YẾN THANH
Thực thể Việt là một cấu trúc văn hóa động, trong đó nhiều yếu tố bản sắc chỉ được hình thành thông qua giao lưu với quốc tế, hấp thụ từ tinh hoa văn hóa nhân loại để biến “cái bên ngoài” trở thành “cái bên trong”.
Ví dụ, chúng ta sẽ không có chữ Nôm nếu không có sự giao lưu, học hỏi từ chữ Hán. Chúng ta sẽ không thể có kiệt tác văn học Truyện Kiều (Nguyễn Du), nếu thiếu sự tiếp xúc với khu vực văn minh/học Trung Hoa. Chúng ta cũng không thể có chữ quốc ngữ nếu thiếu sự tiếp xúc với văn minh phương Tây. Như vậy, có thể thấy “cái dân tộc” và “cái quốc tế” luôn tồn tại trong mối quan hệ biện chứng, hữu cơ, không thể tách rời một cách cô lập, siêu hình. Không có cái bản sắc dân tộc tuyệt đối, tiên thiên không hề có sự giao lưu với bên ngoài, cũng không thể có cái quốc tế trừu tượng, không gắn với bất cứ không gian văn hóa địa phương nào. Nhiều năm qua, nghiên cứu dân tộc học, văn hóa học, văn học mà đặc biệt là Việt Nam học ở nước ta gặp nhiều hạn chế do cái nhìn hạn hẹp, lệ thuộc bởi chủ nghĩa dân tộc (nationalism) quá đà, một khi ý thức dân tộc lên cao nhưng lại thiếu những công cụ lí thuyết, không gian tham chiếu mang tính hiện đại, quốc tế. Có nghịch lý là những nghiên cứu về Việt Nam học xuất sắc thời gian vừa qua thường được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu nước ngoài, hoặc được công bố ở hải ngoại trước khi động vọng vào trong nước. Hiểu thế giới ngày nay là phương cách để xác lập bản sắc, và tìm cách để bảo tồn thực thể Việt, bởi chúng ta đang tồn tại trong một thế giới với trật tự mới mà mọi sự cô lập, tách rời sẽ chỉ dẫn đến sự diệt vong.
Nằm trong xu thế toàn cầu hóa tri thức mạnh mẽ nói trên, ngày 12 đến ngày 14 tháng 11 năm 2016, tại thành phố Đài Nam (Tainan), cố đô của Đài Loan, đã diễn ra Hội thảo quốc tế về Việt Nam học và Đài Loan học do Trung tâm nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học quốc gia Thành Công (Đài Loan) tổ chức. Sự kiện này có ý nghĩa khu vực và quốc tế, cũng như thể hiện đường lối chính trị và cấu trúc văn hóa tại Đài Loan hướng về Nam (Việt Nam/Đông Nam Á). Ở tầm vóc khu vực và quốc tế, chúng ta có thể thấy tiếng nói và vị thế của Việt Nam ngày đang trở nên quan trọng, nhất là trong hoàn cảnh biển Đông đang trở nên căng thẳng bởi sự tranh chấp của các siêu cường nhằm phục vụ cho những tham vọng, ý đồ riêng của họ. Trong bàn cờ chính trị và quyền lực cực kì phức tạp ở Đông Nam Á nói riêng, châu Á Thái Bình Dương nói chung, Việt Nam nổi lên như một quốc gia ngoại biên nhưng có vị trí địa chính trị rất quan trọng, là trung tâm của biển Đông. Quan điểm cứng rắn nhưng tôn trọng luật pháp quốc tế, kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nhưng không tạo ra các liên minh quân sự ngả theo bất cứ một cường quốc nào của Việt Nam thực sự tạo ra uy tín trên trường quốc tế.
Do đó, Hội thảo quốc tế về Việt Nam học và Đài Loan học lần này được tổ chức tại tòa nhà The Magic School of Green không chỉ lớn nhất về quy mô (về Việt Nam học) tại Đài Loan, với sự tham dự của hơn 100 nhà nghiên cứu quốc tế và Việt Nam mà còn nhiều ý nghĩa quan trọng trên phương diện ngoại giao, chính trị, văn hóa. Số lượng các nhà nghiên cứu, hoạt động văn hóa Việt Nam được mời sang Đài Loan gần 60 người, rải đều trên nhiều lĩnh vực đã cho thấy Ban tổ chức của Đại học Thành Công, mà đứng đầu là Giáo sư, tiến sĩ Tưởng Vi Văn (Wi-vun Chiung) đã rất nỗ lực, cố gắng trong công tác tổ chức. Trường Đại học quốc gia Thành Công, theo tiết lộ của Hiệu trưởng chính là trường nghiên cứu về Đông Nam Á số 1 ở Đài Loan, với hơn 15 năm hợp tác với các quốc gia ASEAN, thiết lập được mối quan hệ trực tiếp với 8 nước, trong đó có Việt Nam.
Hội thảo được diễn ra trong 3 ngày, với 5 buổi, với 19 tiểu ban nghiên cứu cụ thể các chủ đề khoa học xã hội nhân văn khác nhau như: Giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài; Sự thay đổi trong văn hóa và lịch sử; Những vấn đề về chữ viết của chữ Nôm; Hôn nhân mang tính quốc tế ở châu Á; Văn học và sự lưu truyền… Hội thảo có sự góp mặt của những nhà nghiên cứu Việt Nam trên nhiều lĩnh vực ngôn ngữ, văn học, văn hóa, chính trị, lịch sử, kinh tế, đối ngoại, cùng những nhà nghiên cứu Việt Nam học và Đài Loan học hàng đầu trên thế giới. Có thể kể đến các tên tuổi như Hoàng Văn Hiển, Trần Đăng Khoa, Tưởng Vi Văn, Đinh Quang Hải, Izawa Ryosuke, Pierre Magistry, Nguyễn Đăng Điệp, Sakai Tohru, IU Hong-ki, Bruce Jacob, LI Heng-chhiong... Ngoài ra, còn có ba phiên toàn thể với các báo cáo keynote của Gs. Ngô Như Bình (Đại học Havard), Gs. Shimizu Masaaki (Đại học Osaka), nhà thơ Trần Đăng Khoa, Gs. Thái Duy Bảo (Đại học Quốc gia Úc), Gs. Lim Siu-theh (Đại học quốc gia Chengchi Đài Loan)… Mỗi tham luận đều có người phản biện khoa học, có phần thảo luận và được chủ trì giới thiệu kĩ càng. Các tham luận này sẽ được in toàn văn trong tạp chí khoa học Việt Nam học của Đại học Thành Công sắp xuất bản, cả bằng tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Đài và tiếng Nhật. Có thể nói, đây là một hoạt động khoa học nghiêm túc, có quy mô lớn về Việt Nam học trên thế giới.
TS. Phan Tuấn Anh báo cáo tại hội thảo |
Trong tiểu ban Văn học và sự lưu truyền, các nhà khoa học giữa Việt Nam và Đài Loan đã vạch rõ những điểm tương đồng giữa hai nền văn học. PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học trong tham luận Đô thị, môi trường và nhân tính trong văn học Việt Nam đương đại đã ứng dụng phê bình sinh thái vào khảo cứu xu hướng viết về văn học môi sinh, môi trường của các nhà văn Việt Nam hậu hiện đại. Nhà nghiên cứu xem môi trường hiện nay là một chủ đề nổi bật trong văn học Việt Nam, điều này thể hiện thái độ công dân của nhà văn, vừa cảnh báo vừa phản ánh những nguy cơ của hiện thực. Trao đổi với tác giả tham luận, GS. TS. Tưởng Vi Văn cũng cho rằng văn học Đài Loan đương đại rất quan tâm đến vấn đề môi trường. Các nhà văn Đài Loan hiện nay cũng có các sáng tác về môi trường đầy trăn trở như nhà văn Việt Nam, bởi vấn đề môi trường tại đây cũng hết sức nóng và đáng báo động. TS. Phan Tuấn Anh với tham luận Tạp văn của Bách Dương và Nguyễn Huy Thiệp – những trải nghiệm dân chủ cùng sự giãn nới/tới không gian dân chủ ở Đài Loan và Việt Nam đã chỉ ra sự tương đồng về hoàn cảnh, tiểu sử, hành trạng và số phận của hai trí thức lớn, có số phận kì lạ tại quê hương của họ. Cả Nguyễn Huy Thiệp và Bách Dương đều là những chí sĩ cả đời đấu tranh, sáng tạo vì dân chủ, họ đã di chuyển từ ngoại biên vào trung tâm của đời sống trí thức. Số phận đặc biệt của họ, ngoài tài năng cá nhân, sự dũng cảm dấn thân, còn được tạo nên bởi sự mở rộng của không gian dân chủ ở Đài và Việt nửa sau thế kỷ XX, bắt đầu bằng những cuộc cải cách, đổi mới và hội nhập vào toàn cầu hóa. Do đó, anh hùng là vượt qua thời thế, nhưng thời thế cũng tạo nên anh hùng...
Sau ba ngày hội thảo sôi nổi, nhiều kiến thức lí thú đã được trao đổi, thảo luận, các nhà nghiên cứu đã cho thấy ích lợi của quá trình toàn cầu hóa. Quá trình này giúp các quốc gia, lãnh thổ xích lại gần nhau bất chấp không - thời gian và những định kiến, các taboo về văn hóa, xóa đi đường biên ngăn cách, đối đầu để có thể xây dựng một thế giới đại đồng, đối thoại mà ở đó mỗi thực thể đều có quyền bảo tồn bản sắc. Từ Đài Loan, chúng ta có thể nhìn ra thế giới, cả thế giới phương Tây lẫn thế giới Hán hóa do đặc thù lịch sử và địa lý của vùng lãnh thổ này. Sự phát triển của Đài Loan hiện nay có những vấn đề mà Việt Nam có thể tham khảo.
Trường An, 15/11/2016
Y.T
(TCSH334/12-2016)