PHẠM HỮU THU
Trong gần một tháng được ở “xứ sở chuột túi”, tôi có dịp đi đó đi đây và tiếp xúc với nhiều người, chủ yếu là kiều bào ta ở vùng Cabramatta - nơi được mệnh danh là thủ phủ của người Việt ở Australia.
Ngôi nhà chúng tôi ở nằm trên phố Satara thuộc vùng Cabramatta, cách Sydney non một trăm cây số về phía Tây. Đó là vùng ngoại ô nên đất đai mênh mông. Do có khuôn viên rộng trên 500m2, theo quy định của Hội đồng thành phố Fairfield, nhà cửa ở đây chỉ được phép xây không quá hai tầng. Do ngày ngày phải đóng cửa, trẻ em đi học, người lớn đi làm nên khu phố trở nên vắng lặng.
Năm 2011, lượng người Việt cư trú ở Cabramatta, theo thống kê của chính quyền sở tại là hơn 4 vạn người, chiếm tới 33% dân số của thành phố Fairfield. Trải qua gần bốn thập niên xây dựng, họ đã góp phần biến “vùng đìu hiu” (a dead town) này trở thành nơi phát triển sầm uất và sinh động nhất ở Úc. Họ tập trung ở Khu thương mại Cabramatta mở cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh và làm dịch vụ.
Ngoại trừ thanh toán bằng đô la Úc-AUD, đến Khu thương mại này tôi có cảm giác như đang ở chợ Đông Ba. Do giá cả được niêm yết rõ ràng, các dịch vụ được chế tài ráo riết nên người mua hàng hóa hay sử dụng dịch vụ đều yên tâm với đồng tiền mình bỏ ra. Có lẽ, ngoài mắm ruốc, còn gia vị, rau quả thứ gì ở đây cũng có. Củ tỏi ở đây to bằng trái chanh dây. Nó phốp pháp thế hẳn là có lợi khi dùng làm nguyên liệu chế biến hơn là làm gia vị, vì chắc chắn không thể thơm ngon bằng tỏi Lý Sơn - Quảng Ngãi. The best fruit market bày bán đủ loại trái cây, sẵn sổ tay tôi ghi lại giá một số mặt hàng, cụ thể như sau:
- Cam 2kg 3$; Nho (Mỹ) 7,99$/kg, Nho (Úc) 8,99$/kg; Táo, Bơ 5,99$/kg; Dâu tây (hộp 250g) 3$; Xoài chín 6,99$/kg; Cherris 10$/kg; Kiwi (Newzealand) 3$/kg. Đó chỉ là những thứ chọn mua, còn các loại như: đu đủ, dưa hấu, cóc, đào, lê, chuối… đều có và giá rẻ hơn. Lưu ý, thời điểm tôi ghi, giá: 1 ASD = 18.000VND.
Nằm cạnh chợ là những dãy phố, nhiều nhất là nhà hàng ăn uống, xen kẻ là các dịch vụ: chuyển tiền, hàng; phòng mạch; quầy bán thuốc Tây, thuốc Bắc; các tiệm tạp hóa; phòng bán vé máy bay; văn phòng luật sư, chủ yếu tư vấn hôn nhân bảo lãnh và các hợp đồng dân sự.
Cả vùng Cabramatta rộng lớn, chỉ ở Saigon place (được Hội đồng thành phố gắn biển năm 2012) mới có café vỉa hè và bán báo dạo.
Hỏi ra mới biết, việc kinh doanh ở bên này, chính quyền kiểm soát rất chặt. Họ quy định nơi ở cấm tiệt kinh doanh. Kinh doanh không phép ở đây bị phạt rất nặng: 180.000 AUD! Đến Saigon place dù chỉ uống ly café hòa tan (giá 10 ASD) nhưng bù lại tôi được nghe đủ giọng nói của Bắc-Trung-Nam và đọc báo. Nó là điểm hẹn của những người đàn ông lớn tuổi xa quê. Họ đến đây để tâm sự hơn là thưởng thức ly café buổi sáng.
Phố John và phố Hughes là nơi có các tiệm ăn của Việt, Hoa nổi tiếng. Món bình dân như phở, bún 1 tô giá 10 AUD. Ở khu Sài Gòn hiện có hàng trăm quán ăn, tiệm ăn lớn nhỏ của người Việt. Bình dân hay cao cấp đều có.
Từ nguồn nông, thủy sản dồi dào và tươi ngon của Úc, họ đã khéo léo chế biến nhiều món ăn ngon không hề thua kém nhà hàng nào ở Việt Nam. Riêng cua, tôm hùm và bào ngư được xem là đặc sản của vùng này nhưng giá không hề rẻ. Ngoại trừ đồ biển, còn các loài thủy sản nước ngọt, nước lợ hầu như vắng bóng. Bói ở các chợ, tuyệt nhiên không hề thấy những chậu cá lóc sống động hay những mớ tôm còn nhảy lách tách như thường thấy ở chợ Việt Nam. Tất cả hải sản ở đây dù tươi đến đâu cũng đều đã cấp đông hay ướp đá nên tìm hàng tươi sống là không dễ. Dù vậy, trưa hay chiều, các tiệm ăn ở khu thương mại Cambramaatta lúc nào cũng đông đúc.
Theo thống kê của Hội đồng thành phố Fairfild, chỉ riêng 6 tháng đầu năm khu Cabramatta đã có hơn 2 triệu du khách các nơi tìm đến ăn uống và mua sắm. Hội đồng thành phố Fairfild đã phát động tháng ẩm thực trứ danh -Good Food Month Signature Dish để thu hút du khách đến với Cabramatta.
Hội đồng thành phố cung cấp tờ rơi, tiến hành quảng cáo và giới thiệu những món ăn ngon nhất vùng, vì “du lịch ẩm thực làm sống động không khí của cộng đồng, nó làm thay đổi quan niệm của người Úc về đời sống ở Cabramatta”. Thị trưởng thành phố, ông Frank Carbone nhìn nhận.
Huế là một trong những trung tâm du lịch của Việt Nam. Năm 2015 đã có trên 3 triệu lượt khách đến Huế. Mới đây, bún bò và 10 món ăn mang thương hiệu ẩm thực Huế như: chè hạt sen, tôm chua, ruốc, mè xửng, tré, thanh trà, bánh khoái, bánh lọc nhân tôm, bánh bèo và cơm hến đã được vinh danh. Nhưng để biến ẩm thực Huế trở thành trung tâm ẩm thực của du lịch miền Trung trên thực tế chúng ta chưa làm được, mặc dù Huế có khá nhiều nghệ nhân và nguồn thực phẩm dồi dào nhờ đa dạng.
Đi du lịch mà được ngắm cảnh đẹp, ăn ngon thì có gì tuyệt bằng.
*
Những người Việt định cư ở đây trên 30 năm trên thực tế đều không có việc làm vì đã lớn tuổi. Họ chỉ hưởng trợ cấp xã hội và nguồn lợi từ nguồn vốn tích lũy, đầu tư.
Còn số người mới sang theo con đường bảo lãnh, tìm được công việc tại các công sở hay của các hãng tư nhân là chuyện xa vời vì phần lớn không đáp ứng được kỷ năng chuyên môn cũng như trình độ. Để mưu sinh, họ làm đủ nghề như thợ nề, thợ mộc, cắt cỏ, dọn vệ sinh, bưng bê ở các nhà hàng, bốc vác, làm farm… Lao động phổ thông tuy nặng nhọc nhưng thu nhập thực tế của họ khá cao nhờ vừa “né” được thuế thu nhập (công nhật được trả bằng tiền mặt) vừa được hưởng trợ cấp xã hội nên bình quân một tháng có thể thu về trên 3.500 AUD. Nếu ăn tiêu dè xẻn, chịu khó ở chung phòng (3 - 4 người thuê ở chung một phòng giá 1.000 AUD/tháng) thì chắc chắn sẽ tích lũy được ít vốn. Loại lao động thời vụ kiểu này rất sợ say xỉn, ốm đau, bởi vướng vào thì xem như “xong đời cô Lựu”, sống trong cảnh homless, không cửa không nhà!
Số trai trẻ Việt mới sang, vào kỳ weekend thường tụ tập ở bãi biển hay ở nhà cùng góp tiền tổ chức nhậu. Vừa rẻ vừa không sợ cảnh sát phạt vì lỡ chén.
Úc là thiên đường của nhiều người nhưng không phải là tất cả.
Ông Lê Sữu, quê Sài Gòn, hôm gặp ở siêu thị Liverpool cho tôi biết, ông nghỉ hưu đã 8 tháng, một tháng thực lĩnh 1.700 ASD và đang ở nhà thuê. Ông tâm sự:
- Sống ở đây chán thấy mồ nên tôi quyết định về Việt Nam sinh sống, vì bên đó còn có bà con, bạn bè.
Một lần ghé Trung tâm thương mại Cabrramatta, tình cờ tôi gặp con của chị H. Cháu tên là Hoàng, hiện đang học năm thứ nhất Đại học New South Wales và xin làm bán thời gian ở Juie bar Trang Kim. Shop sinh tố này nằm trên đường vào chợ, rộng chưa tới 40m2 nhưng một tháng riêng tiền thuê mặt bằng đã là 800 AUD. Theo Hoàng, một ngày em làm 12 tiếng, được chủ trả 110 AUD. Hoàng cho biết: “Hàng tuần Hội đồng thành phố đều tổ chức kiểm tra. Họ đo độ lạnh ở quầy chứa trái cây đã chế biến có đúng quy định không, sau đó kiểm tra vệ sinh dụng cụ, thiết bị. Hội đồng thành phố buộc chủ quầy phải mua bảo hiểm y tế, phòng khi khách hàng bị ngộ độc có nơi để điều trị. Nếu vi phạm, họ phạt rất nặng, thậm chí đình chỉ kinh doanh”.
Chuyện kinh doanh, ở đâu không biết nhưng ở Fairfield này, Hội đồng thành phố quản lý rất chặt.
Định cư ở đây đã lâu nên Đặng Vinh, cựu học sinh Quốc Học - Huế trở thành “thổ địa” của vùng đất mới, do vậy quen biết khá nhiều. Anh kể:
- Tôi có chị bạn. Con chị vừa tốt nghiệp bác sĩ nha khoa. Cháu làm hồ sơ xin đăng ký hành nghề. Nơi mở phòng khám là nhà của chị. Hội đồng thành phố kiểm tra và nhất định không cấp giấy phép mà lý do đưa ra là khuôn viên nhà chị hẹp, không đủ chỗ đổ xe!
“Đâu chỉ chuyện đổ xe, ngay xây cất nhà cũng vậy”, Đặng Vinh cho biết thêm “Trước khi lập thiết kế, kiến trúc sư yêu cầu gia chủ phải lấy ý kiến các nhà xung quanh và đảm bảo rằng nhà mình sau khi cất không cản tầm nhìn, hướng gió của họ. Còn chính quyền chỉ cấp phép theo quy hoạch, không can thiệp.”
Luật của bang New South Wales quy định: xây nhà không phép hoặc trái quy hoạch, cố ý xâm hại môi trường hay gây tai nạn dẫn đến thương vong, công ty bị phạt 5 triệu; cá nhân phạt 1 triệu AUD; Gây ồn, tạo bụi cho môi trường khi xây dựng, công ty bị phạt 1 triệu AUD, cá nhân phạt 0,25 triệu; Đổ rác, chất thải vào sông suối, công ty bị phạt 2 triệu AUD, cá nhân phạt 0,25 triệu. Tòa án Đất đai và môi trường - Land and Environment Court được giao để thụ lý những sai phạm này.
Hiện những ngôi nhà (chừng 500m2 đất) nằm gần trung tâm thương mại, trường học ở Cabramatta đã có giá trên 1 triệu AUD, muốn tìm nhà rẻ thì chịu khó ở xa hoặc tìm nhà cây (thưng bằng gỗ, thường là nhà trệt), giá chỉ bằng một nửa bằng hình thức trả góp.
Thông thường, muốn mua nhà trả góp, chủ nhân phải trả trước 1/5 giá trị, số còn lại ngân hàng cho vay, lãi xuất hiện là 5%/năm trong vòng 5 năm. Để khuyến khích giãn dân, bang New South Wales đang áp dụng chính sách: Những cặp vợ chồng mới mua nhà lần đầu được chính quyền hỗ trợ 15.000 ASD.
Ngoài một số ít tham gia kinh doanh bất động sản còn phần lớn người Việt ở đây tập trung về Trung tâm thương mại Cabramatta. Chỉ những gia đình khá giả, có con tốt nghiệp đại học mới thuê mặt bằng mở phòng khám bệnh, mở tiệm bán thuốc tây hoặc tư vấn pháp lý, làm các dịch vụ kiều hối, gửi hàng…
Trong gần một tháng trú lại nhà Phan Thị Yến, một hôm tôi thức dậy sớm, ra vườn, tự dưng thấy Lê Sơn hì hục vần thùng rác ra đường. Nhân thể hỏi chuyện thu gom rác, Sơn cho biết:
- Ở đây, ngoài phải nộp phí thu gom 230AUD/ tháng (thu 3 tháng một lần), theo quy định cứ sáng thứ 5 hàng tuần có xe thu gom rác hữu cơ và mỗi tháng 2 lần cũng vào sáng thứ 5 nhận rác vô cơ.
Để chứa rác đúng quy định, thành phố cấp cho mỗi gia đình 2 thùng (màu xanh chứa rác hữu cơ), màu vàng (chứa rác vô cơ), mình phải mua thêm 1 thùng để dự trữ.
- Có khi nào, gia đình bỏ lẫn lộn rác chưa?
- Sống lâu đã thành thói quen nhưng gần nhà tôi có cậu lười biếng, để rác luộm thuộm nên họ đẩy thùng rác trở lại và dặn: khi nào phân loại xong mới đến thu gom! Mà anh biết rồi, rác hữu cơ càng để, mùi bốc lên làm sao mà chịu cho nổi!
Điều tôi tâm đắc nhất là gần tháng trời đi đó đi đây, trên các đường phố xe chạy như mắc cửi nhưng tuyệt nhiên chưa hề thấy một tai nạn xảy ra. Không thấy tai nạn, ngoài yếu tố chủ yếu là đường một chiều, giá xe quá rẻ (chỉ cần 2 - 3000 AUD là có thể mua được, thậm chí mua xe đã dùng còn rẻ hơn); lái xe ở Úc rất sợ bị phạt.
Có lần con trai tôi gọi điện về cho mẹ nó, báo “Đêm qua, con bị phạt 1.000$ vì tội lái xe có hơi men! - Mẹ biết không - nó kể - bọn con bị xui là vì đêm qua, cảnh sát đổ xe ở gần club”. Cuối cùng, nó tự an ủi “May mà chưa bị tịch thu bằng lái”, bởi nó cho biết: muốn thi lại phải mất hai năm! Bị tịch thu bằng lái thì xem như bị trói tay trói chân, không đi đâu được, bởi người nào có việc nấy.
Tương tự là nhậu. Muốn uống bia, rượu phải vào nhà hàng hoặc đến club chứ hàng quán không “la liệt” như ở Việt Nam. Muốn vào club phải là Membership. Sau khi nộp lệ phí 5 AUD, club ấy sẽ cấp cho tấm thẻ từ có giá trị trong vòng 1 năm. Vào phải đút thẻ vào máy check in. Không có thẻ, đừng nài nỉ. Vào đây ngoài ăn uống, bạn có thể tham gia ca hát, nhảy múa.
Tùy vào túi tiền mà chọn menu. Đọc bảng giá, tôi thấy ngợp: rượu mạnh như: Cognac, Whisky, Hennessy, Marten, Gold Label, Chivas…, một chai giá thấp nhất 200 AUD. Còn bia Corona của Mexico, Asahi của Nhật, Heineken của Hà Lan giá 10AUD/ chai; riêng bia Erdinger Dunkel của Đức giá đến 16AUD/ chai. Một tách trà hoặc café giá 14 AUD.
*
Tò mò nuốn biết đời sống của người Việt ở Úc hiện như thế nào, tôi tìm báo. Báo tiếng Việt ở Sedney không nhiều, điểm lại có Việt Luận; Tự Do Thời Báo; Chiêu Dương; Dân Việt; Văn Nghệ; trong số này chỉ có Chiêu Dương phát hành từ thứ 2 đến thứ 7; số còn lại là tuần báo hoặc bán tuần báo.
Báo dày cộp, phần lớn trên 100 trang, nhưng có đến gần 2/3 là quảng cáo, rao vặt. Một ô nhỏ diện tích bằng bao thuốc lá giá 80$/tuần. Tuy nhiên, những thông tin trên các báo đều khá phiến diện, cực đoan. Đúng như nhận xét của Etcetera Nguyễn, Tổng Thư ký tuần báo Việt Weekly (Hoa Kỳ) “Những thông tin tích cực ở Việt Nam đã không đến được với người dân bản địa. Có chăng thì đều bị bóp méo, xuyên tạc bởi những “nhà chính trị”, các “tổ chức chính trị” có quan điểm khác với Chính phủ Việt Nam. Bức tranh thực tế của đất nước đã bị một lớp sương mù bao phủ, làm nhiễu loạn có mục đích.”
- “Cách đây không lâu, trên kênh SBS, kênh dành cho sắc tộc thiểu số ở Úc châu đã từng đưa tin tức, phóng sự về Việt Nam. Nhưng do trong cộng đồng người Việt đã xảy ra cuộc tranh cãi kéo dài: số ủng hộ, xem điều đó là tốt nhưng số cực đoan lại cho việc làm của SBS là tuyên truyền cho cộng sản nên phản đối. Tòa phân xử: nếu không muốn thì dẹp!” - Lê Sơn cho biết. Hèn gì trên kênh truyền hình SBS ở Úc tôi chỉ thấy chương trình dành cho người Pháp, Nhật Bản, Hoa; không có chương trình dành cho người Việt. Sau những cuộc trò chuyện cởi mở, cuối cùng Đặng Vinh và tôi trở nên thân thiết. Anh bảo, anh quý những người thẳn thẳng. Nghiệm ra, những ngộ nhận về xã hội Việt Nam đương thời là do thiếu thông tin.
Sang Úc tôi thấy một điều, ngồi ở quán café hay đi tàu lửa, người Việt ở đây không có thói quen check mạng; thậm chí có người không có cả địa chỉ e-mail, dù internet bao phủ (giá thuê bao cố định 30AUD/tháng). Điều này được lý giải do thiếu thời gian vì bận làm ăn. Sáng sớm rời nhà, tối mịt mới về; người quan tâm thời cuộc tranh thủ theo dõi tin tức thế giới, chủ yếu do Đài ABC phát; trong khi báo giấy tiếng Việt thì như đã đề cập. Với thuê bao 60 AUD/tháng, truyền hình cáp ở Sydney chỉ cung cấp cho khách hàng không quá 15 kênh; tôi cố tìm xem các kênh tin tức của CNN, BBC, NHK, DW, TV5 cũng như các kênh phim truyện của Cinemax, Star Movies, HBO đều không thấy; trong khi tại Huế với giá thuê bao rẻ hơn 10 lần (xấp xỉ 5 AUD), VTV Cab cung cấp tới 200 kênh, trong đó có nhiều kênh thiết yếu của trong và ngoài nước. Tôi không đề cập chuyện đắt hay rẻ của giá thuê bao nhưng thực tế cho thấy rằng người Huế có điều kiện tiếp nhận thông tin nhanh và phong phú hơn bà con mình sinh sống ở bên ấy, nhất là thế hệ di dân đầu tiên, phần lớn chưa rành rẽ tiếng Anh.
Do thông tin về Việt Nam bị phong tỏa nên tôi ủng hộ dự án truyền dẫn qua internet của VTV. Chỉ có cách này những thông tin chính thống mới đến được với cộng đồng người Việt, bởi ở đây kênh VTV4 chưa được truyền dẫn và những nỗ lực của Đài truyền hình SBS khi đưa chương trình Việt Nam vào phát sóng bị thất bại. Sống trong “không khí ngột ngạt” ấy nên tôi rất quý việc làm của bà cựu luật sư Phùng Tuệ Châu, dù ở California-Hòa Kỳ nhưng đã “không biết sợ” khi dám điều hành chương trình phát thanh “Tiếng quê hương” với chủ trương đưa những tin tức về đất nước Việt Nam đang đổi mới đến với cộng đồng người Việt tại Mỹ, vì theo bà đã đến lúc người Việt ở hải ngoại nhìn nhận đúng đắn về quá khứ, xóa bỏ hận thù, xóa bỏ những định kiến không đúng để cống hiến cho quê nhà yêu dấu của mình.
Vợ chồng anh Đặng Vinh và tác giả |
Cùng thế hệ và lớn lên cùng thành phố, vượt qua những khác biệt về hoàn cảnh, cuối cùng Đặng Vinh trải lòng. Sinh ra trong một gia đình Thiên chúa giáo, cha Đặng Vinh là sĩ quan biệt kích của QLVNCH, từng tham gia huấn luyện người nhái ở Lăng Cô; còn ông ngoại là thiếu tá Cảnh sát quốc gia. Thời còn ở Huế anh sống với cha mẹ gần chợ Bến Ngự. Sau giải phóng, dù thi đỗ đại học nhưng “tự thấy lý lịch mình nặng quá nên tôi lang thang mấy đêm liền cố thu vào mắt mình lần cuối hình bóng thân thương của Huế và người yêu để từ biệt ra đi”. Đặng Vinh tâm sự.
Nhờ nói lưu loát tiếng Anh nên Đặng Vinh trở thành “thông ngôn” cho trại tỵ nạn Songkla trong 4 năm bầm dập trên đất Thái. Tại đây anh quen biết và yêu Aiko Arato-người Nhật, nhân viên của Cao ủy tỵ nạn Liên hiệp quốc. Năm 1984, họ mới thành vợ thành chồng. Đặng Vinh cho biết thêm:
- Từ Úc, tôi bay sang Nhật cầu hôn. Lúc đầu, bố vợ tôi không đồng ý. Ông từng là sĩ quan phục vụ cho Hải quân Nhật và bị thương khi tham chiến ở Trân Châu cảng. Cả gia đình bên vợ đều theo Phật giáo. Vợ tôi có 2 người anh trai đều là Hòa thượng. Vì thấy tôi thành thật và lễ phép nên cuối cùng họ đã chấp thuận. Vợ chồng Đặng Vinh hiện đang sống tại số 4 Parklea pde, Canley Heighis.
Đặng Vinh không hề giấu giếm: “Đây là ngôi nhà do con gái đầu mua tặng, cháu hiện nay làm việc cho một công ty nước ngoài, thu nhập 180.000 AUD/ năm”. Ngôi nhà ấy khá rộng, có vườn và khá yên tĩnh. Do chồng đi cả ngày nên vợ Vinh, chị Aiko Arato Dang chỉ làm bạn với mấy chú mèo. Thật buồn. Thấy tuổi đã cao không còn thích hợp với nghề kinh doanh bất động sản nên giữa năm 2014, Đặng Vinh đã trở thành CEO của Công ty khai thác vàng do Byung Ki Lim người Hàn Quốc làm Chủ tịch HĐQT. Quê mẹ Đặng Vinh ở Hòa Vang - Đà Nẵng cùng quê và có bà con với ông Nguyễn Bá Thanh. “Thời còn làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, khi sang đây anh Thanh có về ở lại nhà tôi. Nghe kể chuyện mình đã từng giúp Lý Tống, anh Thanh nói: Chuyện cũ bỏ qua và khuyên tôi: mày về đi, cần gì anh giúp. Nhưng thú thật, tôi ngại”. Đặng Vinh ngại, như lời anh, xuất phát từ chuyện Lý Tống. Lý Tống quê ở Huế, cựu sĩ quan Không quân VNCH. Quen Đặng Vinh trong thời gian ở trại tỵ nạn Thái Lan. Ngày 17/11/2000, trong khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton đang ở Hà Nội, từ Thái Lan, Lý Tống thuê một máy bay huấn luyện bay sang Tp. HCM rải truyền đơn. Khi biết chắc chắn Lý Tống đã bị Tòa án ở Thái Lan kết án 7 năm tù; năm 2006, từ Úc, Đặng Vinh bay sang Bangkok tìm cách hối lộ để vào trại giam và đã lén ghi âm lời Lý Tống rồi cung cấp cho cộng đồng người Việt ở Mỹ gây áp lực lấy lý do không gây phương hại đến an ninh Thái Lan để không bị dẫn độ về Việt Nam. Đặng Vinh khẳng định: “Tôi giúp, vì thấy Lý Tống cùng quê bị hoạn nạn, chứ không vụ lợi. Nay tuổi đã lớn, tôi rất muốn về Huế tìm mua ngôi nhà, để có chốn đi về. Cáo chết còn quay đầu núi, huống là…”. Dù ngại chưa dám về nhưng Đặng Vinh sẵn lòng giúp đỡ đồng hương.
Còn ông Huỳnh Hữu Hữu, quê ở Huế, vốn là học sinh Trường Pellerin Huế. Trước khi sang định cư ở Úc ông là giảng viên Toán của Đại học Khoa học Tp. HCM. Biết tôi từ Huế mới sang, ông mang theo chai rượu và cùng chia vui. Hôm ấy có cả ông Mã Hán Sư, kỷ sư hóa, cựu giảng viên Đại học Kyoto. Ông tâm tư chuyện của mình cho bạn bè nghe, vì lớn tuổi nên luôn xưng mình:
- Mới đây mình có cậu học trò cũ sang Úc du lịch đã tìm đến thăm. Trước khi về Việt Nam, cậu ấy còn tặng mình món tiền kha khá. Quả là quá bất ngờ!
Ông Hữu tự rót thêm rượu và tiếp tục:
- Mình chẳng có lý do gì để hằn học chế độ cộng sản cả, nhưng ngặt nỗi vì đã lỡ nghe bạn bè rủ rê sang đây. Về không biết phải ăn nói với bà con, bạn bè thế nào? Mình mặc cảm lắm!
Mỗi người mỗi hoàn cảnh và vì nhiều nguyên do khác nhau nên đã rời xa quê mẹ. Qua chuyện trò, tôi tin những con người tử tế đều có chung suy nghĩ về thời cuộc, họ đều nhất trí rằng nếu không giúp lấp lại những ngăn cách, không xoa dịu nỗi đau, không tạo nhịp cầu cảm thông thì ít ra, sau bốn thập niên, kể từ ngày nước nhà thống nhất đã đến lúc không nên đào sâu hố chia rẽ. Tôi nói với Đặng Vinh: Nhờ biết vượt qua khác biệt về tôn giáo mà anh, chị có được mái ấm gia đình.
Trước khi chia tay tôi hỏi:
- Anh đã đọc cuốn “Nếu đi hết biển” của đạo diễn Trần Văn Thủy chưa?
Đặng Vinh thành thật trả lời:
- Tôi chưa đọc nhưng đã xem bộ phim Chuyện Tử Tế!
- Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình.
Tôi mượn lời của bạn tôi - Đạo diễn Trần Văn Thủy để nói với Đặng Vinh về cái tình tự thâm sâu của người Việt mình.
Vâng, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại về quê thôi, Vinh ạ!
P.H.T
(SHSDB22/09-2016)