PHẠM TẤN XUÂN CAO
Chủ nghĩa hiện đại khởi đi với các đại tự sự và niềm tin vô điều kiện của nó vào Lý tính đồng thời chủ nghĩa hậu hiện đại nổi lên để phản ứng lại sức hướng động tuyến tính như thế của chủ nghĩa hiện đại, khi mà nó luôn muốn cổ xúy cho một sự bất tín về phía các đại tự sự và tiến hành giải kiến tạo chúng.
Vào những năm gần đây, cái tên “chủ nghĩa siêu hiện đại” được xướng lên như là một hệ hình văn hóa mới muốn tiến hành vượt qua cả hai hệ hình đó. Bài viết dưới đây hy vọng có thể là một sự gợi dẫn cho những nguồn mạch hứng khởi mới, một lời mời gọi để bước đầu viễn du qua từng chặng đường của một diễn ngôn tân kỳ ở thế kỷ XXI.
Đồng thời, SH cũng xin gửi đến quý bạn đọc bản dịch Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu hiện đại (được nghệ sĩ Luke Turner viết hồi năm 2011). Ở đó, độc giả có thể bước đầu mường tượng được những đường kinh tuyến và vĩ tuyến mà hệ hình văn hóa này đang khuấy động!
Trước thực trạng các hệ sinh thái ngày càng bị phá vỡ một cách nghiêm trọng, các hệ thống tài chính ngày càng trở nên khó kiểm soát và các thiết chế địa chính trị ngày một bất ổn, người ta đã tỏ ra (và có lý do để) hoài nghi hơn về hệ hình văn hóa được ủy thác như là nguyên nhân chính đã gây nên những quái trạng như thế. Theo đó, một phản hồi về cuộc khủng hoảng đang diễn ra hiện nay dần dần “chĩa mũi giáo” vào phía hậu hiện đại, hệ hình văn hóa mà người ta cho là nó đã đưa ra một kết luận hết sức vội vã về hồi kết của lịch sử.
Trước tình hình đó, một thế hệ mới nổi lên và họ ngày càng từ bỏ các châm ngôn mỹ học của giải kiến tạo và phép phỏng nhại để thế chỗ vào đó là các quan niệm mang tính đạo đức thẩm mỹ của tái kiến tạo, huyền thoại và sự cầm chừng. Theo Timotheus Vermeulen và Robin van den Akker trong bài báo Notes on metamodernism (Những ghi chú về chủ nghĩa siêu hiện đại) đăng trên Journal of Aesthetics & Culture (tập 2, 11/2010), thì những quan niệm này không còn được giải thích theo lối hậu hiện đại nữa, về cơ bản, chúng biểu đạt một niềm hy vọng (thường luôn thận trọng) và một sự chân thật (thường hay giả mạo) qua đó để gợi ý nên một cấu trúc cảm nghĩ mới đồng thời loan báo cho một thứ diễn ngôn khác. Cấu trúc cảm nghĩ đang dần xuất hiện này được hai nhà nghiên cứu văn hóa kể trên gọi là siêu hiện đại (metamodernism). Siêu hiện đại được định nghĩa như là sự dao động (oscillation) giữa một cam kết điển hình theo lối hiện đại và một sự tách rời rõ ràng theo lối hậu hiện đại.
Xét trên mặt từ nguyên của thuật ngữ siêu hiện đại thì tiền tố “siêu” (meta) được các nhà siêu hiện đại vay mượn từ chữ “metaxy” của Plato. Theo nguyên nghĩa Hy Lạp cổ thì tiền tố này không hoàn toàn được hiểu theo kiểu tự phản tư (self-reflection), tức trên nền của chữ “về” (of/about) theo cách hiểu thông thường, mà nó được hiểu theo nghĩa của các chữ “với”, “ở giữa”, và “vượt qua”. Do đó, ở đây, tiền tố “meta-” biểu thị cho một sự dao động, một sự đu đưa hay một sự lắc lư giữa các ý tưởng, các tâm thế và các khuynh hướng. Vì thế, các nhà siêu hiện đại cho rằng siêu hiện đại tự nó tái chỉ định cho nó một vị thế ở giữa và ở trong các chủ nghĩa theo hướng giải kiến tạo cùng những sự đổ nát hoang tàn từ hiện đại lẫn hậu hiện đại đồng thời tái kiến tạo chúng dù cho có phải giáp mặt với tính không thể tái xây dựng của chúng đi nữa để tạo ra một hệ hình hiện đại khác. Từ đó, Akker và Vermeulen đã đưa ra một sự xác định đầy đủ và nghiêm cẩn về siêu hiện đại như sau: “Siêu hiện đại được thiết đặt về mặt nhận thức luận với (hậu) hiện đại, về mặt hữu thể học giữa (hậu) hiện đại và về mặt lịch sử vượt qua (hậu) hiện đại.”
1. Khúc quạnh nơi giao lộ hậu-hậu hiện đại
Chủ nghĩa siêu hiện đại vẫn thường được xem xét như là một phản ứng về bi kịch hay một kiểu phản ứng lãng mạn về khủng hoảng. Theo Seth Abramson trong bài viết “Mười nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa siêu hiện đại” (Ten Basic Principles of metamodernism) nếu chủ nghĩa hậu hiện đại phủ nhận khả năng tồn tại của các siêu tự sự thì chủ nghĩa siêu hiện đại lại cho phép chúng ta có khả năng lựa chọn, và với động mắt rộng mở, trở lại những siêu tự sự khi chúng giúp chúng ta bước ra khỏi nỗi buồn, tình trạng vô tổ chức, nỗi thất vọng hay sự uể oải về đạo đức lẫn luân lý. Nhiều nhà nghiên cứu và phê bình cho rằng, hậu hiện đại đã đặt dấu chấm hết của nó một cách khá bất ngờ thông qua các sự kiện như biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính, tấn công khủng bố và các cuộc cách mạng công nghệ số. Hậu hiện đại dần ít mang lại giá trị cho những sự phát triển kinh tế hơn và bên cạnh đó, nó còn tỏ ra không đủ khả năng cho một cuộc hợp nhất những sự dị biệt ở trong nền văn hóa đại chúng. Đứng trước tình hình đó, chưa bao giờ mong muốn cho một sự thay đổi mang tính tăng trưởng lại được người ta ấp ủ ở vào thời điểm này. Linda Hutcheon trong “Chính trị học của tính hậu hiện đại” (The Politics of Postmodernity) cho rằng, thời đại hậu hiện đại đã bị vượt bỏ, dẫu cho các chiến thuật diễn ngôn của nó lẫn công cuộc phê bình ý thức hệ của nó còn tiếp diễn ở vào thế kỷ XXI hiện nay của chúng ta, các quan niệm lịch sử văn học như hiện đại và hậu hiện đại chỉ là những nhãn hiệu mang tính khai phá mà chúng ta tạo ra để phác họa những sự biến đổi lẫn những sự tiếp biến văn hóa, thế nhưng, hậu-hậu hiện đại cần một thứ nhãn hiệu mới của riêng nó.
Để đề bạt nên một hệ hình văn hóa mới trong giai đoạn chuyển giao chưa được định hình này, Gilles Lipovetsky muốn hướng đến một loại hiện đại dị dạng (hypermodern) nhằm thế chỗ cho hậu hiện đại. Với Lipovetsky, thực tiễn văn hóa và quan hệ xã hội trong giai đoạn hiện nay dần trở nên vô nghĩa, chúng thường hay viện dẫn đến một trạng thái mê ly ngây ngất cùng với một sự lo âu theo kiểu hiện sinh. Alan Kirby cũng đã đề xuất nên một kiểu dạng hệ hình đương đại mới được ông gọi là chủ nghĩa giả hiện đại (pseudomodernism). Ngoài ra, quan niệm cho rằng kỷ nguyên của chúng ta là kỷ nguyên của chủ nghĩa hiện đại tự động (automodernism) cũng đã được xướng lên bởi Robert Samuels. Theo Akker và Vermeulen, các nhà phê bình đã thai nghén nên một thuật ngữ chính xác về mặt cú pháp nhưng lại vô nghĩa về mặt ngữ nghĩa, đó là chủ nghĩa hậu-hậu hiện đại (post-postmodernism), họ muốn lựa ra và bóc tách những thứ thừa thãi nhưng theo họ là hữu ích của chủ nghĩa tư bản hậu kỳ, của nền dân chủ tự do và những loại hình công nghệ hơn là muốn đi trệch khỏi những ước định của chủ nghĩa hậu hiện đại: đó là tính lai tạp văn hóa và tính lai tạp (liên) văn bản, tính trùng khít, căn cước người tiêu dùng, chủ nghĩa khoái lạc, và sự tập trung vào tính không gian hơn là tính thời gian. Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy một diễn ngôn độc đáo khác của Nicholas Bourriaud hòa vào cùng một dòng chảy như thế, với chủ nghĩa hiện đại cải biến (altermodernism). Bourriaud cho rằng, chủ nghĩa hiện đại cải biến là một sự tổng hợp giữa chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu thực dân (post-colonialism), sự tổng hợp này được biểu đạt theo tính dị thời (heterochronicity) và tính đa vùng (archipelagraphy).
Theo Akker và Vermeulen, trong quan niệm của Bourriaud, thế giới đã được phát triển đã và vẫn đang mở rộng vượt ra khỏi những giới hạn truyền thống của cái được gọi là thế giới phương Tây, sự phát triển này đã dẫn đến một tính dị thời của các xã hội trong giai đoạn toàn cầu hóa với vô số mức độ của tính hiện đại cùng một hình thể đa vùng toàn cầu mà chẳng có lấy một trung tâm nào cả, ở đó tính thời gian đang giao cắt nhau theo hướng toàn cầu hóa và tính địa lý được tương kết nhau về mặt lịch sử, do đó, ông khẳng định rằng, tính hiện đại đương thời của chúng ta không còn có thể được mô tả bởi hoặc diễn ngôn hiện đại của một cái nhìn phổ quát hoặc bởi sự giải kiến tạo hậu hiện đại vì những đặc tính hỗn tạp của sắc tộc, giới tính, tầng lớp và địa phương. Với Akker và Vermeulen, quan niệm của Bourriaud về một viễn kiến toàn cầu hóa là rất nan giải vì nó hàm ẩn một tính đa bội và một tầm nhìn có tính ngụy tạo. Hai học giả người Hà Lan cho rằng, Bourriaud đã lẫn lộn giữa nhận thức luận và hữu thể học, theo họ thì Bourriaud đã nhận ra được rằng hình thức và chức năng nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay đã thay đổi nhưng ông không thể hiểu làm thế nào và tại sao chúng đã thay đổi, với ông tính dị thời, tính đa vùng không đơn thuần là những sự biểu đạt cho một cấu trúc cảm nghĩ mà chúng còn là chính các cấu trúc cảm nghĩ ấy, điều nan giải phát sinh ở đây là bởi vì ông đã nhầm lẫn tính đa bội của các hình thức với một tính đa nguyên của các cấu trúc. Với hai nhà lý thuyết khơi mào cho chủ nghĩa siêu hiện đại kể trên, điều quan trọng mà chúng ta cần phải xem xét ở đây, chính là trương lực (tension) giữa những sự dị biệt như thế, và họ đã gọi trương lực ấy như là một sự dao động (oscillation) giữa - và vượt qua/ra ngoài - những đối cực của hiện đại lẫn hậu hiện đại.
2. Sự thai nghén nên một hệ hình văn hóa mới
Với những người siêu hiện đại, hậu hiện đại bị coi là nông cạn, dở dang, và chỉ tập trung vào bề nổi mà xem nhẹ phần chiều sâu của sự vật hiện tượng. Hậu hiện đại muốn tiến hành một cuộc lật đổ toàn diện kiểu mẫu văn hóa mà các nhà siêu hiện đại cho rằng đó là một kiểu mẫu sâu sắc, nhờ vào những thế đăng đối của hậu hiện đại như bản chất - hiện tượng, ngấm ngầm - biểu tỏ, chân thực - không chân thực, cái biểu đạt - cái được biểu đạt. Với họ, hậu hiện đại dường như chỉ song hành duy nhất với cái nội tại, với cái thế giới mà ở đó không có gì bên ngoài nữa cả, tức là những người theo hậu hiện đại không tính đến những khả năng hiệu dụng của cái siêu việt, với họ, mọi thứ chẳng có nghĩa gì cả, và sau cùng, Thượng đế đã chết. Brendan Dempsey trong bài “[Re]construction: metamodern ‘Transcendence’ and the Return of Myth” (Sự [tái] kiến tạo: “Siêu việt” siêu hiện đại và bước trở lại với huyền thoại) đã diễn giải về điều này rằng từ các hình tượng (tiền) hiện đại của sự siêu việt tâm linh chúng ta tiến đến các sự vật hào nhoáng hậu hiện đại của sự nội tại lấy vật thể làm chính, khiến cho cái biểu đạt không có cái được biểu đạt, cảm quan không có cảm giác, đời sống không có chiều sâu. Trong nhãn quan hậu hiện đại, chẳng có gì “sâu hơn” nữa cả mà duy chỉ có bề nổi mà thôi, chẳng có một bức tranh khách quan vĩ đại nào hết mà chỉ có duy nhất các thấu kính chủ quan không đếm hết: không có sự thật, chỉ có các diễn giải (Nietzsche).
Và lúc này đây, người ta đã đồng thanh hô hậu hiện đại đã chết. Để tìm một hướng đi mới trong giai đoạn chuyển tiếp này, tức trong khúc quanh hậu-hậu hiện đại ấy, người ta chứng kiến một sự sống lại mạnh mẽ của cái huyền ảo, cái cao cả và cái lãng mạn. Sara Helen Binney trong “Sự dao động hướng đến cái cao cả: nền văn học dân gian huyền ảo và tiểu thuyết Người vợ sếu của Patrick Ness” (Oscillating Towards the Sublime. Fantastic folklore and Patrick Ness’s novel The Crane Wife) cho rằng, sau sự ra đi của hoài nghi luận kiểu hậu hiện đại, mối quan tâm trong giai đoạn hiện nay dần tập trung vào sự xuất hiện trở lại của những cái không thể giải thích một cách rõ ràng, không thể nói được và những cái không được bao bọc trong phạm của lý tính. Florian Niedlich gọi sự phát triển này là “bước ngoặt tâm linh” (religious turn), Wolfgang Funk gọi nó là “sự quay trở lại với cái siêu nhiên” (return of the supernatual). Binney cho rằng, mặc dù có những sự khác biệt rõ ràng giữa hai hướng tiếp cận này, nhưng cả hai đều cùng xuất phát từ một nguồn, đó là sự truy vấn về ý niệm Khai minh rằng nó có thể mang lại một niềm tin cậy vào mệnh lệnh tuyệt đối và bất khả nghi trong việc phân tích và giải thích mọi hiện tượng mà nó bắt gặp. Thay vì giải thích theo hai hướng tiếp cận trên đây, Binney muốn tập trung nghiên cứu về ba yếu tố được giả định là phi lý của tiểu thuyết đương đại, đó là kiểu mẫu huyền ảo (fantastic), nỗ lực tiến đến cái cao cả (sublime), và một kiểu mẫu thuộc về thế kỷ XXI mà người ta đang gọi là siêu hiện đại.
Luke Turner trong bài “Trong sự theo đuổi những chân trời thoái bộ. Richard T. Walker, David Blandy và bước quay trở lại của sự truy vấn trong nền nghệ thuật đương đại” (In pursuit of elusive horizons. Richard T. Walker, David Blandy and the return of the quest in contemporary art) cho rằng ở trình chiếu video của Richard T. Walker có tên “Sự mau lẹ và sự hăm hở của ý nghĩa” (2011) hành động lang thang của người nghệ sĩ trong hoang mạc Mojave nhằm đề ra một cuộc truy tìm mặc khải (revelation), một cuộc hành hương đi tìm cái cao cả. Ở đó, anh ta đã ngao du qua những phong cảnh đất đai cằn cỗi rộng lớn, vở kịch độc diễn mô tả một vực thẳm không thể vượt qua được mà anh ta bắt gặp giữa ý nghĩa và sự xúc động (affect). Turner cho rằng, ở đó người ta chỉ có thể vẽ ra những sự song hành, phân chia những sự khác biệt, chuyển dịch các sự vật thành những thế đối lập, tìm kiếm những sự hiệp thông, vẽ ra những dị biệt và ôm trọn một thất bại hoàn toàn của sự hòa mục này (togetherness). David Blandy là một nghệ sĩ khác tiến hành truy vấn những vấn đề nghệ thuật đương đại cũng theo cách đi qua những vùng đất xa xôi như vậy với vùng Thâm Nam Hoa Kỳ (Deep South), thủ phủ đang được xây dựng lại ở Hiroshima, ở đó anh ta khám phá ra quá khứ trong thời kỳ chiến tranh của gia đình mình bên cạnh những bộ phim hoạt hình hậu khải huyền, và phát hiện lại chính mình trong bộ phim hoạt hình siêu anh hùng như Child of the Atom. Turner cho rằng, Blandy thai nghén nên một phổ rộng của những cái tha ngã (alter ego) trong các tác phẩm của mình cũng như việc anh ta muốn theo đuổi những cái huyền ảo và những huyền thoại của nền văn hóa đại chúng bằng một sự tự cải biến (self-transformation).
Và thông qua những bước chuyển thai nghén ấy, trong “Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu hiện đại” (The manifesto of metamodernism), Turner nhấn mạnh rằng, siêu hiện đại sẽ đi theo luận đề mang tính chất khoa học-thi ca (scientific-poetic) và tính ngây thơ sở tri (informed naivety) của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, qua đó, khoa học cố gắng để có được tính nhã nhặn của thi ca, đồng thời các nhà nghệ sĩ phải đảm nhận một cuộc truy tầm chân lý. Chủ nghĩa siêu hiện đại được Turner xác định như là một thứ chủ nghĩa lãng mạn thực tế (pragmatic romanticism) không bị ngăn trở bởi sự neo buộc về mặt ý thức hệ. Chủ nghĩa siêu hiện đại được định nghĩa trong bản Tuyên ngôn đó như sau: chủ nghĩa siêu hiện đại là một trạng thái thường biến giữa châm biếm và thành thật, giữa ngây thơ và hiểu biết, giữa chủ nghĩa tương đối và điều đúng chắc, giữa thuyết lạc quan và sự hoài nghi, đồng thời vượt qua trạng thái thường biến đó, trong việc theo đuổi một tính đa bội của những chân trời thoái bộ và biệt loại.
Qua đó, ta có thể thấy được rằng chủ nghĩa siêu hiện đại trên hết là một sự dao động. Theo Timotheus Vermeulen trong bài “Cứng và mềm” (Hard and soft) nó là một sự dao động giữa hiện đại và hậu hiện đại, giữa lịch sử và phi lịch sử, giữa lạc quan và bi quan, giữa chân thật và giễu nhại, giữa cái đã định hình thành quan niệm và cái còn thô phù, giữa cái có hình thể đầy đủ và cái phi hình thể, giữa cái có câu chuyện và cái không có cốt truyện, giữa tính căn nguyên của diễn ngôn và tính liên văn bản riêng biệt, giữa có nghĩa và vô nghĩa. Ở đó, Vermeulen cũng đã dè chừng rằng, sự dao động ấy không nên chỉ được hiểu một cách đơn giản như nó diễn ra giữa hai thế đối lập nhau mà đúng ra là nó biểu hiện giữa một miền liên tục đa chiều của những trương lực (intensity) và sinh lực (energy). Và để có được một cách nhìn dễ hiểu hơn về điều này Vermeulen mạnh dạn đưa ra một lối hình dung về sự dao động ấy như là một sự dao động giữa những cái được gọi một cách dễ hình dung nhất là “cứng” (hardness) và “mềm” (softness).
3. Cuộc phục hưng hiện đại trong sự điều đình với hậu hiện đại
Theo Akker và Vermeulen, hậu hiện đại đơn thuần được hiểu như là một khẩu hiệu dùng để chỉ tính đa bội của những khuynh hướng mâu thuẫn nhau, một lối nói thường để chỉ tính đa nguyên của những sự hướng động tách rời nhau. Charles Jencks tiến hành phân tích về một sự cải biến phối cảnh cụ thể của chúng ta, Jean-Francois Lyotard theo đuổi một sự bất tín và ruồng bỏ các siêu tự sự, Fredric Jameson với sự nổi lên của chủ nghĩa tư bản hậu kỳ và Ihab Hassan hướng đến sự tàn phai của thuyết sử luận cũng như sự tàn tạ của cảm xúc. Turner trong Chủ nghĩa siêu hiện đại: một dẫn nhập ngắn cho rằng, khi mà chủ nghĩa hậu hiện đại được đặc trưng bởi giải kiến tạo, giễu nhại, phỏng tác, thuyết tương đối, chủ nghĩa hư vô và sự loại bỏ các đại tự sự thì tranh luận quay xung quanh chủ nghĩa siêu hiện đại gắn với sự tái xuất của tính chân thật, niềm hy vọng, chủ nghĩa lãng mạn, sự xúc động và tiềm năng dành cho các đại tự sự cũng như những chân lý phổ quát, trong khi vẫn không làm mất đi toàn bộ những gì mà chúng ta đã tiếp thu từ chủ nghĩa hậu hiện đại. Về cơ bản, theo Akker và Vermeulen, những hiện tượng theo hướng hậu hiện đại đều đặt trong thế đối lập lại với cái hiện đại, với thuyết không tưởng, diễn trình (tuyến tính), các đại tự sự, Lý tính, thuyết chức năng và thuyết thuần túy hình thức. Những hình thức đăng đối giữa hiện đại và hậu hiện đại này, sau cùng được Jos de Mul tóm lại trong một sự phân biệt giữa giễu nhại hậu hiện đại (postmodern irony) (bao gồm chủ nghĩa hư vô, sự châm biếm, bất tín và giải kiến tạo các đại tự sự) và sự nhiệt huyết hiện đại (modern enthusiasm) (bao gồm mọi thứ từ chủ nghĩa không tưởng đến niềm tin vô điều kiện vào Lý tính).
Theo Abramson, chủ nghĩa hiện đại đặt ra ít nhất cái khả năng cho một thứ chân lý phổ quát (universal), trong khi chủ nghĩa hậu hiện đại lại loại bỏ đi khả năng đó, và thay vào là một thứ niềm tin cho rằng ý nghĩa và chân lý là các giá trị chủ quan (subjective), chúng luôn mang tính “ngẫu nhiên” (contingent). Chủ nghĩa siêu hiện đại xuất hiện để tiến hành điều đình (negotiate) giữa chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại qua việc trình ra các nguyên lý căn bản cho chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại mà chúng không cần được xem xét trong thế đối lập lẫn nhau. Chủ nghĩa siêu hiện đại cho rằng kỷ nguyên của chúng ta được đặc trưng bởi sự cầm chừng (negotiation) hay cũng có thể được hiểu như là một sự điều đình, đàm phán, thương lượng, dàn xếp lẫn vượt qua giữa những phương diện của cả chủ nghĩa hiện đại lẫn chủ nghĩa hậu hiện đại. Siêu hiện đại đặc trưng cho tính ngây thơ thuần phác, một thứ chủ nghĩa duy tâm thực tế, một thứ chủ nghĩa huyền ảo ôn hòa, dao động giữa chân thật và giễu nhại, giữa giải kiến tạo và kiến tạo, giữa tính lãnh đạm và tính dễ xúc động, để cố gắng đạt tới với một vài loại hình của lập trường siêu nghiệm. Theo Turner, thế hệ siêu hiện đại hiểu rằng chúng ta có thể sở đắc được cả chân thật lẫn giễu nhại trong cùng một thời điểm, nhưng sẽ không bị thui chột thành một con người khác. Với họ, lịch sử hiện đang vượt qua hồi kết được tuyên bố từ trước đó bởi các nhà hậu hiện đại, lịch sử chưa bao giờ cáo chung!
Theo Akker và Vermeulen, các nhà tư tưởng hậu hiện đại đã đề ra một tuyên bố về lịch sử hiểu theo kiểu duy tâm “khẳng định” (positive) của Hegel, rằng lịch sử tiến triển về mặt biện chứng để nhắm đến một cái Viễn đích được xác định trước (predetermined Telos). Tuy nhiên, diễn ngôn siêu hiện đại cho rằng mục đích của lịch sử chẳng bao giờ được hoàn tất cả, về mặt nhận thức luận họ đi theo hướng duy tâm “phủ định” của Kant. Triết học lịch sử của Kant được tóm lược như là một kiểu tư duy “như thể” (as if), tức là mỗi người như thể theo sau một sự chỉ dẫn nhất định để hướng đến tự nhiên nhưng họ lại không biết được mục đích của hành động mình là gì cả. Chủ nghĩa siêu hiện đại cũng vậy, dấn thân cho mục đích của nó, dẫu cho những nỗ lực ấy biết trước được sự thất bại không thể tránh khỏi, nó luôn tìm kiếm chân lý mà chẳng bao giờ kỳ vọng để tìm thấy chân lý ấy. Về mặt hữu thể học, theo Akker và Vermeulen, chủ nghĩa siêu hiện đại dao động giữa hy vọng và sầu muộn, giữa ngây thơ và hiểu biết, giữa thông cảm và vô cảm, giữa đơn nhất và đa nguyên, giữa toàn thể và phân mảnh, giữa thuần túy và mờ đục. Tuy nhiên, cả hai cũng đã lưu ý rằng chúng ta nên nghĩ về sự dao động này một cách cẩn thận rằng đó không phải là một sự cân bằng, đúng ra nó là một sự lúc lắc đu đưa giữa vô số đối cực, ở vào thời điểm vào sự nhiệt huyết siêu hiện đại đu đưa đến sự cuồng tín thì sự hấp dẫn kéo nó trở lại giễu nhại, và ở vào thời điểm mà sự giễu nhại của nó đu đưa đến sự vô cảm thì lực hấp dẫn kéo nó trở lại sự nhiệt huyết. Theo Abramson, trong khi chủ nghĩa hậu hiện đại cổ xúy “biện chứng” (dialectics) thì chủ nghĩa siêu hiện đại cổ xúy đối thoại (dialogue), rằng ở đâu tư duy “biện chứng” của các nhà hậu hiện đại giả định rằng mọi tình huống chỉ bao gồm hai thế lực đối lập chủ đạo với nhau thì ở đó diễn ra trận đấu mãi cho đến khi một bên thắng còn bên kia bị tiêu diệt, thế nhưng, tư duy đối thoại lại loại bỏ quan niệm ấy và cho rằng có một nền tảng trung lộ (middle ground) hay những phương cách điều đình giữa các vị thế đối lập nhau trong sự triển khai đó của chủ nghĩa hậu hiện đại. Theo đề xuất của Akker và Vermeulen thì hệ hình siêu hiện đại, hay nói đúng ra là nhận thức luận siêu hiện đại và hữu thể học của nó, nên được xem xét như là một sự năng động kiểu “vừa là mà cũng chẳng phải là” (both-neither), nó một phần nào đó vừa là hiện đại và hậu hiện đại mà cũng chẳng phải là cả hai chúng. Chính vì tính năng động này mà siêu hiện đại thể hiện ra rất nhiều đặc điểm chuyên biệt đặc trưng cho thứ diễn ngôn mới đang nổi.
Abramson cho rằng, chủ nghĩa siêu hiện đại đến từ thời đại kỹ thuật số (digital), ở đó, đôi khi chúng ta cảm thấy xa rời với người khác (bởi vì ở môi trường Internet, hầu hết mọi người là kẻ xa lạ). Tuy nhiên, qua đó Internet cũng giúp chúng ta gắn kết một cách đáng kinh ngạc với người khác bởi vì nó có thể tạo ra những kết nối nhanh hơn so với trước đây. Tình trạng ẩn danh (anonymity) của Internet đã làm lẫn lộn tính đồng nhất của cái tôi (self-identity) khi mà nó khiến cho cái tôi khó khăn hơn và gian khổ hơn để phân biệt quan điểm của chúng ta về chính chúng ta từ các quan điểm của những người khác. Đi từ kinh nghiệm về sự hòa tan cái tôi ấy, Abramson cũng cho rằng, chủ nghĩa siêu hiện đại ấp ủ quan niệm về tính đa bội (multiplicity) của chủ thể. Quan niệm này nhấn mạnh đến việc chúng ta tìm thấy mình trong vô vàn quan niệm đồng thời lưu trú về mặt thời gian cũng như chia sẻ tính chủ thể này với những người khác. Hệ quả của điều này khiến cho chúng ta có quyền loại bỏ hoặc giải nhấn mạnh (deemphasize) chủ thể tính của mình, qua đó có thể mở ra những chủ thể tính nào đó về mặt thời gian để cộng tác với người khác. Sự cộng tác này, cũng theo Abramson, khiến cho chúng ta có thể gặp gỡ trong thực tiễn những thứ mà ông gọi là những liên minh kỳ dị (bizzarre alliances). Bên cạnh đó, tình trạng ẩn danh trên Internet còn khiến cho vị thế của cái tôi không chuyển động giữa các vị thế khác nhau nữa, mà nó có thể sống với các vị thế khác nhau trong cùng một lần. Đó là tính đồng hiện của siêu hiện đại, yếu tố này có được nhờ vào những sự tương cận (juxtaposition) siêu hiện đại, mà một ví dụ điển hình về sự tương cận này là sự tương cận giữa chân thật và giễu nhại trong văn học siêu hiện đại. Ngoài ra, chúng ta còn bắt gặp tính mờ đục (ambiguity) của chủ nghĩa siêu hiện đại đem lại sự trỗi dậy mối bận tâm của nó về xúc cảm, ở đó có những trạng thái cảm xúc rất khó lý giải như tính sướt mướt không có lý do hoặc những nhân vật kỳ dị, không thể định hình được. Người ta có thể bắt gặp những yếu tố siêu hiện đại này ở trong những bộ phim của Wes Anderson, Miranda July và Spike Jonze, trong âm nhạc của Arcade Fire, Bill Callahan và Future Islands, trong các tiểu thuyết của David Foster Wallace, Zadie Smith và Roberto Bolano, trong thơ của Jasmine Dreame Wagner, Sophie Collins.
4. Sự gia công cho một cuộc khởi thảo văn hóa mới
Theo Akker và Vermeulen, chủ nghĩa siêu hiện đại cũng giống như hiện đại và hậu hiện đại, nó trình ra rất nhiều chiến thuật lẫn phong cách.
David Foster Wallace cho rằng thế hệ các nhà nghệ sĩ chống lại chủ nghĩa hậu hiện đại có lẽ được xem như là một thế hệ của sự chống lại nổi loạn (anti-rebel). Những người nghệ sĩ này trình bày những vấn đề không theo lối mòn trước đây nữa và với lòng tôn kính cũng như niềm tín mộ, họ dâng hiến cho cái rất chân thật.
Một trong số những chiến thuật siêu hiện đại sâu sắc nhất được nhà lý thuyết Đức Raoul Eshelman đặt tên là “trình diễn” (performatism). Eshelman mô tả trình diễn như là một sự tự lừa dối có chủ ý để có được niềm tin vào một cái gì đó, ví dụ, sự sống lại của thuyết hữu thần ở trong nghệ thuật, sự sáng tác lại trong trình chiếu phim, sự vận động và tài tiên đoán ở trong kiến trúc. Trình diễn, do đó, gây ra hai hiệu ứng quan trọng, một mặt bạn được thúc đẩy về mặt thực hành để xác định cái gì đó là không thể hợp lý và không thể tin được, thế nhưng, mặt khác, bạn vẫn cẩm thấy có một sức thúc đẩy ngược lại để cho sự xác định này diễn ra, và về mặt nhận thức bạn vẫn nhận ra tính đặc thù của vấn đề.
Nhà phê bình nghệ thuật Mỹ Jerry Saltz muốn hướng đến một sự gia công nên loại hình cảm năng khác dao động giữa niềm tin, giả định và thái độ. Khi mà người ta có ý thức về nghệ thuật một cách không sợ hãi và không hổ thẹn, thì họ không chỉ nhìn thấy sự phân biệt giữa tính đứng đắn và sự phá vỡ chỉ mang một tính cách giả lập, họ biết rằng họ có thể đồng thời có cả giễu nhại lẫn chân thật, và họ đang tạo ra nghệ thuật từ trạng thái tâm thức rất sâu sắc cũng như đầy phức tạp ấy.
Theo Akker và Vermeulen, gần đây, Viện BAK (BAK Institute) mới được thành lập ở Hà Lan đã tổ chức một cuộc triển lãm nhóm mang tên “Các véc- tơ của cái khả hữu” (Vectors of the Possible) vào năm 2010. Người phụ trách cuộc triển lãm này là Simon Sheikh giải thích rằng, cuộc triển lãm muốn thẩm tra quan niệm về chân trời (horizon) ở trong nghệ thuật đồng thời khám phá ra những chiều hướng mà ở đó các tác phẩm nghệ thuật có thể được coi là dựng nên những chân trời của tính khả hữu và tính bất khả, làm thế nào nghệ thuật lại cùng tham dự với những sự tưởng tượng riêng biệt, và làm thế nào nó có thể tạo ra cái mới, qua đó đề ra những hướng đi mới trong việc tưởng tượng/hình dung về thế giới. Cuộc triển lãm muốn đi đến một nhận định chung cuộc rằng, trong phạm vi của nghệ thuật, sự từ bỏ là một chân trời, đây được hiểu như là một cái biểu đạt còn để trống, một lý tưởng để phấn đấu vươn đến, và là một véc-tơ của tính khả hữu, qua đó thống nhất và mang lại một sự chỉ dẫn cho nghệ thuật. Các tác phẩm trong cuộc triển lãm này có thể được coi như là những véc-tơ, tiến hành tính toán cái khả hữu và cái bất khả ở trong những chừng mức (không) ngang bằng nhau, nhưng luôn luôn thăm dò và trình ra các cách nhìn lẫn các cách tồn tại ở trong thế giới.
Bên cạnh đó, nhà phê bình văn hóa Jưrg Heiser đã nhận thức được một sự xuất hiện của cái mà ông gọi là “thuyết ý niệm lãng mạn” (romantic conceptualism). Theo Akker và Vermeulen, Heiser cho rằng nghệ thuật ý niệm của Jeff Koons, Thomas Demand và Cindy Sherman dần được thay thế bởi những sự trừu tượng đầy cảm xúc và thường gây xúc động của Ticita Dean, Didier Courbot, và Mona Hatoum. Demand muốn tạo ra những bản thế vì cụ thể nhất thì Dean lại tạo ra những ảo tượng gây xúc động mà chẳng thể nào cụ thể hóa được. Trong khi Koons ám ảnh với sự khiêu dâm thì Courbot lại hăm hở với những cái đã cũ đang dần xuất hiện trở lại. Và trong khi Sherman phê phán tính chủ thể thì Hatoum lại tán dương tính hỗn tạp của căn cước. Nếu hậu hiện đại tiến hành giải kiến tạo thì thuyết ý niệm lãng mạn của Heiser lại liên quan đến sự tái kiến tạo.
Nhà phê bình phim James MacDowell, theo Akker và Vermeulen, đã lưu ý đến sự xuất hiện của cái mà ông gọi là nghệ thuật điện ảnh trá ngụy (quirky cinema) liên quan đến các bộ phim của Michel Gondry và Wes Anderson. MacDowell mô tả sự trá ngụy này như là một trào lưu nỗ lực hồi phục và đem hiện thực yếm thế của thời trưởng thành trở lại với sự ngây thơ kiểu con trẻ, điều này dường như đối lập lại với loại hình phim “đầy thông minh” kiểu hậu hiện đại được đặc trưng bởi sự mỉa mai và thái độ trung lập.
Trong giai đoạn hiện nay, hầu hết các nhà triết học, các nhà lý thuyết văn hóa và phê bình nghệ thuật, theo Akker và Vermeulen, đều cho rằng hậu hiện đại có thể được coi là đã lỗi thời và bị soán ngôi. Khi mà hiện đại biểu đạt một sự kiện toàn không tưởng (utopic syntaxis) và hậu hiện đại biểu đạt một sự ly hợp biến vị (dystopic parataxis) thì siêu hiện đại lại trình ra một sự cầm chừng đặc dị (a-topic metaxis). Akker và Vermeulen cho rằng, tính đặc dị của siêu hiện đại xuất phát từ chữ “topos” trong tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là xa lạ, khác thường và nghịch lý, nó được hiểu như là một nơi chốn mà lại không có nơi chốn, một vùng miền mà không có ranh giới, một vị trí mà không có tham số. Bên cạnh đó chữ “taxis” ở trên còn được hiểu như là thứ tự (ordering). Vì thế, hai nhà lý thuyết đầu ngành của siêu hiện đại đã đi đến kết luận rằng, nếu hiện đại thừa nhận thứ tự thời gian, hậu hiện đại ngụ ý một thứ tự không gian, thì siêu hiện đại nên được hiểu như là một miền không-thời gian mà cả hai hoặc chẳng có thứ tự mà cũng chẳng phải là không có thứ tự. Với những nhà siêu hiện đại, theo Akker và Vermeulen, sứ mệnh của họ là theo đuổi một chân trời mãi mãi lùi xa dần. Cho nên, nói như Luke Turner - người viết nên bản tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu hiện đại - rằng, diễn ngôn siêu hiện đại nên được hiểu như là một mô tả hơn là một chiếu chỉ, vì nó nói đến siêu hiện đại như là một cuộc phê bình hậu hiện đại có thể coi là đã đủ, thế nhưng những nẻo đường trong tương lai của nó thì hãy còn cần được kiến tạo thêm.
P.T.X.C
(TCSH342/08-2017)
...
Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu hiện đại
(The metamodernist Manifesto)
LUKE TURNER
1. Chúng tôi xem sự dao động luôn diễn ra trong trật tự tự nhiên của thế giới.
2. Chúng ta phải giải phóng chính chúng ta ra khỏi quán tính bắt nguồn từ một thế kỷ ngây thơ về tư tưởng của chủ nghĩa hiện đại và tính giả dối yếm thế của các trào lưu hư ngụy phái sinh từ nó nhưng lại đi ngược chủ trương của nó.
3. Kể từ nay trở đi, trào lưu siêu hiện đại sẽ có thể phải trải qua một sự biến động giữa nhiều trạng huống, với các quan niệm đối lập nhau gay gắt, chúng vận hành giống như những đối cực mãnh liệt của một cỗ máy phát điện khổng lồ, đẩy thế giới vào trong guồng quay của chúng.
4. Chúng tôi nhận thấy những giới hạn cố hữu đối với mọi trào lưu và kinh nghiệm, bất kỳ một cố gắng nào muốn vượt qua những giới hạn đã được thiết đặt ấy đều được xem là vô ích. Tính bất toàn trong tận bản chất sẽ tất yếu gắn chặt với một hệ thống nào đó, không phải để đi đến một cái kết đã được tiền định hay lệ thuộc vào nguồn gốc của nó, mà đúng ra, có lẽ tính bất toàn ấy sẽ hiện hoạt thông qua sự ủy thác đối với một vài hành động che khuất ngoại diên của nó. Hiện hữu sẽ trở nên bội phát đi nếu chúng ta đặt ra nhiệm vụ của chúng ta như thể phó mặc cho những giới hạn này có thể được thổi phồng lên, để tác động của nó sẽ phì đại ra trong thế giới này.
5. Mọi thứ được nắm lấy trong một sự trượt qua không thể trở lại nhắm đến trạng thái dị biệt hỗn xung cực đại. Sáng tạo nghệ thuật tùy thuộc vào sự định hình hay sự khai quang của tính dị biệt đó. Sự xúc động lên đến cực điểm của nghệ thuật là thứ kinh nghiệm bất hòa của tính dị biệt ở trong chính nó. Đó phải là vai trò của nghệ thuật trong việc khám phá ra một sự hứa hẹn từ tham vọng đầy nghịch lý của nó bằng cách vỗ về sự thừa thãi để nhắm đến một sự có mặt.
6. Hiện tại là một dấu chỉ của cuộc đồng sinh giữa trực khởi và tiêu biến. Ngày nay, chúng ta là những kẻ hoài cổ và đồng thời cũng là những kẻ vị lai. Kỹ thuật tân tiến cho phép có được một thứ kinh nghiệm và một sự trình diễn tức thời về những sự kiện từ vô số các tình huống khác nhau. Trái với dấu hiệu cáo chung của nó, nhiều hệ thống nổi lên tạo điều kiện cho sự dân chủ hóa của lịch sử, soi sáng những nẻo đường [tiểu tự sự] và những đại lộ [đại tự sự] để chúng cùng có thể điều hướng bước tiến của lịch sử ngay đây và vào chính lúc này.
7. Đồng thời khoa học cố gắng để có được tính nhã nhặn của thi ca, các nhà nghệ sĩ phải đảm nhận một cuộc truy tầm chân lý. Tất cả thông tin là những nền tảng của tri thức, dù là kinh nghiệm hay cách ngôn đi nữa, sẽ không có vấn đề về giá trị chân xác của nó. Chúng ta sẽ đi theo luận đề mang tính chất khoa học-thi ca và tính ngây thơ sở tri của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Sai lầm nuôi dưỡng cái có nghĩa.
8. Chúng tôi đề ra một thứ chủ nghĩa lãng mạn thực tế không bị ngăn trở bởi sự neo buộc về mặt ý thức hệ. Vì thế, chủ nghĩa siêu hiện đại sẽ được định nghĩa như là trạng thái thường biến giữa và vượt qua châm biếm và thành thật, ngây thơ và hiểu biết, chủ nghĩa tương đối và điều đúng chắc, thuyết lạc quan và sự hoài nghi, trong sự theo đuổi một tính đa bội của những chân trời thoái bộ và biệt loại. Chúng ta phải tiến về phía trước và khuấy động lên!
Tuệ Đan chuyển ngữ
Nguồn: http: metamodernism.org
(TCSH342/08-2017)