Nhìn ra thế giới
Bắt đầu từ đời sống
10:18 | 22/12/2015

LÊ VIỄN PHƯƠNG

(Đọc Cuộc đời yêu dấu của Alice Munro, Nguyễn Đức Tùng chuyển ngữ, NXB Trẻ, 2015).

Bắt đầu từ đời sống

Để đạt tới vĩnh cửu thì ngoài những khai phá về kỹ thuật, văn học phải gắn liền với đời sống, dù là đời sống được nhìn nhận trên cảm quan nghệ thuật nào đi chăng nữa. Đọc Cuộc đời yêu dấu của Alice Munro, chúng ta biết rằng chính cuộc sống hiện tồn trong mỗi truyện ngắn của bà là yếu tố giúp nữ nhà văn này bước lên đỉnh cao của văn học nhân loại. Alice Munro được vinh danh tại giải Nobel văn học năm 2013 với thông cáo ngắn gọn của Viện Hàn lâm Thụy Điển: “Là bậc thầy của truyện ngắn đương đại.”

Với sự góp mặt của mười bốn truyện ngắn, Cuộc đời yêu dấu là tập truyện đại diện cho văn phong và tư tưởng của Alice Munro. Trên bề mặt của mỗi tác phẩm, người đọc nhận thấy lối viết của Alice Munro giản dị, kể những câu chuyện thường nhật bằng một cách kể quen thuộc trong văn học truyền thống. Nghĩa là truyện ngắn của Alice Munro luôn được khởi đi từ một câu chuyện nào đó. Một hệ thống nhân vật, tình tiết, không gian, thời gian... bao quanh câu chuyện và cùng nhau khai triển câu chuyện được kể cho tới khi truyện ngắn dừng lại với một nhịp điệu chậm rãi. Có thể nói, trong những truyện như: Về đâu, Li hương, Thị trấn bạch dương, Người tình, Cuộc đời yêu dấu, luôn có dấu vết của thi pháp tiểu thuyết, nghĩa là mọi yếu tố cấu nên truyện ngắn thường được dàn trải, nới rộng và nhiều chi tiết dư thừa được tạo ra từ cách miêu tả cụ thể, chính xác.

Alice Munro quan tâm nhiều đến thân phận con người, đặc biệt là những người vong thân, mất phương hướng, những người bị ném vào dòng hiện sinh và trở nên lệ thuộc sự sống trong khát vọng vượt thoát khỏi những giới hạn. Sự bình dị trong mỗi truyện ngắn có lẽ trước hết là do Alice Munro là nhà văn nữ. Cảm thức nữ giới khiến Alice Munro nhìn cuộc đời, nhìn số phận của con người trở nên trầm buồn, sâu lắng và nhiều tầng bậc ngầm ẩn thông qua một diễn ngôn đầy thi tính.

Nhân vật trong tập truyện này là những con người gần gũi, bình dị đến mức chúng ta có thể gặp họ trong bất cứ một không gian nào và trong bất cứ một khoảnh khắc nào. Đó là đôi vợ chồng già với nhiều âu lo, người quân nhân giải ngũ, cô giáo trong trại lao, người đàn ông tật nguyền vừa khước từ vừa khát khao đời sống... Tất cả các nhân vật đều đứng trước những sự lựa chọn để tồn sinh, đôi khi họ mạnh mẽ dấn thân nhưng đôi khi họ mất phương hướng, phó mặc cho cuộc đời, cho sự dìu dắt của số phận. Sự nắm bắt tâm lý nhân vật của Alice Munro cũng hết sức tinh tế. Những xáo trộn của các nhân vật trước ngoại cảnh, trước sự ứng xử của tha nhân được tác giả miêu tả và khai thác một cách khéo léo và đầy tự nhiên như chính cuộc đời và lòng người không ngừng vận động trong vô vàn những xúc cảm khác nhau, trái chiều với nhau. Alice Munro thường đẩy đến tột cùng và xoáy sâu vào những thay đổi cảm giác của nhân vật trước một tình tiết, một sự vụ đôi khi nhỏ nhặt nhưng có sức tác động lớn đối với chúng ta trong cách quan sát đời sống bằng sự im lặng, tỉ mỉ và kiên nhẫn nhất có thể.

Dưới chiều sâu của từng câu chữ, truyện ngắn của Alice Munro không hề đơn giản, thông thường, nhà văn này hay lồng nhiều câu chuyện vào nhau trong một truyện ngắn khiến sự phức tạp của vấn đề được đẩy lên cao hơn. Nếu xem một truyện ngắn của nữ nhà văn này là một chuyến đi thì trước khi tới đích cần phải tới, chủ nhân của cuộc đi đó thường hay rẽ vào những ngã rẽ khác, gặp khung cảnh khác, nhân vật khác, sự kiện khác, không gian ngoại cảnh và không gian tâm lý khác... khiến cấu trúc của truyện đa dạng, nhiều sự chằng chéo và mở ra nhiều biên độ tưởng tượng được bao chứa trong một không gian tổng thể. Khi đã đi qua nhiều ngã rẽ, chủ nhân của cuộc đi quay trở lại với lộ trình chính và cứ thế, cuộc đi nối tiếp nhiều cuộc đi cho tới khi tác phẩm hoàn tất.

Dịch giả Nguyễn Đức Tùng cho rằng: “Alice Munro viết về đời sống những người bình thường với ngôn ngữ giản dị, trong trẻo, đẹp. Nhưng đó là bề ngoài, dễ gây ngộ nhận. Thật ra văn của Alice Munro không hời hợt. Người đọc cần chú tâm đến từng dấu hiệu mà bà để lại dọc đường. Bên trong là sức mạnh của sự phân tích các xung đột, sự nghiêm khắc với thói dung tục, tính hài hước, lòng trắc ẩn. Truyện của bà biểu hiện một nghệ thuật quan sát và mô tả thực, có khi tường tận một cách cố ý. Nhưng đằng sau bản mô tả khách quan ấy, đằng sau bức tranh về một cảnh vật cụ thể và sinh động, bản tường trình về cuộc đời, người đọc cảm nhận có một điều gì khác nữa, như một hiện thực thứ hai.”

Với mười bốn truyện ngắn trong tập sách này, chúng ta vững tin hơn về giá trị đời sống trong nghệ thuật, cụ thể là trong văn chương. Văn chương và nghệ thuật sẽ không thể nảy mầm và gieo vào lòng đất những hạt giống vững chắc nếu không có đời sống, không bắt nhịp sự vận động của đời sống. Hay nói như Raymond Carver, một trong những bậc thầy của truyện ngắn đương đại Mỹ, người mà theo Robert Houston thì nói về truyện ngắn “có lẽ khó ai qua được Raymond Carver”, thì cuộc sống, bao giờ cũng thế, phải luôn luôn là cuộc sống. Truyện ngắn của Munro gắn với nơi mà nhà văn đang lưu trú bằng một lối viết hiện thực, hầu như ít thấy bóng dáng của sự hư cấu, siêu hư cấu mà chính hiện thực cuộc sống luôn chảy âm thầm và mãnh liệt qua tâm thức nhạy bén của một nữ nhà văn lặng lẽ. Munro từng nói rằng: “Tôi muốn kể những câu chuyện theo cách cũ, điều chắc chắn sẽ xảy ra với ai đó nhưng tôi muốn điều đó được chuyển tới độc giả bằng những cách tiếp cận mới. Tôi muốn người đọc cảm thấy một câu chuyện cũ nhưng vẫn rất đáng ngạc nhiên. Đó là cách mà tôi cảm thấy mình có thể truyền tải tốt nhất qua mỗi cuốn truyện ngắn.”

Để thấy được những vẻ đẹp trong văn chương của Alice Munro thì vai trò của người chuyển ngữ rất lớn. Dịch giả Nguyễn Đức Tùng là người am hiểu về con người, văn hóa, ngôn ngữ, địa lý, chính trị, kinh tế Canada, vì thế sự chuyển ngữ của ông hết sức tinh tế, giúp người đọc Việt Nam cảm nhận được nhiều hơn và sâu hơn những vẻ đẹp ẩn mật trong truyện ngắn của Alice Munro. Nguyễn Đức Tùng ngoài công việc dịch thuật còn là một người viết đa dạng thể loại với thái độ làm việc chuyên nghiệp. Những ấn phẩm của ông gần đây như: Thơ đến từ đâu (2009), Đối thoại văn chương (2012); Thơ cần thiết cho ai (2015) là những nỗ lực không mệt mỏi của ông trên con đường truy vấn giá trị thực sự của thi ca.

L.V.P
(SH322/12-15)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thoáng Mỹ… (03/11/2015)