Nhìn ra thế giới
Bay đêm
09:48 | 27/06/2019

NGUYỄN ĐỨC TÙNG

Một người bạn cũ ở Mỹ kể với tôi rằng gần mười năm nay anh không đi du lịch xa, cũng không về Việt Nam, mặc dù nhớ. Tôi hỏi lý do, anh bảo vì sợ nỗi buồn chán khi phải ngồi trên máy bay mười mấy giờ.

Bay đêm
Minh họa: Nhím

Nỗi buồn chán là trở ngại của người bay đường dài. Nhất là khi bạn phải ngồi vào vị trí bất tiện giữa hai người khác, đi lại khó khăn, xa cửa sổ. Nhưng nỗi buồn chán chưa lớn bằng sự sợ hãi phải ngồi gần một hành khách mà bạn không ưng ý, một bà da trắng quá mập thở hổn hà hổn hển, một gã đàn ông hay ngáy to, một người đàn bà da vàng vừa ăn một thức quà bánh lấy ra từ cái túi giấy đáng nghi xét về mặt nguồn gốc vừa gây những tiếng động lịch kịch khó chịu, một gã để râu rất không tặc, một con mụ gặp gì cũng quay lại hỏi bạn, một cô gái xinh xắn nhưng khinh khỉnh không thèm liếc mắt nhìn bạn lần nào nhưng càng thế thì bạn lại càng thấy nó xinh mới phiền. Nhưng tôi cũng đã gặp những người thú vị, nhờ thế mà chuyến bay rút ngắn lại.

Bạn của tôi, bạn đã bao giờ rơi vào hoàn cảnh như thế không? Đặt chiếc va li nặng trĩu lên khoang hành lý chật chội, mình với tay và xin lỗi, liền bắt gặp nụ cười thân thiện của một chàng Trung đông, mắt vui vẻ, bạn biết sắp có chuyến bay dễ chịu. Hay bạn đã lên trước, thu xếp xong hành lý của mình, ngồi ngửa người ra, thì một cô gái lật đật lên máy bay, nặng nhọc kéo va li đặt lên phía trên đầu của bạn, áo sơ mi kéo cao, phía trên chiếc váy ngắn, bạn nhìn thấy rõ ràng chiếc rốn của cô ta, nhô hẳn ra, màu hồng hồng, và bạn mỉm cười, biết rằng có chuyến đi không tệ. Một đôi khi, bạn gặp những may mắn hơn thế nữa.

Có lần nửa đêm sau khi tập thể dục cuối máy bay, đi trở ra, lúc hầu hết mọi người đã ngủ, trong khoang tối ánh đèn mờ vàng đục, nhìn thấy hàng ghế sau cùng trống không, tôi mừng quá thản nhiên ngồi xuống. Suýt nữa ngồi lên đùi một người thu mình trong góc. Tôi giật nẩy mình. Nhìn kỹ, một cô gái cao và mảnh khảnh, như người đang ốm, tóc rũ rượi, quấn cái chăn mỏng. Tôi xin lỗi, rồi chúng tôi bắt chuyện với nhau. Tiếng cô sụt sịt mũi, khàn giọng, húng hắng ho. Tôi trở lại chỗ ngồi của mình mang cho cô một ít thuốc cảm thông thường mà tôi vẫn mang theo như advil. Cô cảm ơn và tự mình đứng dậy ra khoang sau cùng lấy nước uống. Đến gần cuối chuyến bay tôi mới biết cô là một chiêu đãi viên, cùng hãng hàng không, nhưng không thuộc phi hành đoàn này, được văn phòng trung tâm gửi đi để làm công việc gấp ở một sân bay khác, trong khi cô bị cảm lạnh. Trong khi trò chuyện, cô ghi cho tôi địa chỉ nơi làm việc, số điện thoại của công sở, với tên họ đầy đủ. Hẹn nhau gặp lại. Thời ấy chưa có Iphone, facebook và các phương tiện liên lạc thuận tiện như bây giờ. Chúng tôi im lặng cầm tay, nhìn nhau thật lâu trước khi tôi xách hành lý ra cửa máy bay. Nhìn qua cửa sổ, ngoài trời tuyết bay mờ phi đạo, tôi chợt nhớ đã cuối năm. Quay lại, mắt thâm quầng, khuôn mặt gầy, bệnh, sau hàng ghế, xanh, hư ảo. Môi cô hé mở, như của một người đứng trong gió rét chờ nụ hôn thầm. Tôi lưỡng lự, không dám.

Thế mà, tôi đánh mất số điện thoại và địa chỉ ấy, ngay sau khi vừa bước ra khỏi phi trường. Có Trời biết tại sao tôi lại mất. Khi bạn cất quá cẩn thận một vật gì quý, vào một nơi kín đáo mà bạn nghĩ chỉ mình bạn biết và nơi đó thường là một chỗ chính bạn cũng không mấy khi nghĩ tới, thì bạn liền mất nó. Đúng không?

Một lần trên máy bay có một người đàn ông Trung hoa lớn tuổi, đi một mình. Khi ăn xong một loại bánh ngọt có nhân đậu phụng, vừa đứng lên thì bị mắc nghẹn hột đậu và ngạt thở, dẫy dụa. Nhân viên phi hành hoảng hốt thông báo, hỏi trên máy bay có ai biết cấp cứu không. Tôi tiến lại gần, nhanh chóng vượt qua đám chiêu đãi viên đang bối rối chen chúc, cúi xuống, nghe hơi thở, bắt mạch cổ. Người đàn ông kêu ú ớ, vùng vẫy, không đáp ứng câu hỏi. Tôi kéo nạn nhân ra, đứng ép sát vào sau lưng, vòng hai tay ra trước bụng ông ta, trên rốn, ngay dưới xương ức, nắm chặt hai bàn tay lại, thực hiện thủ thuật Heimlich. Người đàn ông ho bật ra, may mắn thoát nạn, nhưng sau đó tôi phát hiện ông ta cũng bị loạn nhịp tim, không rõ từ bao giờ. Lo lắng, tôi báo cho phi hành đoàn biết. Khi máy bay đáp xuống phi trường, xe cấp cứu túc trực sẵn, các nhân viên mau lẹ đưa người bệnh xuống, hú còi chạy đi. Một người tiếp viên thay mặt phi hành trưởng tặng tôi một cái thẻ gift card, mua được một vé máy bay hay giảm tiền khi gia nhập một club gì đó, và một túi xách cá nhân để tỏ lòng biết ơn. Tôi trả lại cái gift card nhưng giữ chiếc túi xinh xắn làm kỷ niệm. Về nhà, mở ra coi qua, nhưng vì mải lo một việc khác, nên tạm cất đâu đó.

Rồi quên bẵng. Bạn thường quên như vậy.

Rất lâu. Gần đây sửa nhà đón bạn bè rất đông về dự hội ngộ đồng hương, tôi tìm thấy cái túi giữa chồng sách vở cũ. Mở ra, nhìn qua, thấy những vật dụng thông thường của người đi máy bay, như bàn chải đánh răng, kem đánh răng, lược, một cây bút rất sang, mấy khăn tay thật đẹp. Ở dưới đáy cái hộp ấy còn có một bưu thiếp của người phụ trách công tác liên lạc công chúng public relation của hãng máy bay. Ghi tên họ, địa chỉ văn phòng và cả số điện thoại trực tiếp. Tôi nhớ lại. Đúng là cái tên ấy. Đúng là thành phố ấy. Và mấy con số đầu của số phone ấy. Tên của người thiếu nữ tôi đã gặp trên chuyến bay trong một đêm tối trời, bị ốm đi nhờ máy bay của hãng mình tới một thành phố khác. Tôi không thể nhầm cái tên ấy được, dù đó là cuộc gặp gỡ đã ngoài hai mươi năm, trong khoang máy bay ánh đèn vàng vọt chập chờn rung lắc vì bão xa, khuôn mặt cô sáng lên trong đêm cuối năm, nơi đất trời mờ ảo.

N.Đ.T  
(SHSDB33/06-2019)




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng