Nhìn ra thế giới
Thi pháp Hoshi Shinichi qua chùm truyện cực ngắn về chủ đề nhân quả
10:21 | 14/02/2022

HOÀNG LONG  

Khi sáng tác văn chương hay một tác phẩm nghệ thuật, người nghệ sỹ luôn muốn tác phẩm mình tạo ra sẽ hay để đời.

Thi pháp Hoshi Shinichi qua chùm truyện cực ngắn về chủ đề nhân quả
Ảnh: internet

Nhưng thế nào là hay và làm sao để sáng tạo tác phẩm hay là một câu hỏi muôn thuở từ ngàn năm nay với bao nhiêu lời giải đáp tuy có nhiều gợi ý nhưng vẫn chưa lần tát cạn đến ngọn nguồn lạch sông của quá trình sáng tạo. Một cách đơn giản nhất mà chúng ta thường cảm thấy một bài thơ hay chẳng hạn là tác giả như đang nói thay cho tâm tư mình với một cách thức diễn đạt tự nhiên, nhẹ nhàng bằng những ngôn từ thích đáng. Và vì tâm tư tình cảm và biến chuyển tâm lý của con người hàng ngàn năm nay đều không có gì thay đổi thế nên sự đồng điệu mà độc giả cảm nhận được từ tác phẩm vẫn nguyên vẹn qua thời gian và không gian. Chẳng hạn một gã trung niên thời đại kỹ thuật số này vẫn có thể ngước nhìn lên trời xanh, mượn một câu thơ của Nguyễn Du mà than thở:

“Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên
Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên
Xuân lan thu cúc thành hư sự
Hạ thử đông hàn đoạt thiếu niên”

壯士白頭悲向天,
雄心生計兩茫然
春蘭秋菊成虛事,
夏暑冬寒奪少年

(Tráng sĩ đầu bạc ngẩng nhìn trời, hùng tâm và sinh kế cả hai đều mờ mịt, chuyện xuân lan thu cúc ngày xưa thành hư ảo, hè nóng đông lạnh cướp mất tuổi xuân qua).

Và nếu gã này còn lang bạt quê người đất khách nữa thì có thể dùng mấy câu thơ của Đỗ Phủ trong bài “Đăng cao” ngâm ngợi mà không thấy khoảng cách gì về không gian Trung Hoa vạn dặm và thời gian ngàn năm xa xăm:

“Vạn lí bi thu thường tác khách
Bách niên đa bệnh độc đăng đài
Gian nan khổ hận phồn sương mấn
Lạo đảo tân đình trọc tửu bôi”

萬里悲秋常作客,
百年多病獨登臺
艱難苦恨繁霜鬢,
潦倒新停濁酒杯

(Xa nhà vạn dặm, thu sầu, mãi làm khách xứ người; thân già mà lắm bệnh một mình lên đài cao; gian nan khổ hận làm tóc mai dày sương gió, thế mà thân bệnh già đành phải kiêng chén rượu giải sầu).

Như vậy chúng ta có thể thấy rằng cái hay của văn chương không phải nằm ở chủ đề tác phẩm hay thể loại mà nằm ở tài năng, sự trải nghiệm của nhà văn cùng cách thức diễn đạt. Tại sao chúng ta có thể nói như thế? Trong văn chương hiện đại không còn chủ đề nào mới mẻ nữa. Và những chủ đề hay nhất luôn là những điều đã cũ nhưng có giá trị vĩnh hằng liên quan mật thiết đến thân phận con người như xung đột thiện ác, hư vô và vĩnh cửu, tình yêu và cái chết… Theo thời gian với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là với trí thông minh nhân tạo, chúng ta có thêm một vài chủ đề mới mẻ hơn như mối quan hệ giữa con người và máy móc, hành tinh khác, sự tiến hóa của trí tuệ nhân tạo… Điều quan trọng vốn là yếu tính của văn chương chính là dùng hình ảnh độc đáo để nêu bật được chủ đề tác phẩm.

Về thể loại văn học chúng ta có thể nhận thấy từ ngắn nhất là thơ haiku của Nhật Bản đến trường thiên tiểu thuyết đều có những kiệt tác, làm hình mẫu cho muôn đời. Truyện cực ngắn tuy giới hạn số câu chữ nhưng dung lượng còn nhiều hơn thơ haiku. Vả chăng chúng ta không nên xem sự giới hạn là bó buộc, câu thúc mà phải biến nó thành thế mạnh để có thể thỏa sức vẫy vùng. Quan trọng nhất vẫn là cách diễn đạt, tức thủ pháp kể chuyện. Trong bài viết này chúng tôi sẽ đưa ra minh chứng bằng chùm truyện cực ngắn của Hoshi Shinichi, bậc thầy truyện cực ngắn Nhật Bản.
 

Nhà văn Shinichi Hoshi - Ảnh: wiki

Hoshi Shinichi (星新一) (1926 - 1997) là bậc thầy của truyện khoa học viễn tưởng SF và là người khai phá thể loại truyện cực ngắn (ショートショ ート) ở Nhật Bản. Ông được gọi là “bậc thầy truyện cực ngắn” (ショートシ ョート(掌編小説) の神様). Từ “ông thần” (kamisama 神様) trong tiếng Nhật nghĩa là người có quyền uy tối thượng trong một lĩnh vực nào đó. Với một ngàn tác phẩm chứng tỏ sức sáng tạo dồi dào và bền bỉ trong suốt gần năm mươi năm, Hoshi Shinichi đã trở thành tác gia hàng đầu về thể loại truyện cực ngắn Nhật Bản cho đến ngày hôm nay.

Ông sinh tại Tokyo vào ngày 6/9/1926. Bà ngoại ông là chị gái của văn hào Mori Ogai và bạn thân của ông là họa sĩ truyện tranh Osamu Tezuka nổi tiếng. Trong bộ phim hoạt hình Amazing 3 được chiếu trên truyền hình vào năm 1967, Tezuka đã dùng tên ông để đặt cho một nhân vật trong phim.

Năm 1948, Hoshi Shinichi tốt nghiệp ngành nông nghiệp Trường Đại học Tokyo. Tháng 9 năm 1949, ông cho đăng truyện cực ngắn đầu tiên “Tiếng thở dài của con chồn” (狐のため息).

Năm 1951, trên giường bệnh,  ông đọc được tác phẩm “Hỏa tinh niên đại ký” (The Martian Chronicles) của Ray Bradbury và cảm động sâu sắc. Từ đó quyết tâm sáng tác theo con đường khoa học viễn tưởng (SF - Science Fiction). Năm 1963, ông tham gia sáng lập “Hội những nhà văn khoa học viễn tưởng Nhật Bản” (日 本SF作家クラブ). Mùa thu năm 1983, ông hoàn thành truyện cực ngắn thứ 1001. Sau đó, hoạt động sáng tác ít dần đi nhưng những tuyển tập truyện cực ngắn của ông được tái bản lại rất nhiều lần. Năm 1997, ông mất vì bệnh viêm phổi, hưởng thọ 71 tuổi.
 

Hoshi Shinichi vẽ con hạc này lần đầu tiên vào năm 1965 khi đang ký tặng tại một quán bar ở Tokyo. Ông cho rằng sau này hạc tiến hóa lên sẽ như vậy. Và độc giả gọi con hạc này là hạc Hoshi (Hoshizuru). Sau khi Hoshi qua đời năm 1997, bạn văn của ông là Komatsu Sakyo ( 小松左京) lấy ngày sinh nhật của ông 6/9 làm ngày hạc Hoshi. Ngày hạc Hoshi được tổ chức đầu tiên vào năm 1999. Và đến năm 2011 nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của ông, trang mạng Google đã đưa hình con hạc Hoshi lên để tưởng niệm.

Các tác phẩm chính của Hoshi là “Ác quỷ chốn thiên đường” (悪魔のいる天国), “Kẹo bòn bon và cơn ác mộng” (ボンボンと悪夢), “Lời chào từ vũ trụ” (宇宙の挨 拶), “Khu vui chơi của anh N” (エヌ氏の遊園地), “Aesop tương lai” (未来イ ソップ), “Công ty cung cấp yêu tinh” (妖精配給会社)…

Ngoài sáng tác, Hoshi Shinichi còn dịch thuật các tác phẩm của Fredric Brown, John Wyndham, Isaac Asimov… và viết nhiều tiểu luận.

Trong sự nghiệp của mình, Hoshi Shinichi nhận được nhiều giải thưởng. Năm 1962, ba tập truyện cực ngắn “Người đẹp nhân tạo” (人造美人), “Chào mừng người địa cầu” (ようこそ地球さん) và “Ác quỷ chốn thiên đường” (悪魔のいる天国) đã nhận được giải thưởng lần thứ 15 của Hiệp hội tác gia trinh thám Nhật Bản (日本推理作家協会賞) trao tặng. Năm 1968, tập truyện cực ngắn “Ngân hàng ảo tưởng” (妄想銀行) nhận được giải thưởng lần thứ 21 của Hiệp hội này. Ngoài ra tác phẩm của ông cũng có lần vào đến vòng chung khảo giải thưởng Naoki.

Từ năm 2013, giải thưởng Hoshi Shinichi do thời báo Kinh tế lập ra để trao giải thưởng hàng năm cho những truyện cực ngắn xuất sắc.

Tác phẩm của Hoshi Shinichi tuy ngắn gọn và mang nhiều tính chất giả tưởng nhưng chủ yếu là mượn xưa để nói nay, mượn huyễn để độ chân cho chúng ta nhiều bài học thâm thúy về cuộc sống và bản chất con người. Sự thông minh và từng trải của tác giả khiến cho chúng ta nhiều lần mỉm cười suy ngẫm. Khí hậu văn chương truyện tuy giả tưởng nhưng mang tính dự báo rất cao. Vì thế tác phẩm của Hoshi luôn thu hút lượng độc giả đông đảo mọi lứa tuổi từ người lớn đến trẻ em, đặc biệt là những người trẻ tuổi.

Trong bài viết này chúng tôi chọn dịch và phân tích bốn truyện ngắn và cực ngắn của Hoshi Shinichi cùng chủ đề nhân quả để tìm hiểu về thủ pháp xây dựng cốt truyện của bậc thầy truyện cực ngắn Nhật Bản.

Cả bốn truyện ngắn “Nhân quả”, “Ngôi nhà trong rừng”, “Ánh mắt ám ảnh” và “Chuyên gia” đều đề cập đến chủ đề nhân quả nhưng theo từng cách xây dựng câu chuyện khác nhau mà chúng ta có những bất ngờ thú vị đầy suy ngẫm.

- Truyện “Nhân quả” (因果Inga) được xây dựng kiểu tuyến tính, đường thẳng.

- Truyện “Ngôi nhà trong rừng” (森の家Mori no ie) được xây dựng theo kiểu luân hồi, vòng tròn.

- Truyện “Ánh mắt ám ảnh” (凝視Gyoushi) dùng thủ pháp nhân quả đồng thời: trong nhân đã có có quả, hình phạt tại tâm.

- Truyện “Chuyên gia” (専門家Senmonka) dùng thủ pháp tùy biến phá cách.

Chúng ta hãy bắt đầu bằng truyện “Nhân quả”. Truyện được xây dựng theo kết cấu tuyến tính kiểu “gieo nhân” rồi đến “gặt quả”, thời gian báo ứng là vài đời. Đây là kiểu chúng ta thường bắt gặp trong các truyện cổ Phật giáo. Đời trước là samurai tùy tiện chém người, đời sau bị báo ứng bằng tai nạn xe ngay tại địa điểm cũ. Xin trích dẫn nguyên văn:

NHÂN QUẢ

“Vô cùng xin lỗi Ngài. Xin hãy tha thứ cho kẻ tiểu dân. Hãy tha mạng cho kẻ hèn này…”.

Một kẻ thị dân quỳ mọp dưới đất, đập đầu van nài khẩn khoản. Tuy nhiên người võ sĩ đưa tay nắm lấy thanh gươm mà nói.

“Không, không thể nào tha thứ được. Thân phận dân thường mà quá sức vô lễ. Ta đường đường là võ sĩ gia thần của tướng quân tên Mizuno. Thế mà ngươi dám va phải ta là thế nào?”

“Dạ tiểu nhân thật sự không cố tình đâu ạ. Tại vì sẩy chân mà thôi. Xin Ngài hãy tha thứ”.

“Không đời nào. Ta đây phải xử tử ngươi mới xong”.

Thế rồi võ sĩ Mizuno rút gươm ra. Người dân kia gào khóc rồi nghiến răng lẩm bẩm.

“Thật quá đáng. Nỗi hận này ta sẽ không quên. Cho dù có bị giết đi thì linh hồn ta vẫn còn lại nơi con cháu sẽ trả thù con cháu ngươi”.

“Hừ. Còn dám nguyền rủa nữa à?”

Rồi người võ sĩ vung gươm chém đầu.
 

Chiếc xe hơi đang chạy tông phải người đi qua đường. Mọi người tụ tập bàn tán. Cuối cùng cảnh sát cũng đến lấy lời khai và hỏi người lái xe.

“Việc gây ra tai nạn chỗ đường thông thoáng thế này thì thật quá sức bất cẩn. Nạn nhân đã tử vong rồi đấy”.

“Tôi chẳng có ý định biện hộ gì cả. Nhưng mà chắc anh không tin đâu. Tự nhiên trong khoảnh khắc đó tôi cảm thấy như có ma quỷ nhập vào rồi lạc tay lái…”.

“Nếu thế thì thật là tội nghiệp. Người bị hại hình như tên là Mizuno thì phải…”.


Nhịp truyện từ tốn cho ta thấy được trình tự nhân quả xảy ra mạch lạc. Dù vậy tuy truyện có thể truyền đạt được tư tưởng nhưng các diễn tả và xây dựng câu truyện theo kiểu truyền thống, không có nhiều bất ngờ ngoài dự đoán cho độc giả. Dĩ nhiên viết cả ngàn truyện ngắn thì không thể truyện nào cũng thập toàn hoàn mỹ được. Tuy nhiên, chúng ta thấy càng về sau theo thời gian, thi pháp của Hoshi Shinichi càng ngày càng tiến bộ vượt bậc để xứng danh là bậc thầy truyện cực ngắn Nhật Bản.

Sang đến truyện thứ hai, “Ngôi nhà trong rừng” được xây dựng theo kiểu luân hồi, một vòng tròn khép kín. Một tên trộm trên đường tẩu thoát tìm đến một ngôi nhà sâu trong rừng xin nghỉ lại. Trong khi trao đổi nói chuyện với ông lão chủ nhà, hắn phát hiện ông này còn có cả rương vàng bạc bèn nổi lòng tham giết chết chủ nhà hòng chiếm đoạt. Thế nhưng hắn không thể ngờ là chỉ vài ngày hắn lại biến ngay thành lão già, khuôn mặt y đúc ông chủ hắn đã giết, không còn đủ sức mà đi đâu nữa. Hắn phải ở lại căn nhà vĩnh viễn, thay ca canh gác số vàng và chờ một kẻ nào đó đến giết mình mà giải thoát. Truyện này các tình tiết đã bắt đầu có sự biến hóa, việc tên trộm ngay lập tức biến thành già nua, nhăn nheo và phải thay ông lão chủ nhà đã bị giết canh cái rương vàng thật là một sự trừng phạt thích đáng, đủ tàn nhẫn để hắn có thể gặm nhấm tội ác mình gây ra mãi mãi, không biết đến bao giờ. Từ đầu đến cuối câu truyện là một vòng tròn khép kín, như một vòng xoay luân hồi.

NGÔI NHÀ TRONG RỪNG

Một gã thanh niên ôm theo chiếc cặp đi trên con đường vắng tối tăm. Chốc chốc hắn lại ngoái nhìn phía sau rồi vội vàng bước tiếp. Hắn mới thực hiện xong một phi vụ trộm cắp và đang trên đường đào tẩu. Kẻ phạm tội nào chắc cũng vậy mà thôi, vừa lo lắng bất an quay lại xem chừng cảnh sát có đuổi theo hay không vừa liên tục bước đi không ngừng nghỉ.

Càng đi trên đường lớn thì tần suất quay người canh chừng càng nhiều hơn. Vì thế cứ mỗi lần đến ngã tư hay gặp một lối rẽ hắn lại chọn con đường hẹp hơn mà đi. Không cần biết đi đâu, đầu tiên phải an toàn cái đã. Hắn cứ lần đi theo những đường hẹp nữa, hẹp mãi.

Không biết từ khi nào, ánh đèn phố thị đã khuất xa, hắn băng qua một cánh đồng dài hoang vắng. Và rồi hắn bước sâu vào trong một khu rừng. Trăng lên cao, soi ánh chiếu vào con đường nhỏ sâu hun hút. Tối tăm lạnh lẽo cô đơn. Thế nhưng hắn lại cảm thấy phần nào yên tâm mà thở phào nhẹ nhõm. Chắc là cảnh sát chẳng khi nào đuổi theo mình đến tận đây đâu.

Vì đã an tâm nên giờ đây hắn mới cảm thấy cơn mệt mỏi kéo đến do đi bộ đường dài thêm cả đói bụng và khát nước nữa.

“Chà, giờ mình phải làm sao đây nhỉ?”

Hắn lẩm bẩm. Tiền thì đầy túi nhưng hắn lại đang ở trong rừng. Không cách gì lấp đầy bụng rỗng. Dù vậy nhưng hắn không thể nào quay ngược lại ra phố thị cả. Thế là hắn đành lê chân bước tiếp trên con đường nhỏ tối tăm.

Hắn chợt thấy phía xa có ánh đèn hiu hắt. Hắn nhận ra đó là ánh đèn hắt ra từ cửa sổ một căn nhà. Hắn dừng chân lại. Kẻ nào mà lại sống ở một nơi như thế này chứ nhỉ? Nếu mình bước chân vào đó biết đâu chừng bị bắt thì sao? Sau một hồi suy nghĩ phân vân nhưng vì quá mệt mỏi và đói bụng nên hắn quyết định tiến lại gần xem động tĩnh.

Để chắc chắn hắn đi quanh một vòng dò xét thấy căn nhà không hề có đường điện hay dây điện thoại gì cả. Như vậy không cần phải lo sẽ bị gọi điện báo cảnh sát rồi. Lén nhìn qua cửa sổ, hắn thấy trong nhà chỉ có một lão già. Dưới ánh sáng ngọn đèn dầu, lão ngồi dựa vào ghế lim dim mơ màng. Thỉnh thoảng lão lại nhấp một ngụm rượu nơi cái ly để trên bàn. Điệu bộ của lão nửa như thể đang suy nghĩ chuyện gì đó nửa như thể đang đợi chờ ai. Nhưng hắn không thể nào biết hơn được nữa.

Hắn gõ cửa. Vì lão già chỉ có một mình nên mình cũng chẳng cần quá đề phòng. Thế nhưng cánh cửa mãi không mở. Hắn xoay nắm cửa kéo thử xem sao. Không hề có khóa, cánh cửa bật mở rất dễ dàng.

“Xin chào. Xin lỗi đã làm phiền…”.

Hắn cất tiếng chào. Lão già đáp lời.

“Cửa không khóa đâu. Tôi có nghe tiếng gõ cửa nhưng đứng dậy bước ra đó thì phiền quá nên thôi…”.

“Thực ra thì tôi bị lạc đường nên rất hoang mang. Xin phép cho tôi nghỉ nhờ một lát được không ạ?”

Hắn mở lời. Không thể nào đem chuyện trộm cướp đang trên đường đào tẩu mà nói thẳng ra được. Lão già đáp lời với vẻ mệt mỏi.

“Xin mời xin mời. Cứ lấy rượu này mà uống. Sau bếp có cơm và rau củ hầm đấy. Nếu thích thì cứ lấy mà ăn”.

“Thật là may quá. Được lời như cởi tấm lòng…”.

“Làm gì có chỗ nào cho khách khí ở đây. Bụng đói sắp xỉu đến nơi rồi. Hắn vội vàng cảm tạ rồi ăn ngấu nghiến. Cuối cùng cũng bình tâm trở lại. Hắn vừa uống ly rượu lão già đưa cho vừa bắt chuyện.

“Ngon quá. Nhờ ông mà tôi đã khỏe lại rồi”.

“Ấy dà, không cần phải cảm ơn đâu”.

“Ông sống một mình à?”

“Thì như cậu thấy đó thôi”.

“Vậy thì chắc buồn lắm nhỉ”.

Hắn vừa nhìn quanh căn phòng vừa cảm thán. Nhà chẳng có lấy một cái ti vi hay radio nào. Thậm chí chẳng có một tờ báo nào cả. Chắc hẳn là bưu điện không giao hàng đến tận nơi đây chăng? Thế nhưng lão già nhấp thêm một ngụm rượu rồi trả lời.

“Thì cũng ngồi đây nghĩ ngợi chuyện này chuyện kia cho qua ngày tháng nên cũng chẳng buồn chán mấy”.

“Đúng vậy nhỉ. Nhận tiện, cho tôi xin nghỉ nhờ một đêm ở đây có được không? Tôi sẽ đáp lễ mà”.

Hắn mở cặp lấy ra mấy tờ tiền giấy. Đó là số tiền ăn trộm được. Có lẽ là hơi khinh suất khi cho người khác thấy số tiền lớn như vậy nhưng với lão già yếu ớt như thế này chắc chẳng có chuyện gì đâu. Thế nhưng lão già chỉ đáp.

“Tôi không cần đáp lễ gì đâu”.

“Nhưng nếu ông không nhận thì tôi cảm thấy rất áy náy không yên”.

“Tôi đâu cần tiền. Cậu thử nhìn đây mà xem”.

Lão già vươn tay ra mở nắp cái rương gỗ bên cạnh rồi đậy lại. Hắn tròn mắt kinh ngạc. Chỉ nhìn qua chút thôi mà hắn đã thấy thứ gì như những thỏi vàng sáng lấp lánh.

“Quá kinh khủng. Nhưng sao ông để hớ hênh quá vậy. Không có vấn đề gì sao?”

“Chẳng sao cả đâu. Lời đồn căn nhà này bị nguyền rủa đã lan rộng thì phải nên ít có người lai vãng đến đây lắm. Chỉ đôi lúc người bán thực phẩm và rượu đến đây nhận tiền rồi biến đi ngay. Có lẽ vẻ ngoài căn nhà gây cho người ta ấn tượng ghê ghê sao đó. Cậu chắc chưa nhận ra điều này đâu nhỉ?”

“À vì tối quá nên tôi chưa nhìn rõ được”.

“Ừ, có lẽ vậy”, lão già đáp lời.

“Nhưng mà lời đồn về căn nhà này thế nào ạ?”

“À, đại khái là về chuyện tôi đã sống ở đây từ lâu lắm rồi. Thực ra thì cũng chẳng lâu đến thế. Mà hơn nữa căn nhà này cũng chẳng bị nguyền rủa gì đâu…”.

Lời nói của lão già chẳng có đầu đuôi gì cả. Nhưng hắn chẳng thèm nghe. Đầu óc của hắn giờ chỉ toàn nghĩ về số vàng sáng lấp lánh trong chiếc rương kia mà thôi. Đó mới là điều thực sự. Lại còn nghe lão già nói nơi này hiếm có người lai vãng đến mà. Chẳng phải nơi này là chốn tuyệt vời để ẩn náu cho đến khi mọi chuyện êm xuôi hết hay sao? Mình thật muốn chiếm lấy quá. Giờ còn biết đi đâu nữa chứ. Hắn vô cùng kích động. Dù sao thì mình cũng là kẻ tội phạm mà. Giờ cho dù có giết lão già này thì cũng đâu có sao…

Dường như chẳng quan tâm gì đến toan tính của hắn, lão già vẫn tiếp tục uống rượu. Gã nhảy chồm đến. Lão già từ trên ghế ngã vật ra sàn nhưng không một lời kêu cứu, chỉ lầm bầm khe khẽ.

“Ngôi nhà này không bị nguyền rủa mà chính là ta đây. Giờ đến lượt ngươi đó…”.

Toàn những lời vô nghĩa nhưng giờ hơi đâu để tâm đến điều đó. Hắn bóp cổ lão già đến chết sau đó lôi cái xác đi và chôn trong rừng. Cũng đáng đời lắm. Sống một mình ở nơi thâm u này, cửa nhà thì không khóa, lại còn cho người lạ xem cái rương vàng không chút đề phòng gì cả thì có khác gì tự sát chứ?

Mặc dù lương tâm có phần nào cắn rứt nhưng mà sự an tâm khi tìm được chỗ ẩn náu thêm vào cơn mệt mỏi từ hồi trưa lẫn cơn say rượu làm hắn thiếp ngủ say.

Ngày hôm sau, đến gần trưa hắn mới mở mắt thức dậy. Hắn mở cái rương gỗ nhìn xem. Vàng còn nguyên đó chẳng phải giấc mơ hay ảo ảnh. Hắn đếm thử xem sao nhưng giữa chừng đành bỏ cuộc. Vì vàng nhiều quá không sao đếm xuể mà thêm vào đó cũng chẳng cần phải đếm ngay làm gì.

Hắn bất giác nhìn vào tay mình, và nhận ra sự láng mịn của da tay đã biến mất. Nhưng hắn cho rằng đó chỉ là do mình mệt mỏi mà thôi. Rồi hắn lần xuống bếp mang rượu lên uống cho qua ngày. Mãi suy nghĩ đến chuyện làm sao có thể tiêu hết số tiền này mà hắn quên cả thời gian.

Sáng ngày hôm sau, da hắn lại nhăn nheo thêm một mức nữa. Hắn mới thực sự quan tâm. Hắn đưa tay lên sờ mặt cảm giác như lớp nhăn nheo dày thêm. Hắn tìm gương soi thử. Nhưng không hiểu sao trong căn nhà này không có lấy một tấm gương nào.

Hắn nhớ ra mình có mang theo một tấm gương nhỏ trong túi bèn lấy ra nhìn xem rồi bất giác hét lên kinh hoàng. Chỉ mới có hai ngày thôi mà khuôn mặt hắn già đi đến mức không thể nào tin được.

Hắn nghĩ mình nên tìm đến bác sĩ. Nhưng đi ra phố có khác nào tự mình nộp mạng cho cảnh sát đâu. Phải chờ thêm ít lâu nữa mới được. Biết đâu chừng chỉ là do cảm giác của mình thì sao? Mỗi ngày trôi qua hắn lại soi gương và thấy khuôn mặt mình càng già thêm đi. Nếu chỉ có vậy thì không nói làm gì. Quan trọng là khuôn mặt hắn càng ngày càng giống khuôn mặt lão già bị giết chết đó. Không thể nào mà chịu đựng nổi. Muốn tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng nơi đây không có điện thoại cũng chẳng có ai tìm đến. Chẳng còn cách nào khác, hắn muốn làm gì đó, muốn tự thú hết tất cả. Thế là hắn quyết tâm đi ra phố. Nhưng mới bước đi khoảng trăm mét là hắn đã mệt mỏi thở dốc. Không còn sức mà ra đến tận phố nữa rồi. Hắn đã hoàn toàn trở thành một lão già vô dụng.

Hắn bẻ tấm gương vứt đi, ngồi lỳ nơi ghế uống rượu cho qua ngày tháng. Chẳng còn biết làm gì khác. Khoảng hai mươi ngày sau thì có người tìm đến. Đó là người đến giao rượu và thức ăn. Sau khi nhận đủ tiền, gã kia lại vội vàng biến đi ngay. Nhìn vẻ mặt thản nhiên kia là mình đủ biết gã nghĩ mình là lão già đó mất rồi.

Gã đó cứ một tháng ghé một lần. Mình mấy bận định bắt chuyện với gã nhưng gã ta chẳng thèm quan tâm. Cứ nhận tiền xong là lủi đi mất. Mà nếu mình có nói hết sự thật, chắc gì gã đã thèm nghe mà sẽ cho rằng mình chỉ là một lão già điên khùng thôi chăng?

Từ đó, mình cứ sống miệt mài nơi chốn này. Chẳng còn muốn đếm số vàng trong rương làm gì nữa. Vì một lão già sức tàn lực kiệt, không còn sức bước chân ra phố thì làm gì còn cách nào mà tiêu tiền đâu?

Thế là ngày qua ngày hắn chỉ ngồi tựa vào ghế, uống rượu lim dim mơ màng. Lời nói cuối cùng của lão già kia trước khi chết là “ngôi nhà này không phải bị nguyền rủa mà chính là ta đây”. Có vẻ như lão ta cũng tìm đến đây rồi bị lóa mắt bởi số vàng này nên đã ra tay giết chết lão già trước đó nữa cũng nên. Rồi thì vừa lúc đang hí hửng vui mừng thì đã ngay lập tức bị biến thành lão già thì phải. Bị nguyền rủa chính là như vậy. Bây giờ thì mình hiểu rõ ràng rồi.

Mình giờ đã trở thành một lão già. Tuy sức tàn lực kiệt nhưng lại chẳng bệnh tật ốm đau gì. Chẳng có vẻ gì là sẽ chết sớm cả. Đã có lần mình tuyệt vọng tính chuyện tự sát nhưng rồi lại thôi. Nếu có chết thì phải chết cách nào thú vị chút chứ. Chỉ nghĩ thế thôi là đã cảm thấy chán chường bỏ cuộc rồi.

Biết đâu chừng sẽ có kẻ lần mò đến đây. Kẻ đó sẽ vì vàng mà nổi lòng tham giết người chăng? Thôi thì mình chờ đợi vậy. Khi kẻ đó tìm đến mình sẽ làm vẻ mặt hiền lành mà mở rương vàng cho hắn xem chút chơi…


Đến truyện tiếp theo “Ánh mắt ám ảnh” có thể xem là một kiểu nhân quả đồng thời, trong nhân đã có quả, quả hiện ra ngay trong tâm. Đây là một kiểu triết lý rất sâu sắc của tư tưởng Phật giáo chứ không riêng gì của Hoshi Shinichi. Khi chúng ta nghĩ đến việc đánh một người nào đó cho đến khi thực hiện thì chúng ta đã tạo tác nghiệp hai lần, một lần trong tâm ý và một lần ngay thân xác. Nhưng đối với Hoshi Shinichi việc diễn ra quả báo này được miêu tả vô cùng quái lạ đối với nhân vật chính, đưa độc giả vào không khí ghê rợn đến cuối cùng mới mở nút khiến độc giả bất ngờ thú vị. Không những thế tư tưởng nhân quả đồng thời sâu sắc và đầy biện chứng được thể hiện một cách nhịp nhàng, không lên gân thuyết giảng. Đây là điều mà chỉ có ở những tài năng bậc thầy.

ÁNH MẮT ÁM ẢNH

“A, nếu đừng đi qua con đường này thì hay biết mấy…”.

Sau khi nói cho tài xế taxi biết địa điểm đến, một lúc sau Masao lẩm bẩm như thế. Người tài xế nghe được liền giảm tốc độ, cất tiếng hỏi.

“Sao ạ? Quý khách nói gì cơ?”

“À, không có gì đâu. Tôi đang rất vội. Bác chạy nhanh lên giúp tôi”.

Masao vừa nhìn đồng hồ mà trả lời. Chiếc xe taxi tăng tốc, chạy trên con đường lặng gió nóng ẩm buổi hoàng hôn. Những ngọn đèn đường lơ láo thắp lên rải rác chạy vun vút về phía sau.

Nếu cứ chạy thế này thì chắc chắn phải băng qua con đường tàu mà mình đã cố tránh từ lúc chuyện đó xảy ra. Tuy nhiên đêm nay đối với Masao mà nói là cuộc hẹn hò đầu tiên với Yurie. Nếu đến trễ giờ sẽ chẳng hay ho gì. Mình đâu có thời gian rảnh mà đi loanh quanh đường khác cơ chứ.

Đã đến gần chỗ cắt ngang đường tàu. Thanh chắn hạ xuống, phía trước là mấy chiếc xe hơi, xe đạp và một hàng người đang vội vã trở về nhà sắp hàng chờ đợi đoàn tàu dài chạy băng qua. Chiếc taxi chở Masao đứng cuối cùng.

Mình chẳng việc gì phải để tâm quá mức như thế. Masao tự nhủ. Cho dù Haruko đã lao qua chỗ này đâm vào tàu để tự sát thì mình cũng đâu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cơ chứ. Đúng là Haruko quả thật ngoan ngoãn dịu hiền. Cho nên việc mình ngay lập tức phát chán với nàng rồi nhất quyết chia tay có lẽ cũng tệ bạc quá thì phải.

Tuy nhiên việc nàng ta tìm đến cái chết hoàn toàn là ý chí riêng. Mình đâu thể có trách nhiệm đến mức đó được. Masao cố gắng tự thuyết thục mình để ngăn lại cái cảm giác kỳ quái càng lúc càng dâng cao khi chấn động của con tàu dài băng qua đường truyền đến mỗi lúc một gần.

Cuối cùng tàu cũng qua hết, thanh chắn lại được nâng lên.

Bây giờ mình tuyệt đối không được nghĩ đến chuyện ngày xưa nữa. Chỉ cần tập trung nghĩ đến chuyện đi gặp em Yurie hoạt bát xinh tươi thôi. Băng qua đoạn chắn tàu này là ổn cả. Đây là lúc mình phá bỏ điều cấm kỵ tự áp đặt lên mình một cách vô lý. Không có chuyện gì xảy ra cả đâu. Những thứ cấm kỵ chán ngắt nên phá bỏ sớm thì tốt hơn. Mà lúc này đây chính là cơ hội tuyệt diệu để thực hiện.

Chiếc taxi lại tiếp tục lao đi.

“A…”.

Nghe thấy tiếng kêu khe khẽ của Masao, người tài xế liền hỏi.

“Có chuyện gì vậy ạ?”

“À không, do khi băng qua đường tàu người nảy lên một chút thôi mà. Không có gì đâu”.

Đúng vậy, chẳng có gì xảy ra cả. Masao lại tự nhủ. Dù vậy, cơn ớn lạnh đang chạy dọc sống lưng mình bây giờ là cái gì vậy chứ? Dĩ nhiên là do ảo giác mình tưởng tượng ra mà thôi. Tất cả là vì mình quá để tâm đến chuyện cũ. Masao lẩm nhẩm gật đầu. Thế nhưng hắn vẫn không cảm thấy nhẹ nhõm thanh thoát khi phá được điều cấm kỵ như đã chờ đợi.

Bất chợt hắn cảm thấy như có ai đó đang nhìn mình liền ngoảnh đầu ra phía sau nhìn qua cửa kính xe thử xem sao. Nhưng trong buổi hoàng hôn chạng vạng đã dần phủ dày bóng tối, nhưng trong dòng xe cộ qua lại ngược xuôi Masao chẳng tìm thấy điều gì có thể gây cho mình chú ý cả.

“Em đợi anh có lâu không?...”

Nghe Masao hỏi như thế, Yurie trả lời.

“Em cũng vừa mới đến thôi mà. Mà anh sao thế? Sắc mặt anh xanh xám rồi kìa”.

“À, chắc lúc nãy đi ngoài gió lạnh nên bị cảm chút đấy mà…”.

“Anh thấy mệt à?”

“Không, chẳng có gì đâu em”.

Tuy thế cuộc hẹn với Yurie ngay hôm đó không được xuôi chèo mát mái lắm.

“Bữa nay anh bị làm sao vậy nhỉ? Em cứ thấy anh thường xuyên quay người lại nhìn phía sau từ nãy đến giờ…”.

Yurie lấy làm khó hiểu.

“Vậy sao?”

“Vậy sao là thế nào? Khi xem phim trong rạp với khi đi trên đường anh cũng đều liên tục quay đầu liếc dọc nhìn ngang. Đây không phải là bộ phim mình xem lúc nãy và chẳng có tên sát thủ nào đuổi theo anh đâu”.

Yurie cười rạng rỡ.

“À, không hiểu sao anh cứ cảm thấy như có ai đó từ phía sau đang nhìn mình em ạ”.

“Chà, kỳ vậy? Lúc nãy trong rạp chiếu phim mình ngồi ở ghế sau cùng cơ mà. Làm gì có ai nhìn chứ?”

“Ừ, đúng như vậy thật nhỉ”.

“Chắc anh bị suy nhược thần kinh đấy thôi. Lần tới mình ra biển chơi nghe. Cứ vui đùa một ngày dưới nắng ấm trời xanh là anh hết ngay căng thẳng lo âu thôi”.

“Tuyệt vời. Vậy cuối tuần này hai đứa mình đi nhé”.

Sau khi chia tay Yurie rồi mà ánh nhìn ám ảnh không biết từ đâu đó vẫn bám riết theo Masao, không chịu buông tha. Sau khi quay trở về nhà mình, khóa cửa lại, khi đi tắm hay thay đồ Masao đều cảm thấy ánh mắt kỳ lạ đó. Cuối cùng, chuyện này là sao vậy nhỉ?

Masao đứng dậy, gỡ mấy bức tranh chân dung treo trên tường xuống, lấy giấy bọc lại. Thế nhưng ánh mắt ám ảnh vẫn còn nguyên đó.

Hắn thu gom mấy tờ tạp chí có hình bìa nhân vật nằm rải rác trong phòng xếp chồng lại rồi cất vào ngăn tủ đựng chăn màn. Tuy nhiên chẳng có gì thay đổi.

Thậm chí mấy tờ rơi quảng cáo có hình chân dung, có ánh mắt người đều được thu dọn sạch sẽ. Thế nhưng ánh mắt vẫn còn nguyên ám ảnh.

Thật là. Cuối cùng hắn phải nghĩ đến một giả thuyết mà hắn đã cố gắng né tránh bấy lâu nay. Đó chắc chắn là ánh mắt của Haruko. Dĩ nhiên là nàng ta đã chết. Masao càng cố gắng phủ định thì càng chắc chắn ánh mắt đó là của Haruko. Ánh mắt thường hay cúi xuống e thẹn ngước nhìn hắn với vẻ uất hận không tan. Dưới con mắt đó là một cái nốt ruồi thương phu trích lệ. Đó là ánh mắt nhìn hắn lần cuối cùng khi Masao buông lời chia tay dứt quyết.

Masao lên giường ngủ, lấy chăn phủ kín người bất chấp cái nóng ngột ngạt của mùa hè. Thế nhưng ánh mắt đó không biết từ đâu vẫn không ngừng dõi theo. Hắn nằm sấp thì ánh mắt từ trên trần nhà nhìn xuống, hắn xoay người qua phải qua trái cũng đều cảm thấy ánh mắt phía sau lưng. Và khi hắn thử nằm ngửa người ra thì ánh mắt từ phía dưới giường áp sát.

Chắc hẳn mình bị suy nhược thần kinh thật rồi. Cuối tuần này đi biển mình phải dứt khoát thanh tẩy thôi. Hắn đưa ra quyết định trong khi vẫn bị ánh mắt ám ảnh không ngừng, liên miên bất tuyệt.

Hai ngày sau đó, Masao vừa đọc truyện hài, uống bia, cố gắng tranh đấu với tia nhìn ám ảnh đó để chờ đến cuối tuần.

“Thế nào anh, biển xanh trải dài. Vui vẻ một ngày ở nơi gió lộng nắng vàng thế này thì mọi phiền não của anh sẽ tiêu biến cả thôi. Mình đi bơi nào”.

Biển xanh, bờ cát nóng ấm. Ánh nắng mùa hè chói chang. Giữa khoảng trời đất này làm gì có chỗ cho những nỗi bất an vô nghĩa.

“Được rồi, vậy anh thay đồ bơi đã”.

Theo lời Yurie, Masao cũng mong muốn rũ bỏ được cơn mệt mỏi rã rời thời gian qua nơi vùng biển này.

“Ủa, sao thế nhỉ? Lần đầu tiên em nhìn thấy đấy”.

Nhìn thấy Masao thay đồ bơi xong, Yurie sửng sốt.

“Chuyện gì thế?”

“Người anh có một vết bớt này”.

“Làm gì có chứ. Chỗ nào đâu?”

“Đây này, anh xem”.

Yurie chỉ vào phía sau lưng Masao.

“…Nhưng mà vết bớt này hình dáng thật kỳ lạ. Nó giống hệt con mắt người anh ạ. Hơn nữa, cái nốt ruồi chỗ này thật y đúc như nốt ruồi thương phu trích lệ dưới con mắt luôn đó anh”.


Cuối cùng có thể nói truyện cực ngắn “Chuyên gia” đã nâng tầm mức biến hóa của thủ pháp lên cao độ làm cho độc giả bất ngờ sửng sốt đến phút cuối cùng mới nhận ra đây là một truyện nói về chủ đề nhân quả. Lời tự thú của một tay phi tang xác chết bậc thầy khiến độc giả hoàn toàn bị đánh lạc hướng tưởng rằng truyện nói về những bí quyết phi tang thi thể. Thế nhưng chỉ vài dòng cuối cùng, Hoshi Shinichi làm tình huống câu truyện hoàn toàn đảo ngược. Và bài học rút ra ở đây là nhân nào quả đó, trồng dưa được dưa trồng đậu được đậu lưới trời lồng lộng thưa mà không lọt. Cho dù có tìm mọi cách phi tang hay thuê người dọn dẹp xử lý bậc thầy thì cuối cùng chính kẻ sát nhân phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Có thể nói đây là một kiệt tác của Hoshi Shinichi cả về văn phong lẫn việc xây dựng kết cấu câu truyện.

CHUYÊN GIA

Bất kỳ ai cũng vậy thôi. Khi đã giết người hay chuẩn bị giết người thì tôi nghĩ điều khổ tâm nhất chính là việc xử lý thi thể sao cho thích đáng. Những lúc đó như thể ta phải bắt tay vào chữa trị một căn bệnh vậy. Nhưng tay còn non nớt tốt nhất không nên cho đụng chạm vào là hơn. Việc đó chỉ càng làm tình thế thêm phần nguy hiểm và tệ hại hơn thôi.

Đối với kẻ tay mơ vì vẫn chưa quen nên cứ ráng tự mình xử lý từ đầu đến cuối. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, ngực đập thình thịnh, mắt cứ nhìn dáo dác xung quanh dù chẳng có ai, lại còn không ngừng thở dài ảo não.

Vì cứ hốt ha hốt hoảng không yên nên cứ muốn dùng dao chặt nhỏ để phi tang cho dễ. Mà đã bắt đầu chặt xác thì máu sẽ chảy đầy ra lại càng thêm phần hoảng loạn. Họ quên ngay cả một điều đơn giản là cứ chặt xác là máu đương nhiên sẽ phải chảy ra đây mà. Và điều đó khiến việc thu dọn xử lý mãi mà không sao hoàn tất được. Nhìn từ góc độ của một chuyên gia như tôi mà nói thì đúng là xiết bao tội nghiệp.

Đúng vậy, trong lĩnh vực này thì tôi là một chuyên gia. Những lúc như thế xin quý vị hãy cứ liên lạc với tôi đừng do dự. Tôi tuyệt đối sẽ xử lý nhanh gọn. Chưa từng có ai theo kịp tôi trong khoản này đâu. Kỹ thuật của tôi thuần thục đến mức có thể gọi là nghệ thuật. Hành sự âm thầm chu đáo cẩn mật, được khách hàng tín nhiệm lâu năm. Hơn thế, tôi còn trang bị những thiết bị khoa học tân tiến nhất, khiến tốc độ xử lý nhanh chóng hàng đầu. Những khách hàng đã sử dụng dịch vụ của tôi đều cảm tạ đến tận mãi về sau này. Bao nhiêu năm làm việc tôi chưa lần thất bại.

Tuy nhiên không cần phải nói thì quý vị cũng biết tôi không thể nào giương cao bảng hiệu nghề nghiệp đường đường chính chính được cả. Nói cho cùng đây chỉ là nghề tay trái mà thôi. Nghề chính của tôi như quý vị thấy là kinh doanh tại cơ sở mai táng R. Giờ chắc quý vị đã hiểu tại sao tôi có thể bình tĩnh ung dung mà xử lý xác chết rồi nhỉ. Hơn thế nữa cơ sở tôi cũng có một chiếc xe tang. Cứ chất thi thể lên xe là có thể ung dung đưa đi đến đâu cũng được.

Không chỉ vậy, tôi cũng đã bỏ tiền ra mua một mảnh đất sát gần một ngôi chùa, có thể giả làm nghĩa trang mà cho chôn trong đất của tôi cũng được. Hoặc giả như quý vị muốn dìm xuống biển, hay chặt nhỏ làm mồi cho heo ăn thì tất cả những yêu cầu đó tôi đều có thể đáp ứng.

Có lẽ quý vị sẽ có chút hồ nghi rằng vậy trong trường hợp mà ra tay những chỗ khó đưa thi thể lên xe tang thì sẽ phải làm như thế nào chăng? Tôi đã chuẩn bị đầy đủ trong những trường hợp như thế. Trong cái hộp này có tất cả những dụng cụ cần thiết để xử lý tình hình.

Tôi lấy một ví dụ như quý vị ra tay sát hại một cô gái trẻ trên sân thượng một tòa cao ốc. Khi tôi chạy đến, đầu tiên tôi phải lột trần thi thể ra. Sau đó, tôi lấy từ trong hộp dụng cụ một bình phun sương. Bình này chứa nhựa lỏng kết hợp với sơn trắng. Thế là chẳng bao lâu sau, thi thể khô đi, trở nên trơn nhẵn sáng bóng. Sau đó tôi vẽ lại mặt mày cho xác chết. Thế là nhìn không khác gì một con ma nơ canh.

Thế là tôi cứ thế vác đi ra ngoài đường mà không sợ dị nghị hay soi mói gì cả. Thảng hoặc đôi khi bị viên cảnh sát nhắc nhở rằng “Để như vậy không kỳ lắm. Lấy tấm vải mà bọc lại đi chứ” thì tôi cũng đã chuẩn bị sẵn tấm vải đây để quấn lại đàng hoàng.

Tuy nhiên nếu là xác nam giới to lớn, mập mạp thì không dùng cách này được. Trong trường hợp đó, tôi phải dùng bình phun nhựa lỏng trộn với sơn màu xám để làm thành tượng đá hay màu đen bóng để giả làm thành tượng đồng. Và rồi mang thi thể chất lên xe tải sẽ ổn thỏa cả. Tôi cũng đề phòng nếu như trường hợp có những ánh mắt nhìn soi mói. Trong hộp dụng cụ này có sẵn một cây búa, dùng để gõ lên thi thể là xong. Trong trường hợp tượng đá sẽ phát tiếng kêu “cạch cạch”, còn tượng đồng thì kêu “boong boong”.

Dĩ nhiên đây là tiếng kêu phát ra khi ấn nút trên cây búa cho nên nếu nhầm lẫn thì thật là tai hại. Nhưng đối với chuyên gia mà nói thì chưa từng có chuyện sai sót gì.

Trường hợp xác chết trong nhà thì càng dễ xử lý hơn nữa. Bởi vì nhà nào cũng có ổ cắm điện cả. Tôi cắm một đầu dây vào để sử dụng cái cưa điện giảm thanh này. Tốc độ cưa cực nhanh, cưa tay trong vòng năm giây, cưa thân mình trong vòng mười giây là gọn gàng. Đương nhiên máu sẽ chảy ra nhưng tôi có gắn thiết bị phòng ngừa đàng hoàng. Đây là miếng chắn ngăn máu khỏi văng ra được thiết kế trên cơ sở tính toán hoàn hảo, phòng ngừa máu văng ra đến mức tối đa.

Hơn thế nữa, cùng lúc với lưỡi cưa điện hoạt động thì nhựa lỏng từ hai bên mép lưỡi cưa cũng được phun ra. Đây không phải là dầu bôi trơn để cưa cho dễ mà làm cho vết cắt khô đi, ngăn cho máu chảy. Khi lớp nhựa lỏng này tiếp xúc với mặt cắt liền khô ngay vì thế mà máu ngay lập tức ngưng chảy.

Như vậy ta có thể cưa ra bao nhiêu khúc với kích cỡ thích hợp để có thể mang đi bất cứ đâu. Còn lại tôi sử dụng bình xịt có chứa thuốc khử mùi tanh phun xung quanh phòng là công việc hoàn thành.

Trong trường hợp vô cùng khẩn cấp, tôi cũng có chuẩn bị sẵn một cái đèn xì trong hộp dụng cụ. Cái đèn nhiệt độ cao này trong tích tắc có thể thiêu đốt xác chết thành tro nhưng nếu dùng không khéo thì có nguy cơ xảy ra hỏa hoạn. Vì thế mà tôi đang nghiên cứu cải tiến, để có thể phục vụ quý khách hàng được tốt hơn.

Sao nào? Đụng vào tay chuyên gia là mọi chuyện khác hẳn phải không? A, điện thoại reo rồi. Chắc là khách hàng đây mà. Tôi cầm ống nghe và quả nhiên là đúng như thế.

“Tôi muốn nhờ anh giúp cho việc đó”.

“Vâng, tôi hiểu rồi ạ. Món hàng ở đâu ạ?”

“Hiện giờ thì chưa. Tối nay, lúc mười hai giờ đêm tôi mới ra tay trong khu rừng nơi công viên, sau đó nhờ anh thu dọn giúp”.

“Vâng, tôi sẽ dọn sạch ngay lập tức ạ. Thế nhưng anh định ra tay kiểu gì?”

“Anh cứ làm cho tốt là được. Phương pháp của tôi anh không cần biết đến thì hơn”.

“Vâng, về điểm này xin cứ yên tâm ạ”.

Tôi chỉ dẫn cho anh ta chuyển tiền vào tài khoản, ghi nhớ địa điểm thật kỹ rồi âm thầm ngồi chờ đêm xuống.

Việc xử lý thi thể nơi công viên khó khăn đến mức không ngờ. Vì không thể đưa xe hơi vào được nên không thể sử dụng xe tang. Biến xác chết thành tượng đồng mà mang ra thì cũng được đó nhưng lại dễ bị nhầm là kẻ trộm. Ngoài ra, không có ổ cắm điện nên không thể dùng cưa, mà ánh sáng của đèn xì lại dễ gây ra sự chú ý. Nhưng trong lĩnh vực này tôi vốn là chuyên gia.

Tôi mang theo một cái cặp nhỏ tiến sâu vào công viên. Quả nhiên nơi đó có một thi thể đàn ông bị siết cổ nằm sóng soài. Đầu tiên tôi lấy bình xịt phun sơn đen kín toàn bộ thi thể. Tiếp theo tôi dùng bình đựng khí hydro cầm tay để thổi một khinh khí cầu nhỏ màu đen. Gắn chặt xác chết vào đó là quả khí cầu trôi bồng bềnh giữa trời đêm không trăng sao. Tôi nắm lấy một đầu dây thừng, kéo quả khí cầu lơ lửng bước ra ngoài công viên.

Dù đi trên đường nhưng tôi không sợ sẽ có người nhìn thấy trong cảnh phố phường nhá nhem. Có hai ba kẻ say rượu đi ngược chiều với tôi nhưng họ không thể ngờ trên khí cầu lại có gắn một xác chết.

Tôi vừa đi chậm rãi vừa huýt sáo. Bỗng nhiên quả khí cầu chợt đứng yên.

“Sao kỳ lạ vậy nhỉ?”

Tôi nheo mắt nhìn lên tìm hiểu nguyên nhân thì ra là sợi dây thừng buộc quả khí cầu bị vướng mắc vào một cái ban công nơi tầng hai của một tòa nhà có vẻ là khách sạn thì phải. Tôi lần theo sợi dây bước lên ban công.

Trong khi cố gắng gỡ sợi dây, tình cờ tôi nhìn vào trong phòng thấy có một người đang say ngủ. Và thế là một ý tưởng trêu đùa trong tôi khởi lên. Tôi gỡ xác chết, lén mở cửa sổ rồi từ từ đẩy vào phía trong. Làm như vậy sẽ có một kẻ khác chịu tội thay mình. Đúng là tàn nhẫn nhưng mà chẳng phải cũng khoái ru?

Nhưng tôi không thể ngờ rằng vị thân chủ nhờ tôi xử lý lại nằm nghỉ trong căn phòng đó. Ngay khi thức dậy nhìn thấy ông ta đã phát điên và giờ vẫn còn ở trong bệnh viện tâm thần.

Dù sao đi nữa, trong lĩnh vực này tôi là chuyên gia thượng đẳng. Tay nghề kỹ thuật của tôi chắc hơn hơn hẳn những non tay. Xin quý vị yên tâm sử dụng. Trong những phi vụ đã thực hiện, tôi chỉ thất bại duy nhất một lần này mà thôi.


Như vậy qua việc tuyển dịch phân tích nghệ thuật xây dựng cốt truyện về chủ đề nhân quả của Hoshi Shinichi, chúng ta có rất nhiều điều cần học hỏi. Thứ nhất việc viết về chủ đề nào không quan trọng bằng cách chúng ta viết ra sao. Thứ hai ngay cả một bậc thầy không phải lúc nào cũng sản sinh ra kiệt tác và có lẽ không có một tác phẩm hoàn hảo theo đúng nghĩa từ nguyên. Thế nhưng việc liên tục tìm kiếm các cách diễn đạt mới trong ngôn ngữ, không ngừng đào sâu phân tích tâm lý con người, vốn sống phong phú từng trải cùng với niềm say mê văn chương bền bỉ sẽ giúp cho những văn nhân, thi sĩ càng ngày càng viết hay hơn và có những tác phẩm để đời. Điều này không chỉ đúng riêng cho văn chương mà còn trong tất cả những lĩnh vực khác của đời sống nếu chúng ta muốn làm điều gì có ý nghĩa cho cuộc đời hay ít nhất cảm thấy được cuộc đời mình đáng sống. Tất cả đều có thể gợi cảm hứng cho chúng ta. Sự cần cù chăm chỉ làm việc miệt mài trong im lặng để viết lên những câu chuyện để đời của các nhà văn luôn khiến cho chúng ta cảm kích. Và nếu điều đó khiến chúng ta dâng trào cảm hứng muốn cầm bút lên và viết tên mình tiếp nối vào lịch sử văn học thì sứ mệnh của một nhà văn có thể xem như đã hoàn thành.

H.L  
(TCSH395/01-2022)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng