Nhìn ra thế giới
Làm sao văn học khả hữu?
09:05 | 19/02/2016

LGT: Tiểu luận “Làm sao văn học khả hữu?” dưới đây là văn bản phê bình văn học đầu tiên của Maurice Blanchot được ra mắt vào năm 1941 trên Nhật báo tranh luận (Journal des débats).

Làm sao văn học khả hữu?
Maurice Blanchot - Ảnh: internet

Đi từ lý thuyết về ngôn ngữ và văn học của Jean Paulhan, tiêu biểu là từ các công trình như: Jacob Cow le Pirate ou Si les mots sont des signes (Jacob Cow tên cướp biển hay là Nếu từ ngữ là những ký hiệu, 1921), Les Fleurs de Tarbes ou la Terreur dans les lettres (Những bông hoa xứ Tarbes hay là Tình trạng Khủng bố trong văn chương, 1936), Clef de la Poésie (Chìa khóa của Thi ca, 1945), Blanchot đã đưa ra những nhận định sáng giá về bản chất của sáng tạo văn học. Làm sao văn chương có thể tồn tại một khi bản thân nhà văn luôn bị ám ảnh bởi việc chống lại những khuôn mẫu, những luật lệ, những dạng thức để tránh sự lặp lại, lối nói suông. Một cách nghịch lý, theo tác giả của tiểu luận là: tư tưởng, để trở về với cội nguồn của nó lại “buộc phải phục tùng lối nói suông, các quy ước, các khuôn mẫu của hành ngôn”. Trung tâm của phương cách diễn giải mà Jean Paulhan trình xuất trong cuốn Những bông hoa xứ Tarbes, theo Blanchot, chính là ở chỗ: tác giả không còn suy xét về phạm trù hành ngôn xung quanh tư tưởng, mà hướng đến một cơ chế khác, tinh tế và phức tạp hơn, đó là, tư tưởng, để tìm lại được bản chất đích thực của mình, buộc phải chuyển vận xung quanh hành ngôn.
SÔNG HƯƠNG



MAURICE BLANCHOT


Có hai cách để đọc Những bông hoa xứ Tarbes1 của Jean Paulhan. Nếu chúng ta tự thỏa mãn với việc tiếp nhận ở bề mặt của văn bản, bám theo những điều chỉ dẫn trong đó, hứng thú với những suy ngẫm ban đầu mà nó mang lại, chúng ta sẽ phải trả giá cho cách đọc khá thoải mái và khuấy động tinh thần này; không có gì tài tình hơn cũng như không có gì vừa ý một cách mau lẹ hơn lối viết và cách diễn giải của tác giả khi ông phán đoán về một số quan niệm văn học liên quan, vừa có sức hấp dẫn, nhưng lại vừa có tính chất đả phá; chúng ta nhận lấy những dư âm của cảnh tượng này, một cách thích thú và bình tâm. Nhưng, sau một vài khoảnh khắc, những ngờ vực liền xuất hiện; cần phải suy ngẫm kỹ càng; những ám dụ được che đậy bởi sự minh bạch, những đan xen đa dạng của hình thức, sự kết luận có tính chất huyền bí đã dần dần buộc chúng ta phải tư duy. Cuốn sách mà chúng ta vừa tiếp cận, có phải là cuốn sách thực sự cần phải đọc? Nó có phải như là những gì hiển thị ở bề mặt? Hay là nó chỉ tồn tại để che giấu một cách trớ trêu một tiểu luận khác, hóc búa hơn, mạo hiểm hơn mà chúng ta có thể mường tượng được hình bóng và sự tham vọng của nó? Vậy là cần phải đọc lại, nhưng sẽ thật hão huyền nếu tin rằng Jean Paulhan sẽ để lộ những bí mật. Sự khó khăn này thử thách chúng ta, và điều đáng quan tâm ở đây là, chúng ta được phép thâm nhập vào mối tương quan của những vấn đề quan trọng mà tác giả đề cập nhưng ông ta chỉ chấp thuận cho chúng ta nhận ra một sự thiếu vắng mà thôi.

Cuốn sách thứ nhất, cuốn sách hiển thị, được dành cho việc truy xét quan niệm về phê bình mà cần gọi nó là phê bình khủng bố [critique terroriste]2. Theo quan niệm phê bình này, quan niệm đã chi phối văn chương từ một trăm năm mươi năm nay, rằng văn chương có phận sự đấu tranh chống lại những điều sáo rỗng và chống lại điều này biểu hiện dưới các hình thức đa dạng hơn như những khuôn mẫu, những luật lệ, những dạng thức, những luật “duy nhất”3. Bất cứ nhà văn nào, khi từ bỏ những sáo ngữ và những qui ước đều nhanh chóng đoạn tuyệt với việc biểu lộ tư tưởng của mình, không những thế, họ còn tìm kiếm những liên đới có tính chất nguyên sơ, sự tươi mới của thế giới và xem đó như là cứu cánh của mọi nghệ thuật; anh ta trở thành nạn nhân của từ ngữ, linh hồn của sự lười biếng và trơ ì, nô lệ của các khuôn mẫu có sẵn, những yếu tố chế ngự tư tưởng của anh ta bởi một uy lực hèn hạ. Điều này mang tính qui luật. Sự sáo rỗng biểu lộ một trí năng vừa lãnh đạm vừa ngoan ngoãn, vừa trơ ì vừa chai sạn, phó mặc cho một thứ ngôn ngữ mà nó không còn đồng hành nữa. Chúng ta trách cứ gì khi con người sinh ra là để phụng sự những từ như tự do, dân chủ, trật tự một cách không dè dặt? Chúng ta tố cáo đó là lối nói suông. Cũng như khi nhà văn đã bỏ mặc mình trong việc đi đến với những sáo ngữ. Anh ta bị cám dỗ bởi những lời nói mà anh ta không còn vâng phục ý nghĩa của chúng nữa. Một bí mật về sự nhu nhược của ngôn ngữ mà anh ta mắc phải làm cho anh ta không thể cưỡng nổi.

Quan niệm phê bình này, nói một cách ngắn gọn, với Victor Hugo là sự loại bỏ “tu từ học”, với Verlaine là quá trình vô hiệu hóa “thuật hùng biện”, với Rimbaud là sự phá vỡ “thi pháp của sự quên lãng”, nó cũng dung hòa một cách lý thú giữa Sainte-Beuve, Taine và chủ nghĩa siêu thực bởi một sự hạ thấp phẩm cách của từ ngữ và bởi phần ân huệ mà nó mang lại cho cội nguồn của tư tưởng. Nó được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng bởi Jean Paulhan, nhưng thử hỏi làm sao nó [phê bình khủng bố - ND] có thể làm lung lay sự quả quyết ông ta sau khi nó đã ngự trị trong ông ta bởi những nền tảng quá vững chắc. Nhưng chỉ cần một vài sự nhìn nhận, và hơn nữa, đúng ra là, một sự khám phá chính yếu thì sau đó chúng ta sẽ phân định được đâu là tính chất cốt yếu của vấn đề. Sự quan sát ở mức độ phôi thai đã mang lại những nhận định sai lầm về tình trạng Khủng bố. Thật không đúng khi cho rằng việc sử dụng những lời sáo rỗng như là dấu hiệu của sự lười biếng và ít ra là lối nói suông. Phải chăng không có những nhà văn sáng tạo ra những sáo ngữ, không những họ không bị chúng chế ngự mà lại còn khám phá chúng và kiến giải chúng bởi một phương tiện uyển chuyển hơn trong năng lực thu nhận, tự nhiên hơn trong sức tưởng tượng? Phải chăng không có những nhà văn sử dụng những điều sáo rỗng, ý thức được họ đang sử dụng chúng và, chưa hề nghĩ đến việc mất đi ở đó thần thái của diễn ngôn, tức anh ta chỉ phụng sự cho thứ ngôn ngữ này bởi vì anh ta quá cực nhọc để ngăn cản sự chú ý và biểu thị trong chiều kích mà anh ta phải diễn giải. Những sáo ngữ được dành cho việc thoát khỏi sự chú ý. Những hình ảnh, những từ ngữ không còn được tính đến. Ngôn ngữ phác họa ở đó một tập hợp vô hình và vắng mặt.

Thực ra, tất cả sự buộc tội dành cho tình trạng Khủng bố được đặt trên một ảo tưởng đơn nhất về cách nhìn nhận. Thật đúng là phần lớn những điều sáo rỗng được dùng để tạo ra hiệu lực trong việc bao vây tinh thần của từ ngữ, chế ngự từ ngữ về những mối bận tâm thái quá và hình thức âm thanh của chúng. Nhưng tai họa này không được tạo ra bởi tác giả, mà chính người đọc là đối tượng tạo ra nó, người đọc, khi đối diện với tất cả những điều sáo rỗng buộc phải tự vấn rằng: lối diễn đạt này có giữ được sức mạnh tự nhiên, hiệu lực nguyên thủy của bản thân nó hay không? hay nó chỉ là một sáo ngữ, chỉ là phép khoa trương? Vậy là người đọc bị vướng mắc bởi các vấn đề của ngôn ngữ, bị bủa vây trong một mạng lưới của lời nói, điều mà không cho phép anh ta hiện hữu trong thiên hướng của tinh thần, một cách đích xác là ở giữa lối nói suông. Nhưng sự Khủng bố có thể chứng tỏ được không, như nó đã thực thi, rằng tai họa đến từ xu hướng tiếc nuối của nhà văn khi anh ta nhượng bộ cho từ ngữ? Thực tế lại trái ngược hoàn toàn. Tác giả đã không còn bận tâm về sự hành ngôn nữa! Người đọc sẽ bớt ưu tư về điều đó. Trong khi viết ai mà chẳng chú ý đến số phận của lời nói ở đối tượng tiếp nhận nó và mục đích là chỉ để nhằm tạo ra cho người đọc một sự chú ý về nó. Bằng sự khám phá ra tính chất ảo tưởng này, Jean Paulhan có thể dễ dàng hoàn trả tình trạng Khủng bố trở về với vị trí của nó, chỉ rõ sự khuyết thiếu và chỉnh đốn những thái quá của nó bằng việc mang lại cho nó một sự hoàn hảo. Chúng ta có thể phê phán sự sáo rỗng điều gì? Hiện tồn từ một tình trạng không thể lĩnh hội được, một lối diễn đạt bấp bênh, ngữ nghĩa có tính chất hai mặt, không cố định, sự hiển nhiên thông thường, lại không phải là tình trạng hiện hữu của những điều sáo rỗng. Tất cả những khiếm khuyết khởi phát từ đó. Thật nghiêm trọng chính vì những điều sáo rỗng quá phổ biến này có vẻ như là những phương tiện hoàn hảo của sự trao đổi và thực tế chúng là những công cụ hỗn độn và có tính chất nước đôi. Nhưng phương cứu chữa lại là ở đó. Bởi sẽ không có gì khiếm khuyết ở những sáo ngữ này nếu chúng biểu thị với tư cách như là những sáo ngữ. Vậy nên chỉ cần tạo ra tính phổ biến cho những sự sáo rỗng và hoàn trả cho nó cách sử dụng vốn có của những luật lệ, những dạng thức và tất cả những qui ước khác nối tiếp nhau trong cùng một số phận. Nếu nhà văn sử dụng nó như thể là sự thích hợp của những hình ảnh, của những sự thống nhất, của sự bí hiểm, nghĩa là những phương tiện làm mới tu từ học, anh ta có thể nhận ra hành ngôn có tính khách quan và vô hại mà anh ta tìm kiếm, điều duy nhất cho phép anh ta hiện hữu chính là vì anh ta có mối liên đới với sự tươi mới nguyên sơ của thế giới và anh ta chính là nó.

Đó gần như là kết luận của Jean Paulhan. Nhưng, đạt đến giới hạn này, người đọc có sự lựa chọn giữa hai sự dẫn dắt có khả năng xảy ra. Anh ta có thể thỏa mãn về những gì mà anh ta đã thấu hiểu văn bản đó và điều cốt yếu đã đáp ứng đủ cho sự lưu tâm của anh ta. Giờ thì chẳng phải tất cả mọi thứ đã rõ ràng? Phải chăng còn một hồ nghi, điều chưa được làm sáng tỏ? Chúng ta đòi hỏi gì ở Jean Paulhan và chờ đợi điều gì từ tác giả một khi ông ta đã dự tính tất cả? Nhưng, nếu chú ý, người đọc sẽ tìm thấy ở phần cuối của tác phẩm, ở khoảnh khắc mà anh ta thật sự hài lòng, một sự chối bỏ, điều làm cho anh ta lo lắng và buộc anh ta phải trở lại hành trình đọc của mình. Anh ta đọc lại và dần dần, bị thuyết phục rằng hiện hữu sau những sự khẳng định đầu tiên mà anh ta tự thỏa mãn là một bí mật mà anh ta cần đạt tới, anh ta thử đi sâu hơn nữa, tìm kiếm bằng sự tính toán để có thể khám phá được cuốn sách đích thực mang lại cho mình. Trước hết, anh ta suy ngẫm với mục đích thâm nhập và nếu có thể sẽ hủy triệt văn bản bề mặt, thứ đã gây ra một sự chú ý quá mức đối với anh ta, để làm nên những lý lẽ chống lại sự khẳng định ban đầu. Không quá mạo hiểm để anh ta có thể thử nghiệm điều đó. Đâu là giới hạn cuối cùng của sự Khủng bố này? Làm sao nó đã có thể thu thập được quá nhiều trạng thái tinh thần quá khác biệt, gần như đối lập hoàn toàn? Sự nhìn nhận đầu tiên là, chúng ta phân biệt giữa những tác nhân Khủng bố hai kiểu nhà văn dường như rất cách xa nhau trong quan niệm về ngôn ngữ. Theo kiểu nhà văn thứ nhất, ngôn ngữ được dùng để thực hiện sứ vụ biểu đạt một cách đích xác tư tưởng, tức để làm nên một sự truyền đạt trung thực, để phục tùng anh ta như công cụ tối cao mà anh ta thừa nhận. Nhưng, đối với kiểu nhà văn khác thì, sự diễn đạt chỉ là danh phận tầm thường của ngôn ngữ đời thường; thiên chức thích đáng của ngôn ngữ không phải là để biểu đạt và biện giải mà là để giao tiếp, không phải để biểu lộ mà là sự tồn tại của bản thể [être]; và sẽ thật là phi lý khi xem ngôn ngữ chỉ như là một hình thức trung gian, một tác nhân nghèo nàn: nó có một hiệu năng đặc thù mà thiên chức của nhà văn chính là khám phá và phục hưng nó. Vậy là, dường như, hai hệ tinh thần rất khác nhau. Đâu là điểm chung giữa chúng?

Chắc rằng đa phần chúng ta thoạt tiên sẽ không tin điều đó. Hãy trở lại với kiểu nhà văn cổ điển để xem xét. Viết với họ là để biểu thị tư tưởng thông qua phương tiện của diễn ngôn, thứ không buộc phải chế ngự bởi sự chú ý, mà thậm chí nó buộc phải tự tiêu tan ở khoảnh khắc mà nó hiển thị, dù sao đi nữa bổn phận của nó là không được vứt bỏ bất cứ hình bóng nào về cuộc sống sâu thẳm này mà nó đã mặc khải. Do đó, mục đích duy nhất của nghệ thuật là phát giác ra một thế giới bên trong thế giới này, đồng thời giữ vững tính nguyên sơ cho những ảo ảnh hiển nhiên và qui chung lại đó là một thứ hành ngôn chưa được hoàn tất và chứa đựng những mâu thuẫn. Nhưng những nhà văn khác muốn điều gì hơn, khi họ khước từ yêu sách về một thứ ngôn ngữ văn chương được dùng giống như ngôn ngữ đời thường; hay họ yêu sách về ngôn ngữ bằng những phương cách khác? Cũng với họ, viết là để biện giải sự huyền bí và biểu thị tầng sâu thẳm của tư tưởng, [người viết - ND] luôn canh cánh việc xua đuổi thứ ngôn ngữ có nguy cơ thực thi giống với ngôn ngữ thực dụng, một cách ngắn gọn có nghĩa là biểu đạt bằng một thứ ngôn ngữ không phải là công cụ của sự diễn đạt và ở nơi đó, lời nói không thể mang lại một sự tiêu hao và tính chất nước đôi nào của đời sống thường ngày. Thiên chức của nhà văn, trong cả hai trường hợp, là để làm nên sự nhận biết về một tư tưởng đích thực - bí ẩn hoặc chân thực - sự chú tâm quá mức vào từ ngữ, nhất là những từ ngữ sờn mòn của thường ngày, chỉ được biết đến như việc đặt mình vào tình trạng thảm họa.

Điều xác tín tạo nên quan hệ thân thuộc cho cả hai hệ tinh thần này chính là sự đồng nhất bản sắc trong số phận của chúng. Cả hai đều được dẫn dắt bởi sự chuyển vận trong yêu sách của chúng, đều hoàn tất bằng việc tạo ra một cuộc giải phẫu dành cho hành ngôn với tư cách như thế nào, thì văn chương được xem với tư cách như thế ấy, và chúng [hai hệ tinh thần - ND] sẽ bị suy nhược trong sự im lặng nếu chúng không được cứu rỗi bởi một ảo tưởng thường trực. Ở những bước đầu, Jean Paulhan đã chỉ ra một cách rõ ràng số mệnh của chúng. Ước muốn hiện thực hóa một hành ngôn đạt đến mức lí tưởng trong nhận thức và có tính chất hiển nhiên, nên chúng hướng đến việc rũ bỏ những điều sáo rỗng, điều đó đã tạo ra sự rối loạn trong cách hiểu về những tư tưởng; và để trục xuất những từ ngữ có tính chất qui ước, tóm lại là để xua đuổi những từ ngữ có tính chất tự thân, chúng theo đuổi một cách vô ích sự sáng sủa trong lối hành ngôn được cho là ở trong tận cùng của cõi hư vô, đã khiến cho chúng tiêu tan không vì một nguyên cớ gì. Tóm lại, chúng hoàn tất bởi việc hủy triệt hành ngôn với tư cách là một phương tiện biểu đạt thích đáng để đòi hỏi ở hành ngôn hiện hữu không gì khác ngoài một phương tiện biểu đạt. Ở bước thứ hai, chúng cũng được dẫn đến một sự đối kháng tương tự, bởi chúng được thừa nhận trước hết rằng ngôn từ không có giá trị gì trong việc biểu đạt, nhưng nó lại có giá trị lớn lao trong giao tiếp. Vậy nên, chúng đã trục xuất những từ ngữ, những dạng thức, những lối viết đặc trưng nhất của ngôn ngữ khi chúng vốn là một phương tiện của sự trao đổi hoặc là một hệ thống rõ ràng của sự thay thế. Nhưng yêu sách này chỉ có thể là tình trạng của sự hủy triệt. Nếu nó đã cho phép Mallarmé phục hưng những giá trị biến thiên của những từ ngữ nào đó, nếu nó đã mang đến cho ông ta những phương tiện để thám hiểm trong đó cái không gian nội tại ở đỉnh điểm của sự lộ diện một cách đích xác việc tạo tác ra chúng và khám phá chúng, thì nó buộc những ai đến sau ông ta phải gạt bỏ những từ ngữ tương tự như thể là đã bị biến chất bởi việc sử dụng, để trì hoãn sự khám phá này, làm cho chúng giống như một sự tầm thường hóa bởi thông lệ và hoàn trả chúng về với sự pha tạp của cộng đồng.

Một cách hiển nhiên, trong sự tìm kiếm khó nhọc về một quyền năng bằng sự áp đặt duy nhất bị biến chất, trong nỗ lực để làm tiêu tan sự mù mờ hay là tính tầm thường của từ ngữ, hành ngôn phơi bày một cách đích xác sự suy vong của nó. Và chúng ta cũng có thể phát biểu một cách tương tự như thế về văn học ở mức độ chung nhất. Những điều sáo rỗng, đối tượng của một sự tẩy chay tàn nhẫn, được dùng để cân bằng cho những qui ước của văn chương, dường như là những khuôn mẫu nhàm chán, những khuôn mẫu mà chính bản thân nó đóng vai là thành tích của các kinh nghiệm nội tại và, trên danh nghĩa này, còn lại một sự lạ lẫm cần thiết cho những bí mật tự thân mà chúng buộc phải giúp sức cho sự mặc khải. Vậy nên, nhà văn có sứ vụ phá vỡ những quy ước này, một thứ ngôn ngữ có sẵn, hỗn tạp hơn bất cứ điều gì khác. Nếu anh ta có thể thực thi điều đó, thì anh ta buộc phải tự giải thoát tất cả những hình thức trung gian mà thói quen đã ghi tạc và, làm hưng phấn người đọc, đặt người đọc một cách trực tiếp trong liên đới với thế giới huyền bí mà họ muốn khám phá, với điều sâu kín của siêu hình học, tín ngưỡng thuần túy mà sự đeo đuổi chính là vận mệnh đích thực của họ.

Mấu chốt của sự khảo sát mà Jean Paulhan dẫn dắt chúng ta vừa mới chạm đến sự hữu hình nhưng đã rất quả quyết, nó cho phép hình thành hai nhận định khá cốt yếu. Thứ nhất, là quan niệm mà chúng ta được biết đến để nhận ra dưới danh nghĩa sự Khủng bố không phải là một phạm trù mỹ học và phê bình nào đó; nó bao trùm gần như toàn bộ bề mặt của văn chương; nó thực sự là văn chương, hoặc ít ra là linh hồn của văn chương. Từ đó có thể kết luận rằng khi chúng ta kết án sự Khủng bố, bác bỏ nó hoặc chỉ ra những hậu quả xảy ra bởi sự logic của nó, là lúc chúng ta tra vấn về chính văn chương và thúc đẩy nó đi về cõi hư vô. Thứ hai, chúng ta buộc phải nhận ra đối với một số ngoại lệ cố hữu, những nhà văn kiểu này hay kiểu khác, ngay cả những kiểu nhà văn khắc nghiệt nhất và luôn canh cánh với tham vọng của họ, đều không từ bỏ được hành ngôn hay hình thái nghệ thuật của họ. Đó là một sự thực, văn chương thực sự tồn tại. Nó tiếp tục hiện hữu, bất chấp sự phi lý nội tại cư ngụ trong nó, chia cắt nó và bất chấp việc hoàn trả cho nó điều không thể quan niệm được một cách thích đáng. Có một thiên thần hộ mệnh ngự trị trong mọi nhà văn thúc đẩy anh ta phá tan và đưa tất cả những dạng thức văn chương vào phút lâm chung, chiếm giữ ý thức của anh ta về phẩm cách của người nghệ sĩ trong chiều kích mà anh ta đoạn tuyệt với sự hành ngôn và với văn chương, tóm lại, là sự truy vấn về một phương cách không thể diễn tả về điều mà anh ta thực thi và tình trạng mà anh ta hiện hữu. Làm sao, trong những cảnh huống này, văn chương có thể tồn tại? Làm sao, nhà văn là người có thể đồng nhất hóa mình trong tương quan với những người khác bởi một sứ vụ duy nhất mà anh ta tranh biện hiệu năng của hành ngôn và công việc đó đáng lẽ phải ngăn cản sự thai nghén một công trình viết, thì lại hoàn tất bởi việc sáng tạo ra những tác phẩm văn chương? Làm sao văn chương có thể tồn tại?

Để giải đáp câu hỏi ‘‘Làm sao văn chương có thể tồn tại?’’, nghĩa là để xem Jean Paulhan đã trả lời như thế nào, chúng ta cần phải bám sát sự chuyển vận dẫn đến chứng cứ để bác bỏ sự Khủng bố. Chúng ta thấy rằng, kiểu nhà văn thứ nhất đã đấu tranh chống lại hành ngôn bởi họ đã nhận ra ở đó một phương cách biểu thị có tính khuyết thiếu và bởi họ mong ước đạt đến một sự thấu hiểu viên mãn cho nó. Sự tham vọng này dẫn đến điều gì? Sáng tạo ra một hành ngôn đích thực, không sáo rỗng, tức là tạo ra vẻ bề ngoài cho sự hành ngôn không nhập nhằng về các mặt nghĩa, tức là không phô bày một thứ ngôn ngữ theo chiều kích thông thường nữa, tất cả được giải thoát ở sự lĩnh hội. Và chúng ta cũng đã nhận thấy rằng, với kiểu nhà văn khác, họ đấu tranh chống lại kiểu hành ngôn được xem như là phương tiện biểu đạt quá ư trọn vẹn hoặc quá ư hoàn hảo và do đó nó giống như một kiểu hành ngôn phi văn chương, và rằng, bởi yêu sách nhẫn tâm của họ, từ mối bận tâm về một sự thuần khiết không thể đạt tới, họ đổ xô vào việc truy tầm những qui ước, khuôn mẫu, luật lệ, thể loại, hoàn toàn ở ngoài quỹ đạo của văn chương, thật tuyệt diệu nếu họ đã có thể diễn tả một cách rõ rệt điều bí ẩn không lệ thuộc vào bất cứ dạng thức văn chương nào. Nhưng, giờ đây cần nói thêm rằng, những hậu quả này - sự bác bỏ hành ngôn, sự bác bỏ văn chương - không còn đơn thuần là việc phân biệt kiểu nhà văn này và kiểu nhà văn khác. Nó xẩy ra một cách tất yếu, rằng quá trình chống chọi với từ ngữ, rằng niềm khát khao lớn lao đến mức đã khiến cho họ không tính đến việc bỏ mặc tất cả quyền lực cho tư tưởng, rằng nỗi ám ảnh về sự vô tình của họ, đã gây nên một mối bận tâm quá mức về hành ngôn mà hậu quả chính là lối nói suông. Đó chính là một định mệnh có ý nghĩa, nó thật thảm hại nhưng cũng thật may mắn. Dù sao đi nữa, đó là một sự thực. Ai muốn không bận tâm đến lời nói trong mọi khoảnh khắc sáng tạo hay chỉ muốn nó hiển hiện ở những lúc anh ta chế tác ngôn từ thì lại không ngừng bận tâm về nó, như thể là, tất cả những tác giả khác, những ai đi tìm những điều sâu sắc nhất để tránh sự phê phán về lối nói suông lại là những đối tượng phơi bày một cách đích xác nhất của sự không thừa nhận này. Lẩn tránh hành ngôn, nó sẽ theo đuổi anh, như Jean Paulhan phát biểu. Theo đuổi hành ngôn, nó sẽ chạy trốn anh. Hãy nghĩ đến Victor Hugo, là nhà văn, bởi sự tuyệt vời trong nạn nhân của từ ngữ, là người đã thực thi tất cả những gì một cách đích xác để đánh bại tu từ học, đã nói rằng: “Nhà thơ không cần viết với những gì được viết ra (tức là với những từ ngữ) nhưng với linh hồn của anh ta và trái tim của anh ta”.

Cũng như vậy với những ai, bởi sự kỳ diệu của chủ nghĩa khổ hạnh đã có ảo tưởng loại bỏ tất cả nền văn chương. Để có được ý muốn thu dọn những quy ước và những hình thái, với mục đích chạm đến một cách trực tiếp thế giới huyền bí và tính chất trừu tượng sâu sắc mà họ muốn biểu lộ, cuối cùng thì họ lại thỏa mãn trong việc phụng sự thế giới này, sự huyền bí này, tính chất trừu tượng này như những qui ước và hình thái mà họ đã chỉ ra với sự thỏa mãn và đó là những yếu tố giúp họ thiết lập sự gắn kết giữa nền tảng hữu hình và quá trình của những tác phẩm. Jean Paulhan đã đưa ra những nhận định một cách quả quyết về phương diện này. “Những lâu đài lung linh huyền ảo, những vệt sáng trong đêm tối, những bóng ma và những giấc mơ (chẳng hạn) là những quy ước thuần khiết, như vần điệu và quy luật tam duy nhất, nhưng đó là những quy ước mà người ta không ngần ngại nắm bắt cho những giấc mơ và những lâu đài mà đáng lẽ ra không hề một ai tin và nhận ra quy luật tam duy nhất đó”. Nói cách khác, với kiểu nhà văn này, siêu hình học, tôn giáo và những cảm thức chiếm giữ một vị trí quan trọng trong kỹ thuật và trong hành ngôn. Chúng là cả một hệ thống diễn đạt các thể loại và nói một cách ngắn gọn, đó là văn chương.

Vậy là chúng ta đã sẵn sàng đưa ra câu trả lời cho câu hỏi làm sao văn học khả hữu? Thực ra là bởi hiệu năng của một ảo tưởng có tính chất hai mặt, thứ ảo tưởng của kiểu nhà văn đấu tranh chống lại sự sáo rỗng và hành ngôn bằng những phương tiện chính chúng sinh ra hành ngôn và những lời sáo rỗng; thứ ảo tưởng của kiểu nhà văn khác, trong khi chối bỏi những qui ước văn chương, hay như chúng ta vẫn nói, với văn chương, họ làm hồi sinh nó, dưới một dạng thức (siêu hình học, tôn giáo,…) mà dạng thức đó không phải là của nó. Thế mà, chính từ ảo tưởng này và từ sự ý thức về ảo tưởng này mà Jean Paulhan, bằng một cuộc cách mạng mà chúng ta có thể xem như là cuộc cách mạng copernic, giống trường hợp của Kant, đề xuất gỡ bỏ sự trị vì của văn chương một cách rõ ràng và triệt để nhất. Trước hết, hãy ghi nhận rằng thoạt tiên cuộc cách mạng này là một sự táo bạo, bởi cuối cùng thì vấn đề đặt ra hồi kết thúc cho sự ảo tưởng cơ bản đã cho phép văn học tồn tại. Vấn đề là cần tỏ rõ cho nhà văn rằng anh ta chỉ đưa ra sự khai sinh cho nghệ thuật bởi một cuộc vật lộn vô ích và mù quáng chống lại anh ta, rằng tác phẩm mà anh ta tin rằng nó tách biệt với hành ngôn thông thường và thực dụng lại tồn tại nhờ vào sự phổ biến của hành ngôn nguyên sơ, bởi một sự chồng chất không thuần khiết và tầm thường. Trong khám phá này tồn tại những khía cạnh hướng về với tất cả sự im lặng của Rimbaud. Nhưng, tương tự như những gì đã diễn ra, với con người, rõ ràng rằng thế giới chính là sự trình chiếu về tinh thần họ, nó không phá hủy thế giới, mà ngược lại là sự bảo đảm cho nhận thức, biểu thị những giới hạn và chính xác hóa ý nghĩa, cũng vậy, với nhà văn, nếu anh ta biết rằng anh ta càng chống lại những lời sáo rỗng, thì anh ta càng phục tùng chúng, hoặc nếu anh ta nhận ra được rằng anh ta chỉ viết bởi sự cứu rỗi cho những gì anh ta ghét bỏ, thì anh ta có cơ hội để thấy rõ hơn sự rộng mở trong quyền năng của mình và đó chính là những phương cách để anh ta hiện hữu. Dù sao đi nữa, thay vì bị chi phối một cách vô thức bởi từ ngữ, hoặc là bị điều khiển một cách gián tiếp bởi những luật lệ (vì sự khước từ những luật lệ của anh ta làm cho anh ta phụ thuộc vào chúng), anh ta sẽ đi tìm sự tự chủ về từ ngữ. Thay vì tuân thủ những lời sáo rỗng, anh ta sẽ làm ra nó và dẫu biết rằng anh ta không thể đấu tranh chống lại văn chương, dẫu biết rằng anh ta chỉ gạt bỏ những quy ước để chấp nhận một sự cưỡng bức, nhưng anh ta sẽ thu nhận những khuôn mẫu, không như một đường nét giả tạo chỉ dẫn con đường tiếp theo để khám phá thế giới, mà như những phương cách của sự khám phá và qui luật trong sự tiến triển của anh ta giữa sự tối tăm nơi không có bất cứ phương hướng hay đường nét nào.

Giờ đây, thử suy xét một bước cuối cùng để không đi quá xa vấn đề. Jean Paulhan đã chỉ ra rằng, nhà văn, là người chỉ bận tâm duy nhất đến tư tưởng mà anh ta muốn biểu đạt hoặc thông giao, và bởi nguyên do thù nghịch với những lời sáo rỗng và những qui ước, đã tự giam hãm mình trong im lặng hoặc chỉ thoát ra khỏi đó bởi một ảo tưởng thường trực. Vậy nên, Jean Paulhan thôi thúc trình xuất, trong quan niệm về tác phẩm, một sự ưu thế nào đó ở hệ thống biểu đạt ngôn từ và ở sự thỏa thuận về một dạng thức. Chúng ta nhận ra rằng, cuộc cách mạng copernic của ông ta là ở chỗ không còn suy xét duy nhất về phạm trù hành ngôn xung quanh tư tưởng, mà hướng đến một cơ chế khác, rất tinh tế, rất phức tạp, đó là việc ông ta đi đến kết luận rằng, tư tưởng, để tìm lại được bản chất đích thực của mình, buộc phải chuyển vận xung quanh hành ngôn. Chúng ta hãy dừng lại ở nhận định này và để xem nếu chúng ta có thể giải thích điều đó một cách khác đi. Trong suốt những phần khác nhau của quá trình nghiên cứu, Paulhan đã chấp thuận - với một sự phục tùng theo lẽ thường nhưng ẩn giấu một cạm bẫy có thể nhận ra - sự phân cách truyền thống giữa ký hiệu và sự vật, giữa từ ngữ và tư tưởng. Thực tế là, Paulhan, rất rõ tất cả những gì có tính chất võ đoán của sự đối lập giữa bản chất và hình thức và rằng, như theo phát biểu của Paul Valéry, thì tất cả những gì chúng ta gọi là bản chất chỉ là một hình thức không thuần khiết, điều đó dẫn ông ta đi vào những dự tính có tính chất nước đôi này và ông ta không tìm kiếm để hủy triệt nó. Bởi nếu ông ta đã hủy triệt nó, chúng ta sẽ thấy một cách rõ ràng rằng ông ta thấu hiểu được bởi tư tưởng, không phải bởi một tư tưởng thuần túy (bất cứ tư tưởng nào nhận thấy được đều là sự hành ngôn đầu tiên), nhưng bởi sự hỗn độn của những từ ngữ riêng lẻ, của câu chữ phân mảnh, sự biểu đạt đầu tiên, ngẫu nhiên - và bởi sự hành ngôn của một lối diễn đạt quy củ, hệ thống ngăn nắp của những qui ước và của những lời sáo rỗng. Vậy nên quan sát này cho phép chúng ta phát biểu rằng, với Paulhan - ít nhất là trong cuốn sách mà chúng ta cho là bí ẩn này - tư tưởng, để trở về với cội nguồn của nó, nghĩa là từ bỏ cái thứ nhất và buông ra thứ y phục đã bóp méo nó, buộc phải phục tùng lối nói suông, các qui ước, các khuôn mẫu của hành ngôn.

Trong suốt tiểu luận, Jean Paulhan đã không quy chiếu đến cuốn sách của ông ta, nhưng đã nuôi nấng dự định này, cuốn Quý cô và những chiếc gương soi4, từ cuốn sách này, Paulhan nhận định rằng một nghiên cứu thích đáng của sự diễn dịch sẽ khơi dậy một phương pháp để đi đến bến bờ của tư tưởng đích thực. Bởi quá trình diễn dịch này cho phép nhận biết sự biến chất đặc thù nào ở việc biểu thị của hành ngôn giúp ích cho tư tưởng; chỉ cần trù tính dạng thức thay đổi nào thì chủ thể diễn dịch có thể chế ngự một cách cần thiết ở văn bản mà anh ta diễn dịch, sau đó tưởng tượng trong văn bản khởi thủy những thay đổi tương tự để đưa lên một cách hoàn hảo những tư tưởng mà hành ngôn sở hữu và bảo toàn cho suy nghĩ. Vậy nên, theo ghi nhận về những gì thường xuyên diễn ra, hóa ra, hiệu lực gần như quen thuộc của tất cả mọi sự diễn dịch chính là mang lại một sự tin chắc rằng văn bản được diễn dịch sẽ hình tượng hơn, cụ thể hơn thứ ngôn ngữ mà sự diễn dịch diễn ra trong đó. Chủ thể diễn dịch phân tách sự lặp lại [những sáo ngữ - ND] của văn bản, giải thích chúng như những phép ẩn dụ biểu cảm và, để không thay thế chúng bằng những từ ngữ đơn giản nhưng trừu tượng (sẽ là một sự biến dạng khác), diễn dịch chúng như những hình tượng cụ thể và ý nhị. Vậy là đã rõviệc suy nghĩ đã bóp méo tư tưởng khởi thủy như thế nào. Tư tưởng tức thời, thứ mà theo quan niệm của chúng ta là sự nhận thức, một quan niệm đã hủy triệt nó, chính là sở hữu của những gì mà chúng ta có thể gọi là sự lặp lại, sự sáo rỗng hay là nhịp độ của chúng. Nó [tư tưởng - ND] là sự giả tạo và độc đoán, sự không thuần khiết và có tính chất quy ước. Chúng ta chỉ nhận ra được điều đó bằng cái nhìn của chính chúng ta mà thôi. Nhưng bù lại, nếu chúng ta phục tùng những khuôn mẫu của tu từ học, nếu chúng ta làm rạn nứt sức chú ý bởi nhịp độ, vần điệu và sự xếp đặt của những con số, chúng ta có thể hy vọng thấy được sự biểu lộ của tinh thần ở những sự lặp lại và những sự sáo rỗng của chúng, hợp nhất sự mới lạ cho linh hồn mà nó vốn bị phân tách. Tư tưởng lại trở nên thuần khiết, lại là sự tiếp xúc nguyên sơ và trong trắng, không phải ở tình trạng riêng lẻ của từ ngữ mà trong phép màu của lời nói, bởi sự hoạt động của những sáo ngữ, thành tố duy nhất có khả năng lấy lại những sự tiệm biến của suy nghĩ.

Chúng ta có thể mơ về tư tưởng này, yếu tố đã tự biểu lộ trong những quy ước và tự cứu rỗi mình trong sự cưỡng bức. Nhưng đó chính là bí mật của hành ngôn, như những gì còn ẩn giấu của Jean Paulhan. Vấn đề còn lại là, chỉ cần quan niệm rằng những sự sáo rỗng đích thực chính là những lời nói bị chia xé bởi tia chớp và sự khắc nghiệt của luật lệ thiết lập nên một thế giới tuyệt đối của sự biểu hiện mà ngoài nó ra tính ngẫu nhiên chỉ là sự ngưng trệ.

Nguyễn Quốc Thắng dịch
Nguồn: Maurice Blanchot, Comment la litterature est-elle possible?, Journal des débats, 25 Novembre 1941, p.3 et 2 Décembre 1941, p.3.
(SH323/01-16)


.............................................
1. Nguyên văn tiếng Pháp “Les Fleurs de Tarbes ou La Terreur dans les Lettres” - Jean Paulhan, Paris: Gallimard, 1941 - ND.
2. Xin xem thêm phân tích của Maurice Blanchot về tình trạng Khủng bố trong văn chương Pháp ở Tiểu luận “Tình trạng Khủng bố trong văn chương” (La Terreur dans les lettres), Nguyễn Quốc Thắng dịch, Tạp chí Sông Hương, số 321, 2015 - ND.”
3. Ở đây là luật “tam duy nhất” của kịch cổ điển (règledes trois unités du théâtre classique), bao gồm: en un jour (l’unité de temps): trong một ngày (duy nhất về thời gian), en un lieu (l’unité de lieu): trong một nơi (duy nhất về không gian), un seul fait (l’unité de l’action): trong một sự việc (duy nhất về hành động) - còn được dịch là luật “tam nhất trí” hoặc luật “tam thống nhất” - ND.
4. Nguyên văn tiếng Pháp “La Demoiselle aux miroirs” - Jean Paulhan, Paris: Mesures, 1938 - ND.






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thoáng Mỹ… (03/11/2015)