Slavoj Žižek, nhà triết học người Slovenia, được mệnh danh là “nhà triết học nguy hiểm nhất ở phương Tây” hiện nay. Ông nổi tiếng với tác phẩm Đối tượng trác tuyệt của ý thức hệ (The Sublime Object of Ideology, 1989), ở đó ông đã kết hợp quan niệm duy vật Marxist và phân tâm học Lacan để hướng đến một lý thuyết về ý thức hệ.
SLAVOJ ŽIŽEK
Hiểu được sự trục trặc mà dịch coronavirus gây ra, về cơ bản, cũng chính là việc hiểu được nó sẽ thay đổi cách chúng ta sống cùng nhau ra sao. Cuộc sống của chúng ta, ngay cả khi nó có trở lại bình thường đi nữa, thì cũng sẽ bình thường trở lại theo cách khác so với lúc chúng ta đã từng sống trước khi bùng phát đại dịch.
Giờ đây, những gì mà chúng ta đã từng trải qua như một phần của cuộc sống hàng ngày sẽ không còn được coi là bình thường nữa; chúng ta sẽ học cách sống một cuộc sống mong manh hơn với những mối đe dọa liên tục. Chúng ta sẽ điều chỉnh thái độ chung của chúng ta trước cuộc sống lúc này - trước sự tồn tại của chúng ta như những sinh vật sống giữa các dạng sống khác. Chúng ta sẽ nghĩ khác về bản thân mình hơn trước đây sau dịch corona virus. Vậy, khác thế nào?
Để làm rõ điều này, tôi muốn trích dẫn một định nghĩa xuất phát từ nhà triết học người Mỹ Daniel Dennett: Virus là “mọi tác nhân có thể lây nhiễm, thường có kích thước siêu vi, chúng bao gồm một nhân axit nucleic nằm trong vỏ bọc protein (DNA hoặc RNA). Chúng lây nhiễm cho động vật, thực vật và vi khuẩn, và chỉ sinh sôi nảy nở trong các tế bào sống. Virus được coi là các thực thể hóa học vô cơ hoặc đôi khi được xem là các sinh vật hữu cơ.”
Sự dao động giữa tính chất vô cơ và hữu cơ này rất quan trọng: theo ý nghĩa thông thường của những từ này, virus không sống cũng không chết; chúng là một loại xác sống - một con virus sống được là nhờ vào sự thôi thúc sinh sôi nảy nở của nó. Nhưng đó lại là một kiểu sống không cấp độ, một biếm họa sinh học (biologische Karikatur).
Virus không phải là dạng sống mà từ đó các dạng sống tinh vi hơn bắt nguồn từ nó; chúng chỉ là những ký sinh trùng và sinh sôi nảy nở bằng cách lây nhiễm các sinh vật phát triển hơn. Sự trùng khít của các mặt đối lập này - phôi thai và ký sinh - là bí ẩn của virus: chúng là một trường hợp đặc biệt làm ta nhớ đến cái mà Schelling gọi là “phần tàn dư không bao giờ có thể vượt bỏ” (der nie aufhebbare Rest); một tàn dư của dạng sống thấp nhất xuất hiện như một sản phẩm trục trặc của các cơ chế sinh trưởng cao hơn, một loại tàn dư không bao giờ có thể được tích hợp vào thời điểm phát sinh của một cấp độ sống cao hơn.
Ở đây, chúng ta có thể liên hệ điều này với cái mà Hegel gọi là phán đoán tư biện, tức sự đồng nhất của cái cao nhất và cái thấp nhất. Ví dụ nổi tiếng nhất của Hegel: “Tinh thần là một đốt xương” xuất phát từ phân tích của ông về tướng số học trong “Hiện tượng học tinh thần”, và ví dụ của chúng ta: “Tinh thần là một loại virus” cũng tương tự như thế. Tinh thần con người không chỉ là một loại vi rút hoạt động như một ký sinh trùng sống trong nó, mà con vi rút này còn khai thác nó để sinh sôi nảy nở, đôi khi còn đe dọa đến mạng sống của nó?
Nhà sinh học tiến hóa người Anh Richard Dawkins đã đề ra khái niệm memes, tức “những con virus tinh thần”, là những sinh vật ký sinh xâm chiếm quyền tự chủ của con người và sử dụng nó như một phương tiện để sinh sôi nảy nở. Và Daniel Dennett cũng viết rằng: “Con người là chủng người vượn với bộ não bị lây nhiễm, là vật chủ cho hàng triệu cộng sinh văn hóa. Cái mở đường quan trọng nhất của chúng là những hệ thống cộng sinh được gọi là ngôn ngữ.” Tuy nhiên, không ai khác ngoài Leo Tolstoy chính là người đã nảy ra ý tưởng này đầu tiên.
Phạm trù cơ bản trong nhân học của Tolstoy là sự lây nhiễm (Infektion). Ông nhìn thấy con người như một phương tiện thụ động, trống rỗng, bị lây nhiễm bởi các yếu tố văn hóa, giống như trực khuẩn truyền nhiễm lây lan từ cá nhân này sang cá nhân khác. Và Tolstoy đi đến kết luận rằng: ông không chống lại tác động lây lan của các căn bệnh truyền nhiễm này đối với quyền tự chủ đích thực của tinh thần; ông không đề xuất một cái nhìn can đảm nào về sự tự giáo dục để một chủ thể đạo đức nhắm đến như mục đích nhằm loại bỏ trực khuẩn truyền nhiễm này. Với ông, chỉ có cuộc đấu tranh giữa lây nhiễm có lợi và lây nhiễm có hại mà thôi.
Đây cũng chính là bài học đáng lo ngại nhất mà đại dịch corona virus đang diễn ra đem lại cho chúng ta: Con người vốn dĩ ít tự chủ hơn nhiều so với anh ta nghĩ. Anh ta mang theo những thứ được mang đến cho anh ấy. Anh ta nói ra và không biết cái mà anh ta đang nói là gì. Anh ta bị thế chỗ, và đến một lúc nào đó, anh ta biến mất khỏi bề mặt trái đất. Liệu anh ta có thể chịu đựng điều đó mà không phát điên hay không?
(Xuân Cao lược dịch phần cuối từ bản tiếng Đức của Helmut Reuter, Der Mensch wird nicht mehr derselbe gewesen sein: Das ist die Lektion, die das Coronavirus für uns bereithält - Bài viết đăng tải trên Neue Bücher Zeitung (13/03/2020, 16h00).
(TCSH374/04-2020)