PHẠM PHÚ UYÊN CHÂU
Tiểu thuyết ngắn Chết ở Venice được Thomas Mann cho ra đời năm 1912, khi bệnh tả là một căn bệnh đang gây ra cái chết hàng loạt ở Ý.
Trong vòng hai trăm năm, thế giới đã trải qua 7 lần đại dịch tả, gây ra cái chết cho hàng chục triệu người. Có thể nói căn bệnh ám ảnh này đóng vai trò quan trọng trong cốt truyện, gây ra cái chết vật lý cho nhân vật, và những biểu hiện bệnh lý cũng được Thomas Mann dùng như một ẩn dụ lớn hơn.
Với trình độ của ngành dịch tễ hiện đại, bệnh tả đã không còn là mối quan ngại của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Nhưng trong quá khứ, với sự bùng nổ giao thương hàng hải của châu Âu, châu Mỹ trước Thế chiến thứ nhất, tàu bè qua lại còn có một ký hiệu riêng liên quan đến dịch tả. Khi một thuyền viên hoặc hành khách trên tàu bị chẩn đoán liên quan đến bệnh tả, thuyền sẽ phải treo một lá cờ màu vàng, và sẽ không được dừng lâu ở bất kỳ bến nào. Một chiếc tàu không có cờ vàng sẽ được đậu ở bến trong thời gian lên tới 30 - 40 ngày, và người trên tàu có thể tự do xuống đất liền đi lại, giao dịch. Đến hiện tại, trong ký hiệu hàng hải, cờ kiểm dịch vẫn có màu vàng và đen.
Năm 1911, khi Thomas Mann đang đi du lịch ở đảo Lido, Venice, ông đã nảy ra ý tưởng và bắt tay vào viết ngay tác phẩm về Aschenbach, một nhà văn già đi du lịch và chết ở Venice vì dịch tả. 1911 cũng là năm mà bệnh tả đang hoành hành ở Ý nói riêng và châu Âu nói chung, là một phần trong tràng đại dịch thứ sáu kéo dài 24 năm. Tình huống mà Chết ở Venice đặt ra là sự sa ngã và cái chết của một người đàn ông đứng tuổi, một nghệ sĩ nghiêm cẩn trong một kỳ nghỉ ở Venice. Trong Những huyền thoại, Roland Barthes đã gọi việc nhà văn đi nghỉ hè là một sản phẩm của văn hóa tư sản, một biểu tượng và một huyền thoại - ý niệm ẩn nấp. Một nhà văn xách vali đi nghỉ mát, nó vừa là biểu hiện của sự nghỉ ngơi và lối sống tư sản sang trọng giàu có, nhưng cùng lúc cũng là một sự giả tạo và hình thức. Bởi một nhà văn không bao giờ nghỉ ngơi, khi nhận vai trong vở kịch này anh ta không thể ngừng lại cho đến khi hoàn thành nó. Một nhà văn không thể ngừng viết lách, ngừng đọc, ngừng theo đuổi cái đẹp và sự chiêm nghiệm chân lý đời sống. “Nhà văn đang đi nghỉ, nhưng Nàng Thơ của họ vẫn thức và đẻ liên tục”1. Một nhà văn biến cuộc đời của anh ta thành chính một bàn cờ phân tích tâm lý và tình huống, biến mình thành chính nhân vật và biến nhân vật thành chính mình. Mann ở Lido giữa cơn bệnh dịch, và thay vì quan tâm đến cái chết, ông quan sát căn bệnh ấy với con mắt của một người sáng tác, sẵn sàng sử dụng cái chết làm phương tiện cho ngòi bút của mình.
Nhân vật chính của tác phẩm, Gustav Von Aschenbach đã gặp Tadzio ở Venice. Trước khi Aschenbach nhận ra, ông đã “bị trói chặt vào cái thành phố ngập nắng đầy mê hoặc và hoan lạc này cũng như sự mục ruỗng kỳ quái khi thành phố dần xuôi tay trước một dịch bệnh bí ẩn.” Tình yêu đơn phương và tuyệt vọng khiến Aschenbac không còn quan tâm đến cái chết. Khi thành phố đã có những cảnh báo dịch bệnh, ông vẫn vượt qua hàng rào, đi vào vùng nguy hiểm, đuổi theo ảo ảnh của Tadzio và lấn sâu vào cái chết.
Bệnh tả đối với châu Âu thời đó là một cái chết đến từ phương Đông, chính xác là từ tiểu lục địa Ấn Độ. Venice là điểm giao thoa giữa Đông và Tây, là chốt cửa của phương Tây bước ra con đường tơ lụa. Cũng vì thế, Venice trở thành thành phố phồn hoa và nhộn nhịp nhất, thu hút vô số những nghệ sĩ tìm đến đây để nghỉ ngơi, tìm cảm hứng và sáng tác về nó. Không hề ngạc nhiên nếu Venice trở thành điểm bùng phát của một căn bệnh đến từ phương Đông. Đằng sau phồn hoa là chết chóc. Aschenbach thường tinh ý nhận thấy những dấu hiệu đầu tiên của dịch bệnh từ trước khi có lệnh phong tỏa và thông báo từ nhà chức trách. Mùi phenol lan tỏa trong không khí, báo hiệu cho cái chết đang kéo đến. Cả Thomas Mann và Aschenbach - nhân vật chính của tác phẩm - đều dừng lại ở đảo Brioni trước khi đến Venice. Đây là nơi mà Bác sĩ Robert Koch, một trong những người đặt nền móng cho ngành vi khuẩn học hiện đại, đã thực nghiệm cách ly và khử trùng chống lại dịch tả và bệnh sốt rét. Mùi thuốc sát trùng có lẽ đã trở thành ám ảnh đối với Mann. Trong tác phẩm, thuyền của Aschenbach phải vượt qua những bài kiểm tra vệ sinh dịch tễ mới đến được Venice. Khách du lịch thì thiếu thốn, chẳng mấy ai mua vé đến “thành phố tuyệt vời” nữa. Ngay từ những phút đầu tiên, Mann đã hé lộ những dấu hiệu không lành cho nhân vật. Nhưng Aschenbach vẫn cứ tiếp tục bị dẫn dắt bởi số phận.
Trả lời những câu hỏi đằng sau sáng tác, Thomas Mann thừa nhận ý tưởng ban đầu của Chết ở Venice xuất hiện khá chóng vánh và đơn giản: “passion as confusion and degradation” - đam mê là lạc lối và suy đồi. Ông bị khơi gợi mạnh mẽ bởi chuyện tình có thật giữa đại thi hào Goethe và nàng thơ 18 tuổi Ulrike von Levetzow, chuyện tình giữa “một vĩ nhân khi về già sa ngã vì tình yêu với một cô gái trẻ” [tr. 10]. Tất cả những đấu tranh giữa tình yêu và lý trí, giữa sa ngã và cẩn trọng, giữa dục vọng và sự trong sáng được Thomas Mann khai thác triệt để trong khi cốt truyện chỉ diễn ra ngắn ngủi chưa đầy một kỳ nghỉ hè. Toàn bộ cuộc đời của Aschenbach được đặt lên bàn cân và lật nhào chỉ trong một tích tắc. Dịch bệnh đóng vai trò quan trọng để tạo ra nút thắt, một wendepunkt cho tác phẩm. Aschenbach biết rõ thực phẩm là một nguồn lây bệnh chủ yếu - bệnh tả có thể được chế ngự nếu các biện pháp vệ sinh như ăn chín uống sôi, tránh thực phẩm tươi sống. Vậy nhưng, Aschenbach đã ăn những quả dâu tây “chín nẫu và mềm nhũn” ngay lúc đang lê bước giữa những con phố ẩn nấp đầy dấu hiệu tai ương. Ông đã đánh mất sự minh mẫn của mình từ lâu. Khi cơn sốt, biểu hiện của cái chết, ập đến, Aschenbach chẳng còn ngạc nhiên nữa. Nó giải thoát ông ta.
Aschenbach bắt đầu nằm mơ, mê sảng và nhìn thấy ảo giác. Những ảo ảnh ông nhìn thấy trong cơn sốt bao gồm dày đặc những ký hiệu về cái chết, hoan lạc và suy đồi. Đó là những vũ điệu hân hoan bi tráng và sa đọa của Dyonisus, là sự dẫn lối đưa đường của Eros và cuộc tranh đấu với Apollon. Ban đầu, Aschenbach cố kháng cự “Ông thấy ghê tởm, ông hoảng sợ, thực lòng ông đã vận dụng hết ý chí để bảo toàn danh dự trước vị thần xa lạ kia, kẻ thù của tư cách và phẩm giá” [tr.128]. Thế nhưng giấc mơ là địa hạt của vô thức, và dịch bệnh cùng với điềm báo của cái chết đã xổ lồng cho những dục vọng tăm tối. “Đúng thế, họ cũng chính là ông, khi họ giằng xé nhau giết đám súc vật và ngốn ngấu những miếng thịt tươi còn bốc hơi nóng hổi, khi họ bắt đầu tự do giao hợp trên nền rêu xanh nhàu nát dưới gót chân, coi đó là lễ vật tế thần. Và linh hồn ông được nếm mùi sa ngã, dâm loạn, điên cuồng” [tr.129]. Aschenbach, ngọn cờ đầu của chủ nghĩa anh hùng, chủ nghĩa khắc kỷ, đã hạ xuống.
Thomas Mann là nhà văn có tư tưởng nhân đạo dân chủ tư sản, chống phát xít, đại diện cho truyền thống tốt đẹp của dân tộc Đức. Ông tập trung miêu tả quá trình suy sụp của giai cấp tư sản với một ngòi bút hiện thực, mỉa mai, chú trọng phân tích tâm lý, đi sâu vào các khía cạnh bệnh hoạn, cái phù du và cái chết. Văn của Mann chính xác, từ ngữ gọt giũa kỹ lưỡng, đòi hỏi người đọc phải tập trung suy nghĩ, ông dùng nhiều từ ngữ nước ngoài, sử dụng nhiều kiến thức về triết học, tôn giáo, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, y học, xã hội học, phân tâm học. Việc nhà văn khai thác những dấu hiệu lịch sử của bệnh tả, đó là một ẩn dụ cho sự đe dọa đối với nền móng chủ nghĩa thực dân. Bệnh tả lan tràn như một bóng ma ở châu Âu, đó là bóng ma của những ngày đô hộ trên đất Ấn, bao nhiêu phồn hoa và lộng lẫy gầy dựng trên sự bóc lột và tàn phá những vùng đất xa xôi phương Đông. Điều kiện sống kham khổ và khắc nghiệt gây ra đói nghèo và dịch bệnh, thứ tràn ngược về những mẫu quốc, những kẻ đô hộ.
Giai đoạn phát triển của chủ nghĩa thực dân từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX cũng là giai đoạn hoành hành của bệnh tả. Sự phát triển của hàng hải chỉ khiến căn bệnh phát tán nhanh hơn. Ban đầu, dịch bệnh cũng là một căn cứ để phát triển sự trịch thượng của các mẫu quốc đối với thuộc địa. Rằng đây là căn bệnh của kẻ nghèo đói chưa được “khai sáng”. Nhưng rất nhanh chóng, bệnh tả cũng bùng phát ở nhiều vùng đất khác nhau trên lãnh thổ châu Âu, bất kể khí hậu và nhiệt độ có nóng ẩm như Venice hay lạnh và khô như bán đảo Bắc Âu. “Từ nhiều năm nay bệnh thổ tả ở Ấn Độ vẫn có xu hướng bùng nổ và lan rộng. Bắt nguồn từ vùng đầm lầy nóng ẩm lưu vực sông Hằng, bốc lên cùng chướng khí ở vùng rừng rậm và cù lao hoang dã, đất đai phì nhiêu mà vô dụng, loài người tìm cách lánh xa, chỉ có hổ báo rình mò trong đám tre gai dày đặc, bệnh dịch đã hoành hành đặc biệt dữ dội suốt một thời gian dài trên bán đảo Ấn, tràn sang Trung Hoa ở phía Đông và Afghanistan cùng Ba Tư ở phía Tây, rồi theo tuyến đường của những đoàn lữ hành xuyên lục địa mà gieo rắc nỗi kinh hoàng của nó tới tận Astrachan, thậm chí tới tận đô thành Moscow. […]” [tr.122]. Trong tác phẩm, Mann nhấn mạnh vào sự lan tràn không thể kiểm soát nổi của bệnh dịch, không một vùng đất nào trốn khỏi bàn tay thần Chết, cả châu Âu chìm dần trong bóng tối không chỉ của bệnh tật mà còn của sự sa đọa tinh thần. Khi những nhà chức trách cố gắng giấu diếm tin tức và giữ gìn cảnh thái bình giả tạo thì chỉ đẩy nhanh hơn những hoài nghi, khuynh hướng phản xã hội và hàng loạt hành vi phạm tội. Thomas Mann gọi đây là “một sự suy đồi nhất định ở tầng lớp dưới”, bởi cảm giác lo lắng bất tận về một cái chết đang lại gần.
Sự thiếu hiểu biết về chủ thể gây hại chỉ gia tăng thêm nỗi khiếp sợ của con người. Thêm vào đó là sự vào hùa, biểu hiện của trình độ đám đông, sẽ gây ra hỗn loạn. Người ta đổ lỗi cho khí hậu, cho phương Đông, cho những thực phẩm mang theo mầm bệnh. Hơn một lần Thomas Mann nhấn mạnh vào yếu tố thời tiết nóng ẩm của Venice, ám chỉ đến khí hậu phương Đông “rừng thiêng nước độc”. Dịch tễ học hiện đại đã khám phá ra nguyên nhân dịch tả là nguồn nước nhiễm vi trùng và biện pháp chống lại dịch tả là khử trùng và vệ sinh. Bối cảnh ra đời của tác phẩm không cho phép nó có được những tri thức vượt tầm thời gian này. Thay vào đó, những hủ bại đến từ phương Đông, như một sự trả giá của phồn hoa của Venice. Venice chính là một trong những biểu tượng trung tâm của sự suy đồi trong văn học thời bấy giờ với “mùi hôi, mùi hôi của biển và đầm lầy”. Trong chưa đầy 130 trang sách, Venice hiện lên như “thành phố của cái chết”, nơi mà mùi thơm của khói hương thánh lễ xen vào với mùi của thành phố bệnh hoạn. Sự chuyển đổi từ mùi hôi của sự sống sang mùi của cái chết đầy bất lực và khủng hoảng.
Dịch bệnh và cách ly trở thành những từ gây ám ảnh. Trong lịch sử, từ thế kỷ XIV, Venice đã là một trong những thành phố đầu tiên triển khai cách ly vì dịch bệnh. Gái mại dâm và dân du mục, những kẻ nghèo hèn thân phận bé mọn nhất trong xã hội sẽ bị gom lại, khắc sâu kỳ thị giai cấp. Người nghèo và những người thiếu dinh dưỡng, thiếu điều kiện vệ sinh luôn là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong tràng dịch bệnh. Thomas Mann lặp lại mệnh đề này, khi con người sợ hãi những đụng chạm với “cơ thể khác”. Và bệnh dịch nảy sinh như một sự hủy hoại thể xác phát triển song song với sự hủy hoại về tinh thần của con người.
Trong phiên bản phim điện ảnh năm 1971, Luchino Visconti đã dựng lại một Chết ở Venice của màn ảnh với hai thay đổi cơ bản nhất về cốt truyện: nghề nghiệp của Aschenbach và loại bệnh mà ông ta mắc phải. Aschenbach không còn là một nhà văn, thay vào đó ông ta là một nhạc sỹ. Sự thay đổi này giúp Luchino Visconti dễ dàng hơn trong việc khắc họa hình tượng nhân vật chính và sự nghiệp, phong cách của ông ta. Nhưng việc thay cái chết xanh - dịch tả bằng cái chết đen - dịch hạch lại là một câu hỏi thuộc về hoàn cảnh lịch sử. Khác với cái chết xanh đến từ phương Đông, cái chết đen lại là dịch bệnh ám ảnh phương Tây từ rất lâu trước đó. Từ những năm 541 - 542, dịch hạch Justinian đã cướp đi sinh mạng của 50 - 60% dân số châu Âu. Đỉnh cao của thế kỷ XIV là 25 triệu người tử vong chỉ trong vòng 5 năm, từ 1347 đến 1352. Nó là hiện thân của lưỡi hái thần chết một cách quá hiển nhiên, sáng loáng vì bị lau sạch mọi ẩn dụ về chủ nghĩa thực dân cũng như định kiến Đông Tây.
Chết ở Venice được sáng tác vào đêm trước của Thế chiến thứ nhất, cùng với hồi chuông chung kết của dòng văn học suy đồi cuối thế kỷ XIX. Bản thân Thomas Mann cũng bước sang thời kỳ thứ hai trong cuộc đời sáng tác của mình, nói lời tạm biệt với “sự cảm thông với cái chết”. Nhà văn đã tích lũy những luồng tư tưởng xã hội và tôn giáo khác nhau, để chúng cọ xát và tự nói ra sự thật đằng sau chủ nghĩa thực dân, chế độ dân chủ và lối sống tư sản. Sau Chết ở Venice, ông sẽ tiếp tục phát triển những quan điểm chính trị xã hội của mình ở nhiều tác phẩm khác, và đặc biệt là trong Núi thần, một trong những đỉnh cao của trường phái hiện đại. Tưởng cũng cần nhắc thêm rằng, Chết ở Venice là một trong những viên gạch lót đường để nhà văn tiến lên bục vinh quang nhận giải thưởng Nobel văn học năm 1929.
P.P.U.C
(SHSDB39/12-2020)
----------------------
1. Roland Barthes (Phùng Văn Tửu dịch, 2009), Những huyền thoại, Nxb. Tri thức.