LÊ ĐẠT
(Giới thiệu và dịch)
Thế kỷ XX, một trào lưu thơ được mệnh danh là thơ mới Pháp từ sông Seine đã tràn qua các đại dương và ảnh hưởng sâu đậm đến phong trào thơ thế giới.
Như chúng ta đều biết, trong mọi thói quen của con người, bảo thủ nhất có lẽ là thói quen ngôn ngữ. Thói quen trầm trọng đến mức không ít người ngộ nhận rằng ngôn ngữ vốn trời sinh ra thế.
Các nhà thơ Pháp mỗi người một vẻ nhưng đều gặp nhau ở một điểm : sinh sự với ngôn ngữ để tạo ra một sự sinh mới cho thơ. Sinh sự trên hai mặt:
1- Chữ nghĩa - các nhà thơ mới dùng chữ chủ yếu không phải do nghĩa tự vị của chúng mà ở diện mạo, âm hưởng vang động, khả năng của từ trong việc tạo ra những tương quan ngữ nghĩa mới. Hay nói như Mallarmé "Trả lại quyền chủ động cho chữ". Phép tu từ được ưa dùng là phép nghịch hợp (oxymore).
2- Văn phạm - các nhà thơ mới phá vỡ tuyến tính của câu do văn phạm quy định bằng những bước nhảy ngôn ngữ, bỏ qua những từ, những mệnh đề trung gian. Biện pháp phong cách học chiếm vị trí hàng đầu là phép tinh lược (ellipse).
Xin nhắc một câu nổi tiếng của Aragon :
"Tất cả đã bắt đầu bằng một lỗi văn phạm"
Do đó câu thơ thường đa nghĩa cô đúc và có vẻ khó hiểu. Không phải cứ biết tiếng Pháp là tức khắc đọc được René Char hay Henri Michaux. Mỗi nhà thơ mới hình như đều sử dụng một chuyển ngữ.
Theo Roland Barthes, nhà thơ làm nhiệm vụ cao quý của con người chế tạo nghĩa homosignifiant tip người của thế kỷ XXI.
Bài thơ "mới” là một bài thơ "mở" nó đòi hỏi cộng tác chặt chẽ và năng động của nhà thơ - tác giả và nhà thơ độc giả trong việc phát nghĩa.
Dịch thơ là một việc khó khăn.
Dịch thơ "mới" lại càng khó khăn vì các nhà thơ thường dụng công tận khai thác những khả năng đặc trưng của ngôn ngữ họ.
Với lòng thiết tha mời các bạn "nếm thử" đặc sản của một số nhà thơ tiêu biểu cho phong trào thơ mới Pháp, hình như có lúc tôi đã làm quá sức mình, xin bạn đọc nhận ở đây lòng thành của tôi mà lượng thứ.
BLAISE CENDRARS (1887-1961)
Nhà thơ phiêu lưu ưa những cảm giác mạnh và những trải nghiệm rủi ro của đời sống hiện đại. Hình ảnh dữ dội ngôn ngữ gân guốc đến sống sượng.
Cuộc sống nguy hiểm
Hôm nay... có thể tôi người sung sướng nhất trần gian.
Tôi có tất cả những gì mình không ham muốn
Và vật duy nhất đời tôi tha thiết cánh quạt đưa tôi nhích gần theo mỗi vòng quay.
Và có thể tôi sẽ trắng tay khi tới đích.
SAINT-JOHN PERSE (1887-1975)
Chủ trương hành động thơ ngoài mọi "tham chiếu lịch sử cũng như địa lý và đời sống riêng tư". Thơ sang trọng, vương giả. Giải thưởng Nobel 1960.
Hãy để tôi
Giờ đây... hãy để tôi
Một mình ra ngoài có việc : một côn trùng
đợi tôi thương thuyết - Tôi hân hoan
con mắt to nhiều mặt long lanh : góc cạnh
bất ngờ như trái trắc bá
Hoặc tôi có một liên minh với đá
Gấu xanh : và các anh cũng hãy để tôi
Ngồi trong tình thân đầu gối...
Hãy đo kích thước tim người
... Biển tuôn trào ! bản hùng ca sức mạnh và huy hoàng nơi con người một chiều đẩy con thú rùng mình rẽ sóng. Nhưng nếu tất cả đối với tôi đều đã biết sống phải chăng chỉ có nghĩa là ôn lại.
Và luôn luôn ôi ký ức, ngươi sẽ đi tiền trạm mọi vùng đất mới ta chưa từng sống.
Tất cả những con đường thế giới đến mổ hạt lòng tay ta mở rộng.
Tất cả đất dậy thì sức xuân mười bảy dưới chân người lạ mở ra huyền thoại lớn lao những giấc mơ những tráng lệ một thời đại khác.
Và đất từng sải dài kéo căng dây bốn biển tìm những cách viết cao hơn trong triển khai thăm thẳm những bản văn đẹp nhất thế giới này.
... Nhà thơ hãy thường trực đến chiều mắt cảnh giới phía cơ may nhân loại.
Và những giấc nhà thơ dám mộng các anh sẽ biến thành hành động.
... Ban đêm hãy lắng nghe trong những sân tu viện vắng người và dưới những vòm cầu cô độc, giữa những điêu tàn, Đế Thiên Đế thích - đất đá lở những hang mối cũ bước vương giả lớn lao của tâm hồn không sào huyệt loài thú dữ.
Thời đại lớn lao, chúng tôi đây. Hãy đo kích thước tim người.
PIERRE REVERDY (1889-1960)
Thơ ông nói về tấn bi kịch của con người với một cường độ hiếm thấy dưới một bề ngoài hết sức bình dị và hàm súc.
Chị thợ ủi
Xưa bàn tay chị in những vết hồng trên mặt vải là màu sáng. Nhưng trong cửa hàng lò than quá đỏ, máu chị dần bốc hơi. Chị ngày càng bệnh trắng và trong hơi nước mịt mù người ta gần như không nhận rõ chị giữa sóng đăng ten rực rỡ.
Mái tóc blông xòa rung trong không những cuộn tròn ánh sáng và chiếc bàn là tiếp tục hành trình... Quần áo bốc hơi vần vũ và bên bàn ủi linh hồn chị vẫn còn cầm cự, linh hồn người thợ ủi hối hả và nhàu nát như áo quần đưa giặt - vừa khẽ hát một bài... không một ai hay.
Kỳ tích
Đầu nghiêng
Mi cong
Miệng câm
Những ngọn đèn đỏ thắp
Chỉ còn một tên
Người ta đã quên
Cánh cửa đầu có mở
Và tôi không dám vào
Tất cả diễn ra phía sau
Tôi có thể nghe
Người ta nói
Số phận tôi được quyết định ở phòng bên
HENRI MICHAUX (1899-1984)
Nhà thơ suốt đời du hành những nơi cùng trời cuối đất của tâm thức con người và ngôn ngữ.
Núi băng
Núi băng không lan can, không dây đeo, những con cóc già tử nạn và những hồn thủy thủ mới qua đời đến tỳ tay những đêm thần tiên cực Bắc.
Núi băng, núi băng, thánh đường không tôn giáo của mùa đông vĩnh cửu chụp mũ chỏm tuyết Địa cầu.
Thuần khiết biết bao là những bờ băng chon von con của lạnh.
Núi băng, núi băng, lưng Bắc Đại Tây dương những đức Phật chí tôn cóng lạnh trên những tường hoang vắng, những Hải đăng lấp lánh của cái chết không lối thoát, tiếng kêu thất thanh của im lặng cứng danh nhiều thế kỷ.
Núi băng, núi băng, cô đơn không nhu cầu của những xứ hoang xa bít kín và không bóng dáng loài chấy rận. Anh em những nguồn, anh em những đảo... Ôi thân quen gần gũi.
Tuổi thơ Scareur (1)
Bên ngoài những cây - Nhìn rõ. Bên trong cũng những cây (trong tranh) - Giống hệt, mỉa mai, lẫn lộn trả lời trước diễu cợt những mời chào hão huyền mạo hiểm và phiêu du. Căn phòng không cửa sổ, nhưng có những bức tranh cửa sổ... Trên giá vẽ, cả mây nữa, cũng những lùm mây thôn dã. Cũng những lùm mây nhưng tù binh, tù binh một bức tranh. Và bản thân bức tranh tù binh một khung gỗ.
Chắc chắn vô ích là ô cửa rộng, vô ích con ngựa, vô ích bước phi, vô ích bộ y phục jô-kề. Người sở hữu cái bên ngoài trong tiềm thế đã biến nó thành vô nghĩa.
Du hành và xê dịch là vô ích. Ở đây người ta đã tương đương hóa trị, nghĩa là cân bằng bên trong cũng như bên ngoài, từ nay không còn gì là kỳ lạ, quyến rũ, không còn gì đáng gọi sự thoát ly. Trong phòng mây và trời xách tay, trong tầm với. Một bên ngoài xách tay. Ai muốn gì hơn nữa?
Người kỵ sĩ sắp trở thành nổi tiếng sẽ - trong ít - rất ít thời gian - bay khỏi đây cách khác...
RENÉ CHAR (1907-1988).
Một trong những nhà thơ trọng đại nhất của thơ Pháp, thế kỷ XX. Lời thơ cô đúc hàm súc đến kỳ bí nhiều lúc như những sấm ngữ mang đầy tính nhân đạo.
Giã từ gió
Sườn đồi quê những cánh đồng mimôda nườm nượp trú quân. Vào mùa hái, trên đường có khi ta bất chợt một cuộc gặp cực thơm với cô gái mải mê suốt ngày những cành hoa mảnh dẻ. Như một ngọn đèn vầng hương sáng cô đi lưng quay lại trời chiều.
Ngỏ lời với cô sẽ là một hành vi phạm thánh. Dép xéo trên mình cỏ, hãy vui lòng nhường lối. Có thể anh sẽ cơ may gặp trên môi cô gái ảo mộng sương đêm.
Jắckơma và Juylia
Xưa vào giờ những con đường hợp hôn trong chiều mỏi, cỏ trìu mến tủa lên thắp sáng những ngọn mềm. Những kỵ sĩ của ngày sinh ra từ ánh mắt tình yêu, và lâu đài người đẹp số cửa sổ ngang số những cơn dông nhẹ lâng của vực. Xưa cỏ biết nghìn châm ngôn không trái ngược, cỏ là đấng cao xanh của những khuôn mặt đầm nước mắt. Cỏ thư phù loài thú và cho lầm lẫn nương nhờ. Cỏ bát ngát như trời đã thắng nỗi khiếp sợ thời gian và giảm nhẹ nỗi đau nhân thế.
Xưa cỏ tốt bụng với kẻ điên và hằn thù đao phủ. Cỏ tái giá với ngưỡng cửa vô cùng. Những trò chơi cỏ bày ra long lanh cánh những tiếng cười (trò chơi siêu độ và phiêu du) cỏ không nhẫn tâm với những ai lạc đường muốn lạc luôn một thể...
Xưa đất và trời ghét nhau, nhưng đất và trời sống hết mình. Hạn hán kéo dài bất tận. Người là một khách nước ngoài với rạng đông. Tuy nhiên rõi theo cuộc sống còn chưa tưởng được có những ý chí đương run rẩy, những thì thầm sẽ đối chọi nhau và những đứa trẻ lành nhìn phát hiện.
FRANCIS PONGE (1899-1988)
Chủ trương khai thác "những tài nguyên vô tận trong bề dày của sự vật bằng những tài nguyên vô tận trong bề dày ngữ nghĩa của trẻ".
Cái lu
Không có từ nào âm vang hơn lu, nhờ chữ V mở ở giữa lu như rỗng hơn và rỗng theo kiểu nó. Đó là một khoảng rỗng được bao quanh bởi một lớp đất mỏng manh : mình sần sùi và dễ vỡ bằng thích.
Lu thoạt đầu rỗng và sớm nhất có thể vẫn còn r...ô...n...g ngã rỗng.
Lu rỗng và âm vang.
Lu thoạt đầu rỗng và vừa đầy dâng vừa hát..
Đó là một vật xoàng, đơn thuần một trung gian
...Đó là một vật thường dùng hàng ngày, nhưng mặc dầu khía cạnh rẻ tiền khi tiếp cận ta vẫn không được ẩu. Để lu được bền, khỏi vỡ thành mảnh vụn tuyệt đối vô duyên thảm hại và vô tích sự.
Đúng là có một số người, để tự an ủi, đã nấn ná - tại sao không - bên những mảnh lu vỡ : nhận xét rằng chúng hình lồi và cong cong hình cánh hoa... Chúng có họ hàng với những cánh hồng, những vỏ trứng... Và cái gì nữa ?
Nhưng chẳng phải làm trò cười sao ?
Vì tất cả những gì tôi vừa phát biểu về cái lu, người ta chẳng có thể phát về ngôn từ sao ?
Những mái già
Những mái già
Bốn lần
Chịu đựng
Xóm nhỏ
Không cửa sổ
dưới vòm cây
Là trái tim
Bốn lần
Chai cứng
Là phép ngộ
Mật tông
Của rùa
rùa ơi!
L.Đ.
(TCSH51/09&10-1992)
--------------------------
(1) Đề một họa phẩm của Magrit.