Đại Hội đã gây tiếng vang lớn lao, với 34 quốc gia tham dự, thu hút hơn 200.000 người xem trong 4 ngày đầu, hàng nghìn tác giả, nhiều khách lừng danh trên thế giới, 500 nhà xuất bản, hàng nghìn ký giả Pháp và ngoại quốc. Kết quả này là do mãi lực của Truyện Tranh BD hiện nay, với 1.500 albums xuất bản trong năm 2002.
Festival Truyện Tranh BD Angoulême đã có một quá trình rực rỡ: từ những năm đầu, đại hội đã thành công nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của những con chim đầu đàn trong ngành BD như: Franquin, Burn Hogarth, Harvey Kurtzman, Will Eisnest, Hugo Pratt và nhiều tác giả khác.
Đại Hội lần thứ 30 này đặc biệt thêm phần quan trọng, vì tổng kết tròn một chu kỳ, và khai triển một kỷ nguyên Truyện Tranh BD mới, do ảnh hưởng của điện ảnh và những kỹ thuật truyền thông hiện đại, trong bối cảnh kinh tế và văn hoá mới, mở ra cho cả toàn cầu.
Ngoài ra, về tâm cảm, Đại Hội còn là dịp tưởng niệm 20 năm quá cố (1983) của Hergé - tác giả BD Tintin nổi tiếng khắp thế giới - và Reiser, một trí thức đàn anh của nền hoạt hoạ và biếm hoạ Pháp.
Festival Truyện Tranh BD Angoulême lần này mang dấu ấn quốc tế rõ rệt. Ngoài những tác giả Truyện Tranh BD gạo cội đến từ bốn bể năm châu, như từ Hoa Kỳ (Chris Ware, Daniel Clowes...), Châu Mỹ La Tinh (José Munoz, Art Spiegelman), Anh Quốc, Tây Ban Nha..., chủ tịch Francois Schuiten - một tác giả BD lừng danh của Bỉ - đã đặc cách mời được người Nhật Katsuhiro Otomo, Jiro Taniguchi và dành địa vị danh dự cho ngành Truyện Tranh BD Đại Hàn bằng cuộc triển lãm riêng tại quảng trường Saint Martial.
Ngành Truyện Tranh BD son trẻ và khiêm tốn của Việt Nam cũng được quan tâm nâng đỡ, bằng một cuộc trưng bày tại Bảo Tàng Giấy, Musese du Papier, 134 route de Bordeaux.
Hai hoạ sĩ Việt Nam đang hiện diện, đại biểu cho mười thành viên tham dự, là sinh viên trường Mỹ Thuật Hà Nội, từ 20 đến 30 tuổi. Họ được sự nâng đỡ của Pháp Văn Đồng Minh Hội, Alliance Francaise và Trường Tạo Hình Angoulême. Ông Gerald Gorridge - giáo sư của trường và trong ban tổ chức - đã giải thích: tìm lại truyền thống dân gian Việt Nam, qua tranh tượng và mộc bản cổ truyền, để đầu tư vào hiện trường Truyện Tranh BD, khôi phục giá trị văn hoá và xã hội của tổ tiên để khẳng định và sáng tạo một phong cách hiện đại.
Vào thời đại điện tử và số học, các sinh viên Việt Nam vẫn còn sử dụng chàng, đục, trong kỹ thuật khắc gỗ thô sơ, và những màu sắc thảo mộc thiên nhiên, rồi in ấn bằng hai bàn tay. Tuy nhiên, họ không lặp lại những khuôn sáo trong phong tục như tranh gà, tranh lợn, tranh Hàng Trống ngày Tết. Họ kể chuyện bằng tranh, có khi mượn ở cổ tích, có khi phản ánh xã hội ngày thường, thậm chí còn là tự truyện.
Đại Hội Truyện Tranh BD Angoulême năm 2003 đang gây tiếng vang lớn tại Pháp. Đại hội xứng đáng với uy tín sẵn có, và hiện là cánh cửa mở rộng cho một nền nghệ thuật mới mẻ và tươi trẻ, đầy hứa hẹn, hướng về những chân trời mới trong toàn cảnh thế giới hiện nay.
Paris, ngày 24-1-2003 Đ.T (181/03-04) |