ĐỖ LAI THÚY
M. Bakhtin (1895 - 1975), nhà nghiên cứu văn học Nga - Xô viết có tầm ảnh hưởng bậc nhất ở Việt Nam. Ông là nhà lý luận tiểu thuyết. Người phát hiện/minh ra tiểu thuyết đa âm, tính đối thoại, nguyên tắc thời-không, tính nghịch dị và văn học carnaval hóa…
Tuy nhiên, Bakhtin không chỉ là nhà phê bình văn học. Nhưng ở Việt Nam, người ta chỉ biết đến hoặc chỉ tiếp nhận có mỗi chiều kích này, nên đã vô hình trung thu hẹp tầm cỡ của ông, kể cả như một nhà phê bình. Thực chất Bakhtin là một nhà triết học, một nhà triết học nhân văn. Triết học nhân văn không sa đà vào tư duy tư biện, từ ý niệm đến với ý niệm, mà ngược lại, từ cuộc sống đến với ý niệm rồi trở về cuộc sống. Một cuộc sống trong văn học và được diễn giải từ tầm nhìn triết học.
Là người trưởng thành vào cuối thế kỷ XIX đầu XX, khi mà, như nhà nghiên cứu các nền văn minh thế giới nổi tiếng W. Durant nói, đỉnh sóng của văn minh nhân loại về đậu ở nước Nga, Bakhtin đã hấp thụ được một học vấn toàn diện và sâu sắc, nhất là nền triết học tôn giáo, đặc sản của dân tộc Nga tiêu biểu là Soloviev. Rồi Cách mạng Tháng Mười tạo ra cho văn hóa Nga một đứt gãy từ gốc rễ. Rồi bản thân ông bị đi lao động khổ sai như phần lớn trí thức bấy giờ và khi được tha thì lại bị đẩy về sống ở một tỉnh lẻ xa các trung tâm học thuật. Trải nghiệm xã hội và cá nhân ấy mài sắc thêm những cảm nhận ở Bakhtin về các vấn đề thời cuộc và con người.
Có điều những vấn đề ấy được Bakhtin nhìn từ một góc nhìn triết học. Rồi lại được ông trình bày như là những vấn đề thuần túy của văn học một cách vô thưởng vô phạt. Đấy là dụng tâm sâu kín của một nhà triết học nhân văn phải sống ở thời buổi luôn bị kiểm soát cả trong ý nghĩ. Tuy không giấu được cặp mắt kiểm duyệt của chính quyền Xô viết và giới tri thức tinh hoa phương Tây, nhưng nó cũng qua mặt được nhiều kẻ ngây thơ, hay cố ý làm ra vẻ ngây thơ. Và Bakhtin trở thành một nhà phê bình văn học bậc nhất của thế kỷ XX trên thế giới. Ở đây, trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ nêu ra hai luận điểm của Bakhtin về tiểu thuyết, một thể loại của Thời Đại Mới rất phù hợp với việc triển khai các triết luận của ông, qua sáng tác của hai nhà văn: Dostoievski - Nga và Rabelais - Pháp.
Với Dostoievski (Đốt), đó là nguyên lý đối thoại. Nghiên cứu sáng tác của nhà văn này, Bakhtin thấy tính đối thoại diễn ra ở mọi cấp độ, từ vi đến vĩ. Đối thoại là thuộc tính của lời, của diễn ngôn, của nhân vật, của tư tưởng. Tiểu thuyết của Đốt, do vậy, là một cuộc đối thoại không khoan nhượng và không bao giờ ngừng nghỉ. Mỗi nhân vật của ông hoặc là đều có một kẻ song trùng hoặc là tự lưỡng phân thành hai con người để quyết đấu, bởi con người, theo ông quan niệm, đều “không trùng khít với bản thân mình” và “trong con người còn có một con người.” Đúng như nhà thơ Pháp, A. Rimbaud viết: “Ta là một người khác.” Đây là cơ sở để Bakhtin tuyên xưng với thế giới sự ra đời của một loại hình tiểu thuyết mới, do Dostoievski khởi xướng, tiểu thuyết đa âm.
Như vậy, đối thoại từ một thuật ngữ ngữ học trở thành nguyên lý đối thoại, một thuật ngữ triết mỹ. Bakhtin đã thay đổi căn bản nội hàm của nó. Ông cho rằng trên đời này không làm gì có chân lý có sẵn, mà chỉ có chân lý được hình thành qua và bằng đối thoại. Thậm chí, đối thoại tàn, ấy là nói vậy chứ đối thoại không bao giờ kết thúc, thì chân lý cũng không còn nữa hoặc trở thành chân lý tương đối, chân lý trường hợp. Đối thoại, đã phá vỡ độc thoại, vốn là diễn ngôn độc đoán của các nhóm quyền uy trong mọi xã hội, nhất là xã hội toàn trị. Thứ diễn ngôn đã đẻ ra tòa án dị giáo ở châu Âu trung đại và văn tự ngục ở Đông Á cận hiện đại. Đối thoại của Bakhtin, vì thế, trở thành một “vũ khí lý luận” chứ không phải “lý luận bằng vũ khí” (từ của K. Marx) nhằm chống mọi thứ độc tài, bảo vệ dân chủ, tự do. Đối thoại cũng gạt ra ngoài bản thân nó những nhập nhằng của các cuộc bàn cãi, tranh luận, khi mà người tham gia đã cầm sẵn trên tay một chân lý có sẵn và tin rằng chân lý ấy là duy nhất đúng, và, do đó, cuộc tranh luận thực chất là biến thành cuộc tranh giành phần thắng về mình bất chấp thủ đoạn. Và, xin nói thêm, các lý thuyết liên văn bản của R. Barthes - J. Kristéva, liên chủ thể và diễn ngôn của M. Foucault đều phát triển trên nền tảng triết học của nguyên lý đối thoại của Bakhtin.
Với Rabelais, đó là nguyên lý carnaval. Cuộc vận động dân chủ của nhân/ dân gian suốt từ thời Trung cổ đến Phục hưng thì đạt đến đỉnh cao. Điều này được thể hiện rõ nhất trong các lễ hội carnaval. Lễ hội này là thời gian nằm ngoài thời gian, là đời sống nằm ngoài đời sống. Nó đầy ắp vui nhộn, đầy ắp tiếng cười, bởi sự đảo lộn trật tự của đời sống chính thức và chính thống. Cái gì trên thì xuống dưới, cái gì dưới thì lên trên; cái gì trong thì ra ngoài, cái gì ngoài thì vào trong; cái gì chính thức thì trở thành phi chính thức; thằng hề hóa ra là ông vua, ông vua lại trở thành thằng hề. Lễ hội carnaval cứ thế xoay vòng, cứ thế chuyển động, cứ thế chết đi và cứ thế sinh nở. Mọi thứ trong lễ hội carnaval đều mang tính lưỡng trị, tính nước đôi như bà già mang thai chẳng hạn. Như vậy mọi cái trong lễ hội đều đang trở thành, không có gì là thuần nhất, không có gì là hoàn kết cả.
Bộ tiểu thuyết Gargantua và Pantagruel của Rabelais thực sự là một lễ hội carnaval lớn. Nhà văn viết về cuộc đời của hai nhân vật khổng lồ là Gargantua - cha và Pantagruel - con. Cuộc đời họ đầy những nghịch dị như sinh ra từ lỗ tai, uống sữa của 4.600 con bò mới đủ no, sau này lớn lên học hành, đi du lịch, đánh giặc, bài tiết, làm tình, gây nên những chuyện kinh thiên động địa. Hành vi của xúc phạm đến nhà thờ, nhà nước, trật tự xã hội với tính cách là những gì chính thức và chính thống đối trọng với dân gian, để tạo ra tiếng cười. Một tiếng cười carnaval có tính lưỡng trị vừa khẳng định vừa phủ định, không nhằm thủ tiêu đối tượng, mà muốn đối tượng thay đổi để củng cố cộng đồng văn hóa. Rabelais đề cao tính cộng đồng để phê phán tính nhất phiến của thời đại cá nhân chủ nghĩa.
Từ sáng tác của Rabelais, nguyên lý carnaval còn là chìa khóa tìm ra và mở vào mảng văn học bị/được carnaval hóa. Bakhtin tin rằng mảng văn học này tồn tại ở mọi nền văn học như một hiện tượng văn hóa phổ biến. Cứ ở đâu có sự thống trị của nền văn học chính thống độc đoán thì ở đó có văn học carnaval hóa. Như ở Việt Nam, thời cuối Lê đầu Nguyễn đã xuất hiện thơ Hồ Xuân Hương, như một lễ hội phồn thực. Còn đầu những năm 30 thế kỷ XX là tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Nếu coi Số đỏ như một tiểu thuyết đả kích sự đô thị hóa, sự Âu hóa thì tác giả là một người bảo thủ, còn coi Số đỏ như một tác phẩm carnaval hóa thì giá trị của nó sẽ khác. Nguyên lý carnaval mang đến cho tác phẩm một cái nhìn nghệ thuật mới.
Như vậy, nghiên cứu sáng tác của Dostoievski và Rabelais từ hai nguyên lý đối thoại và carnaval, Bakhtin không những chỉ ra được những đặc sắc nghệ thuật ở họ, mà, quan trọng hơn, phát hiện được những điểm yếu ở hai nền văn hóa của hai nhà văn này. Văn hóa Nga thiếu sự phát triển của ý thức cá nhân, của con người cá nhân, còn văn hóa Pháp thiếu hoặc đã đánh mất sự phát triển của tinh thần cộng đồng. Đây là hai chiều kích cơ bản của mỗi con người, mỗi dân tộc và cả nhân loại, mà thiếu một thì sẽ gây ra hiện tượng què quặt không hạnh phúc được. Lời cảnh báo này của Bakhtin không chỉ với đồng bào của Đốt hoặc của Rabelais, mà cho mọi dân tộc, không chỉ với người đương thời của ông, mà còn cho với người mọi thời.
Chính nhà triết học nhân văn Bakhtin đã làm nên nhà phê bình văn học Bakhtin. Một nhà phê bình văn học kiểu mới. Ông không áp dụng một lý thuyết có trước/sẵn nào đó, mà là sáng tạo ra một lý thuyết mới qua phân tích tác phẩm. Trước hết, Bakhtin trở thành một nhà lý luận gia về tiểu thuyết. Bằng việc đối lập giữa sử thi và tiểu thuyết, ông chẳng những khu biệt được sử thi, một thể loại đã ổn định, mà còn cả tiểu thuyết, một sản phẩm của Thời Đại Mới đang còn hình thành và/nên có khả năng duy nạp vào bản thân nó những thể loại khác. Nhưng điều này, chí ít ở Việt Nam, không cho phép hiểu thuật ngữ tiểu thuyết sử thi như sự duy hòa hai thể loại, mà sử thi ở đây không có nghĩa là thể loại mà có nghĩa là có quy mô lớn, là hoành tráng. Còn muốn nói đến sự dung hòa thể loại thì phải là tiểu thuyết [bị] sử thi hóa. Đó là các tiểu thuyết ra đời trong chiến tranh nhiều chất sử thi ít chất tiểu thuyết. Một sự tha hóa thể loại.
Bakhtin cũng là một trong những nhà phê bình đầu tiên nhìn các hiện tượng văn học từ văn hóa, đúng hơn từ văn hóa học. Do vậy mà ông phát hiện ra lễ hội carnaval để từ đó đề xuất nguyên lý carnaval. A. Gurevits, tác giả cuốn Những phạm trù văn hóa trung cổ (Giáo dục, 1996, Hoàng Ngọc Hiến dịch) cho rằng ở thời trung đại của châu Âu lý thuyết nghịch dị thì có thể chấp nhận được, nhưng lễ hội carnaval thì rất mờ nhạt nên có lẽ Bakhtin đã thổi phồng lên. Một nhà phê bình văn học Nga khác cũng coi những tác phẩm nghiên cứu của Bakhtin là một thế giới kiến tạo: Bakhtin là một nhà văn thì đúng hơn là nhà phê bình. Có thể hiểu được ý kiến này, bởi một nhà phê bình sáng tạo, nhất lại là một triết gia nhân văn, với tư cách là người phát minh chứ không chỉ phát hiện, có quyền kiến tạo một thực tại xã hội, một thực tại văn hóa phù hợp để làm sống cho lý luận của mình. Bakhtin là một nhà phê bình như vậy.
Hiện nay, các nhà phê bình văn học Việt Nam đang cố gắng thoát khỏi sự “cầm tù của văn bản” để đi ra với đời sống, thoát khỏi vị thế “đặc tuyển,” rời bỏ “tháp ngà” để đi vào đời sống. Từ lối tiếp cận nội quan, họ đến với lối tiếp cận nội-ngoại quan. Tức từ những thành tựu nghệ thuật của/ở tác phẩm mới phát hiện ra được quy dẫn đến những vấn đề văn hóa, xã hội. Có như vậy thì các vấn đề này mới không phải là vấn đề được mớm trước, mà là của riêng nhà văn: Mà hiện nay, trong bối cảnh liên/xuyên văn hóa, đó chính là những vấn đề căn bản, cấp thiết của Việt Nam học. Bakhtin, một lần nữa, lại dẫn đường cho chúng ta.
Đ.L.T
(TCSH373/03-2020)