Nhìn ra thế giới
Nobel Văn học 2020: Louise Glück: Bạn không đơn độc
14:21 | 28/12/2020

CARLOS SPOERHASE     

Ta có thể đánh giá Louise Glück qua các tác phẩm mà bà đã xuất bản trong vòng 5 thập niên vừa qua, vốn đã được trao tặng những giải thưởng văn học danh giá nhất nước Mỹ.

Nobel Văn học 2020: Louise Glück: Bạn không đơn độc
Ảnh: internet

Bà đã công bố 12 tập thơ và 2 tập tiểu luận, đã nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ công chúng học thuật và văn học Mỹ. Giờ đây, bà còn vinh hạnh được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao tặng giải thưởng Nobel Văn học của năm “vì giọng thơ không thể nhầm lẫn vào đâu được, mà với vẻ đẹp khắc khổ của nó, làm cho sự tồn tại cá nhân trở nên phổ quát.”

Vẻ đẹp khắc khổ của thơ Glück không nằm ở hình thức trang trọng của những bài thơ, chủ yếu có tính chất văn xuôi và không tuân theo bất kỳ hình thức cố định nào, mà ở thái độ của nhà thơ: tự vấn bản thân một cách không khoan nhượng. Các tác phẩm của Glück cho thấy xúc cảm trữ tình mãnh liệt từ một cách diễn đạt thường theo kiểu độc thoại, thậm chí đôi khi giống như lời cầu nguyện về nỗi sợ hãi sâu xa và những linh cảm mơ hồ, như trong bài thơ Hình ảnh trong gương (Mirror Image):

“Đêm nay tôi thấy mình trong ô cửa sổ tối như thể
hình ảnh của cha tôi, mà cuộc đời ông
đã trải qua như thế này,
nghĩ về cái chết, đến mức loại trừ
những vấn đề nhục cảm khác,
nên rốt cuộc thì cuộc đời ấy
thật dễ dàng để từ bỏ đi, vì
nó chẳng chứa đựng gì cả.”


Những dòng như vậy lý giải tại sao thơ của Glück đôi khi được mô tả như là chủ nghĩa hiện thực trầm cảm (depressiver Realismus) và chủ nghĩa tối giản mắc phải nỗi sợ bị giam giữ (klaustrophobischer Minimalismus). Bằng một tinh thần không nhượng bộ, bà thể hiện nỗi sợ hãi như một vòng luẩn quẩn vây quanh cuộc đời ta nhưng không hề tiết lộ bản chất của nó là gì, mà trái lại nó khiến ta cảm thấy bụi bặm và vô cảm trước thế giới. Tuy nhiên, theo Glück, sự thôi thúc để đi đến những điều chắc chắn tồn tại là không thể tránh khỏi, đến nỗi bà liên tục cảnh báo bản thân trước nguy cơ của một sự rỗng tuếch nội tâm như được miêu tả trong các bài thơ của mình.

Đối với Glück, những hiểu biết sâu sắc về sự tồn tại mà bà soi sáng trong sự khai phá thơ ca của mình cốt ở chỗ sự vô vọng rất cá nhân của nó luôn có được một đặc tính phổ quát. Thơ của bà đột ngột nhảy từ cái cá nhân sang cái nguyên mẫu. Khi Glück làm sống lại các nhân vật trong thần thoại cổ đại như Orpheus và Eurydice hay Odysseus và Penelope trong các tập thơ của bà ấy, hàng loạt các xung đột tâm lý được thể hiện nơi những nhân vật này ám ảnh tất cả chúng ta không thôi. Thơ của bà còn nhiều lần nói tới những trạng huống cơ bản của con người: mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ, sự nối tiếp giữa các thế hệ, những dấu mốc tiểu sử đáng nhớ của cuộc đời như sinh ra, kết hôn hay mất đi. Thực tế thì danh từ riêng hầu như không bao giờ được sử dụng trong thơ Glück, khuôn mặt của các nhân vật trữ tình không hề mang lấy các đặc điểm của một khuôn mặt riêng biệt; điều này, hẳn nhiên là một sự dụng công ở Glück, ngay cả điều gì đó rất cá nhân cũng đều có mối liên lạc với điều gì đó rất phổ quát.

Tuy nhiên, Louise Glück phải trả giá đắt cho sự dụng công mỹ học này của mình trong việc biến sự tồn tại cá nhân trở nên phổ quát: Những bài thơ của bà miêu tả những nỗi ưu phiền của cuộc đời, nhưng thường vẫn khá trừu tượng và rất nghèo nàn trong việc mô tả các chất liệu cảm xúc về thế giới. Khuôn mặt của người cha nơi hình ảnh trong gương mà bà nhận ra bản thân mình là gì?

Glück nhận thấy rằng việc thiếu đi khía cạnh mô tả ấy trong các bài thơ của bà lại là một vấn đề mỹ học. Nó dựa trên sự hoài nghi sâu sắc về nhục cảm, điều mà bà cố gắng vượt qua trong những bài thơ như Quả đào chín (Ripe Peach). Ngoài cuộc mưu cầu trí tuệ về điều gì đó phổ quát, người ta còn có niềm vui bất ngờ khi ăn một loại trái cây nào đó: “trải nghiệm./ [Để thấy rằng] cái miệng tục tĩu/ đang đói đến cùng cực”. Quả đào tượng trưng cho sự sẵn có của một vị ngọt rất dễ thay đổi ngay lập tức: chẳng có gì bền vững trước ý thức cả, trừ một niềm vui tạm thời không thể cất giữ. Sự can đảm để nắm bắt kinh nghiệm cảm xúc trong những bài thơ của mình ngay cả khi không có một thứ gì hữu hình còn sót lại cả đã chi phối giọng thơ của Glück trong nhiều năm liền: “Có/ một quả đào trong giỏ đan lát./ Có một bát trái cây./ Năm mươi năm. [Như] Một cuộc đi bộ dài đằng đẵng/ từ khung cửa đến cái bàn.” Ngay cả trong bài thơ “Quả đào chín”, bà chưa thể làm điều đó hoàn toàn dựa vào nhận thức cảm tính về chúng. Quả đào tròn bỗng trở thành biểu tượng của trái đất, nơi mà trải nghiệm cảm xúc của ta được ghi lại ở trong ý thức.

Tác phẩm thơ trữ tình mà Glück đã tạo ra trong vài thập niên qua chứa đựng những dấu mốc quan trọng trong chặng đường khó khăn này, từ những bài thơ đơn điệu và súc tích trong tác phẩm ban đầu của bà cho đến những tập thơ đa góc nhìn trong tác phẩm sau này, gần đây nhất là trong A Village Life, đều đề cập đến sự xúc cảm của việc bắt gặp một thế giới rộng lớn hơn như thế.

Tuy nhiên, tại sao tác phẩm của Glück lại rất ít được dịch và đọc ở Đức? Điều này có thể liên quan đến thực tế là sức ảnh hưởng của Glück phụ thuộc vào những độc giả sẵn sàng nhận ra những ưu phiền được mô tả trong các bài thơ của bà. Thái độ đọc kiểu như thế bị hoài nghi như là một thái độ đọc có tính hàn lâm hơn ở đất nước này và điều đó khiến cho khoảng cách phê bình trở thành yêu cầu cơ bản cho mọi trải nghiệm thẩm mỹ. Đây chính xác là cách mà các bài thơ của Glück được đọc ở Mỹ tốt hơn là ở Đức. Học giả văn học và nhà thơ nổi tiếng người Mỹ Maureen McLane mô tả những bài thơ của Glück như những người bạn đồng hành thân thiết trong những giai đoạn trầm cảm của cuộc đời; và nhân vật chính tìm kiếm ý nghĩa trong cuốn sách best-seller Eat Pray Love của Elizabeth Gilbert đã để bản thân được nâng lên nhờ vào thơ của Glück: “Tôi đặt cuốn sách vào lòng và rùng mình một cách nhẹ nhõm.”

Trong các bài tiểu luận của bà, Glück tự biện hộ một cách đọc riêng để tự do đồng nhất những ưu phiền của giọng thơ ấy với phong cách của riêng mình. Ở đó, bà phân biệt mình với Sylvia Plath, người có những bài thơ tìm cách tự tạo ra khoảng cách với độc giả, và cảm thấy gần gũi hơn với Emily Dickinson, người cho phép độc giả nhận ra chính mình trong số phận đầy cam go của thơ ca trong việc xác lập một giọng điệu riêng. Những bài thơ của Glück xoay quanh nỗi cô đơn hiện sinh, chúng tự coi mình như là những người bạn đồng hành của tất cả các độc giả cô đơn. Trong bài thơ Tháng Mười (Oktober), cái tôi trữ tình “du hành dưới tàu điện ngầm với cuốn sách nhỏ của mình/ như thể để tự biện hộ cho mình chống lại/ chính thế giới này:/ bạn không đơn độc,/ bài thơ đã nói/ trong đường hầm tối tăm”.

Sự đảm bảo “bạn không đơn độc” ấy khiến tập thơ trở thành người bạn đồng hành của những con người cô đơn. Theo Glück, những hình ảnh đau buồn tối tăm mà nó chứa đựng mang lại một hình thức cho “sự tàn phá”. Liệu cách nói này có ngược lại với cách nói về một thứ “bóng tối phi hình thức” mà những thứ vô giá trị khiến ta phải đau buồn hay không? Có lẽ đối với những độc giả mang trong mình quan niệm văn học được đào tạo thiên về mỹ học phê bình, thì những người phản đối điều đó thường là những độc giả không có khả năng phê bình về giọng điệu thơ ca. Tuy nhiên, liệu việc cảm thụ văn học của chúng ta sẽ trở nên cạn kiệt đi nếu chỉ tập trung vào việc đọc thôi hay không khi mà nó cho phép vừa tạo ra một khoảng cách thẩm mỹ và vừa xem nhẹ độc giả, vốn là những người nhận thấy nhu cầu tình cảm bức thiết nhất của họ luôn được phản ánh trong các bài thơ?

Xuân Cao
Dịch từ: Louise Glück: Du bist nicht allein (zeit.de).  
(TCSH381/11-2020)


 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng