Hòn đảo Cuba bé nhỏ và nghèo nàn hiện là một trong những nơi sản xuất ra các vũ công trẻ xuất sắc nhất thế giới. Nhà hát Ballet Hoàng Gia và Ballet Quốc gia Anh, San Francisco Ballet và New York City ballet đều có những diễn viên múa chính người Cuba. Làm thế nào một quốc gia nghèo nàn bị cô lập với 11 triệu dân có thể làm được điều đó?
Alicia Alonso là một huyền thoại ballet – được công nhận như là một trong những "Prima ballerina assoluta" đầu tiên ngay khi ballet còn chưa được ưa chuộng ở Mỹ. và là biểu tượng sống của vai diễn Carmen. Bà được sánh ngang với vũ công Maya Plisetskaya huyền thoại của Nga và là vũ công Mỹ đầu tiên được mời đến múa tại nhà hát Bolshoi và Kirov của Nga trong thời gian chiến tranh lạnh. Tuy hầu hết sự nghiệp của bà là tại Mỹ nhưng bà luôn hướng về Tổ quốc Cuba.
Năm 1948, bà thành lập đoàn Alicia Alonso Ballet Company tại Havana và là tiền thân của Ballet Quốc gia Cuba (Cuban National Ballet). Tuy nhiên thời điểm đó có rất ít vũ công người Cuba, bà muốn trong vũ đoàn phải có nhiều vũ công Cuba hơn. Bà luôn đặt câu hỏi: “Tại sao lại không thể có ballet cho tất cả mọi người tại Cuba”. Vì thế bà thành lập Học viện Ballet tại Havana. Tuy nhiên khi ấy trung tâm của bà chỉ tồn tại bằng tiền tài trợ của các nhà hảo tâm nên nó gần như phá sản vào những năm 1950 khiến bà nản lòng và muốn về Mỹ.
Khi Fidel Castro lên nắm quyền lực tại Cuba vào đầu năm 1959, ông tuyên bố sẽ gia tăng kinh phí cho các chương trình văn hóa. Alonso đã viết những bức thư dài cho Fidel ngay từ khi ông còn ở mặt trận với tất cả những lí do mà bà nghĩ tại sao cần lập một đoàn ballet tại Cuba, và tại sao cần phải có một trường đào tạo ballet chuyên nghiệp. Sau Cách mạng, vô cùng ấn tượng với những gì Alonso thực hiện – bà đã biểu diễn ballet từ trong những khu rừng đến những xí nghiệp cho người dân xem, Fidel đến tận nhà Alson và nói “Nào, bây giờ bà cần gì để bắt đầu…” Alonso bảo bà cần tiền và nhà hát. “Chúng ta cần sự hỗ trợ của chính phủ để trả tiền cho các vũ công chuyên nghiệp, những người sẽ dành tất cả thời gian của họ cho ballet mà không cần phải làm thêm công việc khác để nuôi gia đình”. Fidel trả lời “Bà có nó rồi” và ông đã thực hiện ngay sau đó. Alonso đã thuyết phục Fidel bằng cách đưa ballet đến mọi tầng lớp nhân dân, thay vì chỉ phục vụ cho những người có khả năng mua vé. Bà đưa các nghệ sĩ đến các nhà máy đường biểu diễn trước những người công nhân, những người lao động chưa bao giờ đến nhà hát, và giải thích để họ có thể hiểu, cảm nhận được nghệ thuật múa. Chính quyền của Fidel Castro đã chi trả hoàn toàn kinh phí hoạt động cho nhà hát ballet và trung tâm đào tạo của Alonso và biến nó thành Đoàn Ballet Quốc gia thuộc nhà nước và phục vụ cho nhân dân Cuba.
Với sự hỗ trợ của Fidel, Alicia Alonso đã đưa những đặc trưng tinh thần của người Cuba, những động tác mạnh mẽ, khỏe khắn mà vẫn giữ được kỹ thuật cổ điển của ballet tạo thành một trường phái ballet riêng của Cuba. Tầm nhìn về xã hội hóa của Fidel Castro cùng với sự nhiệt huyết và những chính sách rõ ràng của Alonso đã tạo nền được một cuộc Cách mạng văn hóa. Kết quả là Cuba đã có một nền nghệ thuật múa ballet phát triển vượt bậc. Tất cả người dân đều yêu thích ballet và được xem ballet với giá rất rẻ. Ngoài ra việc đào tạo ballet còn được miễn phí từ cấp học phổ thông cho đến chuyên sâu. Các nghệ sĩ múa khi vào nhà hát sẽ có thu nhập tương đương với các kỹ sư hay bác sĩ. Vì vậy không ngạc nhiên khi những nghệ sĩ ballet Cuba đều được công nhận đẳng cấp thế giới và được nhận vào những nhà hát danh giá trên toàn thế giới.
Nguồn: Nguyễn Hoàng Việt - Tia Sáng