Triển lãm được mang tên: "Modigliani, L'ange au visage grave", như gợi dậy cái không khí say đắm, trữ tình và đầy u uất của một thiên tài bạc mệnh... Trong suốt bốn tháng (từ 23/10/2002 đến 2/3/2003) đã không ngớt người xem. Ước mong cuộc triển lãm lớn này có dịp sẽ đến Mỹ, như những năm trước được xem Vermeer, Van Gogh, Cézanne...
Một buổi sáng thật tình cờ, một người bạn ông Bạch Thái Quốc, trưởng ban Việt ngữ đài R.F.I tại Paris gọi qua Virginia hẹn phỏng vấn tôi. Nói là nhân xem Modigliani, nhớ đến những tranh thiếu nữ của tôi vẽ ngày trước, cũng hai bàn tay dài, chiếc cổ dài, đôi mắt sương khói...
"Mắt em xanh đến như mầu khói Phơ phất hồng nhan ngọn gió trao"
Người bạn, Đặng Tiến, đã ghi 2 câu thơ của Đinh Hùng khi xem bức chân dung tôi vẽ một thiếu phụ ở Đà Nẵng, năm xưa nào...
Và quả thật vậy, nhớ lại đầu thập niên 1960 ở Sài Gòn, chúng tôi, những họa sĩ trẻ, đang hăng say vẽ, tìm tòi, sáng tạo... Đã tìm thấy ở Chagall, Modigliani, Klee... một không khí hư thực, thơ mộng, gần thẩm mỹ phương Đông. Thời kỳ xanh, với thiếu nữ, ngựa, đồi, và trăng. Bàng bạc khói sương, một tình yêu phơi phới:
"Trong vườn tôi hoa phù dung đã nở ngày rất hồng và chim hót rất xanh" (Nguyễn Xuân Thiệp)
Bức tranh cô gái cổ dài bị Lục Hà cười đầu tiên là "Biển nhớ" theo bản nhạc của Sơn vừa viết xong năm 1963. Cô gái ngồi rủ buồn trước biển, với con dã tràng màu đỏ thắm. Bị mê hoặc lúc nào không hay bởi những chân dung thiếu nữ của Modigliani, với chiếc cổ dài như con thiên nga, mà người họa sĩ đã phát hiện, như tìm được chân lý.
Những năm đầu tiên khi đến Mỹ, có dịp đi các viện bảo tàng mỹ thuật, tôi đều tìm đến phòng có treo tranh Modigliani mà đứng lặng nhìn, xúc động:
"...như sáng mai nào trong viện bảo tàng đứng cạnh những tranh Modigliani chất sơn dầu cũ kỹ hàng trăm năm như còn ám ảnh ta mầu đỏ sậm, mầu vàng chết và những đường viền đen run rẩy những khoả thân nằm..." (Cuối Ngày Buồn, thơ Đ.C. 3/90)
Phải chăng, Modigliani, người hoạ sĩ có mái tóc bồng, khuôn mặt u buồn, đôi mắt sâu, dáng cao sang, luôn quấn chiếc foulard màu đỏ sậm, quần velours nâu, xuất hiện ở cái xóm nghệ sĩ nổi tiếng Montmartre hồi đầu thế kỷ hai mươi, nơi tụ họp các họa sĩ tứ xứ kéo đến... Cuộc đời mà tôi được đọc qua nhiều sách. Một cuộc đời bi thảm, ngắn ngủi. Tranh thường vẽ đơn độc một người. Đến Paris năm 22 tuổi, 36 tuổi chết vì bệnh lao tại một nhà thương thí. Làm nhớ Quách Thoại:
"Thoại ơi Thoại ơi không biết khóc nhưng giòng nước mắt ướp mặn môi" (Thanh Tâm Tuyền)
Làm nhớ Thạch Lam, cũng chết vì lao phổi năm 33 tuổi tại làng Yên Phụ, ven Hồ Tây - Hà Nội:
"Chiều mưa bụi đã bay à ơ cơn gió ẩm ngày sao lòng con ấm những ngày năm xưa" (Nguyễn Tường Giang)
Ngoài những bài tập và những tranh vẽ khi theo học ở các trường Mỹ thuật Florence, Venice tại Ý, kể từ 1906 cho đến gần lúc cuối đời, có thể Modigliani đã vẽ hàng ngàn bức, từ dessins chì, mực, đến những tranh nhỏ trên giấy bằng màu nước, sơn dầu. Một số xé bỏ, một số thất lạc khi âm thầm dời nơi trú ngụ. Modigliani vẽ rất nhanh, bất cứ lúc nào, ở đâu, trong cơn đói rã, trong cơn ho rũ rượi. Đổi từng dessin lấy rượu uống, chếnh choáng say... nói chuyện văn chương, triết học. Ông mê Neitzsche. Năm ông sinh ra là Neitzsche đã cho in Ainsi parla Zarathustra (1883). Ông còn nói về Oscar Wilde, về Dante... đọc thơ Baudelaire... Đầu óc có khi hoang tưởng về một thế giới xa xăm nào.
Năm 1907, gặp bác sĩ Paul Alexandre, là người mê thích, khách hàng đầu tiên mua tranh ông. Năm kế tiếp ông gởi bày 6 bức tại Salon des Indépendents. Với chất quí phái, trữ tình. Bắt đầu gây huyền thoại. Modigliani được nổi tiếng là họa sĩ có sức thu hút bởi đôi mắt rực lửa, dáng dấp hào hoa... được mấy cô gái giang hồ vây quanh. Nhưng ông đã kính trọng họ chân thật.
"... một đời em mãi lang thang lòng lạnh băng giữa đau thương em về đâu hỡi em? hãy lau khô giòng nước mắt đời gọi em biết bao lần..." (lời ca Trịnh Công Sơn)
Khi Modigliani bị đau nặng, kiệt sức, chính những cô gái giang hồ và những người bạn nghệ sĩ nghèo đã góp tiền mua cho ông chiếc vé tàu để về Ý với mẹ, sau 3 năm xa cách. Về lại Livorno, suốt mùa hè năm đó, được mẹ chăm sóc. Sức khoẻ đã hồi phục, Modigliani hăng say vẽ lại. "Người hành khất", còn gọi là "Người hành khất Ở Livorno", bức sơn dầu như lột tả được sự cùng khổ của một người ăn xin mù.
Trở lại Paris, ông mang theo bức tranh này. Vẽ thêm "Người chơi đàn Violoncelle" mà mẫu chính là người nhạc sĩ bất hạnh, nghèo khổ, với cây đàn cũ, sống cạnh phòng ông tại phố Falguière.
Tháng 3/1910, ông bày 6 bức tại Salon des Indépendants, có 2 bức gây xúc động mạnh này. Từ chỗ ở mới, ông kết thân với Brâncusi, nhà điêu khắc người Roumani, qua Paris trước ông 2 năm. Sau này được xem là "nhà điêu khắc quan trọng nhất của thời hiện đại" (Jean Couteau). Năm 1911, Modigliani bày 7 tác phẩm điêu khắc và những tranh nhỏ vẽ bột màu, những dessins, tại xưởng vẽ người bạn: Soura Cardoso. Ông yêu thích Toulouse Lautrec, ngợi ca Douanier Rousseau, Picasso và Cézanne... trước khi gặp Van Dongen, Vlaminck, Soutine...
Năm 1915, ngưng làm điêu khắc, tiếp tục vẽ những bức sơn dầu cỡ lớn: những bức khoả thân tuyệt tác còn để lại đến nay. Trữ tình, mãnh liệt, trên những đường lượn ngọt ngào, giai điệu thần tiên, đôi mắt như không tròng, buồn xa xăm. Chất sơn dầu dày, sẫm, có thể sờ mó đến tận miền xa xôi của xúc cảm.
1914, Thế giới chiến tranh I bắt đầu bùng nổ, cả xóm nghệ sĩ Montmartre, nơi cái nôi được xem là "Trường phái Paris", thất tán, quạnh hiu... Modigliani bắt đầu tìm cảm hứng từ nghệ thuật Châu Phi. Phác thảo vô số hình vẽ để làm tài liệu... Thời gian này, Modigliani đã gặp Beatrice Hastings, một nữ thi sĩ người Anh. Sống với nhau 2 năm, đầy sóng gió. Vẽ nhiều chân dung. Từ năm 1915 đến 1917, Modigliani gặp thêm nhiều người bạn quí, nhà thơ Max Jacob, nhà thơ người Ba Lan Léopold Zborowski, André Salmon, Jean Couteau... Có thể nói, vợ chồng Zborowski là những người bạn đã cưu mang, lo lắng cho Modigliani ân cần nhất. Tìm cách bán tranh, tổ chức bày tranh... Tháng 12 - 1917, Zborowski giúp Modigliani triển lãm tranh tại Galerie Berthe Weil. Lần này bày thêm các bức "khoả thân" lớn, tuyệt đẹp, nhưng lại bị dư luận còn nghiêm khắc lúc bấy giờ chống đối, cảnh sát phải can thiệp, không cho trưng bày trước tủ kính galerie...
Một bức vẽ Jeanne Hébuterne (Ảnh: abcgallery.com)
Mùa hè 1917, Modigliani gặp Jeanne Hébuterne, 19 tuổi, đang học hội hoạ tại Académie Colarossi, trẻ hơn Modigliani 14 tuổi. Mối tình mãnh liệt nẩy nở. Gia đình Hébuterne ngăn cản không được. Hai người tự làm đám cưới, với hai người bạn ký tên làm chứng: Zborowski và Czechowska. Jeanne Hébuterne dáng người thon thả, dịu dàng, trầm tư, Modigliani đã vẽ rất nhiều tác phẩm đặc sắc về nàng, với nhiều tư thế, với tất cả yêu thương... Cũng từ đó, hai kẻ thanh xuân trải qua với nhau một cuộc sống lang thang, nghèo đói khắp phố Paris. Dời từ chỗ ở này đến chỗ ở khác, không có tiền để thuê nơi làm xưởng vẽ. Sống trong "La Ruche", toà nhà xiêu vẹo, đổ nát trên đường Dantzig. Chagall, Kisling, Soutine và nhiều nghệ sĩ nghèo cũng đang ở nơi này.
Trong khi ấy bệnh lao không tha. Ngày trước, khi mới đến Paris, trong những cuộc trao đổi, có người đã tỏ vẻ thương xót, nhưng Modigliani nhất định nói: không, tôi hoàn toàn hạnh phúc. Hạnh phúc vì được vẽ, dù chịu đói, nghèo. Ước muốn của Modigliani là đưa Jeanne Hébuterne về thăm mẹ ở Livorno đã không thực hiện được. Sức khoẻ suy sụp nhanh chóng. Vẫn lang thang một mình với cơn ho rũ rượi, uống rượu càng nhiều hơn.
Cuối năm 1918, Modigliani bắt đầu ho ra máu, vợ chồng Zborowski gom góp được ít tiền, gởi vợ chồng Modigliani về Côtes d' Azur, miền Nam nước Pháp để tịnh dưỡng trong vòng một năm, từ Nice qua Cagnes. Thời gian này có mấy bức nổi tiếng: "Thiếu nữ áo xanh", "Đàn ông với áo choàng xanh", và 4 bức phong cảnh hiếm hoi.
Ngày 29.11.1918 tại nhà bảo sanh Nice, Hébuterne sanh con gái: Jeanne Modigliani, sau này là tác giả cuốn sách đầy đủ, trung thật nhất về người cha: "Modigliani, sans légende" (Jeanne Modigliani mất năm 1984). Tháng 5.1919 vợ chồng Modigliani bồng con trở lại Paris. Thời gian này, tên tuổi ông đã được nhiều người biết đến, có nhiều người tìm mua. Nhưng ngậm ngùi thay, giữa lúc ông cảm nhận gần đến cái chết. Tuần cuối 1.1920, Modigliani nằm liệt giường, sốt cao độ. Bác sĩ ký giấy đưa ông vào nhà thương thí. Sáng hôm sau, 24.1.1920 Modigliani trút hơi thở cuối cùng. Trước khi nhắm mắt còn thều thào: "Cara, cara Italia" như nuối về quê hương nước Ý thân yêu, nuối về Mẹ...
Sáng sớm ngày hôm say, Jeanne Hébuterne, đang có mang đứa thứ hai, nhảy từ lầu 5 nhà cha mẹ, xuống đất tự tử chết theo chồng. Còn gì bi thiết hơn. Người họa sĩ với cuộc tình chung thuỷ này, đã trở nên huyền thoại...
Mộ Modigliani và Jeanne Hébuterne sau đó được nằm chung cùng nhau tại nghĩa trang Père La Chaise ở Paris. Trên tấm đá bia mộ khắc ghi những giòng chữ:
"Amedeo Modigliani, hoạ sĩ, sinh tại Livorno ngày 12.7.1884. Chết tại Paris ngày 24.1.1920. Cái chết đã đến vừa khi ông đạt đến đỉnh danh vọng.
Jeanne Hébuterne, sinh tại Paris ngày 6.4.1898. Chết tại Paris ngày 25.1.1920. Cặp tình nhân này đã chung thuỷ với nhau ngay cả trong cõi chết."
Năm 1921, Zborowski tổ chức một cuộc triển lãm tại Paris để tưởng nhớ Modigliani. Báo chí đã đăng những bài ca ngợi nồng nhiệt. Các nhà sưu tập bắt đầu tìm đến. Trong số này, có bác sĩ Albert C. Barnes, nhà sưu tập người Mỹ ở Pennsylvania, đã mua rất nhiều tranh của Modigliani. Một bộ sưu tập tranh nổi tiếng, như đã thấy các viện bảo tàng bày tranh gần đây, mượn từ bộ sưu tập của gia đình bác sĩ Barnes.
Khi đã chết, cũng như Van Gogh, tên tuổi của Modigliani mới được trọng vọng. Liên tiếp các cuộc triển lãm tranh ông tại Zurich, London, Geneve, New York,... Bắt đầu 1950, các viện bảo tàng lớn ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức... đồng loạt tìm mua tranh Modigliani.
Không được may mắn như Picasso, người bạn cùng thời. "Picasso, tia mặt trời không bao giờ tắt", tựa đề một quyển sách đẹp khi Picasso vừa qua đời (8.4.1973). Picasso đã ở lâu đài, và chết cũng tại lâu đài của mình.
Modigliani đã chết quá trẻ, buồn thảm trong cảnh đói nghèo, cùng cực, không được nhìn thấy cái hạnh phúc lớn lao sau này khi tranh mình thành vô giá. Và có phải như Modigliani đã thấy trước cái chết và sự bội bạc trên trần gian. Trước đó, trong bức thư viết cho người bạn, bác sĩ Paul Alexandre, ngày 6.5.1913, với câu cuối thư: "Le bonheur est un ange au visage grave".
Hạnh phúc là được vẽ tranh, Modigliani luôn khẳng định như vậy. Nhưng phải chăng "Hạnh phúc là một thiên thần mang vẻ mặt sầu muộn".
Đôi mắt muộn sầu trong tranh thiếu nữ của Modigliani còn mãi ám ảnh tôi.
Virginia, 2.2003 Đ.C (181/03-04)
----------------------- Sách tham khảo: Modigliani sans légende (Jeanne Modigliani, éd, Grund, 1962); Modigliani, Figures (Jean Dalevèze, éd. B. des Arts, 1971); Modigliani (Christian Pariot, éd. Terrail, 1992); Toute l'oeuvre peinte de Modigliani (Ambrogio Ceroni, éd. Flammarion, 1972); Amedeo Modigliani, La Poésie du regard (Doris Krystof, éd. Taschen, 2000).
|