Nhìn ra thế giới
Tọa đàm với tiến sĩ A-I-Niculin
09:34 | 21/02/2017

Trong chuyến sang công tác Việt Nam, giáo sư tiến sĩ A-I-Niculin trưởng ban văn học Á-Phi của Viện Văn học thế giới mang tên Gorki (Liên Xô), đã đến Huế.

Tọa đàm với tiến sĩ A-I-Niculin
Từ trái sang phải: Giáo sư Phong Lê, đ/c phiên dịch, A.I. NICULIN, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

Một buổi gặp gỡ, tọa đàm giữa một số văn nghệ sĩ và những người nghiên cứu, giảng dạy văn học với A-I-Niculin đã được tổ chức tại trụ sở Hội Văn nghệ. Tham gia chủ tọa đoàn có nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nguyên Tổng thư ký Hội Văn nghệ Thừa Thiên – Huế, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, giáo sư Phong Lê, nguyên viện trưởng Viện Văn học VN, Tổng biên tập tạp chí Văn Học, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nguyên Tổng thư ký Hội Văn nghệ Quảng Trị... A-I-Niculin đã thoải mái trả lời bằng tiếng Việt, tất cả các câu hỏi được đặt ra.
Dưới đây, chúng tôi giới thiệu với bạn đọc một số ý kiến trong cuộc trao đổi mà phóng viên SH đã lược ghi được.



- Anh Bửu Nam: Ý kiến của anh về việc đổi mới nền văn học của Liên Xô? Cuộc thăm VN lần này so với cuộc thăm VN lần trước của anh có gì khác nhau? Luận án của anh về văn học VN đến nay có cần thay đổi điều gì không?

- A-I-Niculin: Tôi hoan nghênh sự đổi mới văn học và nghiên cứu văn học ở LX. Có một đặc điểm lớn là sự xuất hiện những tác phẩm trước đây bị cấm và sự xuất hiện dòng “Văn học lưu vong” (có hơn 1700 tác phẩm!). Nghiên cứu và đánh giá lại dòng văn học đó là một nhiệm vụ rất lớn của chính Học viện Gorki (Hiện đã có một Ban nghiên cứu về “Văn học lưu vong”). Tôi rất phục truyện Một ngày của Ivan..., thấy Xônzenitxin có tài. Còn sau này Xônzenitxin phát triển thế nào tôi chưa rõ, vì tôi chưa đọc Ung thư. Theo tôi, Xônzenitxin là một người rất yêu nước, xứng đáng là một nhà văn lớn của Nga. Tuy nhiên, tôi cũng xin nói ngay rằng, sách tiếng Nga ở các nước không phải đều có giá trị và không phải nhà văn viết bằng tiếng Nga nào cũng đều yêu nước Nga...

Đánh giá lại là một việc lâu dài, phải có đội ngũ. Sự phục hồi mới làm được từng giọt, từng giọt. Hiện nay, tác phẩm mới viết mà trình độ không cao thì người ta không đọc, họ chỉ đọc những tác phẩm cũ được phục hồi. Họ thờ ơ ngay cả một số cuốn trước đó có được chú ý, như Bức tranh, Con bò rừng của Granhin. Bônđanep vừa cho ra cuốn Ý muốn, ta thử coi sao. Tiếc rằng một số nhà văn có tài thì nay mất quá nhiều thời gian ở phòng họp Xô viết tối cao mà ít thì giờ ngồi bàn viết!

Với VN, tôi chưa nắm được cái “xương sống” của tình hình văn học hiện nay. Nhưng báo cáo của anh Nguyễn Đình Thi tại Đại hội nhà văn VN vừa qua khiến tôi thất vọng.

Đây là lần thứ 16 tôi đến VN. Lần này sang VN tôi thấy dân VN đỡ khổ hơn, mặt người vui hơn, hàng hóa nhiều hơn. Tôi rất mừng. Bao giờ tôi cũng tin ở người dân VN vì người VN thông minh, năng động, không khác gì người Nhật, người Nam Triều Tiên.

Tôi không bao giờ xấu hổ về luận án của tôi về Nguyễn Du (phó tiến sĩ 1961), luận án tiến sĩ năm 1977 về “Sự phát triển của văn học VN từ nửa thế kỷ 19 đến hết thế kỷ 19” (đã in sách). Dĩ nhiên, đến nay tôi cũng muốn sửa lại một vài chỗ, vì nếu tôi thấy không có gì cần sửa cả thì tôi không thể phát triển được! Và nếu viết lại thì phải viết lại nhiều vì có nhiều tư liệu mới.

Chị Lâm thị Mỹ Dạ: Năm 1988, học tại viện Gorki, có một giáo sư nói với chúng tôi rằng, A. Tônxtôi là một kẻ cơ hội. Ý của anh thế nào?

A-I-Niculin: Tôi rất yêu mến Pie đại đế. Rất hay. Nhưng cuốn tiểu thuyết Bánh mỳ thì A.Tônxtôi viết theo “đơn đặt hàng” của Stalin nên không hay. Còn bộ tiểu thuyết Con đường đau khổ được đề cao thì thực ra nghệ thuật không cao, còn cuộc nội chiến được phản ánh trong đó lại có nhiều ý kiến khác nhau. Trước đây tôi thấy cuộc nổi dậy ở tỉnh Tam-bôp phải đàn áp vì đó là một cuộc phản loạn, nguyên soái chỉ huy cuộc đàn áp ấy là một anh hùng. Bây giờ thì chúng tôi thấy cuộc đàn áp ấy là độc ác, dã man và “người anh hùng” xưa được trả về đúng vị trí của ông ta.

Tôi cũng phải nói rằng, nhiều nhà văn LX. rất hay xung khắc nhau dữ tợn. Đó là một biểu hiện của sự thiếu văn hóa. Lại có thêm tình trạng bè phái tranh giành quyền lực trong Hội nhà văn càng khiến cho tình hình tệ hơn.

Nguyễn Đắc Xuân: Ở LX vừa cho xuất bản cuốn “Sự ra đời của đế chế Nguyễn” của A-I-Riabinhin. Anh thấy thế nào khi lịch sử phải được đặt lại? Và ý kiến anh như thế nào về dòng văn học đô thị ở miền Nam VN thời chống Mỹ?

A-I-Niculin: Cuốn này ở Liên Xô người ta cũng chú ý. Có cả một cuộc tranh luận đã nổ ra. Tôi không đủ căn cứ để đánh giá lại lịch sử giai đoạn này nhưng chắc chắn cần đánh giá lại (Ví dụ đánh giá lại vai trò của Khổng giáo trong sự phát triển của văn học). Nhưng, theo tôi, chưa phải đã có đảo lộn lớn.

Văn học trong vùng tạm bị chiếm theo tôi phải nghiên cứu kỹ, tránh “vơ đũa cả nắm” vì đó là một phương pháp không lịch sự. Nhưng trước hết phải có thư mục.

Tôi đã từng ngồi ở thư viện Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh lục lọi, kiếm sách Nga và Xô viết được dịch ở đây. Tôi rất lạ là, Nguyễn Hiến Lê có bản tiếng Việt, bản tiếng Pháp khi dịch Chiến tranh và hòa bình nhưng lại không có bản tiếng Nga! Vì vậy bỏ sót những tư tưởng lớn của L. Tônxtôi. Trong đó nói cái gì của Nga cũng tốt, cái gì của Pháp cũng xấu thì còn gì là thiên tài L. Tônxtôi. Cách dịch Phục sinh cũng vậy, không nắm được tư tưởng chính của tác giả. Nhưng, ở giữa Sài Gòn thời ấy mà có một số sách cổ điển Nga, và cả Xô Viết, đã là một sự kiện đặc biệt.

Hoàng Phủ Ngọc Tường: Tại trụ sở này, cách đây hai năm, một nhà văn LX nói với tôi thế này: Paternac thì được, còn Xônzennitxin mà trở về LX thì chính tôi sẽ bắn ông ta. Anh thấy sao?

A-I-Niculin: Hồi đó người ta còn ít biết đến tác phẩm của Xonzennitxin, mà tôi tin rằng, chính đồng chí ấy cũng chưa đọc Xônzennitxin.

Đoàn Hồng: Ý kiến của giáo sư về Nguyễn Huy Thiệp?

A-I-Niculin: Tôi không đánh giá cao anh ấy, mặc dù tôi biết nhiều người ở đây không đồng ý với tôi. Ví dụ, đọc Tướng về hưu tôi thấy cái gì đó gần giống Tsêkhôp. Đọc Vàng lửa nói về Nguyễn Du, tôi không thích. Đó là ý kiến chủ quan của tôi.

Tô Nhuận Vỹ: A-I-Niculin thân mến, về Nguyễn Huy Thiệp, trong phòng này, chắc sẽ có một số người ủng hộ ý kiến của anh, nhưng có nhiều người không tán thành ý kiến của anh. Sự khác nhau đó là bình thường thôi, và nó lại được công khai nói ra với thái độ tôn trọng nhau thì đâu đó cũng là một thành quả của công cuộc đổi mới, công cuộc dân chủ hóa xã hội. Với tinh thần đổi mới ấy, chúc anh A-I-Niculin gặt hái những kết quả xứng đáng với nỗ lực của anh và hy vọng của chúng ta.

P.V
(TCSH41/02&03-1990)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng