Nhìn ra thế giới
Tản mạn về sự cách ly
10:00 | 09/09/2020

VALENTIN HUSSON    

Trước hết, ta phải hướng sự chú ý đến động từ “cách ly” khi mà với tư cách là một ngoại động từ, nó có nghĩa là sự vứt bỏ ra khỏi một giới hạn; trong khi với tư cách là một nội động từ, nó hướng đến sự ràng buộc để ở lại trong một vài giới hạn nhất định. Nó vừa nói lên cả sự vứt bỏ lẫn sự rút lui; vừa hiện diện vừa vắng mặt.

Tản mạn về sự cách ly
Ảnh: unphilosophe.com

Ở động từ “cách ly” xuất hiện một sự cô đơn rút lui khỏi mọi giới hạn. Đời sống sống động nhất chỉ khả hữu trong chính sự rút lui khỏi đời sống này. Đạo đức luôn giả định một sự lựa chọn buộc tôi phải tự mình hành động, chứ không phải người khác, trước một mối nguy nào đó: vì thế, đạo đức luôn ẩn chứa sự cô đơn, qua đó tôi là người duy nhất có thể hồi đáp lại người khác và với người khác, qua đó một lần nữa, sự cô đơn cũng sẽ được nhân đôi; tôi cô đơn trước trách nhiệm của mình.

Vì lẽ ấy, trong thời gian cách ly này, thế giới tìm thấy được một trật tự mới cho sự tương giao hài hòa giữa những điều đẹp đẽ cùng những điều thô bỉ của việc cách ly, trong việc- được-là-chính-mình ta nhận thấy một đời sống đang miễn dịch trước cái chết, trước một đời sống tập thể. Sự cách ly cách ly sự đoàn kết.

Cái xuất hiện trong những cộng đồng đang tự miễn dịch để chống lại virus này bằng cách tự cách ly là một thứ lô-gic nghịch lý: tôi càng sống cả đời thì tôi càng cô đơn, vậy ra tôi lại càng muốn có sự đoàn kết. Việc- được-là-chính-mình giúp hình thành nên một cộng đồng. Sự phong thành không có nghĩa là sự cô lập và đồng thời mở ra một sự vứt bỏ đạo đức. Đoàn kết không được tìm thấy từ đám đông mà từ sự ẩn dật và cô đơn.

Người khác chỉ có thể ảnh hưởng đến tôi trong bộ dạng yếu đuối của anh ta. Đặc biệt là khi mình tôi đối diện với chính tôi, tôi nhận ra rằng tôi cô đơn với người khác, cô đơn trước việc mình tôi và một ai đó hay “chính mình như một người khác” như cách nói của Ricoeur. Cách ly là kinh nghiệm về những gì mà cô đơn giáp mặt với sự đoàn kết.

Vậy cô đơn là gì? Nếu không có khoảng thời gian cách ly dài ngày này, khi mà ở trước bản thân tôi chẳng hề có trò tiêu khiển nào, tôi liền nghĩ đến đời sống của mình, và do đó, về cái chết của tôi. Hay nói theo kiểu của Pascal: trong sự cô đơn, sự buồn chán được bộc lộ; chúng ta tìm cách chạy trốn khỏi nó là bởi vì ta dễ sống hơn với một chiếc bịt mắt trước mắt. Khoảng thời gian kéo dài này, khi mà từ Langweile trong tiếng Đức [vừa có nghĩa là một khoảng thời gian dài, vừa chỉ sự nhàm chán] diễn đạt tốt hơn tiếng Pháp, hé lộ một sự thay đổi đáng kinh ngạc rằng, khi thời gian trôi qua, ấy không phải là thời gian đã trôi qua mà là chúng ta đang trôi qua.

Do đó, lối thoát cho thời điểm hiện tại và trước tất cả những gì nhàm chán, hay việc liên tục quay quần tìm kiếm sự giải trí cùng những mạng lưới vô lo vô nghĩ, cũng như các sở thích đã lãng quên cùng một điều rằng chính chúng ta mới là thứ đang trôi qua. Tuy nhiên, chính trong sự cô đơn này, nơi mọi người đều ý thức về cái chết của mình, hay về sự khả tử của mình, một sự đoàn kết chưa từng có liền được định hình. Để hoàn toàn là người khác, tôi phải hoàn toàn cô đơn. Khi mình tôi với chính tôi, tôi hiểu rằng tất cả chúng ta đều cô đơn khi đối mặt với định mệnh và giới hạn chung của chúng ta chính là cái chết.

Đoàn kết giả định sự cô đơn giống như thế tục giả định việc lui về sống ẩn dật. Sự rộng lượng đi kèm với việc- được-là-chính-mình giống như thế giới tự thống nhất mà lại không có thế giới. Từ đó, để bảo vệ đời sống, nghĩa là phải bảo vệ bản thân mình trên hết.

Hồ Hải Nhật dịch
(Nguồn: Valentin Husson |Petites réflexions sur le confinement et le verbe “confiner” (24/03/2020): https://unphilosophe.com/2020/03/24/petites-reflexions-sur-le-confinement-et-le-verbe-confiner/)  
(TCSH378/08-2020)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng