước. Trong thời gian ở Paris, Bửu Chỉ đã sáng tác nhiều tác phẩm mới và đã có hai cuộc triển lãm tranh thành công tốt đẹp: tại Nhà Việt Nam từ 1-2 đến 5-3-1989 với 21 bức tranh và tại UNESCO với 40 bức từ 3-4 đến 14-4-1989.

Họa sĩ Bửu Chỉ ở Paris

Chúng tôi trích trong "sổ ghi ý kiến một vài cảm tưởng về hai cuộc triển lãm tranh của Bửu Chỉ và bài của ông Kiflé đăng trong tạp chí OPINION của Hiệp hội quốc tế nhân viên UNESCO (số tháng 5-1989).
 


Một vài cảm tưởng về hai cuộc trlển lãm tranh của Bửu Chỉ ở Paris


*... Bửu Chỉ là con người của tình cảm và ước vọng - những tình cảm mãnh liệt, chan chứa, đậm đà; những ước vọng cuồng nộ, da diết, xót xa. Những tình cảm và ước vọng được hun đúc bởi sắt thép và máu lửa, nuôi dưỡng trong một tuổi đời dữ dội...
                        BẠCH THÁI QUỐC.

*Cảm ơn anh đã làm chứng cho cuộc sống bằng tác phẩm hội họa của mình. Tranh của anh đã làm cho chúng tôi nhận ra: đừng ngủ.
                        CLINT (Nghệ sĩ tạo hình)

* Cảm ơn Bửu Chỉ từ những tấm tranh trong tù - những tiếng gào gọi - cho tới loạt tranh Orléanaises, trầm lắng, sâu sắc.
Chúc anh đi xa, đi xa nữa.
                        NGUYỄN NGỌC GIAO.

* Với Bửu Chỉ, ngoại cảnh chỉ là nền (support) cho tư duy và tâm hồn.
                        LÊ MINH - NGUYỄN PHÚC LONG

* Rất cảm động được gặp anh Bửu Chỉ hôm nay với những bức tranh đầy ánh sáng và hy vọng... Nhớ lại những năm tháng đen tối ngày xưa mỗi khi nhận được những bức tranh anh vẽ từ trong nhà tù gởi ra.
                        T.D.NAM

* Tôi hết sức khâm phục những tác phẩm này, những tác phẩm đầu tiên mà tôi được biết của chủ nghĩa siêu thực Việt Nam, của Dali nhưng xác thịt hơn. Xin cất mũ kính chào.
                        (Ký tên không rõ)

* Tôi đã phát hiện Bửu Chỉ ở Hà Nội. Tôi vui mừng gặp lại anh ở đây tại Paris, và tại UNESCO, sứ giả tuyệt vời của nền hội họa Việt Nam hiện đại.
                        LOUIS AMIGUES

* Thật là tuyệt vời, vui và đầy những giấc mơ.
                        DENISE REGAZZONI

* Chút gió - mầu bay cao, xa vượt thời gian xóa "hắc ám" trên mặt đại dương.
                        NGUYỄN THIỆN ĐẠO

* Hôm nay là ngày cuối cùng, Michiko vừa về Paris, xem được những tranh của anh Bửu Chỉ rất vui. Phong cảnh Orléans đẹp lắm.
                        GIANG - MICHIKO (Nhật Bản) (nguyên văn bằng tiếng Việt)

* Những đề tài căn bản được miêu tả bằng một bút pháp hồn nhiên, nhưng vững vàng và giỏi. Hoan hô.
                        K. HAKIM (Họa sĩ và nhà tâm lý học).

* Có những bức tranh làm tôi rùng mình; vì những bức tranh đó đẹp, nhân bản, xúc động, có ý vị. Xem cuộc triển lãm này, tôi không thể không liên hệ đến một cuộc triển lãm khác mới đây, cũng ở tại UNESCO (FONTENOY) của "những hoạ sĩ phản kháng” (Peintres contestataires) hiện nay - "những họa sĩ của Perestroika" - ở Liên Xô. Trong cả hai trường hợp tôi rút ra một ấn tượng sâu đậm về TÌNH NGƯỜI: trong cả hai trường hợp các họa sĩ đều là những sứ giả của nhân dân họ nói với chúng ta, với bất cứ người nào khác rằng: "Chúng tôi là thế đấy, chúng tôi là Những Con Người, như chính bạn đấy thôi: chúng tôi tất cả đều là anh em (Mà than ôi, dù có khi chúng tôi trở thành những anh em thù địch nữa!) Hãy xem tranh của tôi như một bài hát ngợi ca cuộc sống!"

Tôi nghe được thông điệp đó và tôi muốn hòa nhập tiếng nói của tôi dù rất nhỏ - với tiếng nói của anh.
                        B - YVAN (Liên Xô).

* Nồng nhiệt chúc mừng Bửu Chỉ thân mến. Anh đã biết kết hợp những ý tưởng và những cảm xúc trong một sự hài hòa về tạo hình, duyên dáng và quyến rũ.
                        SHIU SHI HUA (Trung Quốc).

* Quá sức lạ và hấp dẫn. Một cách nhìn kỳ lạ và mới mẽ về thế giới và nhất là về trẻ con. Hoan hô và cảm ơn.
                        N. BOUZUI (Cựu Đại sứ của Tunisie)


Nhân một chuyến đi sáng tác và triển lãm ở Pháp - vài suy nghĩ

BỬU CHỈ

Những ngày đầu của tôi ở Pháp là những ngày của háo hức, say đắm và choáng ngợp. Tôi có cái tâm lý của một kẻ bị khát. Khát sống tự do; Khát cái mới; Khát trí thức; và khát vẻ đẹp. Paris như một nguồn nước không tận, mang lại cho tôi mọi điều mà tôi mong muốn. Viện bảo tàng Louvre, vườn Luxembourg, Trung tâm văn hóa Pompidou, cung điện Versailles, bảo tàng Orsay... Rồi khu Saint Germain des Pres, Montmartre, Montparnasse, các galerie nghệ thuật mới v.v... đó là những điểm ám ảnh và thu hút tôi.

Nhưng, có lẽ những điều cần cho một khách du lịch vẫn khác cái điều mà một nghệ sĩ đang cần... Tôi chiêm ngưỡng, tôi ghi chép, tôi chụp ảnh nhiều lắm. Và tôi suy gẫm để cố rút ra cho mình những bài học, những điều gì đó cần thiết cho nghề nghiệp mình. Tôi phải hiểu, phải cố tìm hiểu, trước khi có thể bắt tay vào công việc của mình là vẽ.

***

Đối với tôi, Paris hiện nay chưa mất hẳn cái vị trí trung tâm của nền nghệ thuật hiện đại thế giới. Cho dù đôi khi bên cạnh New York(Mỹ), Paris vẫn trở thành một thứ "bảo thủ", ở New York, tất cả những điều gì được gọi là "Mới" đều được tự do thể nghiệm, trắc nghiệm... để rồi đi vào viện bảo tàng, hay bị lãng quên. Nghệ thuật ở đó luôn luôn là một thách đố đối với những cái đã được thừa nhận, hay mới được thừa nhận...

Paris bây giờ thì ngược lại, chững chạc hơn, đằm thắm hơn những năm đầu của thế kỷ 20. Trong các viện bảo tàng Gauguin, Van Gogh, Cézanne, Lautrec: Modigliani đều đã an vị bên cạnh Vinci, Titien, Raphael v.v... Picasso cũng đã trở thành "cổ điển", hiểu theo đúng từ "Classique". Nói cách khác, mọi trường phái, mọi khuynh hướng nghệ thuật hầu như đã được thử thách, và đã định hình hết rồi. Tượng hình (Figuratif), hay vô thể (Non figuratif) cho đến Tạo-hình-Tự-do (Figuration libre) v.v... đều sắp một hàng ngang: Ai muốn làm theo cái gì thì cứ việc làm. Đôi khi có vài ba nỗ lực của một nhóm họa sĩ trẻ có tài năng nào đó, muốn đem lại đôi chút sinh khí cho sinh hoạt nghệ thuật Paris; thì hầu như cũng khó mà thoát ra khỏi những "hệ thống nghệ thuật" đã có. Sự độc đáo của họ có chăng chính là cái cá tính, cái bản sắc riêng của mỗi người được lồng vào trong cái cấu-trúc-Tạo-hình-hiện-đại đã trở thành mẫu số chung từ lâu, vẫn có cái tình trạng đi xem 10 phòng triển lãm, đôi khi chỉ cần xem 1 phòng là đủ!... Sự độc sáng thật sự có được trong lớp trẻ, trở nên rất hiếm.

Công việc Triển lãm, đôi khi vừa là một điều gì đó rất xa xỉ, nhưng vừa là một cái gì đó rất sống chết đối với một nghệ sĩ, nếu muốn người đời biết đến. Có những nghệ sĩ cả đời chưa làm được một cuộc triển lãm cá nhân. Điều này chưa hẳn là không có tài! Còn biết bao nhiêu Vấn-đề-phi nghệ-thuật khác nữa, vẫn cứ bám lấy và ảnh hưởng trên cuộc đời của một nghệ sĩ, ở nơi này, hay nơi khác!...

Tôi đến Paris, vẽ tranh, triển lãm. Nói thành thật, hoàn cảnh và tâm lý của tôi khi đó không phải dễ. Tôi nhìn thế giới, tôi nhìn lại tôi, nhìn vào tôi, tự thử thách tôi; và cố tìm cho mình một chỗ đứng, ở một nơi xa lạ. Khó lắm chứ. Trong đầu tôi luôn luôn có những câu hỏi và những câu tự hỏi. Từ một đất nước mà mọi sinh hoạt nghệ thuật đều thiếu những thông tin cần thiết, sự đổi mới thì chưa có một ý nghĩa gì, như ở xứ tôi, thì tiếng nói nghệ thuật của mình có trở nên lạc lõng ở đây không? Tôi có thể thật sự bình đẳng đứng giữa cái thế giới nghệ thuật này trong tư cách là một nghệ sĩ được mọi người nhìn nhận không? hay chỉ là một "con tê giác" trong cái thế giới hiện đại, mà chính nó thì gần như sắp sửa bị tuyệt chủng!

Rốt cục, có một điều, có một ý nghĩ, thường làm kim-chỉ-nam cho tôi trong những lúc gặp khó khăn nghề nghiệp: - Sáng tạo nghệ thuật không bao giờ là một sự "thích-nghi-hình-thức" về mặt tạo hình, trong một môi trường nghệ thuật nào đó. Sáng tạo là sống, là dấn thân, nên nói một cách đứng đắn là không nên chọn lấy một "khuynh hướng, hay trường phái hiện đại đương thời", rồi tự đặt mình vào hàng ngũ, để mong được một tên gọi, để mong được nhìn nhận.

Cuối cùng tôi chọn "Tôi". Như thế thành thật và sòng phẳng hơn. Nội dung nghệ thuật không thể vay; và ngôn ngữ nghệ thuật không thể mượn mà rỗng. Suy cho cùng thì từ Kandinsky, Malevitcli, Mondrian, Klee, cho đến Soulage, Hartang, Tapics, Pollock v.v... trong những nhịp điệu và màu sắc đường nét họ đều có chứa đựng quả tim và khối óc họ. Dù gì thì bất cứ một nghệ sĩ chân chính nào cũng không thể tự chối từ những rung cảm và suy nghĩ của mình; mà những rung cảm và suy nghĩ này có thể "hữu hình" hay "trừu tượng".

Cái thái độ tôi phải lựa chọn tôi trong sáng tác, giữa một đất nước mà nền văn hóa nghệ thuật của họ đã có một bề dày truyền thống quá lớn, như nước Pháp, điều này dễ hiểu và cũng hiển nhiên. Làm nghệ thuật thì phải tự trọng, và đừng tự đánh mất mình. Theo kẻ khác là chẳng theo được gì cả. Đã gọi là họa sĩ, thì dù muốn dù không, dù hay dù dở, tôi phải cố mà tìm cho mình một đường lối riêng, một ngôn ngữ riêng. Và đã xem hội họa là một ngôn ngữ, thì tôi vẫn mong tạo ra được một sự truyền đạt những rung cảm, những ý nghĩ đến người khác, tôi mong được chia sẻ. Tôi hoàn toàn không tin cái quan niệm làm nghệ thuật là chỉ làm cho riêng mình. Thật ra người nghệ sĩ nào lại chẳng muốn:

"L'art, c'est de la tendresse...
Lorsque je vois le beau, je voudrais être deux"(1)

Nghệ thuật hiện đại đang tiến đến chỗ biến mọi hình ảnh trở thành những ký-hiệu (forme-signe). Hình ảnh, màu sắc, mảng, khối, đường nét trong tranh thật ra là một thứ chữ viết (Écriture) của riêng mỗi người họa sĩ. Vẽ là phóng ra một tín hiệu, và mong có người bắt được tín hiệu...

***

Bởi tôi hiểu hai chữ "Nghệ Thuật" như thế; nên khi vẽ tôi đã không bao giờ che đậy tôi. Dù khi tôi buồn, dù khi tôi vui, dù khi tôi yêu, dù khi tôi ghét, dù khi tôi bao dung, hay căm hờn. Tôi tự phơi tôi ra trước mặt mọi người. Gốc gác, giòng, giống, chủng tộc v.v...

Tôi có một nơi để sinh ra, và lớn lên. Tôi có một truyền thống văn hóa và lịch sử riêng. Tôi có một phong tục, tập quán riêng. Tôi có cha, có mẹ, có huyết hệ khác với mọi người... bằng tất cả những thứ ấy, tôi vẽ.

Theo tôi, hôm nay, cái mới trong hội họa không phải là "kỹ thuật": mà, chính là những niềm bí ẩn, những nỗi khuất kín bên trong số phận của mỗi con người. Là cái hoàn cảnh sống khác nhau, trong những không gian và thời gian sống khác nhau của mỗi con người. Cái quyền sống của con người, cái phẩm giá của con người phải được nhìn nhận bắt đầu từ đó. Người ta có thể đo, và so sánh độ lớn của những tri thức, nhưng khó ai có thể đo được độ lớn của những vấn đề thuộc về tâm hồn, về tâm linh của một đời người. Mỗi người trong cái hữu hạn của mình đều vẫn có quyền bày tỏ những ý nghĩ, những rung cảm của mình về cuộc sống. Mỗi một người đều chỉ có 1 đời và 1 thời để sống, và một số phận để dấn thân. Vậy vẽ là nhìn, rung cảm, quan niệm...

Tôi đã bước đầu gia nhập vào thế giới hội họa phương Tây như vậy đó. Cái mới mà tôi hy vọng, mà tôi mong muốn mang lại, không gì khác hơn là cái "cá tính tôi", "bản sắc tôi", "bản ngã tôi", "bản thể tôi" v..v.. và rất nhiều cái thứ "bản" khác nữa...

Điều mà sinh hoạt nghệ thuật ở phương Tây đang mong chờ, tôi tin như vậy, là "cái chất người" trở lại để thay thế cho cái "phương pháp", cái "kỹ thuật", một thời đã làm cho con người giàu có về mặt vật chất; nhưng hiện tại đang làm cho con người khô cứng và lạnh giá. Trong tất cả các cuộc triển lãm, người ta đang mong chờ những "Chân-dung-nghệ-sĩ-thực-sự" trở lại. Và đó cũng là thái độ nghệ thuật hiện đại.

Riêng hai cuộc triển lãm của tôi tại Paris (một tại Nhà Văn hóa Việt Nam; và một tại UNESCO), tôi chỉ xin ghi lại vắn tắt hai câu ghi trong "Sổ Ý KIẾN":

- "Merci de votre temoignage de vie à travers le travail de votre peinture qui nous donne à voir: ne pas s' endormir".
                        Clint (Nghệ sĩ tạo hình)(2)

- "Amour! Amour de la Terre, amour de Nature.
Amour de la vie. Je vous remercie".
                        D. Ranasonila(3).

B.C.
(SH38/07&08-89)

---------------
(1) "Nghệ thuật chính là điều dịu dàng... Khi tôi nhìn một vẻ đẹp, tôi muốn chia sẻ với một người thứ hai".
(2) "Cám ơn về chứng từ cuộc sống xuyên qua công việc sáng tác hội họa của anh, nó làm cho chúng tôi thấy ra: đừng bao giờ ngủ quên".
(3) "Ôi tình yêu! Tình yêu đất đai, Tình yêu thiên nhiên, Tình yêu cuộc sống. Xin cám ơn họa sĩ".






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thoáng Mỹ… (03/11/2015)
Tòa án (06/08/2015)