TUỆ ĐAN
Nguồn mạch của tác phẩm tuôn ra từ sự cô đơn của nó, từ đó nó bắt đầu và tìm kiếm một tác lực cho sự khởi đầu ấy.
(Maurice Blanchot)
Maurice Blanchot (1907 - 2003), nhà văn, nhà phê bình văn học, nhà triết học người Pháp. Ông là một trong số ít những cây viết chuyên tâm về vấn đề triết học phát sinh trong văn học. Tác phẩm của ông thể hiện một nỗ lực bền bỉ trong việc truy vấn về vấn đề khả thể (possibilité) của văn chương, thông qua quá trình suy tư về vấn đề này, bản thân ông đã gieo ảnh hưởng lên phần lớn các nhà lý thuyết văn học Pháp thời đó, điển hình như Jacques Derrida, Paul de Man, Michel Foucault. Ông học triết học ở Đại học Strasbourg và trở thành bạn thân của nhà đạo đức học hiện tượng luận lừng danh Emmanuel Levinas (1906 - 1995). Từ năm 1932 đến năm 1940, Blanchot khởi nghiệp với tư cách như là một nhà báo chính trị. Năm 1940, ông gặp Georges Bataille (1897 - 1962), hai người trở thành bạn thân của nhau mãi đến khi Bataille mất vào năm 1962. Sau đó, khoảng từ năm 1941 - 1944, ông tiến hành viết những bài điểm sách về các nhà văn tên tuổi như Sartre, Camus, Bataille, Michaux. Năm 1947, ông rời Paris để chuyển đến một ngôi làng hẻo lánh ở miền nam nước Pháp và sống ở đó cho đến tận cuối đời. Phần lớn trí thức Pháp ở vào thời kỳ này cũng vậy, họ chọn cách sống dấn thân và ít tham gia vào sự nghiệp hàn lâm, học thuật.
Nếu hỏi Blanchot có một hệ thống lý thuyết về văn học nào hay không thì câu trả lời sẽ nghiễm nhiên là “không.” Theo Blanchot, với ông, văn chương chỉ thực sự có giá trị khi nó chỉ ra những vấn đề triết học nền tảng, và cũng bởi chính lẽ đó nên nguồn mạch tư tưởng của bản thân ông ít khi đến từ những cây viết đi trước mà xuất phát từ các triết gia, đơn cử như Hegel, Heidegger, Levinas; bên cạnh đó ông cũng còn chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi nhà văn trứ danh Kafka và nhà thơ biểu tượng Mallarmé, xuất phát từ hoạt động sáng tác của hai tác giả này đã gợi hứng cho Blanchot rất nhiều những vấn đề triết học, những nỗ lực truy vấn về khả thể của văn chương. Tác phẩm của ông dường như được triển khai một cách rất phân tán. Điều này một phần cũng bởi lý do mà ông luôn đeo đuổi khi hướng toàn bộ suy tư của mình nơi từ “tối” (obscur), là một sự truy vấn về kinh nghiệm xa lạ của sự viết. Ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi biện chứng Hegel và đi đến quan niệm chung về văn học như là khuynh hướng chống hiện thực cũng như không lấy làm mặn mà trước lối sử dụng ngôn ngữ thường nhật. Hướng tiếp cận về vấn đề văn học của Blanchot đặc biệt ở chỗ ông không hướng đến việc xem xét rằng các tác phẩm văn học mang một giá trị tốt hay xấu nào đó cụ thể, hay thuộc về trường phái này hoặc trường phái kia, mà ông luôn tập trung đến cái mà ông gọi là khả thể của văn chương. Và ông hiểu rằng, bản thân văn chương luôn truyền tải một cái gì đó chân thật cho chúng ta. Hơn nữa, cũng chính vì lý do sau, cho nên, khi nói đến lý thuyết văn học của ông, thì thay vì thiết lập một quan niệm mang tính lý thuyết về văn chương ông lại tiến hành đề ra một khuynh hướng chống hay phản lý thuyết về văn chương. Bởi lẽ, theo Blanchot, mọi tác phẩm văn học, nếu đã xác định nó mang tính văn học thì không thể giảm trừ nó thành bất kỳ một ý nghĩa hay một lối giải thích nào đó cụ thể. Để có thể thấy được điều này chúng ta có thể xem xét về hướng tiếp cận đến vấn đề định nghĩa văn học giữa ông và Sartre. Khi Sartre chủ trương, thiên chức của nhà văn là can dự đồng thời dấn thân vào lịch sử và các cuộc đấu tranh xã hội, thì Blanchot lại quan niệm ngược lại, với ông, văn chương có ý nghĩa của riêng nó rằng nó chả dính líu gì đến luân lý và chính trị cả. Tuy nhiên, Blanchot không phủ nhận khả năng của các lý thuyết bàn về văn học, điểm khác biệt ở chỗ, ông muốn hướng đến kinh nghiệm của sự đọc đối với bất kỳ một tác phẩm nào đó rằng sự đọc luôn thoát khỏi hay vượt qua một định nghĩa cụ thể hoặc một quan niệm cá biệt về văn chương.
Để làm rõ hơn về cách thức quan niệm của Blanchot liên quan đến bản chất của văn học, chúng ta sẽ xem xét quan niệm đóng vai trò trung tâm trong việc phản tư của ông về vấn đề ngôn ngữ văn chương được thể hiện qua luận đề cơ bản sau: ngôn ngữ mang tính phủ định và điều này thể hiện thông qua sự khiếm diện của nó. Trước hết, đi từ việc xem xét về sự độc lập (indépendance) hay sự phân lập (séparation) của tác phẩm (texte) chúng ta mới biết được cơ chế phủ định của ngôn ngữ diễn ra trong văn học như thế nào theo quan niệm của Blanchot. Blanchot cho rằng, tác phẩm văn học là cái gì đó riêng lẻ và mang tính đơn lập (singularité), điều này được ông gọi là nỗi cô đơn của tác phẩm. Bản thân tác phẩm hiện diện trong một sự viền quanh được giới hạn nơi phần cấu trúc vật lý của nó, đó không gì khác ngoài mực và giấy, nhưng điểm quan trọng được hàm chứa và thể hiện ra nơi tác phẩm lại là ngôn ngữ, và chính nhờ ngôn ngữ, hay nói cụ thể là từ ngữ mà tác phẩm tự khu biệt cho nó một sự hiện diện thuần túy thuộc về một cái gì đó như nó đã được đậy lại một cách kín kẽ và an toàn. Thế nhưng, khi tiến đến vấn đề này chúng ta lại chạm đến một nghịch lý, chiếu theo cách nhìn của Blanchot thì nghịch lý này xảy ra giữa phần hữu hình, cụ thể của một tác phẩm được quy định bởi hình dạng, kích thước của nó với cái mà nó chứa đựng, và cái đó lại chính là ngôn ngữ, trong khi đó, bản thân ngôn ngữ mang trong mình nó tính phi chất (insubstantielité) rất rõ rệt. Như thế, thông qua sự gối lên nhau lẫn bọc lấy nhau giữa phần vật lý và phần từ ngữ của một tác phẩm, chúng ta có thể thấy được sự thống nhất nhưng lại mang tính nghịch lý của tác phẩm văn học. Hiển nhiên, điểm đặc biệt của văn học khi xem nó là một cái gì đó chỉ thực sự bộc lộ trong phân vùng của sự hiện diện thuần ngôn ngữ của nó mà thôi. Ngôn ngữ là dấu gạch nối giữa tác giả và người đọc, giữa sự viết (writing) và sự đọc (reading). Nó cũng mang lấy vai trò trung tâm trong kinh nghiệm của sự đọc, đặc biệt, sự đọc diễn ra trong lĩnh vực văn chương lại cần đến một cái gì đó liên hệ đến bản chất của ngôn ngữ thông qua quá trình làm cho một cái gì đó thể hiện trong tác phẩm trở nên xa lạ với lối sử dụng thường nhật của ngôn ngữ khi quy chiếu về một cái gì tương tự hay tương cận như đối tượng đã được thể hiện trong tác phẩm về phía thế giới đời sống. Tính phủ định mô tả năng lực của từ ngữ thông qua sự phủ định thực tại của sự vật được thể hiện rõ ràng bởi đặc tính quy chiếu của nó. Nói ngôn ngữ phủ định một cái gì đó thì không giống với việc cây lúa phủ định hạt thóc hay con gà phủ định quả trứng, mà bởi vì khi nói “mèo”, sự quy chiếu của từ này sẽ không nhất thiết hướng nó đến với con mèo cụ thể, do đó, năng lực phủ định của ngôn ngữ được thể hiện thông qua đặc tính quy chiếu của chính nó hướng đến những hệ quả khác, đôi khi có phần xa lạ với chính đối tượng gần gũi với nó xét như biểu tượng trình hiện y nguyên với nó, bởi lẽ, khi nói “mèo” có người sẽ hướng đến đêm tối, đại diện cho một ý niệm gì đó điêu linh, đen đúa; vì ngôn ngữ không phải là vật chất, hơn nữa với Blanchot, ngôn ngữ không đơn thuần chỉ là những gói hàng thông tin trong việc giao tiếp mà nó còn đứng ra chuyên chở chính quá trình giao tiếp ấy, sự khác nhau, ở đây, hội lại trong sự phân biệt giữa phương tiện truyền tải và phương thức truyền tải.
Dựa trên sự độc lập của văn bản so với thế giới, từ đó Blanchot cho rằng, tác phẩm sở hữu một sức kháng cự (resistance) đặc thù đối với hay trước bất kỳ một chiều hướng diễn giải nào nhắm đến nó. Để làm rõ điều này, chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc xem xét lại cách thức mà một hệ hình hoạt động cơ bản của ngôn ngữ bao gồm những yếu tố nào. Đó không gì khác ngoài ba yếu tố chính: từ ngữ, ý niệm và sự vật. Ví dụ, khi chúng ta viết chữ “cây” [từ ngữ], ở đây, hình thức quy chiếu của nó nhắm đến cái cây cụ thể [sự vật] trong khu vườn, hoặc trên hè phố; nhưng bên cạnh đó nó cũng hàm chứa một ý niệm về cái cây [ý niệm], tức là cái cây đang được nhìn về trong tương quan với ý thức. Tuy nhiên, do đâu mà có sự khác nhau ấy, hiển nhiên, ngoài sự quy chiếu ra còn là sự chung đụng với ý nghĩa của chính từ ngữ vừa được nhắc đến. Blanchot cho rằng, sở dĩ có điều đó là bởi vì sự biến mất (disappearance) của từ ngữ thông qua tính có thể chuyển dịch thuần túy (pure translatability) của ý nghĩa. Ý nghĩa có thể chuyển dịch hay có thể phiên chuyển và hệ quả của sự quy chiếu sẽ mang lại một tấm áo mới cho ý nghĩa. Từ ngữ được viết ra trên giấy, đó chỉ được xem như là phương tiện chuyên chở cho ý niệm mà người viết muốn thể hiện ra trên nó mà thôi, ngoài ra, khi muốn thể hiện ý niệm đó người ta còn hướng đến ý nghĩa mà bản thân người ấy muốn gửi gắm vào nơi chính từ ngữ ấy. Do đó, điều mà Blanchot luôn muốn suy tư về nó chính là tính ổn định (stability) của ý nghĩa. Thế nhưng, tính chất chuyển dịch của ý nghĩa được thể hiện ra thông qua khả năng phủ định của nó. Do dó, điều tất yếu, theo Blanchot, nếu xem ngôn ngữ mang tính phủ định, thì văn chương thực sự hàm chứa một năng lực rất kỳ lạ, bởi lẽ nó phủ định cả thực tại sự vật lẫn sự hiện diện của ý niệm, điều này hay còn được gọi là sự khiếm diện kép (double absence) của ngôn ngữ văn chương.
Ngôn ngữ chỉ thông giao cho chúng ta ý niệm về sự vật, chứ thực sự, nó không thông giao cho ta biết đến thực tại sự vật. Bởi vì đặc tính cơ bản của ngôn ngữ cốt ở năng lực trừu tượng hóa của nó, do đó, giữa nó và thực tại sự vật hiển nhiên tồn tại một khoảng cách nhất định. Khoảng cách này được hiện hoạt bởi sự biểu trưng lẫn phá hủy giăng mắc nơi chức năng của chính bản thân ngôn ngữ. Xuất phát từ điều này, Blanchot cho rằng sự khiếm diện (absence) của ngôn ngữ được mở ra thông qua việc biểu đạt một sự vật bởi ý niệm được thể hiện nơi từ ngữ. Trở lại với tính ổn định của ý nghĩa như vừa nói đến ở trên đây, rằng chúng ta có thể chạm đến hay có thể tìm kiếm một hình thức ổn định của ý nghĩa trong thực tại ngôn ngữ như chúng ta vừa nói đến hay không. Rõ ràng, đây là bài toán khá nan giải, đặc biệt trong trường hợp ngôn ngữ văn chương, ngôn ngữ thể hiện ra thông qua một sự khiếm diện kép về ý nghĩa của nó, nghĩa là ngôn ngữ tiến hành phủ định cả sự vật lẫn ý niệm về sự vật. Khi từ ngữ phủ định sự vật, nó liền hướng đến ý niệm biểu đạt cho nó, liền đó sự vắng mặt của sự vật được thay thế bởi ý niệm, là một cái gì đó ổn định và bền vững hơn sự vật. Như thế, chúng ta có thể xem ý niệm như là một sự bổ túc cho sự vật. Năng lực quy chiếu của ngôn ngữ mang trong mình cả một sự thống nhất giữa phủ định và khẳng định. Bởi vì, cái được quy chiếu đến trong ngôn ngữ chẳng phải là sự vật có thực trong thế giới mà là chính ý niệm về sự vật. Do đó, ngôn ngữ tiến hành phủ định sự vật nhưng lại tiến hành khẳng định ý niệm về sự vật. Tuy nhiên, mức độ phức tạp của ngôn ngữ văn chương tăng lên một cấp độ nữa. Theo đó, ngôn ngữ văn chương tiến hành phủ định luôn cả ý niệm về chính bản thân sự vật.
Đến đây, chúng ta có thể hiểu được vì sao Blanchot lại quan niệm về sức kháng cự của văn chương trước ngưỡng cửa giải thích hay thông giải của một chiều hướng nào đó muốn phân tích hay khai phá về nó. Hơn nữa, qua đây, chúng ta cũng có thể hiểu được tại sao Blanchot lại hướng đến một hình thức chống/phản lý thuyết văn học. Lý do là đây, theo Blanchot, một khi từ ngữ liên kết với một từ ngữ khác, thì điều mà chúng ta có được không phải chỉ là một thuộc tính thông tin mà đúng ra là một sự thay thế vô tận của ý nghĩa rằng nó không thể được củng cố nơi một chiều hướng giải thích đơn lẻ. Từ ngữ mang năng lực vượt qua ý niệm, và đấy là sự che đậy của nó. Sự khiếm diện kép của ngôn ngữ văn chương thể hiện tính mờ đục của chính thứ ngôn ngữ ấy. Bản thân của một hệ quy chiếu khi áp vào một tác phẩm văn học thì sẽ được trừu xuất thành một không gian ý nghĩa biệt hóa đến mức vô hạn. Khi nhắm đến nỗ lực truy tìm một hình thức ý nghĩa ổn định của tác phẩm văn học, Blanchot bàn đến hình tượng “lâu đài” trong cuốn tiểu tuyết cùng tên của Kafka. Tất cả điều xuất phát từ khuynh hướng tự nhiên của chúng ta khi giáp mặt với ngôn ngữ. Rõ ràng, khi đọc vào một tác phẩm, chúng ta luôn mang một tâm thế quy chiếu một hình tượng gắn/mang một ý nghĩa nào đó. Thế nhưng, trong văn chương, chức năng của hình tượng lại trở nên bị đột biến. Ở đây, Blanchot muốn xoáy sâu vào sự đọc, để thông qua đó, coi sự đọc như một minh chứng cho năng lực vén mở tác phẩm. Theo Blanchot, bản thân hình tượng luôn tác lập nên một cái gì đó vô tận về ý nghĩa trong trường quy chiếu của nó. Nó vừa gợi mở cho người đọc theo đuổi nó nhưng đồng thời cũng che đậy chính nó. Sự che đậy ấy được thể hiện thông qua việc ý nghĩa của tác phẩm cứ chạy xa dần mỗi khi chúng ta tiến đến nó, giống như cái cách mà nhân vật tên K. trong cuốn tiểu thuyết của Kafka không ngừng tìm kiếm tòa lâu đài mà hắn muốn. Tính bất toàn của sự đọc, được Blanchot, hội lại nơi tiến trình khiếm diện kép của ý nghĩa mà tác phẩm hàm chứa. Do đó, đọc, nói theo điệu của Blanchot là chạm đến tính mờ đục của ngôn ngữ.
T.Đ
(TCSH334/12-2016)