Đây là một câu chuyện về di dân được viết theo chương trình “Dự án chiếc giày” (The Shoe Project) được khởi xướng thành lập bởi tiểu thuyết gia Katherine Govier, Toronto, Canada. Chương trình này bao gồm việc giúp các phụ nữ di dân viết một câu chuyện 600 từ về kinh nghiệm di dân của mình và lên một sân khấu nhỏ để trình diễn (đọc) câu chuyện đó trước những khán giả trong vùng. “Dự án chiếc giày” được thực hiện ở Antigonish với sự giúp đỡ của tiểu thuyết gia Anne Simpson và nhà biên kịch Laura Teasdale.
Câu chuyện bạn đọc dưới đây là câu chuyện của Trần Hạ Vi (tên thật Nguyễn Yến Ngọc) tham gia dự án này ở Antigonish, Nova Scotia, Canada vào tháng 2/2019. Tấm ảnh đính kèm là các thành viên tham gia dự án trong đêm ‘trình diễn’ câu chuyện ở căn phòng xanh (the Green Room) của nhà hát Bauer, Antigonish. Buổi trình diễn của “The Shoe Project” diễn ra vào 2 đêm 8/2 và 9/2/2019 với khán phòng đầy kín người (nhà hát Bauer có 320 ghế).
Bản tiếng Anh của câu chuyện có thể tìm thấy ở đây: http://govier.com/shoe-toc.htm
BBT
TRẦN HẠ VI
Ái chà… mùa đông thứ tư của tôi tại Canada đang đến rồi. Năm nay, ngày đầu tiên có tuyết là ngày 18 tháng 10. Sớm hơn tôi nghĩ rất nhiều. Ngồi gần lò sưởi ấm ở góc nhà, tôi nhìn qua cửa sổ, ngắm những con bướm trắng rơi xuống đất, mỗi lúc một nhiều hơn.
Một mùa đông tuyết trắng ở Canada! Điều này vẫn ám ảnh tôi từ ngày chúng tôi quyết định đi Canada vào năm 2013, tức năm năm về trước. Sau khi tôi lấy xong bằng Tiến sĩ về tài chính ở Melbourne bên nước Úc, vợ chồng chúng tôi phải quyết định đâu là điểm đến kế tiếp của mình. Quê nhà tôi ở Việt Nam? Hàn Quốc? Mã Lai?
“Hay chúng ta dọn sang Canada đi?” cuối cùng Ryan bảo tôi.
“Nhưng anh rời nơi đó mười sáu năm trước mà!” Tôi ngạc nhiên đáp lại.
“Chúng ta luôn luôn có thể thử lại. Và anh sẽ giúp em.”
Tôi cảm nhận được cú sốc của quyết định đó vài ngày sau. Tôi chợt ý thức được mình sẽ đi đến “đất nước của loài gấu trắng lớn.” Tôi đã đến đó một lần, đúng, nhưng đó là vào mùa hè. Bây giờ tôi cần phải học cách đối phó với tuyết. Nàng tiên trắng. Hung thần trắng của hủy hoại, tàn phá.
Mấy ngày sau đó tôi nhắn tin qua lại với bạn tôi ở Đức để tìm hiểu về kinh nghiệm của cô ấy. Cuối cùng thì cô ấy nhờ tôi mua hộ mấy đôi bốt (ủng) Ugg. Cô bạn nhấn mạnh về sự quan trọng của những đôi bốt ấm khi trời vào đông. Tôi đi ra trung tâm mua sắm để mua kiểu giày cô ấy dặn và chọn một đôi cho chính mình - giày bốt đen bằng da cừu mềm có ống cao độ nửa bắp chân với ba nút cài một bên. Trông rất là “kinh điển”. Người bán hàng bảo tôi là chúng được thiết kế để chống lạnh đến mức tối đa. Ừ, thì đằng nào tôi cũng sắp đi Bắc Cực mà!
Toàn thể gia đình tôi đáp xuống thành phố Cambridge của tiểu bang Ontario vào tháng sáu năm 2015. Sáu tháng đầu tiên trên đất nước mới là cả một sự bực bội. Tôi không có bạn ở đây, tôi chẳng thể đi đâu một cách dễ dàng được vì hệ thống giao thông công cộng ở đây rất giới hạn so với Melbourne. Ryan trở thành tài xế taxi chính của tôi. Tôi trượt lần thi lấy bằng lái xe đầu tiên. Tôi nộp đơn xin việc nhiều chỗ mà chẳng có hồi âm. Đôi khi tôi cảm thấy mình thật vô dụng ở cái xứ sở mới này, và ngày qua ngày tôi thấy hình như mình hơi bị trầm cảm. Nhưng, tôi đã bắt đầu viết. Viết lách cứu rỗi tôi. Tôi làm thơ tiếng Việt, học thơ, vật lộn với thơ, và lên mạng kết bạn với những nhà văn, nhà thơ Việt Nam. Năm đầu vào nghiệp viết, tôi viết 850 bài thơ! Ryan thường đùa là tôi thở ra thơ!
Và việc làm cũng đã đến! Đầu tiên tôi được nhận vào dạy hai môn học ở Đại học Brock, sau đó dạy thêm một lớp khác ở Đại học McMaster. Rồi chuyến bay phỏng vấn tại Đại học Saint Francis Xavier đã mang đến cho tôi một chân giảng viên có khả năng vào biên chế (tenure-track). Chúng tôi lại thu xếp hành lý, thuê một chiếc xe tải lớn, và dọn lên tận thành phố Antigonish ở tỉnh Nova Scotia vào tháng 6 năm 2016. Dĩ nhiên là với đôi giày bốt cũ mang theo từ Úc.
Tôi chẳng bao giờ nghĩ là mình có thể thích cuộc sống tại một thành phố nhỏ với dân số năm nghìn người. Nhưng tôi thật sự yêu cuộc sống ở đây. Chúng tôi mua ngôi nhà đầu tiên của mình. Con gái chúng tôi giờ đây học chương trình Pháp ngữ và chơi “hockey” (khúc côn cầu trên băng). Tôi xuất bản tập thơ tiếng Việt đầu tiên và làm việc chăm chỉ để xuất bản những bài báo khoa học. Sau bao nhiêu năm di chuyển, giờ đây tôi cảm thấy mình có nơi neo đậu. Chúng tôi có thể sẽ không ở đây mãi mãi, nhưng chúng tôi trân trọng nơi này. Tôi nhìn qua cửa sổ lần nữa - vâng, vẫn còn những con bướm trắng thật lớn. Nhưng đến mùa xuân này, tôi sẽ học lái xe.
T.H.V
(SHSDB34/09-2019)