Nhìn ra thế giới
Đỡ đạn từ chiến hào kinh điển
09:45 | 09/07/2018

NGUYỄN THANH VIỆT  

Nguyễn Thanh Việt là nhà văn gốc Việt đoạt giải văn chương Pulitzer, tác giả của “The Sympathizer,” “The Refugees,” và “Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War.” Ông hiện là giáo sư Anh văn tại Đại học Nam California (Mỹ).

Đỡ đạn từ chiến hào kinh điển
James Joyce và William Shakespeare là hai cột trụ của văn học kinh điển phương Tây. (Chân dung của Joyce: Lipnitzki/Roger Viollet/Getty Images; chân dung Shakespeare: Library of Congress, Prints and Photographs Division)

Vào năm 1992, năm đầu làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ, ngồi trước Trưởng khoa Văn học Anh, một người nổi tiếng bênh vực chủ nghĩa văn hóa Mỹ [Americanist], tôi bày tỏ ý định viết một luận án về văn chương Việt Nam và văn chương Mỹ-Việt. “Anh không thể làm điều này,” ông ngăn cản, tỏ ra ái ngại về tham vọng của tôi là muốn dạy học ở một phân khoa Anh văn. “Anh sẽ không kiếm được việc làm đâu”. Vì ngay cả vị giáo sư đỡ đầu của tôi, một người theo chủ nghĩa Marx, cũng đồng ý với ông trưởng khoa, tôi đành đi theo một lộ trình an toàn hơn và viết một luận văn về văn học Mỹ gốc Á (Asian American literature), một ngành trong đó một số người đã vào được ngạch giáo sư đại học.

Tuy nhiên, đây không phải là một con đường dễ dàng, như một học giả gốc Mễ từng nói với tôi bằng giọng hằn học: “Chúng ta phải đọc văn chương của họ, song họ không cần đọc văn chương của chúng ta.” Ông muốn nói rằng chúng tôi, thuộc thiểu số, sẽ phải luôn luôn tìm hiểu tư duy của đa số, một ân huệ mà phe đa số biết chắc họ không cần phải đền đáp. Sự hiểu biết này đồng nghĩa với bản năng sinh tồn của người thiểu số. Thái độ không thèm biết đến điều này là cách biểu hiện đặc ân dành cho phe đa số.

Tôi thấy mình nghĩ lung trở lại về những năm tháng ấy, vì, theo một cách nào đó, trận chiến kéo dài nhiều thập niên, về những giá trị cần được đưa vào chương trình văn học kinh điển, vẫn bừng bừng tiếp diễn. Mặt trận mới nhất là tại Đại học Barnard, thành phố New York, nơi một số sinh viên văn chương Anh muốn thấy một sự đa dạng lớn hơn trong chương trình học của họ. “Sau nhiều năm kinh nghiệm, tôi muốn nói ‘tội nghiệp’ cho những sinh viên ấy”, bà Ann Lake Prescott, một học giả cao cấp và là giáo sư danh dự bộ môn Anh văn, đã phát biểu với tờ báo của đại học này. “Để hiểu được nền văn học về sau, các bạn cần phải đọc một số tác phẩm của Shakespeare, Milton, Tennyson trước đã. Đây là vốn liếng cơ bản cho một sinh viên văn chương Anh. Phần thô bạo trong trí óc tôi muốn nói ra điều này: “Nếu bạn không thích như thế, đừng theo đuổi Văn chương Anh”. Nhiều giáo sư thường cho rằng nếu không giảng dạy những điều cơ bản của văn học Anh được bổ túc bằng văn học Mỹ, thì chắc chắn là sinh viên không thể hiểu được một số tác phẩm hiện đại.”

Tư duy “thô bạo” này đang ồn ào hơn bao giờ cả trong văn hóa Mỹ hiện nay. Sự trỗi dậy của óc bài ngoại chống người nhập cư và chống người tị nạn bên cánh hữu đã tìm thấy một sự tương đồng trong các đả kích nhắm vào “chính trị bản sắc” [identity politics] bên cánh tả. Cánh hữu đổ lỗi người nhập cư, người nước ngoài, và các nhóm thiểu số về sự suy đồi văn hóa và kinh tế của nước Mỹ. Cánh tả cũng đổ lỗi những nhóm người này vì họ nhấn mạnh quá nhiều về bản sắc văn hóa của mình, một đòi hỏi bị cho là gây ác cảm với một số người da trắng, làm sao nhãng nhu cầu tập trung vào vấn đề bất bình đẳng xã hội và, trong giáo dục đại học, đe dọa nền văn học kinh điển. Họ xem những người như tôi và các sinh viên Đại học Barnard nói trên, những kẻ muốn đọc nhiều loại văn chương khác nhau, là “bọn man rợ” đang đứng trước cổng thành, là các nhà cung cấp dạng “chính trị bản sắc” này.

Nhưng những than phiền nói trên đã bỏ qua một loại “chính trị bản sắc” nguy hiểm nhất: chính trị bản sắc da trắng [white identity politics], một loại hình luôn luôn tồn tại với chúng ta. Trừ một điều, trước đây nó không bao giờ được gọi bằng thuộc từ “da trắng”, vì dù không nói ra, chính trị Mỹ đã là chính trị da trắng gần như suốt chiều dài lịch sử nước này. Điều thay đổi là, các đòi hỏi ngày một gia tăng “của bọn rợ” đã làm cho thuộc tính da trắng [whiteness] nổi bật hơn, nhất là đối với chính người da trắng. Vì thế không lạ gì, điều này phần nào đã biểu hiện như một cuộc tranh luận về các tác phẩm văn học kinh điển.

Tôi trưởng thành trong cái gọi là các cuộc chiến tranh văn hóa vào cuối thập niên 1980 và thập niên 1990, khi các cuộc tranh luận về những tố chất tạo nên văn hóa Mỹ và phương Tây đang thu hút sự chú ý cả nước. Ở trung tâm của cuộc đấu tranh này là các tác phẩm kinh điển của văn học phương Tây, một loạt các nhân vật từ Homer đến Joyce. Các nhà cải cách [Reformers] không tranh cãi là các tác phẩm kinh điển phương Tây cần phải tồn tại trong chương trình văn học, song họ đòi hỏi thêm không gian cho các tác phẩm của nữ giới, người da màu, giai cấp công nhân, người đồng tính và người không có gốc châu Âu [non-white]. (Trong khi các nhà cách mệnh [revolutionaries] lại muốn hủy bỏ các tác phẩm kinh điển và luôn cả khái niệm “các tác phẩm lớn”). Trái lại, các học giả E.D. Hirsch và Allen Bloom tranh luận rằng nếu phần cốt lõi của các tác phẩm lớn không phải là các tác phẩm kinh điển phương Tây, thì các giá trị phương Tây - và sự cố kết của chính nước Mỹ - sẽ bị bào mòn. Vào cuối thập niên 90, các cuộc chiến [văn hóa] này có vẻ được dàn xếp xong, với chủ nghĩa đa văn hóa [multiculturalism] có vẻ thắng thế, dù nó chỉ biểu hiện dưới dạng một “môn đa văn hóa trong chương trình học” [a diversity requirement] bắt sinh viên phải đọc [tác giả châu Phi] Chinua Achebe và Kinh thánh Koran cùng với các “tác phẩm kinh điển” chính thức.

Nhưng cũng như nhiều cuộc chiến khác, cuộc chiến văn hóa nói trên để lại một hậu quả lâu dài, và thậm chí có lẽ đưa đến một cuộc đổi mới.

Tôi vào Đại học California tại Berkeley năm 1990, đã thấy ngờ ngợ rằng tôi là một trong “những tên man rợ” đang đe dọa văn hóa phương Tây. Trước đó tôi theo học một trường trung học ưu tú, gần như hoàn toàn da trắng tại San Jose. Tôi là một trong thiểu số học sinh gốc châu Á của trường. Chúng tôi biết mình khác biệt với số đông. Mỗi ngày vào giờ ăn trưa, chúng tôi đàn đúm nhau ở một góc sân trường và tự gọi mình là “cuộc xâm lăng của người châu Á”. Tôi chuẩn bị để trở thành kẻ tôi đã trở thành tại Berkeley - một người Mỹ châu Á [an Asian American]. Từ ngữ này được các sinh viên cấp tiến Berkeley nặn ra năm 1968. Trước đó, trong khả năng tốt nhất chúng tôi là “người phương Đông”, trong khả năng xấu nhất chúng tôi là “họa da vàng”, bị loại ra khỏi văn học cổ điển phương Tây trừ khi các khẩu đại bác phương Tây đặt chúng tôi vào tầm ngắm. (Đối với những con mắt chỉ thấy tất cả mọi người châu Á thảy đều giống nhau, thì sự thể người Mỹ châu Á không hẳn là người châu Á cũng chẳng có nghĩa lý gì đối với họ: tất cả chúng tôi đều là người nước ngoài, chẳng ăn nhập gì nơi đây.)

Tôi là con cháu của Caliban, nhân vật [hư cấu trong các sách khôi hài] học được tiếng nói của người chủ, kể cả cách chửi thề bằng ngôn ngữ đó. Song, sự say mê của tôi đối với tiếng Anh và văn học cổ điển phương Tây là rất sâu lắng. Ở đại học, là sinh viên Anh văn, tôi đọc nhiều tác giả cổ điển Hi Lạp, Chaucer, Shakespeare, một số khá nhiều các thi sĩ Lãng mạn và các nhà văn thời đại Victoria, cộng với một khối lượng đáng kể văn chương Mỹ. Tôi không bao giờ nghĩ đến việc trở thành một học giả về văn học Anh. (Làm sao tôi có thể về nhà với bố mẹ Việt Nam của mình, những người phải làm việc quần quật 12 đến 14 giờ một ngày trong cửa hàng thực phẩm, và nói rằng tôi muốn học Jane Austen hay Lord Byron?) Nhưng tôi có thể thích thú học văn chương cho đến khi tôi, nếu cần, phải vào trường luật và bắt đầu một cuộc sống vô vọng âm thầm.

Sau đó, tôi cũng theo học ngành nghiên cứu các nhóm thiểu số. Tôi tìm thấy có một mảng văn học Mỹ gốc Á, bắt nguồn từ cuối thế kỷ 19. Tôi cũng tìm thấy văn học Mỹ-châu Phi, bắt đầu bằng những truyện kể của người nô lệ. Rồi còn có một mảng văn học Mỹ gốc Mễ [Chicano literature], nó giúp tôi hiểu nhiều hơn ý nghĩa của việc lớn lên tại San Jose, với người bạn chí thân tên là Jesus; văn học Mỹ bản địa [Da đỏ] nhắc nhở chúng ta rằng Giấc mơ Mỹ được khai sinh bằng một cuộc diệt chủng: văn học hậu thuộc địa [Mỹ] giúp tôi nhận thức rằng bản thân tôi cũng là hậu thuộc địa, sinh ra tại Việt Nam, một nước từng ở dưới ách thuộc địa của Pháp; và văn học của phong trào tranh đấu nữ quyền đưa tôi vào con đường tôi còn đi hôm nay, là cố tìm hiểu chế độ gia trưởng và trọng nam khinh nữ đã ảnh hưởng lên tôi sâu sắc như thế nào.

Chỉ sau khi tiếp cận với những mảng văn học nói trên - không có mảng nào là ‘kinh điển,’ cho dù chúng có một số tác phẩm “lớn” đối với tôi - tôi mới nghĩ rằng tôi có thể học hậu cử nhân [the graduate school] và theo đuổi chương trình Tiến sĩ Anh văn, nơi đó tôi mưu tính làm rạng rỡ bố mẹ tôi theo cách riêng của mình bằng cách viết về văn học Việt Nam và Mỹ - Việt. Vị trưởng khoa đã triệt hạ tham vọng đó của tôi. Sự thiếu trung thành đối với văn học cổ điển phương Tây (mà đề xuất luận văn của tôi rõ ràng không đả động tới) có nguy hại cho viễn ảnh kiếm việc làm của tôi sau khi tốt nghiệp, vì ngay cả lúc đó, chính trị bản sắc [identity politics], như thường được mệnh danh không bao lâu sau đó, là một đe dọa đối với chương trình đại học khắp cả nước.
 

W.E.B Du Bois: “Đấy là một cảm thức kỳ quặc, một ý thức kép, ý thức luôn luôn nhìn thấy mình qua mắt người khác, đo đạc tâm hồn mình bằng thước đo của một thế giới đang nhìn mình bằng thái độ khinh thị và thương hại thú vị. Người ta thường xuyên có ý thức về lưỡng tính [two-ness] của mình - một người Mỹ, và một người Da đen”.

Sự ra đời của “chính trị bản sắc” trong tất cả những năm tháng ấy đã mang lại phản ứng dữ dội bằng một sự khẳng định công khai về chính trị bản sắc da trắng [white identity politics]. Ở Donald Trump, chính trị bản sắc da trắng đã tìm thấy một vị tổng thống đầy thiện cảm. Chính trị bản sắc da trắng được trang bị bằng súng tự động AR-15 và một cảm thức oan ức do lần đầu người da trắng hiểu được những gì W.E.B. Du Bois nói về trải nghiệm của người Mỹ-châu Phi [Da đen] vào đầu thế kỷ 20: “Đấy là một cảm thức kỳ quặc, một ý thức kép [double-consciousness ], ý thức luôn luôn nhìn thấy mình qua mắt người khác, đo đạc tâm hồn mình bằng thước đo của một thế giới đang nhìn mình bằng thái độ khinh thị và thương hại thú vị. Người ta thường xuyên có ý thức về lưỡng tính [two-ness] của mình, - một người Mỹ, một người Da đen.”

Đối với người da màu, ý thức kép là bản tính thứ hai, là cái mà chúng tôi trải nghiệm hàng ngày, một cái gì nhắc nhở tôi bất cứ khi nào tôi là người duy nhất không có gốc châu Âu [nonwhite] xuất hiện trong một môi trường hàn lâm hay văn chương, một việc thường xảy ra. Nhưng có quá nhiều người da trắng không quen với ý thức lưỡng tính này, với việc thấy mình vừa là một người Mỹ (hay một người châu Âu) vừa là một người da trắng. Ý thức về đặc quyền được nằm trong khối đa số là hoàn toàn vắng bóng trong chương trình giảng dạy truyền thống về các tác phẩm lớn, và các chủ đề liên quan thường không được các nhà văn nhận ra qua hàng thế kỷ - những nhà văn này vốn xuất thân từ khối đa số trên quê hương mình.

Một số người da trắng chấp nhận sự nổi bật của mình đồng thời dành chỗ cho những tiếng nói khác; trong số đó có nhà nghiên cứu quá cố Emory Elliott, một học giả Văn học Mỹ có cuốn sách ông biên tập “The Columbia History of the American Novel” bàn về các tác giả “cổ điển” cũng như các tác giả bị dìm, bị bỏ qua hay bị quên lãng, những tác giả tạo nên tính phức tạp rộng lớn của văn học (và văn hóa) Mỹ. Nhưng sự chiếu cố này làm cho các người da trắng khác cảm thấy bị đả kích - và đe dọa bị xóa sổ. Chính những người này là thành phần Trump muốn nhắm tới khi ông nói, trong bài diễn văn nhậm chức của mình, “Các bạn sẽ không bao giờ bị bỏ qua một lần nữa.” Những người tin rằng họ đang bị quên lãng vì sự ưu đãi dành cho các nhóm thiểu số không chỉ là những giáo sư Anh văn đã nói, “Nếu anh không thích điều đó, đừng theo học Anh văn.” Mà còn là những người đã nói, “Nếu không yêu nước Mỹ thì hãy rời nước Mỹ.” Phiên bản của họ về việc bảo vệ các tác phẩm kinh điển tự phơi bày qua việc xây bức tường biên giới và trục xuất người ta.

Song, thật quá trễ tràng để đuổi hết chúng tôi về nước. Sở dĩ chúng tôi có mặt nơi đây là vì người da trắng đã sang bên đó, xâm lăng - xin lỗi, khai hóa - đất nước cội nguồn của chúng tôi. Những người Mỹ con cháu của người Việt, của người di dân Nicaragua không có giấy tờ hợp lệ và của những người nô lệ châu Phi không thể từ bỏ tiếng Anh của mình. Trong trường hợp của tôi, tôi say mê tiếng Anh và tôi quyết không từ bỏ nó, cho dù một số người dùng tiếng Anh để nói, “Mày hãy về xứ sở mày đi.” (Họ không thể nói “Mày hãy nói tiếng Anh,” vì đó là môn tôi giảng dạy.) Tôi viết sách với hi vọng rằng một ngày nào đó những người như tôi sẽ là thành phần của văn học kinh điển, cho dù những người bảo vệ thành trì này không bao giờ muốn chào đón chúng tôi. Chúng tôi không hề phá bỏ điều gì thông qua việc đòi gia nhập vào dòng văn học kinh điển hay vào chương trình giảng dạy hay vào đất nước này. Những kẻ xây dựng tường thành là những kẻ đã để cho sự sợ hãi của mình hủy hoại những gì họ mong muốn gìn giữ.
 

Nhà văn Saul Bellow đang chăm chú xem những kệ sách cũ (Kevin Horan/The LIFE Images Collection/Getty Images)
Một cảnh từ Truyện Genji của Murasaki Shikibu. Kích thước và thủ pháp của mảng tranh này cho thấy nguyên nó là một phần của một cuốn sách cuộn tay [handscroll] nằm trong một bộ gồm sáu đoạn từ Chương 10 của truyện. (The Metropolitan Musium of Art/Roger Fund, 1912)

Và đây là những điều mà phần thô bạo trong đầu óc tôi muốn nói ra. Các pháo thủ của thành trì văn học kinh điển phương Tây luôn luôn tuyên bố rằng không cần đòi hỏi sinh viên phải đọc những nền Văn học khác, vì chúng không có giá trị tương đương. Chúng tôi chỉ là thổ dân, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Các pháo thủ này sẽ đồng ý với Saul Bellow khi ông nói: “Ai là Tolstoy của người Zulu? Proust của người Papua? Tôi sẽ vui vẻ đọc ông ta?” Ta hãy quên đi việc Bellow đưa ra một lựa chọn sai lầm giữa văn hóa và tình trạng hỗn mang, hay việc ông ta làm rối rắm vấn đề bằng cách gợi ý về những văn hóa truyền khẩu thay vì những văn hóa từ chương. (Và có gì nguy hiểm lắm không khi học hỏi nhiều điều từ những nền văn hóa cực kỳ khác biệt vốn không trân trọng chính những điều chúng ta trân trọng?) Tại sao chúng ta không đọc “Truyện Genji” của Murasaki, “Hồng Lâu Mộng” của Cao Xueqin [Tào Tuyết Cần] hay “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, tất cả những tác phẩm ấy có trước cả Tolstoy và Proust?

Nhưng Bellow cũng không nắm bắt được điểm này, đấy là các nền văn hóa đã sản sinh những tác phẩm kinh điển vĩ đại cũng sản sinh ra chế độ nô lệ rộng lớn và tiến trình thực dân giết hại hàng triệu người. Cả Shakespeare và các vụ tàn sát đều nằm trong Thời đại Khai sáng. Liệu chúng ta có thể nhận ra cả hai khuôn mặt này của thời hiện đại hay không? Chắc chắn là không nếu chúng ta chỉ đọc Shakespeare.

Chúng ta phải đọc cả Shakespeare lẫn các tác giả phụ nữ, Ả rập, Hồi giáo, đồng tính luyến ái. Đại bộ phận thế giới không phải là của người da trắng hay châu Âu, và Hợp Chúng Quốc có thể là một nước trong đó người da trắng trở thành thiểu số vào giữa thế kỷ này. Người da trắng sẽ hưởng lợi nhiều bằng cách chấp nhận thực tế này hơn là chống lại nó. Về văn học, não trạng muốn biến các tác phẩm kinh điển thành chiến hào để bảo vệ một phương ngữ của tiếng Anh cũng chẳng khác gì não trạng đóng cửa biên giới, đặt hàng rào thuế quan và tuyên chiến mậu dịch để bảo vệ hàng hóa quí và tố chất trắng đang lâm nguy của mình [besieged whiteness]. Nhưng văn học, cũng như kinh tế, trở nên tàn tạ khi nó tự cô lập mình với thế giới. Dẫu sao, thế giới vẫn lù lù đi đến với chúng ta. Nó đòi hỏi chúng ta phải biết cả chính mình lẫn Kẻ khác.

Trần Ngọc Cư dịch
Nguồn: https://www.washingtonpost. com/2018/05/03   
(TCSH352&SDB29/06-2018)

------------------
Ghi chú của dịch giả:
* Cannon fodder (bia đỡ đạn) và canon fodder là hai từ đồng âm, trong đó canon là các tác phẩm kinh điển. Thiển nghĩ tác giả đang chơi chữ, chúng tôi dịch theo âm vừa dịch theo chữ.  






 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Rose Agathe(1) (26/01/2018)