Nhìn ra thế giới
Một góc nhìn của khoa học về virus
09:10 | 26/10/2021

MICHAEL MARDER

Tất cả chúng ta đều đã nghe nói đến công dụng của vi khuẩn đường ruột khi tham gia tích cực vào trong quá trình tiêu hóa của con người và động vật. Đó là ví dụ hoàn hảo về sự cộng sinh, hay sự chung sống lâu dài của các sinh thể thuộc các loài khác nhau.

Một góc nhìn của khoa học về virus
Ảnh: thephilosopher1923.org

Thế nhưng, tác động của vi khuẩn sống trong ruột dường như vượt ra khỏi cả bộ máy tiêu hóa. Thực tế chỉ ra rằng hệ vi sinh vật đường ruột cũng là một “quần xã tâm lý” (psychobiome), có khả năng ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm nhận, suy nghĩ và hành động. Gần đây, một nhóm các nhà khoa học, chủ yếu từ Trường Y Harvard và Đại học Northeastern ở Boston, đã phát hiện ra rằng Bacteroides fragilis, một loại vi khuẩn thường sinh sống trong ruột kết của con người, tạo ra một lượng lớn GABA, một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng của não bộ có tác dụng ức chế hoạt động của hệ thần kinh và tạo ra tác dụng làm dịu, giúp con người bình tĩnh trở lại khi căng thẳng. Nói tóm, những vi khuẩn này vô hại.

Trong khi các nhà khoa học đã nhận thức được mức độ có lợi của một số vi khuẩn đối với đời sống sinh học của chúng ta, thì câu chuyện rộng rãi lại khác với virus. Đại dịch Covid-19 đã đưa virus gây bệnh SARS-CoV-2 trở thành tâm điểm chú ý. Các nghiên cứu về nguồn gốc của nó cũng đã nhấn mạnh khả năng của vi sinh vật “nhảy” từ loài này sang loài khác, truyền từ động vật sang người. Điều chưa được nhiều người biết đến là thực tế rằng virus ảnh hưởng đến tất cả sinh vật - không chỉ bao gồm con người và động vật, mà còn cả thực vật và thậm chí cả vi khuẩn. Tuy nhiên, cho đến nay, có một sự đồng thuận rằng ảnh hưởng của virus hoặc là hoàn toàn độc hại hoặc, phần nào đó, là trung tính. Lý thuyết về việc làm suy yếu virus giả định một động lực tiến hóa từ cực đầu tiên đến cực thứ hai, từ các tác động bất lợi (đôi khi gây chết người) đến các phiên bản ôn hòa hơn hoặc nhẹ nhàng hơn mà không gây hại đáng kể cho vật chủ. Ví dụ, một số protein từ các virus phiên mã ngược nội sinh trong cơ thể người (Human Endogenous Retrovirus - HERVs) có thể được triển khai cho các mục đích liên quan đến thai nghén, đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nhau thai.

Tuy nhiên, vì một số vi khuẩn tỏ ra hữu ích (nếu không phải là không thể thiếu) đối với động vật và con người, thì liệu virus có thể được cho là như vậy không? Nói cách khác, liệu có thể tồn tại một thứ như một loại virus hữu ích, một loại virus không gây hại cũng như không quá mức trung tính trên cơ thể vật chủ, mà ngược lại, tạo điều kiện để tối ưu hóa cho hoạt động sinh lý của vật chủ hay không?

Để trả lời cho những câu hỏi có vẻ kỳ lạ này, một nhóm các nhà khoa học Tây Ban Nha vừa có một phát hiện đột phá, được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ. Cùng với các đồng nghiệp của mình từ Đại học Valencia và Đại học Jaume I, Rubén González đã phân lập được những tác động có lợi đáng ngạc nhiên của virus khảm củ cải, thuộc họ Potyviridae, trên vật chủ thực vật của nó.

Ảnh hiển vi điện tử tương phản âm của các hạt một phân lập vi rút đậu xanh từ họ Potyviradae - Ảnh: thephilosopher1923.org


Theo nghiên cứu, tác nhân gây bệnh thường có khả năng chịu đựng cao hơn trong điều kiện khô hạn của cải xoong (Arabidopsis thaliana). Cơ hội sống sót của những cây bị nhiễm bệnh trung bình cao hơn 25% so với những cây không bị nhiễm bệnh. Điều thú vị là các mẫu vật bị nhiễm virus khảm củ cải đã biểu hiện nhiều đột biến thích nghi khác, liên quan đến việc điều chỉnh đồng hồ sinh học và các nội tiết tố thực vật (phytohormones) chịu trách nhiệm cho hoạt động của các đường truyền tín hiệu bảo vệ và tăng trưởng. Thay vì theo chiến lược thường thấy là giết vật chủ của nó, virus này lại tăng cường cơ hội sống sót của thực vật trong điều kiện bất lợi.

González và nhóm các nhà khoa học của ông giải thích những phát hiện của họ dựa trên sự chuyển đổi đột ngột từ đặc tính gây bệnh sang đặc tính tương hỗ trong quá trình tương tác giữa virus khảm củ cải và cải xoong Thale. Trên thực tế, bản chất tương hỗ của virus được bảo tồn sau tương tác ban đầu khi nó được sử dụng để lây nhiễm cho các cây được tưới đủ nước. Nói cách khác, các chủng virus phát triển trong điều kiện khô hạn vẫn giữ được giá trị thích nghi và đặc tính hữu ích của chúng khi chúng lây nhiễm cho cây trồng không còn đủ sức chịu đựng trước những điều kiện bất lợi này. Các nhà triết học có thể rút ra kết luận gì từ những thí nghiệm hấp dẫn này?

Trước hết, chúng ta nên giải quyết vấn đề liên quan đến việc các diễn ngôn “diệt trừ virus” hiện nay. Nói chung, chúng ta nên tránh phóng chiếu các phạm trù áp chế của con người vào thế giới không phải con người, để tránh đo lường thế giới này bằng cùng một thước đo nhân học. Như các thí nghiệm với virus khảm trên cải xoong và củ cải Thale cho thấy, tác nhân chính trong sự việc này không phải là thực vật hay virus, mà là điều kiện môi trường khiến cái sau ảnh hưởng lên cái trước. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi những điều kiện và những thay đổi đột ngột bên trong chúng trở nên quan trọng và vừa được xác định như là thủ phạm chính vừa là chất xúc tác cho các mối quan hệ giữa các loài, các vương quốc sinh học? Làm thế nào chúng ta có thể kể câu chuyện về một đại dịch, trong khi tính đến vai trò cấu thành của bối cảnh môi trường mà đại dịch ấy đang diễn ra?

Chính vì thế, thứ hai, chúng ta nên tương đối hóa các cực điểm của tác hại và lợi ích trong lĩnh vực sinh học, nơi các quá trình tiến hóa và thích nghi làm xáo trộn các định nghĩa cứng nhắc mà chúng ta có xu hướng vận hành trong các lĩnh vực khác. Những gì có hại (hoặc trung tính) có thể trở nên hữu ích trong thời gian dài của chọn lọc tự nhiên hoặc thậm chí trong một thời gian tương đối ngắn của sự thay đổi hoàn cảnh của sinh vật. Một cách triệt để hơn, chúng ta có thể đồng thời áp dụng một quan điểm biện chứng về các giá trị tiêu cực và tích cực vốn có trong cùng một thứ. Một cái nhìn như vậy được coi là có tính tư biện (speculative), vì nó phát triển mạnh dựa trên những mâu thuẫn bên trong không thể dung hòa được đối với một lối tư duy quen mòn gắn liền các quy tắc của logic học hình thức, theo đó X và không phải X (giả sử, sống và không-sống) không thể đồng thời tồn tại đối với một và cùng một đối tượng. (Xin lưu ý rằng ví dụ trên không phải là ngẫu nhiên: virus có thể được cho là vừa là vật thể sống vừa là vật thể không-sống.)

Thứ ba, chúng ta nên tiếp cận tất cả các dạng sống với một tinh thần cởi mở, luôn kiểm soát những thành kiến của chúng ta đối với chúng hoặc, tệ hơn, chống lại chúng. Mục tiêu này khá khó đạt được đối với virus, mặc dù ngoài lĩnh vực sinh học, một video hay thông điệp có tính viral (lan truyền chóng mặt) lại có thể được xem là điều gì đó tích cực, trong chừng mực nó nhanh chóng tiếp cận được một lượng lớn khán giả toàn cầu. Trong sinh học nói riêng, nhà virus học người Đức Karin Moelling đã cố gắng để chống lại sự buộc tội đầy tai hại về phía những sinh vật nhỏ bé này trong cuốn sách của cô xuất bẳn năm 2006, Virus: Là bạn bè hơn là kẻ thù (Viruses: More Friends Than Foes). Bằng cách coi virus là “siêu năng lực của sự sống”, Moelling thu hút sự chú ý của độc giả về cách, ví dụ, virus có thể được “áp dụng chống lại vi khuẩn gây hại kháng nhiều kháng thể”. Sự thay đổi đột ngột về tác động của virus khảm củ cải lên cải xoong Thale khẳng định mô hình lý thuyết của Moelling. Thế nhưng, sẽ khôn ngoan hơn nếu ta kìm lại việc quy kết các đặc điểm thân thiện cho virus cũng như quy định các phẩm chất đối nghịch với chúng, vì những đặc điểm này không cố hữu mà thường xảy ra khi có điều kiện thích hợp về môi trường, và do đó, luôn dao động.

Không còn nghi ngờ gì nữa, nhiều kết luận khác cũng được rút ra từ nghiên cứu đến từ Tây Ban Nha ấy. Tuy nhiên, chủ đề bao quát mà nó hướng đến, ngoài những nỗ lực đi vào “chiến đấu”, là để đề ra các biện pháp bảo vệ khỏi virus, cũng như diệt trừ virus, điều cốt yếu là phải suy nghĩ thấu đáo, suy nghĩ về chúng và có lẽ cả việc suy nghĩ cùng với chúng. Liệu một khoảnh khắc nào đó sẽ đến khi chúng ta sẵn sàng suy nghĩ thấu đáo về, và cùng với, SARS- CoV-2, loại virus gây ra đại dịch Covid?

Tuệ Đan dịch
Dịch từ “When Viruses Help”
(thephilosopher1923.org)
(SHSDB42/09-2021)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng