Nhìn ra thế giới
Ý nghĩa biểu tượng của màu sắc trong tranh thánh Nga
15:00 | 11/12/2020


VŨ THƯỜNG LINH

Ý nghĩa biểu tượng của màu sắc trong tranh thánh Nga
Tác phẩm “Đức mẹ vùng sông Đông” (Bảo tàng Trechyakov, Moscow)

1. Sơ lược về nghệ thuật vẽ tranh thánh

Nghệ thuật vẽ tranh thánh là sự thể hiện tinh thần dân tộc Nga, phản ánh bản sắc và sự hùng vĩ của nền văn minh Nga. Nó không chỉ có giá trị nghệ thuật, mà quan trọng nhất là giá trị tinh thần, đạo đức. Lĩnh vực nghệ thuật đặc biệt này chiếm một vị trí nhất định trong đời sống tinh thần của xã hội và mỗi người dân Nga.

Tranh thánh, hay còn gọi là linh ảnh (icon), là một thể loại nổi bật trong hội họa Nga cổ. Từ cuối thế kỉ X, truyền thống vẽ các hình ảnh tôn giáo này được người Nga thừa kế từ Byzantium, nơi ngành hội họa này bắt đầu như một nhánh của truyền thống vẽ khảm và vẽ các loại tranh tường trong những nhà thờ Byzantium thời cổ. Cuối thế kỉ XIV - đầu thế kỉ XV là thời kì hoàng kim của hội họa Nga cổ. Nghệ thuật vẽ tranh thánh tồn tại như hạt nhân của nền nghệ thuật Nga cổ cho tới cuối thế kỉ XVII, khi nó dần bị che mờ bởi các loại hình nghệ thuật tạo hình thượng lưu khác dưới thời Peter Đại đế. Không giống như những truyền thống tranh ảnh mà người phương Tây vốn quen thuộc, tranh thánh Nga không phải là sự thể hiện không gian vật lý hay ngoại hình. Các linh ảnh là những hình ảnh có mục đích hỗ trợ cho những người cầu nguyện mang tính tu hành, và theo ý nghĩa đó chúng liên quan nhiều hơn đến việc thể hiện sự hài hòa trong lúc trầm tư mặc tưởng hơn là trình bày ra những cảnh thực tế. Những tranh tượng này không phải được tạo ra để thu hút người xem mà là để gợi lên suy nghĩ và sự tự vấn. Những bộ sưu tập linh ảnh đáng giá nhất có thể được tìm thấy ở Bảo tàng tranh Tretyakov và Bảo tàng Nga, mặc dù nhiều nhà thờ Nga cũng lưu giữ và bảo quản những tác phẩm truyền thống này.

Đỉnh cao của nghệ thuật vẽ tranh thánh trong lịch sử hội họa Nga gắn liền với tên tuổi của họa sĩ thiên tài Andrei Rublev. Andrei Rublev được coi là họa sĩ vĩ đại nhất nước Nga thời trung cổ, vẽ tranh thánh và bích họa Chính thống giáo Đông phương, được Nhà thờ Chính thống giáo của Nga phong thánh năm 1988. Ông từng là học trò của Feofan Grek, tức Theophanes the Greek (kh. 1340 - kh. 1410), và Daniil Chyorny (1360 - 1430). Feofan Grek là người đầu tiên đã du nhập nghệ thuật vẽ tranh thờ icon từ Byzantium vào Novgorod (Nga) năm 1370 và Moscow năm 1395. Bức icon “Chúa Ba Ngôi” của Andrei Rublev là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, cũng được coi như một trong những thành tựu cao nhất của nghệ thuật Nga.

Ở thế kỉ XVIII - XIX, các cuộc tranh luận về việc bài trừ linh ảnh trong nhà thờ Chính thống giáo xoay quanh vấn đề: các hình ảnh tôn giáo là một sinh hoạt hợp pháp hay một sự sùng bái mang tính báng bổ thần thánh. Mặc dù việc sử dụng các loại tranh ảnh này không bị cấm nhưng đã gợi nên một sự nhận thức sâu sắc về nét khác biệt giữa nghệ thuật dùng để mô tả thực tế và nghệ thuật phục vụ cho sự thưởng thức mang tính tôn giáo.

2. Sự phong phú của sắc màu trong tranh thánh Nga

Tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt, tranh thánh Nga đã sáng tạo nên một ngôn ngữ độc lập. Loại hình nghệ thuật này đặc trưng bởi cách phản ánh cuộc sống, các kỹ thuật hội họa, các bí mật thủ công cả trong việc chuẩn bị bảng vẽ cũng như chuẩn bị màu. Nhưng điều quan trọng nhất là các nghệ nhân đã mang đến cho nền hội họa tôn giáo một thế giới quan đầy lạc quan, niềm vui của cuộc sống trần thế, sự khẳng định về sự hiện hữu. Từ đó xuất hiện cách hiểu về tranh thánh như một hình ảnh, mặc dù khác biệt đáng kể so với mẫu gốc, nhưng mang trong mình hiện thân thực sự của nó. Trên thực tế, tranh thánh chính là cửa sổ mở ra thế giới tâm linh, do đó, nó được đặc trưng bởi một ngôn ngữ đặc biệt, trong đó mỗi ký hiệu là một biểu tượng. Với sự trợ giúp của hệ thống ký hiệu, một bức tranh thánh truyền tải một thông tin tương đương với một văn bản viết hoặc in mà ngôn ngữ của văn bản đó phải được mọi người biết để nhận thức và trải nghiệm ý nghĩa chứa đựng trong nó.

Ngôn ngữ ẩn dụ của nghệ thuật tranh thánh rất phức tạp và không chỉ bao gồm các đối tượng, mà còn cả kết cấu, kỹ thuật thể hiện, cách xây dựng không gian, dung lượng và bối cảnh - mỗi yếu tố của tranh thánh đều mang ý nghĩa biểu tượng riêng. Những thành phần của tranh thánh, như dung lượng màu sắc, cũng mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng.

Trong nghệ thuật tranh thánh, màu sơn không liên quan trực tiếp đến hình tượng, chúng đóng một vai trò độc lập: điều quan trọng không phải là màu sắc của vật thể thực sự trông như thế nào, mà là tác giả phải truyền tải những gì bằng bảng màu của mình. Màu sắc cho phép các nghệ sĩ truyền đạt đến người xem những gì được miêu tả trong tranh, và do đó nâng cao giá trị tạo hình của tác phẩm. Màu sắc ở một mức độ nhất định là dấu hiệu bên ngoài nổi bật nhất của các đối tượng riêng lẻ trong thế giới thực hoặc tưởng tượng. Đây là một dấu hiệu nhận dạng của hình ảnh. Giá trị đạo đức của màu sắc trong tranh thánh là sự sáng tạo của mỗi trường phái và nghệ nhân, nó không giới hạn ở từng loại sơn riêng lẻ, mà phát sinh từ sự tương tác của chúng, từ bối cảnh màu do người nghệ sĩ tạo ra. Màu sắc trong tranh thánh không chỉ thể hiện những trạng thái khác nhau của con người, mà chủ yếu thể hiện sự thăng hoa về tinh thần. Với màu sắc phóng khoáng, không phức tạp, các bức linh ảnh tăng thêm sức mạnh đạo đức của con người, tiếp thêm niềm tin và giữ cho con người trạng thái tinh thần sảng khoái, thoải mái. Đáng lưu ý là không phụ thuộc vào cốt truyện, không phụ thuộc vào những cảm xúc mà các sắc màu có thể thể hiện và thức tỉnh, chúng tạo nên sự toàn vẹn đặc biệt trong mỗi bức tranh thánh. Chính sự toàn vẹn đó có giá trị to lớn đối với con người, thu hút mỗi người, mở ra cho con người những tầng sâu của cuộc sống.

Mỗi sắc màu trong tranh thánh hàm chứa một ngữ nghĩa nhất định. Trong hệ thống phân cấp của màu sắc, màu vàng chiếm vị trí đầu tiên. Vàng biểu thị sự rạng rỡ vinh quang của Chúa, đó là màu sắc cao quý, không biết đến sự phân đôi “ánh sáng - bóng tối”. Vàng là nguyên liệu quý giá nhất trên trái đất, đóng vai trò là biểu hiện quý giá nhất trong thế giới tinh thần. Phông nền màu vàng, vầng hào quang vàng của các vị thánh, ánh vàng rực rỡ xung quanh hình hài của Chúa, trang phục màu vàng của Đấng Cứu thế hay ánh vàng trên áo choàng của Đức Mẹ Đồng Trinh và các thiên thần - tất cả đều là biểu hiện của sự thiêng liêng và thuộc về thế giới vĩnh cửu.

Vàng luôn là một vật liệu quý giá, vì vậy trong tranh thánh của Nga, nền vàng thường được thay thế bằng các màu khác, gần giống về mặt ngữ nghĩa như đỏ, xanh lá cây, thổ hoàng1. Màu đỏ tượng trưng cho ngọn lửa của thần linh. Bằng chính ngọn lửa này, Chúa rửa tội cho những người được chọn, và cũng trong ngọn lửa này, vàng của các linh hồn thánh bị tan chảy. Màu xanh lá cây tượng trưng cho sự sống vĩnh cửu, sự sinh sôi vĩnh cửu, đó cũng là màu của Thánh Thần, sắc màu của hy vọng. Thổ hoàng, nền màu vàng - là màu gần nhất với vàng, đôi khi chỉ là sự thay thế cho vàng, như một sự gợi nhớ về nó.

Gần nhất về ngữ nghĩa với vàng là màu trắng. Màu trắng còn thể hiện sự siêu việt. Nhưng màu trắng được sử dụng ít hơn vàng. Màu trắng là sự kết hợp của tất cả các màu, tượng trưng cho sự tinh khiết, mong manh, có mối liên hệ mật thiết với thế giới thiêng liêng. Theo truyền thống, với sự trợ giúp của màu trắng, các nghệ nhân miêu tả tấm áo choàng của các vị thánh, cũng như đôi cánh của các thiên thần và tấm vải bọc của những đứa trẻ. Trên nhiều linh ảnh thể hiện sự Phục sinh của Chúa, Đấng Cứu Rỗi được mô tả trong trang phục màu trắng.

Tác phẩm “Biến hình của Chúa”


Trong tác phẩm “Biến hình của Chúa”, Chúa Kitô mang trang phục trắng. Màu trắng là dấu hiệu của thiên đường, sự vĩnh cửu, công bình, tinh khiết và thánh thiện. Nền màu vàng của bức linh ảnh bao hàm cả màu sắc và ánh sáng. Chúa Jesus Kitô được thể hiện trên đỉnh núi trong ánh sáng rực rỡ, ở cả hai phía của Ngài là các tiên tri Elijah và Moses đứng trên mỏm đá, và bên dưới là ba tông đồ, sợ hãi và kinh ngạc trước phép lạ mà họ nhìn thấy. Peter và James ở hai bên, ở giữa - người trẻ nhất trong số họ - là John. Ba chùm sáng phát ra từ hình hài của Chúa Jesus và các tông đồ. Xung quanh Jesus là ánh hào quang hình bầu dục (ở phiên bản khác có thể là hình tròn) màu thiên thanh nhạt (hoặc xanh biển nhạt, trắng).

Màu trắng đối lập với màu đen - một gam màu không có màu (ánh sáng) và hấp thụ tất cả các màu sắc khác. Màu đen, cũng như màu trắng, hiếm khi được sử dụng trong nghệ thuật vẽ tranh thánh. Nó tượng trưng cho địa ngục, đối lập hoàn toàn với Chúa, ngọn nguồn ánh sáng.

Màu đỏ và màu xanh biển tạo nên một sự thống nhất mang tính đối nghịch. Các màu sắc này thường xuất hiện cùng nhau. Màu đỏ và màu xanh biển tượng trưng cho những ân sủng và chân lý, cái đẹp và điều tốt lành, trần thế và thiên đàng, đó là những nguyên tắc tách biệt và đối lập trong thế giới trần tục, còn trong Chúa, chúng hợp nhất và tương tác với nhau. Trang phục của Đấng Cứu Rỗi cũng thường được thể hiện bằng màu đỏ và màu xanh biển.

Tác phẩm “Chúa đến Jerusalem” (sáng tác khoảng năm 1419)


Tác phẩm “Chúa đến Jerusalem” mô tả cảnh Chúa Kitô và các môn đồ được dân chúng chào đón. Đấng Cứu Rỗi (đang cưỡi trên lưng một con lừa) mang trang phục màu đỏ và xanh biển. Thông qua những màu sắc này, người nghệ sĩ thể hiện bí ẩn của sự hiện thân của Chúa: màu đỏ tượng trưng cho trần gian, bản chất con người, máu, sự sống, khổ hình, sự đau khổ, nhưng đồng thời nó cũng là màu sắc đế vương (màu đỏ tươi); màu xanh biển thể hiện nguồn gốc thiêng liêng, nguồn gốc thiên giới, sự không thể lí giải của sự huyền bí, chiều sâu của mặc khải.

Màu sắc trang phục của Đức Mẹ cũng được thể hiện bằng màu đỏ và xanh biển, nhưng những màu sắc này được sắp xếp theo một thứ tự khác: trang phục phía trong màu xanh biển, áo choàng ngoài màu đỏ (anh đào). Chúng ta có thể thấy sự sắp xếp màu sắc này trên tranh thánh “Đức Mẹ vùng sông Đông”.

Nguồn gốc thiên đàng và trần gian trong hình tượng của Đức Mẹ được kết hợp khác với trong hình tượng Chúa. Nếu Chúa Kitô là Chúa toàn năng đầu thai làm người, thì Đức Mẹ là một người phụ nữ trần thế đã sinh ra Chúa. Sự đầu thai của Chúa Kitô được soi chiếu trong hình ảnh Đức Mẹ. Sự hiện thân màu nhiệm của Chúa đã làm cho Maria trở thành Đức Mẹ Đồng Trinh. Sự kết hợp của màu đỏ và màu xanh biển trong hình tượng Đức Mẹ Đồng Trinh còn hé lộ một bí ẩn khác - sự kết hợp của tình mẫu tử.

Tác phẩm “Xuống địa ngục” (Trường phái Novgorod; Bảo tàng quốc gia Trechyakov, Moscow)


Cần lưu ý rằng trong tranh thánh không có giá trị ngữ nghĩa cố định đối với từng màu sắc cụ thể. Tuy nhiên, nói về tranh thánh của Nga và tính biểu tượng của màu sắc, điều quan trọng phải nhấn mạnh rằng có những chuẩn mực nhất định trong nghệ thuật tranh thánh, và trong khuôn khổ đó cách phối màu cũng phải phù hợp. Những chuẩn mực này không làm hạn chế sức sáng tạo của nghệ sĩ, mà chỉ giúp cho nghệ thuật của họ được thỏa sức bộc lộ. Thậm chí gam màu vẫn có thể thay đổi trong một giới hạn nhất định, không vượt ra ngoài chuẩn mực. Bức linh ảnh “Xuống địa ngục” là một ví dụ. Cùng là một tác phẩm nhưng ở các phiên bản khác nhau có thể dễ dàng nhận ra sự thay đổi màu sắc trang phục của Đấng Cứu thế: trên linh ảnh của trường phái Moscow, Chúa Kitô được mô tả trong trang phục màu vàng, còn trên các linh ảnh của trường phái Novgorod - trang phục màu trắng hoặc vàng, và trong các phiên bản của trường phái Pskov - thậm chí là màu đỏ (điều này có thể lí giải được, vì nó là linh ảnh dùng cho dịp lễ Giáng sinh Kitô, lễ Phục sinh).

Tác phẩm “Xuống địa ngục” (Trường phái Pskov)


Trong tác phẩm “Xuống địa ngục” (thế kỉ XIV - XV) của trường phái Pskov, Chúa Kitô được miêu tả trong trang phục đỏ tươi, vốn không phải là sắc màu đặc trưng của tranh thánh Nga, trên nền đỏ lấp lánh những chấm sáng màu trắng.

*

Tranh thánh là sự tái hiện lại mẫu gốc, mặc dù khác biệt rõ rệt so với mẫu gốc nhưng mang trong mình sự hiện diện thực sự của mẫu gốc. Quá trình sáng tác một bức tranh thánh được quy định bởi nhiều quy tắc tôn giáo. Mỗi chi tiết trong bức tranh thánh ẩn chứa đa tầng nghĩa. Màu sắc là một trong những ký hiệu chính của ngôn ngữ tranh thánh. Cũng giống như các ký hiệu khác (ánh sáng, cử chỉ, ảnh thánh, không gian, thời gian), màu sắc có thể có phạm vi giải thích khá rộng trong một bối cảnh cụ thể. Tùy thuộc vào hình ảnh được tái hiện trong bức tranh thánh, cái tôi của người họa sĩ, bối cảnh văn hóa khi bức tranh được sáng tác, v.v., giá trị ngữ nghĩa của màu sắc có thể thay đổi. Màu sắc trong tranh thánh có mối liên kết chặt chẽ với ánh sáng. Ánh sáng và màu sắc quyết định thần thái của tác phẩm. Trong suốt lịch sử tồn tại của mình, những bức linh ảnh rực rỡ của Nga đã đánh thức sự nhạy cảm với màu sắc của độc giả thuộc nhiều thời đại khác nhau và điều này làm phong phú thế giới nội tâm của họ.

V.T.L
(SHSDB38/09-2020)
 

-----------------
1. Thổ hoàng là một loại chất tạo màu và cũng là một màu sắc. Thành phần chính của thổ hoàng là sắt (III) oxit-hydroxit, còn có tên là limonit, tạo nên màu vàng. Màu thổ hoàng vàng nhạt hơi pha nâu. Thổ hoàng là một loại chất màu có nguồn gốc từ đất sét tự nhiên.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Alpatov M. (1974), Sắc màu của tranh thánh Nga, Nxb. Nghệ thuật tạo hình, Мoscow.

[2] Beluy A. (1994), “Những sắc màu linh thiêng”, in trong tuyển tập Chủ nghĩa hình tượng như một cách nhận thức thế giới, Nxb. Cộng hòa.

[3] Eremina T.S. (1997), Thế giới tranh thánh và tu viện của Nga: lịch sử và những truyền thuyết. Nxb. MAIK “Khoa học”, Мoscow.

[4] Platonov O.A. (2011), Bút ký lịch sử tranh thánh Nga từ khi tiếp nhận Kito giáo đến nay, Nxb. Đại học văn minh Nga, Мoscow.

[5] Rafail (Karelin) (1997), Bàn về ngôn ngữ của tranh thánh Chính thống giáo, Nxb. Satis.

[6] Trubeskoi E.N. (1998), “Hai thế giới của nghệ thuật tranh thánh Nga cổ”, in trong Tuyển tập tác phẩm. Seri “Các nhà tư tưởng nổi tiếng”, Nxb. Phượng hoàng, Rostov trên sông Đông.

[7] Yazukova I.K. (1998), Thần học về tranh thánh, Nxb. Đại học tổng hợp Chính thống giáo phổ thông, Moscow.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng