MOHINEET KAUR BOPARAI
Vào ngày 7/10 vừa qua, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã chính thức công bố chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn học năm nay được trao cho tiểu thuyết gia người Tanzania Abdulrazak Gurnah “vì sự thâm nhập kiên định và giàu lòng trắc ẩn của ông đối với những tác động của chủ nghĩa thực dân và số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa”. |
Trước khi bắt tay vào nghiên cứu toàn diện các tiểu thuyết của Gurnah, có thể khẳng định thế đứng của ông với tư cách là một nghệ sĩ mặt-đối-mặt (vis-a-vis) hay chạm trán trực tiếp với xã hội, với nền văn học thế giới và với chính bản thân nghệ thuật. Chức năng của Gurnah với tư cách là một nghệ sĩ và là một người khởi tạo luôn muốn chơi với ý nghĩa trong vũ trụ văn học của mình phải được hiểu rõ. Ông nhận thức được rằng vai trò của mình với tư cách là một nhà văn không phải là người khởi tạo nghĩa (sense) mà là người tìm kiếm ý nghĩa (meaning). Ông hiểu rằng nghệ thuật hành văn của mình giúp ông giải mã một thế giới phức tạp, nơi một số ít người nắm quyền và áp bức những người khác.
Nghiên cứu hiện tại tìm cách hiểu tác phẩm của Gurnah ngoài những nhãn hiệu của sự viết hậu thuộc địa hoặc văn học thế giới. Mặc dù ông thường được mô tả bằng cách sử dụng các thuật ngữ như vậy, Gurnah nhận thức được tính giản lược của cách gọi đó. Ông coi những thuật ngữ này hữu ích, chỉ khi chúng hữu ích cho các mục đích có tính tổ chức. Ông nói về vấn đề này, trong một cuộc phỏng vấn với Fabienne Roth và cộng sự:
Tôi sẽ không sử dụng bất kỳ từ nào trong số đó. Tôi sẽ không gọi mình là một nhà văn thuộc bất kỳ loại nào. Thật vậy, tôi không chắc rằng tôi sẽ gọi mình là gì ngoài tên của tôi. Tôi đoán, nếu ai đó thách thức tôi, đó sẽ là một cách nói khác kiểu “Bạn có phải là […] một trong những…?” Tôi có thể sẽ nói “không”. Chính xác là, tôi không muốn phần đó của tôi có một cái tên bị giản lược đi. Mặt khác, nó phụ thuộc vào cách mà câu hỏi này sẽ được hỏi; ví dụ, nếu một nhà báo hỏi tôi trong một cuộc phỏng vấn, “Bạn có phải là nhà văn thế giới không”, liệu anh ta sẽ ghi chép lại điều gì khi rời khỏi đây? Nhưng tôi không phải vậy. Tôi là điều gì đó phức tạp hơn thế (Roth và cộng sự, 2016, 1).
Bài viết này giúp người ta hiểu cách đối tượng vượt qua địa hình hiểm trở của sự áp bức đang diễn ra tại các điểm nóng của các xã hội hậu thuộc địa, như đời sống của phụ nữ, tầng lớp thấp kém và trẻ em, trong tiểu thuyết của Gurnah. Tâm thức nhược tiểu và tình trạng vô danh (non-representation) có tác dụng xa và rộng dưới nhiều hình thức riêng biệt, và bao trùm tâm thức cá nhân. Nghiên cứu như vậy về tiểu thuyết của Gurnah được triển khai, vì nó xem xét các hoạt động của quyền lực và cách các cá nhân và cộng đồng tìm cách chống lại quyền lực, thông qua phản kháng, nổi loạn, đồng hóa, gia nhập, ghi chép và truyền lại các câu chuyện và lịch sử, thông qua các chiều khác nhau như đạo đức, lưu trữ, không gian, v.v.
Cốt lõi của lý thuyết về tâm thức nhược tiểu nằm ở mong muốn có được chủ thể tính và sự thể hiện của nó. Chủ thể tính là một khái niệm được nói đến nhiều trong lý thuyết văn học và lý thuyết văn hóa. Chủ thể là cốt lõi của hầu hết mọi nỗ lực của con người. Chủ thể tính xét như một vấn đề và một khái niệm không thể bị quy về một ý nghĩa duy nhất; chúng ta phải vật lộn với nó và tự hiểu mình để tìm ra ý nghĩa trong đời sống của chúng ta. Có bốn cách mà từ chủ thể, không thể thay thế cho từ bản ngã, có thể được sử dụng, đó là: làm chủ thể ngữ pháp, chủ thể chính trị-pháp lý, chủ thể triết học, và chủ thể con người.
Nghiên cứu này tiến hành vén mở cách các nhân vật trong tiểu thuyết của Gurnah đối mặt với các lập trường chủ thể và chủ thể tính của họ. Chủ thể tính phải phụ thuộc vào một số tác nhân (agency) nào đó. Tình trạng áp bức đến mức họ hoặc cuối cùng khuất phục chủ thể, hoặc củng cố nơi họ một ý chí trở thành một tác nhân.
Tâm thức nhược tiểu bao gồm tác nhân như một thành phần chủ động, thiết thực của nó. Tác nhân tồn tại, không chỉ trong từng cá nhân, mà còn trong cộng đồng, bởi vì không có cá nhân nào tồn tại đơn lẻ hoặc một cách chung chung, điển hình. Tác nhân xuất phát từ nhận thức rằng chúng ta có thể thay đổi điều gì đó đối với thế giới của mình và có thể là những thứ đóng góp một cách có ý thức cho đời sống của chúng ta. Kinh nghiệm của chúng ta đóng một vai trò thiết yếu trong chừng mực mà chúng ta có thể trở thành tác nhân. Tác nhân, giống như chủ thể tính, nếu chưa tồn tại, sẽ được nuôi dưỡng. Hơn nữa, tác nhân không chỉ có nghĩa là vượt qua các tình huống, bởi vì điều đó một lần nữa cho thấy rằng chính những tình huống đó đang thúc đẩy chúng ta. Tác nhân, theo nghĩa thực của nó, xuất hiện khi một chủ thể hành động vượt ra ngoài hoàn cảnh hiện tại hoặc những ràng buộc về môi trường.
Các khái niệm về tâm thức nhược tiểu, chủ thể tính và tác nhân có quan hệ biện chứng với nhau. Ranh giới của các phạm trù này chồng chéo lên nhau. Nghiên cứu này đi sâu vào chủ thể tính, làm thế nào nó trở thành vấn đề đối với kẻ nhược tiểu, và cách kẻ nhược tiểu định vị lại bản thân trong diễn ngôn thống trị, do đó, trở thành một tác nhân.
Gurnah tìm cách khám phá nhiều khía cạnh của sự tồn tại, trải từ đời sống lịch sử đến đời sống tâm lý sâu kín nhất của các nhân vật của mình. Ông kinh qua đời sống tình cảm của các nhân vật của mình trong khi lịch sử bắt đầu từ một chân trời xa xăm ở hậu cảnh. Ông làm điều mà lịch sử không làm, đó là tiếp cận với thời kỳ suy thoái của kinh nghiệm sống trải. Ông làm nảy sinh ý thức về những gì hoặc chưa bao giờ được xuất bản trong các tài liệu lịch sử, hoặc đi vào quên lãng như một câu chuyện tin tức cột nhỏ trên một tờ báo. Gurnah có niềm đam mê ghi lại những câu chuyện này. Ông chiến đấu chống lại sự lãng quên vốn là đặc điểm của đời người, từ đó mà những câu chuyện trôi vào màn đêm. Trí óc con người có khả năng trực quan để những câu chuyện về sự sống còn được khắc sâu vào tâm trí - tức vô thức tập thể, cũng như ghi nhớ quá khứ thần thoại của họ - tức ký ức văn hóa.
Tuy nhiên, các sự kiện lịch sử tìm thấy rất ít không gian trong tiểu thuyết của ông. Thực tế là một số ít lịch sử được đưa vào tiểu thuyết của ông có xu hướng thu hút sự chú ý đến sự khác biệt giữa sử ký và văn bản tiểu thuyết. Tiểu thuyết cố gắng làm những điều mà các ngành khoa học xã hội không làm được. Gurnah chỉ sử dụng các quy chiếu lịch sử để làm sáng tỏ hoàn cảnh của các nhân vật trong xã hội và xác định các cuộc đấu tranh xã hội của họ. Trong khi lịch sử bị giới hạn vào một không gian và thời gian cụ thể, tiểu thuyết hoạt động để khai quật bản thể, và do đó vượt qua không gian/thời gian.
Gurnah nghĩ về văn học như một lĩnh vực biểu đạt nghệ thuật nhằm tìm cách phát triển cộng đồng xét như một tổng thể theo một cách nào đó. Đồng thời, ông nhận thức được rằng các loại tác phẩm văn học khác nhau tác động đến những cá nhân có kinh nghiệm sống trải khác nhau theo những cách khác nhau. Văn học thách thức những ý tưởng và thực hành cụ thể bằng cách ghi lại tác động của chúng đối với đời sống của các chủ thể. Trong một cuộc phỏng vấn với Roth và các cộng sự, ông khẳng định:
Vai trò của văn học trên thế giới là thúc đẩy tiến bộ cộng đồng, nhưng nó có thể biến đổi, tùy thuộc vào từng cộng đồng cụ thể. Người ta có thể nói rằng các nhà văn cần phải thách thức các ý tưởng trong cộng đồng. Thách thức này có thể là đối với những ý tưởng về sự tôn trọng, những ý tưởng về gia đình hoặc sự phù hợp, đạo đức tính dục, v.v. Mặt khác, mọi người cũng có thể coi đó là hành vi vô kỷ luật, không cần thiết và phá hoại. Vai trò của nhà văn chỉ có thể được đánh giá bởi độc giả của họ. Điều đó là khó khăn. Bạn cần giao nó cho người viết trước khi bạn có thể đưa ra đánh giá của mình (Roth và cộng sự. 2016, 3).
Trong cuộc phỏng vấn trên, Gurnah nhắc lại rằng ông viết về những điều mà ông quan tâm và những điều ông đang vật lộn để hiểu. Đối với ông, viết là một cách để hiểu những tình huống thường bất chấp sự hiểu. Thông qua không gian của tiểu thuyết, Gurnah phân tích các tình huống đời sống và nắm bắt các cấu trúc xã hội. Đọc Gurnah giống như thực hiện một loạt các khám phá về châu Phi và phương Tây. Ông dẫn dắt người đọc vào cuộc hành trình với các nhân vật của mình. Hành trình họ thực hiện là công khai, cũng như vốn có. Hành trình bên ngoài của các nhân vật của ông luôn là một hành trình đi vào bản thân. Do đó, có vẻ như tiểu thuyết hậu thuộc địa cuối cùng là một câu chuyện về lộ trình của chủ thể hướng vào chủ thể tính. Trong trật tự thế giới hậu thuộc địa, toàn cầu hóa hiện nay, chủ đề của các tác phẩm hư cấu thường là những cuộc đấu tranh chính trị giữa kẻ áp bức và kẻ bị áp bức. Tuy nhiên, tiểu thuyết của Gurnah khám phá những cuộc đấu tranh này theo nhiều cách khác nhau thông qua hàm ý của chúng về giai cấp, không gian/địa điểm, đạo đức, kiểm soát, ký ức, đoàn kết, lưu trữ, ký ức, và phản kháng. Bức tranh rộng lớn của ông đưa thế giới hậu thuộc địa vào góc nhìn, đồng thời hiểu được những động lực bên trong, những xung năng, các mối quan hệ cá nhân và động cơ thúc đẩy.
Những tiểu thuyết khác nhau của ông đưa người đọc vào những thực tại hoàn toàn xa xôi, theo đó chúng giống như du hành thời gian. Người đọc lướt qua các kênh tưởng tượng đầy đủ giữa phương Đông và phương Tây, nhưng những vùng này dường như chỉ là xa cách về bề ngoài. Trong các văn bản của Gurnah, người ta thường thấy các nhân vật mà Gurnah trình hiện được chia thành các nhóm xã hội khác nhau. Khi xem kỹ văn bản, người đọc nhận ra rằng thế giới hư cấu của Gurnah được bao bọc bởi những con người giống nhau về động lực và đấu tranh để hiện thực hóa ước mơ của họ. Người ta nhận thức được sự kết nối giữa các địa điểm và thời gian khác nhau. Trong một cuộc phỏng vấn với Shane Creevy, Gurnah nói: “Chắc chắn rồi. Quá khứ là hiện tại. Quá khứ là hiện tại bởi vì chúng ta sống trong trí tưởng tượng của chúng ta cũng như trong đời sống thực, vì vậy quá khứ là một phần của cảnh quan tưởng tượng của chúng ta vẫn còn sống đối với chúng ta. Tôi nghĩ nó không bao giờ kết thúc, theo nghĩa đó” (Creevy 2010, 3). Gurnah có xu hướng làm mỏng đường ranh giới vốn đã mịn giúp phân biệt giữa các thời điểm khác nhau. Với ông, quá khứ luôn ở trong tầm tay, không chỉ là ký ức mà là hiện thực làm nên chính con người ta. Các cá nhân phải điều chỉnh lịch sử cá nhân của họ với chủ thể tính của họ để trở thành tác nhân.
Gurnah mang đến một trí thông minh mềm dẻo để khám phá bản chất của đời sống con người. Ông tìm cách hiểu về bản thể con người, thứ mà người ta thường quên trong tiểu thuyết là những bài bình luận xã hội, nơi mà câu chuyện kể dường như bị làm mỏng đi và được quy giản thành lịch sử. Tinh thần của thời gian, với ông, cũng chính là sự hiểu về bản thể. Gurnah làm phức tạp hóa những thứ nếu không muốn nói là có vẻ đơn giản. Không phải nói rằng Gurnah đưa ra những câu trả lời dễ hiểu khi người đọc khám phá các tình huống và con người trong tiểu thuyết của ông. Tinh thần của những câu chuyện của ông nằm trong sự trôi trượt thời gian của chúng. Chúng dao động giữa quá khứ và hiện tại. Gurnah, trong tiểu thuyết của mình, khám phá bí ẩn của chủ thể tính, ý nghĩa của đời sống và chiều sâu của tâm thức.
Có một số khía cạnh tìm kiếm trong tiểu thuyết của ông. Người ta thấy các nhân vật đang cố gắng tạo ra mối quan hệ sâu sắc, nội tâm với tâm hồn, đồng thời duy trì các liên kết với xã hội. Có một số cách mà các nhân vật tìm kiếm chủ thể tính trong các văn bản của Gurnah, bắt đầu từ Hassan và Dottie, những người anh em ruột muốn thoát khỏi cuộc sống của họ trong các khu phố tội phạm, đến Daud, người tìm kiếm sự chấp nhận từ người da trắng, Salim, người tìm kiếm sự giải thoát khỏi sức nặng đã tê liệt từ lịch sử gia đình của mình, Yusuf, người cố gắng được giáo dục và hiện thực hóa ước mơ của mình, Rehana, người tìm kiếm một người bạn đời và Abbas, người tìm kiếm thời gian nghỉ ngơi từ ký ức của mình. Tất cả những cách tìm kiếm danh tính này đều liên quan một cách kỳ lạ đến thế giới chủ quan bên trong và đời sống xã hội của các nhân vật chính của ông. Gurnah dường như tiết lộ rằng sự tách biệt và sự riêng biệt hiếm khi khả hữu. Ngay cả khi các cá nhân tìm cách đạt đến chủ thể tính thông qua hành trình hướng nội, họ chỉ có thể tìm thấy nó thông qua tương tác xã hội.
Các nhân vật chính của Gurnah không phải là những anh hùng bất khả chiến bại mà là những nhân vật có chung những điểm yếu. Họ đấu tranh để khắc phục những điểm yếu này trong suốt tiểu thuyết. Ví dụ, trong Con đường hành hương (Pilgrims Way), điểm yếu dường như của Daud cuối cùng lại trở thành sức mạnh của anh ta. Sự im lặng và thái độ bất bạo động của anh ta là sự khẳng định sức mạnh của chủ thể tính của anh ta trước nạn phân biệt chủng tộc. Các nhân vật trong tiểu thuyết của Gurnah vật lộn với quá khứ của họ hoặc tình huống khó xử liên quan đến danh tính. Vì vậy, tất cả các cuộc đấu tranh, kể cả những cuộc đấu tranh giữa hệ thống bị áp bức và một hệ thống áp bức, đều là những cuộc đấu tranh về danh tính và diễn ra với tư cách cá nhân.
Các nhân vật phản diện trong tiểu thuyết của Gurnah là những nhân vật thô cứng, thường không có tình cảm và sự đồng cảm. Ở Thiên đường (Paradise), ý chí của người khai thác thuộc địa dường như là sự phi lý thuần túy. Aziz, người có quan hệ với Yusuf, xuất hiện ra trước thế giới là một con người chân chính và hào phóng. Chỉ những người mà anh ta đàn áp mới biết được chiều hướng tàn bạo bên trong của anh ta. Sự tàn bạo này không phát triển mạnh nhờ sự thỏa mãn về kinh tế hay tình cảm, mà được thúc đẩy bởi sự thôi thúc vô lý của anh ta khi muốn sử dụng quyền lực đối với người khác. Những động lực như vậy là lý do tại sao một cá nhân trở thành “trái tim sỏi đá”, đồng nghĩa với tiêu đề của cuốn tiểu thuyết năm 2017 của Gurnah. Trong Trái tim sỏi đá (Gravel Heart), ông tiết lộ các cấu trúc quyền lực và khám phá sự kết nối của các loại hệ thống như vậy, chính cách tích hợp này tìm cách làm im lặng và hạ thấp con người. Cuốn tiểu thuyết ghi lại sự ăn mòn của các cá nhân và sự xói mòn của niềm tin trong cuộc sống và gia đình, khi chủ thể nhận thấy bản thân bị mắc kẹt trong các cấu hình xã hội hai mặt. Lời khẳng định “Tôi suy tư nên tôi tồn tại”, vốn đã không còn mang lại những phát triển nữa cho tư tưởng triết học trong thế kỷ qua, dường như đã bị các văn bản của Gurnah thách thức hơn nữa, khi các lực vô thức và ý thức hệ trở nên lung lay trong thế giới hư cấu của ông. Các văn bản của Gurnah đầy rẫy những trận chiến giữa các diễn ngôn và phản-diễn ngôn.
Trung tâm của mọi tiểu thuyết của Gurnah là bí ẩn về bản thân. Từ một góc độ nào đó, Gurnah cố gắng khám phá bản thân và danh tính cũng như cuộc đấu tranh của các nhân vật chính khi họ tồn tại trong xã hội thối nát hay xã hội phân biệt chủng tộc, mối quan hệ tình cảm và mối quan hệ của họ, và hơn hết là nỗ lực của họ để đạt được chủ thể tính đích thực. Bất chấp những điểm tương đồng trong cuộc đấu tranh của họ, mỗi nhân vật chính trong tiểu thuyết của ông đều là duy nhất. Đó là mỗi nhân vật chính trong vũ trụ của ông. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng Gurnah hiểu việc tìm kiếm chủ thể tính là một quá trình liên tục. Chủ thể tính mãi mãi được tìm kiếm, tạo ra và tái tạo.
Gurnah phá vỡ một số hiệp ước lâu đời giữa các nhà văn và nghệ thuật mô tả nhân vật của họ. Ông không mô tả thực thể vật chất của các nhân vật chính của mình. Tiết lộ của ông dành cho đời sống của các nhân vật xảy ra thông qua mô tả về những nơi họ sinh sống. Các nhân vật của ông, có thể nói, lấy danh tính của họ từ các vị trí địa lý. Dường như có một mối quan hệ biện chứng giữa con người và địa điểm, theo đó con người biến không gian thành các địa điểm bằng cách tạo cho chúng một tính cách con người riêng biệt, nhưng những điều này cũng xác định luôn cả đời sống của con người. Trong một số tiểu thuyết của Gurnah, chẳng hạn như Cạnh biển (By the Sea), bản thân vị trí địa lý trở thành một đơn vị sống động và đầy hơi thở. Trong các văn bản của ông, người ta hiểu các địa điểm và con người như một sự hình thành số ít.
Gurnah nhận thức được thực tế rằng sự tồn tại là một khả năng không giới hạn. Các nhân vật của ông là những bí ẩn mà người đọc không thể nắm bắt được hoàn toàn. Tương lai của họ vẫn không chắc chắn, và tiểu thuyết không có kết thúc chắc chắn. Gurnah dường như lặp đi lặp lại, qua các phần cuối của tiểu thuyết của mình, rằng việc tìm kiếm và hình thành chủ thể tính là những quá trình liên tục. Các nhân vật trong sách của ông cuối cùng nhìn thấy những gì họ muốn, nhưng không phải là những gì họ đang có. Ông khám phá sự tồn tại nhiều hơn là tính cách. Những câu chuyện kể của Gurnah đầy ắp những sự tra hỏi liên tục. Tiểu thuyết của Gurnah chắc chắn không có kết luận và người đọc, cũng như các nhân vật, tiếp tục khám phá những hiện thực trong văn bản. Ngay cả khi các nhân vật của ông hành động một cách chắc chắn, thì đối với họ vẫn tồn tại yếu tố của một tương lai bất định.
Trong các mô tả của Gurnah về các tình huống, đôi khi người ta thấy một sự cân bằng đầy hiệu quả mô tả những sự kiện này. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại trong các phần tiểu thuyết của ông, sự phân chia giữa nguyên nhân và kết quả chính xác. Trong những cuốn tiểu thuyết như Cạnh biển và Thiên đường, những thế lực xấu xa và đồi bại tồn tại mà không cần lý do. Chúng chỉ đơn giản là có đó. Có những lúc logic rơi vào im lặng, và mọi thứ vẫn như chúng vốn có, riêng bản thân điều này lại là logic cao hơn cả trong tiểu thuyết của Gurnah.
Hồ Hải Nhật dịch
Nguồn: Mohineet Kaur Boparai, The Fiction of Abdulrazak Gurnah: Journeys through Subalternity and Agency, Cambridge Scholars Publishing, 05/2021, tr.1-6
(TCSH393/11-2021)