Nhìn ra thế giới
Văn học có giới tính không
15:39 | 13/09/2016

Nữ văn sĩ nổi tiếng Chilê, Isabel Allende (Isabên Agiênđê) trả lời phóng viên tạp chí Cuba International (1987) trong chuyến đi thăm Cuba của bà.

Văn học có giới tính không
Ảnh: internet
Tổng thống B.Obama trao Huân chương Tự do Tổng thống (presidential medal of freedom) cho bà Isabel Allende năm 2014
Bà Isabel Allende và Đức Dalai Lama 14

Isabel Allende là cháu họ của cố tổng thống Agiênđê của Chilê. Bà là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất Chilê hiện nay. Tiểu thuyết đầu tiên của bà "Ngôi nhà của những hồn ma" xuất bản năm 1982 đã dịch ra 27 thứ tiếng và đã có trên ba triệu bản in. Cuốn sách nổi tiếng này cũng vừa mới được dịch sang tiếng Việt. Quyển thứ hai "Tình yêu và bóng tối" (1984) cũng nổi tiếng. Hiện nay bà đang viết cuốn thứ ba "Eva Luna". Ngoài ra bà còn viết nhiều bài báo và truyện ngắn, Isabel Allende là nhà văn đấu tranh không mệt mỏi cho quyền lợi phụ nữ và nhân quyền.


1. NGƯỜI TA GIÁO DỤC TÔI ĐỂ LÀM ĐÀN BÀ

- Là phụ nữ thời gian viết của chị có bị hạn chế không?

- Tôi có quan điểm văn học nhờ kinh nghiệm cuộc sống và tiểu sử của tôi. Nhưng chuyện tôi viết văn không quyết định bởi giới tính mà còn nhiều yếu tố khác. Là phụ nữ các đề tài không hạn chế. Tuy vậy người phụ nữ gặp nhiều khó khăn hơn đàn ông trong xuất bản, nhất là ở châu Mỹ la tinh, văn học chỉ dành cho đàn ông.

Trong những năm này tôi thấy mình cần phải cố gắng gấp đôi để có một nửa hiểu biết của một người đàn ông có thể thu được. Tôi sẵn sàng tiếp tục cố gắng như thế. Tôi đã nghiệm thấy niềm vui trong cuộc đấu tranh này, nhưng tôi không thể không công nhận nếu mình là đàn ông thì con đường của tôi chắc sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Người ta đã giáo dục tôi để làm đàn bà, và đó là một hạn chế. Những người phụ nữ tuổi tôi được đào tạo để làm người thứ yếu, làm người giúp việc cho người đàn ông: như y tá, thư ký, phụ giáo, bạn chồng... Họ đã lấy mất của chúng tôi bất cứ khả năng chúng tôi có thể một mình làm được. Họ giáo dục chúng tôi để làm vợ, làm mẹ và có thể làm một công việc gì đó không nổi bật, không sáng chói. Tôi cần phải đợi tròn 40 tuổi và chịu nhiều đau khổ mới biết được rằng điều tôi nói có người quan tâm. Nhưng tôi luôn có cảm giác không phải là như vậy. Điều này không vì tôi là phụ nữ mà vì sự giáo dục tôi nhận được.

- Nhưng nếu chị không là phụ nữ, thì cuốn "Ngôi nhà của những hồn ma" đã không được viết, ít ra là dưới hình thức này...

- Đúng thế, có thể là một cuốn sách khác. Đây là một cuốn tiểu thuyết viết theo quan điểm đàn bà, với thế giới quan riêng của tôi. Thế nhưng, bây giờ tôi tự hỏi: "Văn học có giới tính không?". Khi một nữ bác sĩ mổ không ai nói đó là kiểu mổ phụ nữ - và người ta không nói một nữ luật sư bào chữa theo kiểu đàn bà khi đứng trước tòa... Nhưng người ta lại nói về văn học nữ đấy. Nó như một sự phân biệt và anh biết vì sao không? Bởi vì một nữ văn sĩ khi làm việc với những ý nghĩ trong đầu, đã bị nhốt trong một mảnh đất thuộc đàn ông. Một người phụ nữ được người ta công nhận và khen ngợi cảm xúc, tình yêu và tình cảm của mình, luôn luôn giữ một khoảng cách thận trọng với lý trí và lôgíc. Chính trị, kinh tế, chiến tranh... đối với chị ta bị cấm đoán, mặc dù chị ta sống và chịu đựng chúng.

- Vậy thì chị không đồng ý với ý kiến về "cái tính nữ thần kỳ" khi đề cập tới các cuốn sách của chị sao?

- Đó là một cái tít đẹp, và tôi thấy chuyện các nhà phê bình và các giáo sư phác thảo ra những phân loại khác, vì nó mà họ sống là rất tốt. Tôi không muốn đề cập tới công việc của tôi. Tôi đã cố gắng. Mỗi tác phẩm của tôi tự nó kết thúc. Khi xuất bản cuốn "Tình yêu và bóng tối" người ta đã nói nó hoàn toàn không giống cuốn "Ngôi nhà của những hồn ma". Tôi tin rằng về cuốn "Eva Luna" người ta cũng sẽ nói như thế so với hai cuốn kia.

- Có những điểm gì chung giữa "Ngôi nhà của những hồn ma" và cuốn "Tình yêu và bóng tối"?

- Hai tác phẩm đều từ tôi mà ra. Ở hai tác phẩm có những chuyện lặp lại. Tất cả các nhà văn có những con ma của mình và làm việc với chúng. Trong trường hợp tôi những con ma ấy là bạo lực và tình yêu, ánh sáng tình yêu, ánh sáng và bóng tối của cuộc đời. Đối với chúng tôi bạo lực là một khả năng trước mắt, có thể đột nhiên rơi xuống đầu chúng tôi, đôi khi vì tình cờ. Ở châu Mỹ không ai hoàn toàn miễn trừ chịu đựng nó, bởi vì người ta hít thở trong cái châu lục này với những đặc tính nghèo nàn, bất bình đẳng xã hội, ngu dốt, bệnh tật, lạm dụng, trụy lạc, đàn áp, độc tài. Đó là mảnh đất của kẻ bị đày ải, bị tra tấn, bị theo đuổi, đàn bà bị hiếp dâm, trẻ con bị đem bán, những kẻ sống bí mật... Cái bạo lực đó đã gắn vào da thịt tôi và tôi tin rằng tình đoàn kết và tình yêu là hình thức duy nhất chống lại nó: tình yêu tự do, yêu chân lý, yêu đất nước, yêu gia đình, yêu lứa đôi...
 

Nguyên tác và bản dịch tiếng Việt tiểu thuyết "Ngôi nhà của những hồn ma" (La casa de los espíritus, 1982)

2. TÔI LÀ NGƯỜI RẤT XUNG ĐỘNG VÀ MÊ TÍN

- Trong "Ngôi nhà của những hồn ma" có thể đề cập tới những sự kiện đã xảy ra. Trong "Tình yêu và bóng tối" có ám chỉ tới một sự kiện thực: trong năm 1979, ở Longkên cách thủ đô Sangtiagô 60 km, đã xuất hiện trong một hầm mỏ bị bỏ hoang, một nghĩa địa bí mật. Ở đây cất xác 15 người nông dân bị lính cảnh vệ giết hại. Trong những tác phẩm này đâu là giới hạn giữa hiện thực và hư cấu?

- Tôi không biết. Khi tôi bắt tay thu thập các tư liệu cho một tác phẩm, khi bắt tay vào viết nó, có thể tôi đã vạch ranh giới giữa hiện thực và hư cấu có trong truyện của tôi, nhưng một khi kết thúc quyển sách tôi không thể phân biệt được chúng, bởi vì các nhân vật của tôi đã thấm vào tôi hiện thực của riêng họ, câu chuyện của riêng họ. Hơn nữa, hiện thực đôi khi rất huyền hoặc nhất là ở Mỹ la tinh nơi người nào không lớn lên ở đấy thì khó nhận ra. Trong nhiều năm tôi đã cắt những tin tức trên báo chí về một số sự kiện sau đó tôi dùng trong tác phẩm: chúng lạ lùng hơn bất cứ thứ gì mà nhà văn sáng tạo ra.

- Khi bắt tay vào viết một cuốn tiểu thuyết, chị đã thực hiện tất cả công việc nghiên cứu mà chị đã sao chép chưa?

- Đôi khi có. Trong những trang cuối cùng của "Ngôi nhà của những hồn ma" có nói tới đàn áp, tra tấn trong các nhà tù của Pinôchê, Anba đã bị tra tấn, hãm hiếp, sỉ nhục nặng nề và có một số nhân vật khác cũng có số phận như thế. Tôi đã tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn về tra tấn ở Chilê. Tôi nghĩ mình có nghĩa vụ phải thu thập những chứng cớ của những người bị tra tấn, có nghĩa vụ làm việc đó như một nhà báo, bởi vì tôi tin rằng một ngày nào đó nó sẽ có ích để đưa những tên đao phủ ra xét xử. Tôi đã tiến hành những cuộc phỏng vấn như thế với những người vừa ra tù để họ kể cho tôi nghe cuộc sống khổ cực, không có thời gian nghỉ ngơi... Thế rồi tôi cất tất cả các tài liệu ấy và dùng chúng, một ngày nào đó, trong tiểu thuyết của tôi. Còn trong "Tình yêu và bóng tối" lại xảy ra ngược lại.

- Một số trang trong tác phẩm của chị có giọng văn hoàn toàn báo chí. Nghề làm báo là gì đối với chị?

- Là nghề làm tôi hiểu được mình là một sinh vật xã hội, tôi thuộc một tập thể và tất cả những gì xảy ra xung quanh tôi quyết định đời tôi và do vậy tôi thích thú. Nghề báo đã dạy cho tôi tham gia bắt buộc tôi phải biết nghe và trang bị cho tôi những vũ khí cần thiết để tìm ra những sự thực bị che dấu. Hơn nữa nó thuyết phục tôi là lời nói không phải tự nó có một kết thúc, mà là một phương tiện thông tin. Từ đó khi viết tôi cố đạt tới hiệu quả thông tin, cố nắm lấy cổ nó.

- Chị tìm đề tài cho các tiểu thuyết của mình như thế nào?

- Tôi không tìm chúng. Chúng sống trong tôi rất lâu, nó thấm sâu vào lòng tôi, chúng lắng đọng qua năm tháng để cuối cùng nằm riêng một mình trên bàn viết.

- Và khi chị tin chắc hiệu quả của chúng, chị mất bao nhiêu thời gian để bắt tay vào viết một cuốn tiểu thuyết?

- Nhiều nhất là 20 phút. Tôi là người rất xung động và tôi không thích cái gì có thể làm bây giờ lại để sau này. Đôi khi tôi còn chưa có một ý tưởng thật rõ ràng điều tôi sẽ làm, nhưng tôi bắt tay vào viết với mọi hình thức vì điều giản đơn là tôi thích đắm mình trong câu chuyện. Thế nhưng tôi sẽ để lộ cho anh biết một chi tiết: tôi cũng rất mê tín và tôi chỉ bắt tay vào các dự án của mình vào ngày 8 tháng giêng. Một ngày như thế tôi đã bắt tay vào viết cuốn "Ngôi nhà của những hồn ma" và các cuốn tiếp theo tôi cũng bắt tay vào ngày tháng ấy.

3. CUỘC ĐỜI TÔI ĐÃ CÓ MỘT Ý NGHĨA KHÁC

- Phương pháp làm việc của chị là gì? viết bằng tay hay đánh máy chữ? Chị có chữa nhiều ở bản thảo không? Chị có viết nhiều bản cho một cuốn sách trước khi giao nó cho nhà xuất bản không?

- Tôi dùng máy Displey (máy tính điện tử hiện từ), điều này làm cho công việc của tôi nhẹ nhàng hơn và tôi chữa bản viết cho đến khi hoàn chỉnh... Làm như thế không phải lúc nào cũng tối ưu, bởi vì có nguy cơ câu chuyện trở nên khô cứng và mất vẻ tươi mát, tự nhiên. Mặc dù vậy tôi đã viết lại từng trang nhiều lần và không lạ gì là tôi đã làm hai hay ba bản viết của một cuốn sách cho đến khi tôi thầm nhủ: thôi, thế là xong. Lúc đó tôi mở một chai rượu trắng và chúc mừng kết thúc câu chuyện của tôi, mặc dù trong lúc này tôi biết mình còn phải mất gần một năm trong công việc bản thảo.

Tôi cảm thấy việc giới thiệu hay đọc cho những người thân một cuốn sách đang làm là bất chính. Nó giống như chuyện cởi truồng trước công chúng hay tồi tệ hơn. Tôi có các độc giả rất quan tâm chỉ đọc sách của tôi khi đã hoàn chỉnh. Đó là mẹ tôi, con gái tôi và gần đây là một người bạn. Họ đọc tách biệt nhau và qua riêng từng người tôi cũng nghe gợi ý của họ. Tôi luôn chấp nhận những gợi ý, mặc dù chúng đòi hỏi tôi một số sửa đổi trong điều tôi đã viết. Khi những sửa đổi đó làm xong, tôi chạy ngay tới nhà xuất bản giao bản thảo và cuốn sách của tôi bắt đầu sống cuộc đời của nó. Một chi tiết khác: tôi là người đánh máy bản thảo hoàn chỉnh đưa in.

- Có người nào trong các độc giả thân cận của chị tiên đoán thành tích của cuốn "Ngôi nhà của những hồn ma" không?

- Tôi tin không ai có thể hình dung nổi chuyện đó. Ví dụ mẹ tôi nói với tôi là câu chuyện này chỉ hay đối với gia đình ta thôi. Cả đến bây giờ, tôi không biết thành tích của cuốn tiểu thuyết này là do cái gì. Dù sao nó đã xảy ra xa tôi, ngoài phạm vi quyền lực của tôi, và cuộc sống bản thân tôi đã thay đổi ít sau khi xuất bản nó. Tôi chậm hấp thụ thắng lợi của nó và tôi không bị ảnh hưởng, mặc dù bây giờ tôi thích công nhận tầm cỡ của nó. "Ngôi nhà của những hồn ma" đã cho phép tôi bước vào cuộc sống của mọi người, của hàng triệu độc giả trên toàn thế giới cảm thấy tôi gần họ và cuộc sống và công việc của tôi có ý nghĩa khác.

- Chị có ý kiến gì về tác phẩm đã xuất bản này?

- Tôi không quay lại đọc nó. Nó đi khắp thế giới và việc nghĩ tôi sẽ vấp phải những sai lầm có thể có của nó làm tôi hoảng sợ. Viết là một nghề không học được, một nghề mà những kinh nghiệm hôm qua hầu như không dùng để giải quyết gì những vấn đề của hôm nay... Tôi không muốn nói với nghề viết này làm tôi đau đớn, làm tôi cảm thấy khắc khoải trước trang giấy trắng. Trái lại, nó làm tôi thích thú và có niềm vui vô hạn.

- Chị đã chọn tít sách của mình như thế nào?

- Khi viết "Ngôi nhà của những hồn ma", tôi đã đưa ra một bản danh sách các đầu đề. Tôi đã loại chúng bằng một đồng tiền tung lên trời cho đến khi còn lại cái tít này. Đầu đề cuốn sách thứ hai đã xuất hiện một mình. Cuốn thứ ba "Eva Luna" lúc đầu mang tên Bôlêrô cho đến khi một nhà văn Cuba tên là Lisanđrô Otêrô xuất bản một tiểu thuyết mang tên đó. Tôi đã thai nghén câu chuyện của tôi như một bản nhạc Bôlêrô dài và lúc đó tôi không chỉ phải tìm một đầu đề khác mà còn cho nó một cấu trúc khác. Tôi đặt tên "Eva Luna" bởi vì nó là một cái tên biểu tượng, có nghĩa cuộc sống, cuộc sống tràn đầy, trong khi mặt trăng là cái thần bí, cái phụ nữ, cái bí mật. Nhân vật của tôi nhận từ mặt trăng một hiệu lệnh thần kỳ... Rõ ràng ở đây, ở Cuba này tôi đã gặp một cô gái được gọi như là nhân vật chính trong câu chuyện của tôi.

- Ngoài cuốn sách, truyện ngắn đang làm chị có dự án nào trong tay chưa?

- Thôi được, chuyện đó tốt hơn hết là anh hỏi tôi ngày mồng 8 tháng giêng tới…

HOÀNG TRỰC dịch
theo tạp chí Cuba International, tháng II-87

(TCSH40/01-1990)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng